0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (45 trang)

Phân bố bệnh theo giới và tuổi

Một phần của tài liệu NHẬN XÉT TÌNH HÌNH TRẺ MẮC MỘT SỐ BỆNH TRUYỀN NHIỄM NGOÀI DIỆN TIÊM CHỦNG MỞ RỘNG ĐIỀU TRỊ NGOẠI TRÚ TẠI TRẠM Y TẾ PHƯỜNG THUẬN THÀNH - THÀNH PHỐ HUẾ (Trang 30 -30 )

4.2.1. Đối với bệnh sốt Dengue–Sốt Dengue xuất huyết là loại bệnh thường gặp ở các nước nhiệt đới, trong đó có Việt Nam, đặc biệt nơi nào chịu ảnh hưởng của nắng nóng, độ ẩm cao và mùa mưa kéo dài [7], [9], thì Thừa Thiên Huế là vùng thuận lợi cho sự phát triển của muỗi Aedes Aegypti, chính vì vậy

mà trong suốt thời gian từ tháng 3 năm 2007 đến tháng 3 năm 2008 chúng tôi đã nhận thấy số bệnh nhi mắc sốt Dengue–sốt Dengue xuất huyết khá nhiều và rải rác quanh năm. Cụ thể riêng tại phường Thuận Thành – Thành phố Huế có 90 trường hợp, trong đó trẻ nam chiếm 45,7%, trẻ nữ chiếm 40,2% (Theo bảng 3.3). Tỷ lệ mắc bệnh này không khác biệt với các đề tài nghiên cứu trong nước của một số tác giả: Lê Thanh Bình, Nguyễn Thanh Hùng, [4], [9] và không có sự khác biệt về mặt thống kê giữa 2 giới.

Riêng về lứa tuổi mắc bệnh, chúng tôi ghi nhận không có trẻ nào dưới một tuổi bị sốt Dengue-sốt Dengue xuất huyết (DXH). Theo tác giả nước ngoài Dengue hé morragique: Deagnostic, traitémnt, Prévention et lutte. [31] cho biết phần lớn trẻ dưới 2 tuổi hiếm khi bị mắc bệnh sốt Dengue-sốt Dengue xuất huyết, bởi vì nhóm này được sự bảo vệ của sữa mẹ. Do đó nghiên cứu của chúng tôi phù hợp với nghiên cứu của các tác giả: Bùi Thị Mai Phương [14], Trương Uyên Ninh [11].

Trong khi đó nhóm tuổi từ 3-6 tuổi chiếm tỷ lệ cao là 66,7%, điều này có thể giải thích như sau: muỗi Aedes Aegypti hoạt động mạnh vào thời điểm từ 5 giờ chiều cho đến 8 giờ tối, khoảng thời gian này trẻ em lứa tuổi trên không được bảo vệ chu đáo, cha mẹ ít quan tâm đến hoạt động của mỗi, cho nên dễ bị chích đốt và truyền bệnh dễ dàng. Đó là yếu tố thuận lợi nói lên tần suất mắc bệnh cao của quần thể từ 3- 6 tuổi. Với số lượng bệnh nhi bị sốt Dengue – sốt DXH điều trị ngoại trú tại trạm Y tế phường Thuận Thành- Thành phố Huế là 90 trường hợp chiếm 43,69% so với 184 trường hợp điều trị tại khoa nhi lây Bệnh viện Trung ương Huế chiếm 30,46%, đây là một số lượng lớn ở hai cơ sở điều trị, chứng tỏ dịch đang xảy ra rải rác trong địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế kéo dài trong nhiều năm qua [4], [7].

4.2.2. Đối với bệnh quai bị

Hà Nội đã có Vaccine phòng bệnh quai bị. Riêng tại các tỉnh miền trung loại Vaccine MMR (ROR) còn hạn chế do vậy dịch bệnh quai bị vẫn tản phát trong vài năm qua tại Thành phố Huế.

Vấn đề chẩn đoán dịch bệnh tại trạm Y tế , người ta còn dựa chủ yếu vào điều trị lâm sàng và phương pháp điều trị cũng như cách theo dõi tại nhà [15], tuổi mắc bệnh trong nghiên cứu của chúng tôi gặp ở trẻ trên 6 tuổi chiếm 90,9%. Theo lý thuyết bệnh quai bị ở trẻ em dưới 6 tháng hiếm xảy ra nhờ có sự bảo vệ của sữa mẹ [6], [15], chính vì vậy theo kết quả ở biểu đồ 3.6 chúng tôi không ghi nhận trường hợp nào bị mắc quai bị ở nhóm tuổi dưới 1 tuổi.

Về mặt tổn thương ngoài tuyến nước bọt do Quai bị, theo tác giả Võ Thị Thiên Hương, Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận:

+ Viêm não: hiếm(0,5%) xãy ra đồng thời hoặc sau khi viêm tuyến mang tai khoảng 2-3 tuần.

+ Viêm tinh hoàn và mào tinh hoàn: có thể gặp ở thanh thiếu niên sau tuổi dậy thì với tỷ lệ 20%-30%, biến chứng này có khi xuất hiện đơn độc không kèm theo biểu hiện viêm tuyến mang tai, xuất hiện 6-10 ngày sau viêm tuyến mang tai hoặc trước đó hay cùng lúc, thường hiện tượng viêm chỉ ở một bên.

+ Viêm tuỵ cấp: ít gặp (3%-7%), xuất hiện 3-5 ngày sau viêm tuyến mang tai, thường nhẹ, không triệu chứng, những trường hợp nặng, tạo nang giả…được nghi ngờ khi sốt cao, đau và phản ứng thành bụng, ói, truỵ mạch… Diển tiến: lành tính, đôi khi tạo nang giả, tiểu đường, suy tuỵ, chẩn đoán khi 90% bệnh nhân bị Quai bị có tăng Amylase máu.

+ Quai bị và thai nghén: không rõ mối liên quan giữa Quai bị với u xơ sợi đàn hồi nội tâm mạc. Nếu nhiễm bệnh trong 3 tháng đầu có khả năng dị dạng thai, sẩy thai. Mắc bệnh trong 3 tháng cuối có thể tăng khả năng thai chết lưu hoặc sinh non.

+ Viêm cơ tim: nhẹ, xảy ra 5-10 ngày sau khi viêm tuyến mang tai, biến mất sau 35 ngày với triệu chứng đau vùng trước tim, mệt nhọc và nhịp tim chậm. Tử vong hiếm khi xãy ra.

+ Biểu hiện mắt: viêm tuyến lệ, thần kinh thị giác, màng bồ đào, kết mạc, võng mạc, tắc tĩnh mạch trung tâm, ảnh hưởng thị lực thoáng qua, hồi phục sau 10-20 ngày.

Những biến chứng nói trên chúng tôi chưa gặp ở những bệnh nhi tại trạm Y tế phường Thuận Thành.

Số lượng bệnh nhi mắc quai bị tại phường Thuận Thành – Thành phố Huế là 11 ca chiếm 5,34%. Trong khi đó tại phòng nhi lây, khoa nhi Bệnh viện Trung ương Huế có 21 trường hợp, chiếm tỷ lệ 3,48%. Rõ ràng trong cùng một thời gian hai cơ sở tiếp nhận bệnh quai bị với số lượng không lớn, chưa biểu hiện dịch xảy ra và sự khác biệt nhau không có ý nghĩa thống kê (p> 0,05).

4.2.3. Đối với bệnh thủy đậu

Đây là một loại bệnh lây truyền qua đường hô hấp do virus thuộc họ Varicella zoster gây ra, bệnh chỉ xảy ra một lần và được miễn dịch vĩnh viễn [21], bệnh gặp ở mọi lứa tuổi.

Qua theo dõi tại trạm Y tế phường Thuận Thành thì về mặt biến chứng của bệnh theo Cao Ngọc Nga, Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận

+ Nhiễm trùng da là biến chứng thường gặp nhất của bệnh thuỷ đậu. Vi khuẩn thường gặp là Streptococcus pyogenes và Staphylococcus aureus. Biến chứng xảy ra do nốt thuỷ đậu bị vỡ hoặc đã bị trầy xước do bệnh nhân gãi. Viêm mô tế bào, viêm hạch ngoại biên, áp xe dưới da cũng có thể xảy ra.

+ Hoặc viêm phổi thuỷ đậu: hiếm gặp ở trẻ em, nhưng ở người lớn và người bị suy giảm miển dịch mắc phải, chiếm tỷ lệ 20%-30%. Đây là biến

chứng nguy hiểm, có thể xảy ra trong thời kỳ đầu mọc với sốt cao, thở nhanh, khó thở, tím tái, đau ngực và ho ra máu. Chụp Xquang thấy hình ảnh tẩm nhuận dạng nốt và viêm phổi kẻ. Viêm phổi thuỷ đậu sẽ đe dọa tính mạng bệnh nhân nếu có thai bị thuỷ đậu trong 6 tháng sau của thai kỳ.

+ Hoặc dị tật bẩm sinh: trẻ có mẹ bị bệnh thuỷ đậu trong 3 tháng cuối của thai kỳ, sau khi sinh ra có thể bị di tật bẩm sinh như sẹo da, teo cơ, bất thường ở mắt, chậm phát triển tinh thần.

Mẹ bị thuỷ đậu 5 ngày trước khi sinh sẽ gây một tỷ lệ tử vong đáng kể cho trẻ sơ sinh vì phần lớn trẻ không nhận được kháng thể của mẹ truyền cho. Trong trường hợp này tỷ lệ tử vong khoảng 30%, ở những trẻ này, các cơ quan nội tạng thường bị tổn thương đặc biệt ở phổi.

+ Ngoài ra biến chứng viêm não thuỷ đậu là biến chứng thần kinh thường gặp nhất chiếm tỷ lệ 0,1%-0,2% tổng số bệnh nhân bị thuỷ đậu đặc biệt ở người lớn. Triệu chứng thần kinh thường xuất hiện sau khi nốt bọng nước từ 2-6 ngày, nhưng cũng có thể xảy ra trong thời kỳ ủ bệnh hoặc trong giai đoạn hồi phục.

Những biến chứng như trình bày trên tại trạm Y tế phường Thuận Thành không thấy xảy ra.

Theo kết quả nghiên cứu ở biểu đồ 3.7, bệnh thuỷ đậu xảy ra với tỷ lệ cao ở mọi lứa tuổi của trẻ em trên một tuổi. Hiện nay ở tỉnh Thừa Thiên Huế chưa có Vaccine đại trà, nên bệnh vẫn trở thành dịch quanh năm trên địa bàn của thành phố. Cụ thể tại trạm Y tế phường Thuận Thành có 46 trẻ bị mắc bệnh chiếm 22,3%, và cùng thời gian năm 2007, đầu năm 2008 tại khoa nhi bệnh viện Trung ương Huế tiếp nhận điều trị 24 trường hợp chiếm 3,97%. Hai tỷ lệ này khác nhau có ý nghĩa thống kê (p < 0,01).

4.2.4. Đối với bệnh lỵ trực trùng

trên thế giới không có Vaccine phòng ngừa. Muốn tránh bệnh xảy ra, biện pháp hữu hiệu nhất là vệ sinh an toàn thực phẩm và đối với trẻ em thì việc ăn chín uống sôi và vệ sinh tay sạch trước và sau cho ăn sẽ ngăn chặn được dịch bệnh.

Ở các nước đang phát triển, dịch bệnh lỵ trực trùng đang trên đà cải thiện, tuy nhiên ở nước ta do hoàn cảnh kinh tế và ý thức cá nhân trong lĩnh vực Y tế chưa tốt nên bệnh vẫn còn dịch rải rác.

Theo Phạm Thị Lệ Hoa trong tài liệu bệnh truyền nhiễm thuộc Đại hoc Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận đường lây như sau: người bệnh không được điều trị tiếp tục thải vi trùng ra phân 6 tuần sau khỏi bệnh, là nguồn lây quan trọng.

Vi trùng được tìm thấy rất nhiều trên các đồ dùng của người bệnh, đặc biệt là bồn vệ sinh, tay nắm của nhà cầu. Vi khuẩn có thể xuyên qua giấy vệ sinh, nhiễm vào tay người bệnh, có thể cấy dương tính sau nhiễm khuẩn 3 giờ.

Bệnh lây chủ yếu trực tiếp từ người bệnh sang người lành do tiếp xúc, hoặc gián tiếp qua dùng chung đồ dùng với người bệnh. Đường lây gián tiếp qua thức ăn và nước uống, do ruồi nhặng truyền bệnh cũng thường xảy ra. Vi trùng nhạy cảm với sự khô ráo, nhưng sống được nhiều tháng ở nhiệt độ thích hợp trong thức ăn và nước uống.

Bệnh có thể gây dịch ở những nơi sống chật chội, vệ sinh cá nhân kém, nguồn nước bị ô nhiễm, nơi có tập quán dùng phân tươi để bón hoa màu.

Bệnh hay bộc phát trong các tập thể như nhà dưởng lão, bệnh viện tâm thần, các trung tâm nuôi trẻ chậm phát triển, nhà trẻ, trường học, trại tân binh, ký túc xá, nhà giam…

Tại trạm Y tế phường Thuận Thành-Thành phố Huế, chẩn đoán lỵ trực trùng dựa theo tiêu chuẩn của chương trình CDD là trẻ đi tiêu chảy phân có máu và kèm theo sốt [2], [3], [ 12], vì thế trong hơn 1 năm qua

chúng tôi ghi nhận có 59 trường hợp chiếm 28,6% trong tổng số 206 trường hợp đã nghiên cứu.

Đặc biệt bệnh lỵ trực trùng ở trẻ em dưới 1 tuổi chiếm 5,1% và trẻ từ 3 – 6 tuổi chiếm 52,5%. Điều này phản ánh điều kiện vệ sinh ăn uống và cách chăm sóc trẻ còn nhiều thiếu sót trong công tác giáo dục, chăm sóc sức khoẻ ban đầu. Nhận xét này phù hợp với một số đề tài nghiên cứu trong nước [17], [18].

Trong tổng số bệnh nhi điều trị lỵ trực trùng tại trạm Y tế phường Thuận Thành – Thành phố Huế có 59 ca chiếm tỷ lệ 28,64%. So với số lượng bệnh nhi tại phòng nhi lây là 375 trường hợp, chiếm 62,09% cùng trong khoảng thời gian 1 năm. Cả 2 cơ sở điều trị này có số lượng khá lớn bệnh lỵ trực trùng. Điều này nói lên đây là một vụ dịch tản phát quanh năm ở Thừa Thiên Huế, và sự khác biệt giữa 2 cơ sở có ý nghĩa thống kê (p < 0,01).

Một phần của tài liệu NHẬN XÉT TÌNH HÌNH TRẺ MẮC MỘT SỐ BỆNH TRUYỀN NHIỄM NGOÀI DIỆN TIÊM CHỦNG MỞ RỘNG ĐIỀU TRỊ NGOẠI TRÚ TẠI TRẠM Y TẾ PHƯỜNG THUẬN THÀNH - THÀNH PHỐ HUẾ (Trang 30 -30 )

×