5. Phương pháp nghiên cứu
3.2. Cách sử dụng ngôn từ
3.2.1.Ngôn từ trang nhã, uyên bác
Một đặc điểm nghệ thuật nổi bật khác trong từ Tống là việc sử dụng ngôn từ vừa trang nhã, uyên bác vừa giàu hình ảnh và cảm xúc. Như vậy, ngôn từ trang nhã, uyên bác có được là do cách dùng từ mang tính ước lệ tượng trưng và việc áp dụng nhiều điển cố trong các bài từ. Dùng điển cố làm tăng tính làm súc đồng thời thể hiện vốn hiểu biết về Văn hóa của các từ nhân.
“La đới đồng tâm kết vị thành” [Trường tương tư - Lâm Bô] ở đây từ “đồng tâm” vừa nói về giải đồng tâm nhưng với cách hiểu mang tính ước lệ, xưa nay đồng tâm còn là cách nói trang nhã về chuyện tình yêu. Trên góc độ văn hóa thì cũng có câu: “Vĩnh kết đồng tâm”, một câu chúc cho đôi uyên ương, nhưng trong câu trên thì “đồng tâm” lại ngầm ám chỉ sự ly biệt, đau buồn. Tương tự tâm trạng của Lâm Bô thì bài “Khuynh bôi” của Liễu Vĩnh cũng có câu: “sở giáp vân qui”. Mượn câu nói của tiên nữ núi Vu: Thiếp sớm làm mây, chiều làm mưa ở Dương đài, tượng trưng cho người yêu của mình, nhưng núi Sở còn đó vốn bất biến nhưng mây phải thuận theo gió, nỗi sầu biệt ly não nuột.
Nếu âm hưởng chủ đạo trong bài “Thích thị” của Liễu Vĩnh là nỗi buồn danh lợi thì thấp thoáng đâu đó vẫn có chút xót xa của sự chia ly: “Quyện thinh Lũng thủy sàn viên”, nhắc lại từ “Lũng thủy” là gợi nhớ đến bài hát Lũng đầu ngâm, có ý nghĩa chia xa nhớ nhau, tâm trạng u ẩn nỗi sầu. Nói về khát khao vươn mình thì có câu:
“Vô nhân bạn ngã bạch loa bi (bôi) Ngã vi linh chi tiên thảo”
[Thủy điệu ca đầu - Hoàng Đình Kiên]
Từ xưa người ta không tôn trọng bậc nữ lưu mà nữ nhi vốn má phấn môi son, vì vậy Hoàng Đình Kiên sử dụng “bạch loa bi” là để ngầm chỉ kẻ tầm thường, thân ông chỉ muốn như cỏ tiên, thanh cao, nhưng một xã hội bất ổn con người hiếm khi toại nguyện. Nỗi nhớ của nhiều người xa nhà, xa quê hóa thành “khúc hoa mai” nên mới có câu: “Cố quốc hoa mai qui mộng” [Nam phố - Lỗ Trọng Dật]. Từ đó người đọc cảm nhận được từ “hoa mai” không phải bàn đến một loại hoa mà đang nhắc nhớ đến điệu nhạc nhớ cố hương. Mượn từ “hoa mai” Lỗ Trọng Dật gửi gắm vào đó nỗi lòng buồn thương, mong ngóng chốn quê nhà. Từ nhân thích sử dụng các từ mang tính ước lệ tượng trưng để bộc lộ tâm trạng, hay miêu tả một sự vật, qua đó bộc lộ sự uyên bác của chính họ, đồng thời khiến cho câu từ trang nhã hơn. Ví dụ như nói đến sông Trường Giang họ không gọi thẳng tên mà là: “Thiên thiểm vô nha (nhai)” [Vọng hải triều - Liễu Vĩnh], cụm từ “hào thiên nhiên không có bờ” vừa gợi lên một cảm giác ngưỡng mộ, xen lẫn hoang mang, lo lắng vừa khiến cho câu văn thêm sắc thái uyên bác. Nếu không có kiến thức thì từ nhân không thể viết như vậy và người đọc cũng không biết tác giả đang nói về điều gì.
Với câu: “Quế phách phi lai” [Tiền điệu - Tô Thức], theo truyền thuyết thì trên cung trăng có cây quế cao năm trăm trượng, từ đó có thể hiểu tác giả đang nhắc đến mặt trăng, nhưng nếu chỉ đơn giản dùng những từ như: trăng hay nguyệt, thì câu từ giảm đi sự uyển chuyển. Từ “Phách quế” có ẩn hàm ý, có chiều sâu hơn. “Lăng ba bất quá Hoành đường lộ” [Thanh ngọc án - Hạ Chú], từ “lăng ba” ngoài ý nghĩa là sóng gợn thì còn là cách miêu tả bước chân của cô gái, nhẹ nhàng, thanh thoát, không trực tiếp nói đến người con gái nhưng Hạ Chú vẫn khiến người đọc suy ra được tầng ý nữa phía sau từ “lăng ba”. Cùng câu: “Cẩm sắc hoa niên thùy dữ độ ?” [Thanh ngọc án - Hạ Chú], ông khơi lại câu thơ của Lý Thương Ẩn đời Đường:
“Đàn cẩm sắc không dưng có năm mươi dây. Mỗi dây mỗi phím như nhớ lại thời tuổi trẻ”
Từ “cẩm sắc” lại là cách nói ước lệ về tuổi trẻ, có chút nuối tiếc, chút cô đơn, buồn bã. Nhiều lúc nói đến chiến tranh, nói đến tâm trạng các từ nhân vẫn luôn để sử
dụng ngôn từ trau chuốt, thâm thúy. “Ngư Dương lộng” [Lục châu ca đầu - Hạ Chú], từ “Ngư Dương” vốn tưởng chỉ là danh từ riêng, tên của một địa điểm thế nhưng khi nhớ lại chuyện An Lộc Sơn nổi dậy ở Ngư Dương tiến đánh nhà Đường sẽ chợt hiểu từ này dùng đúng lúc trở nên rất uyên bác. Chuyện cũ ôn lại, thật ra là tác giả kín đáo phơi bày việc quân Kim đánh Tống. Trong hoàn cảnh lúc bấy giờ công khai chỉ trích là điều không thể tuy nhiên dù âm thầm lên án nhưng từ ngữ không hề khúm núm mà ngược lại vô cùng trang nhã.
“Tâm chiết! Trường canh quang nộ”
[Thạch châu mạn - Trương Nguyên Cán]
Lòng buồn khổ của từ nhân là bởi vì đâu? Từ “Trường canh” cũng tức là sao Kim, người xưa quan niệm sao Trường Canh tỏa sáng không phải điềm lành, vì nó là đại diện cho chiến tranh. Như thế qua hàng loạt giải mã, người đọc mới hiểu được nỗi lòng đau đớn, u sầu của Trương Nguyên Cán là xuất phát từ nỗi lo lắng chiến tranh loạn lạc.
Triều đình thối nát, áp bức trung lương tạo nên nhiều uất ức trong lòng các chí sĩ, những lần bắt giam, đày ải trung thần vì dám chống Kim khiến người người thêm bi phẫn. Nhiều lần chứng kiến mà cõi lòng đau đớn:
“Cánh nam phố, Tống quân khứ”
[Tiền điệu - Trương Nguyên Cán]
Tác giả dùng từ “nam phố” bến nam là nơi diễn ra nhiều cuộc đưa tiễn, lắm buồn đau, bao nhiêu bậc bề tôi yêu nước đều cùng cảnh ngộ tan thương. Từ “nam phố” còn ám chỉ triều đình bạt nhược, luồn cúi không có tinh thần chống ngoại xâm. Hoặc khi đề cập tội ác của quân Kim những từ nhân vẫn khéo léo dụng từ sao cho vừa thể hiện thái độ căm giận của bản thân vừa giúp cho bài từ thêm sâu sắc.
“Thù tứ thượng Huyền ca địa, Diệc chiên tinh”
[Lục châu ca đầu - Trương Hiếu Tường]
Nếu chỉ dừng lại ở việc biết đến sông Thù và sông Tứ về mặt địa lý, dĩ nhiên sẽ khó mà hiểu được nỗi căm phẫn, buồn lo của tác giả. Thực chất đây là hai con sông nơi quê Khổng Tử giảng dạy, do đó hậu thế lấy nơi này là nơi lễ giáo. Từ “Thù Tứ” là nói đến lễ giáo nhưng thử hỏi nơi được xem là trang nghiêm, thanh sạch nay cũng “hôi tanh”, thì một người đọc sách thánh hiền, noi theo thánh nhân như Trương Hiếu Tường điều như vậy làm sao chấp nhận được.
Dựa trên những quy ước có sẵn, Văn học trung đại tôn sùng việc dùng các điển cố vừa tạo tính hàm súc, đa nghĩa, vừa uyên bác, trang nhã.
“Thùy bạn ngã? Túy trung vũ”
[Hạ tân lang - Trương Nguyên Cán]
Cụm từ “túy trung vũ” được dẫn ra từ chuyện Tổ Địch thời Tần khi nghe tiếng gà gáy thì gọi bạn dậy múa kiếm, mong lấy lại đất nước. Từ tuy ít nhưng lại gợi lên nhiều, chuyên trước đã có người sau như Trương Nguyên Cán cũng có chí khí như thế, nhưng tiếc thay không có người bên cạnh trợ giúp, cũng không được vua chúa xem trọng. Tâm trạng lo lắng, buồn tủi cũng pha chút suy tư. Không có một từ nào trực tiếp nói đến trạng thái tình cảm của ông, nhưng qua việc dùng điển cố, từ ngắn gọn nhưng uyên bác, thâm thúy, đã bày tỏ tất lòng vì dân vì nước. Cũng trong bài này có câu: “Di hận tỳ bà cựu ngữ”, cụm từ “di hận tỳ bà” khiến người ta nhớ lại Vương Chiêu Quân đời nhà Hán, bị gả cho chúa Phiên để cầu hòa. Khi ra đến của ải nàng gảy đàn tỳ bà hình thành khúc “Chiêu Quân oán”. Đau lòng nàng Chiêu Quân, hay chính là đau lòng cho đất nước, ngày nay triều đình cúi đầu chịu nhục, không muốn chống Kim, ví như vua Hán đêm Chiêu Quân trở thành vật trao đổi hòa bình. Vì an ổn tức thời mà cống nạp cho kẻ thù, khiến trên dưới oán than không dứt.
Quân đã bất tài, quan thêm bất năng, lúc nào cũng sống trong ảo tưởng, không muốn lấy lại đất đai đã mất, không có chí phục thù, rửa nhục, lại lo sợ lòng nguười căm phẫn nên giả dối bề ngoài tỏ ra bồi đắp nhân tài, với “Phú Dân hầu” đã vạch trần bộ mặt thật của triều đình: “Trực mịch Phú Dân hầu” [Tiền điệu - Tân Khí Tật], lấy việc
phong hầu cho người có công lớn vào đời Hán, biến chất trở thành chức quan lố bịch để vua Vũ Đế chiêu an, chức “làm giàu dân” không có thực quyền. Giống như việc nhà Tống ngoài mặt tỏ ra yêu nước vì dân, bên trong chỉ muốn cầu hòa. Việc trích dẫn điển xưa giúp cho câu từ mang tính hàm súc, có chiều sâu trong việc đả kích chế độ chính trị và bộc lộ nỗi niềm buồn lo cho vận nước. Một xã hội mà người có tài không được trọng dụng, có chí khí nhưng không thể giúp đời thật làm bậc anh hào chán ngán, ưu tư:
“Liêm Pha lão hĩ Thượng năng phạn phủ”
[Vĩnh ngộ lạc - Tân Khí Tật]
Chỉ cần từ “Liêm Pha” đã khiến người đọc ít nhiều hiểu được tấm lòng yêu nước của ông, chuyện “Liêm Pha” - một lão tướng nước Triệu thời Chiến Quốc, tuy già vẫn ăn hết một đấu gạo, mười cân thịt. Liêm Pha vẫn hăng hái ra trận, điều đó chứng tỏ tuổi tác không khiến Tân Khí Tật chùng bước, vẫn muốn chiến đấu đánh đuổi kể thù. Nhưng tiếc rằng không được ai quan tâm đến, người ta thường nghĩ già là mọi nhiệt huyết, sức sống cũng già cỗi, việc ông dùng từ “Liêm Pha” phá vỡ nhận định đó. Việc dẫn các câu thơ, văn hay các sách để đưa vào từ là điều không có gì xa lạ ví như câu: “Hà thì thu thập ngẫu canh tân” [Tiền điệu - Tô Thức], cụm từ “ngẫu canh tân” là lấy từ sách Luận ngữ với câu: Trường Thư, Kiệt Nịch cùng cày đôi, về sau trở thành việc sống thanh nhàn vui thú điền viên. Người đọc nhiều sách, am hiểu nhiều điển cố mới dùng từ ngữ có tính uyên bác, nhiều tầng nghĩa, Tô Thức cũng hi vọng sẽ có lúc ông được sống yên bình, cày một mảnh ruộng cũng là một niềm vui. Nhưng với Tân Khí Tật ông không ủng hộ việc ẩn cư, ông cho rằng thân là thần tử dù thế nào cũng góp sức vì xã tắc:
“Phạ ưng tu kiến Lưu lang tài khí”
[Thủy long ngâm - Tân Khí Tật]
Tác giả mượn chuyện Lưu Bị khuyên Hưa Dĩ: Nay thiên hạ, ông không có chí giúp đời, lại đi tìm ruộng hỏi nhà là điều người ta kiêng. Từ nhân sợ xấu hổ với tiền
nhân vì ý định sống lánh đời của nhiều người lúc thiên hạ đang rối rắm, ông tỏ ý không tán thành, đồng thời cũng khuyên tạm gác lại chuyện riêng tư đợi lúc thái bình hãy nghĩ đến.
3.2.2. Ngôn từ giàu cảm xúc
Theo bài viết “Luận Bắc Tống tiền kỳ lưỡng chủng bất đồng đích từ phong” của tác giả Phùng Kỳ Dung thì: “Thiên ngôn vạn ngữ chung bất ly tương tư tương vọng hòa thương xuân ly biệt”. Nếu như việc sử dụng những từ mang tính ước lệ, tượng trưng và áp dụng những điển cố hình thành ngôn từ uyên bác, trang nhã thì các việc dùng các tính từ, từ láy tượng thanh hay tượng hình, các biện pháp tu từ so sánh, ẩn dụ, nhân hóa giúp cho ngôn từ giàu cảm xúc.
Với khoảng 62 lần xuất hiện, các từ láy hiện diện khá nhiều trong các bài từ, đặc biệt là các bài từ nói nhiều về nỗi buồn. “Phân phân trụy diệp phiêu hương quế” [Ngự nhai hành - Phạm Trọng Yêm], từ láy tượng hình “phân phân” (lả tả), giúp người đọc hình dung một khung cảnh có đôi chút vắng vẻ, lá rơi rụng cũng khá nhiều. Cảnh vật như báo hiệu cho tâm trạng con người có nhiều u uất. “Đống vân ảm đạm thiên khí”
[Dạ bán lạc - Liễu Vĩnh] từ láy “ảm đạm” có chức năng miêu tả phong cảnh u ám của đám mây lạnh giăng khắp trời, còn có thể biểu lộ tâm trạng bâng khuâng, buồn bã của con người con người. “Khương địch du du sương mãn địa”, từ láy tượng thanh “du du”gợi lên âm thanh của tiếng sáo nghe văng vẳng, cũng có nghĩa người thổi sao đứng cách xa chỗ tác giả, giữa nơi biên ải chất đầy sầu muộn, mà tiếng sáo vốn mang âm điệu du dương thoáng chút u buồn càng khiến lòng người nhiều lo ngại không yên.
Có lúc thương thân mình cô đơn, trống trải mà không biết tâm sự cùng ai: “Tiểu viên hương kính độc bồi hồi” [Cán sa khê - Án Thù] từ láy tượng hình “bồi hồi” (thơ thẩn) vẽ lên hình ảnh một bóng người vô hồn, buồn bã, không biết làm gì, và không có định hướng. Đề cập đến chuyện biệt ly Âu Dương Tu có câu: “Ly sầu tiệm viễn tiệm vô cùng” [Đạp sa hành] từ “ly sầu” đã khái quát cuộc chia ly đầy nỗi sầu đau, kết hợp với cụm từ “tiệm viễn tiệm” có thể liên tưởng người đi kẻ ở dần dần xa, càng xa càng thêm “vô cùng”, từ đó độc giả cũng cảm nhận sự bịn rịn, luyến lưu cùng nỗi buồn của người trong cuộc.
Lúc xa quê ai cũng mong có ngày trở lại, thế nhưng nhiều khi cuộc sống không theo ý mình, đường về muôn trùng cách trở: “Diểu diểu thần kinh lộ” [Dạ bán lạc - Liễu Vĩnh], với từ láy tượng hình “diểu diểu”, tái hiện lên trước mắt khung cảnh mờ mịt, không nhận rõ đường đi, “diểu diểu” còn phác họa tâm trạng buồn rầu, tuy luôn hướng về quê nhà nhưng có nhiều khó khăn cản bước, lòng thêm mịt mùng nhớ nhung. Không chỉ chịu nỗi khổ sinh ly mà các từ nhân đôi lúc cũng ô nỗi đau tử biệt, âm dương cách trở đau thương muôn mối: “Thập niên sinh tử lưỡng mang mang” [Giang thành tử - Tô Thức], “mang mang” kết hợp cùng lượng từ “lưỡng” thật nghe mà thấy chua xót, “mang mang” gợi lên một thứ gì đó rất đỗi mỏng manh, hư hảo, mờ mịt khó, nắm bắt. Ở đây “lưỡng mang mang” sử dụng biện pháp ẩn dụ để nói đến ranh giới sinh và tử, người sống và người chết, vốn dĩ là sự chia cách không mong chi tương phùng, cảm xúc chua xót, khe khẽ nhói tim. “Cựu thê tân lũng lưỡng y y” [Giá cô thiên - Hạ Chú], cùng là nỗi đau mất đi thân nhân, từ láy “y y” tái hiện lại nỗi quyến luyến mà cả người cõi dương và người cõi âm dành cho nhau, trong đó đong đầy yêu thương cũng tràn ngập đau đớn không đành từ biệt nhau.
Việc sử dụng ngôn từ vừa uyên bác, trang nhã vừa giàu cảm xúc chẳng những thúc đẩy chiều sâu, tăng tính hàm súc trong các bài từ mà còn đó truyền tải được tâm trạng con người một cách chân thật nhất. Song song đó, còn khẳng định trí tuệ, sự tài hoa , tinh thông kinh sử, am hiểu nhạc điệu các từ nhân thời Tống .
3.3. Giọng điệu
Theo như khái niệm trong quyển “Từ điển thuật ngữ Văn học” thì giọng điệu là: “thái độ, tình cảm, lập trường, tư tưởng, đạo đức của nhà văn đối với hiện tượng được miêu tả thể hiện trong lời văn quy định cách xưng hô, gọi tên, dùng từ, sắc điệu tình cảm, cách cảm thụ xa, gần, thân sơ, thành kín hay suồng sã, ngợi ca hay châm biếm…”. Mặc khác thì “Giọng điệu phản ánh lập trường xã hội, thái độ tình cảm và thị hiếu thẩm mĩ của tác giả, có vai trò rất lớn trong việc tạo nên phong cách nhà văn và tác dụng truyền cảm cho người đọc. Thiếu một giọng điệu nhất định, nhà văn chưa thể viết ra được tác phẩm, mặc dù đã có đủ tài liệu và sắp xếp xong hệ thống nhân vật” [7, tr. 111]. Nhìn chung trong từ Tống, ngoài những giọng điệu phụ như: mỉa mai, châm
biếm, hay ca ngợi thì xuất hiện hai giọng điệu chính: một là giọng điệu đau đớn, xót xa, hai là giọng điệu trầm lắng, đầy suy tư, day dứt. Hai giọng điệu này chi phối phần lớn mạch cảm xúc chung của các từ nhân. Tương tự như thơ giọng điệu trong từ cũng thường mang tính chủ quan, khi người ta đau buồn thì giọng điệu cũng nhuốm đau thương, khi người ta vui thì giọng điệu cũng hân hoan, tươi tắn...
3.3.1. Giọng điệu đau đớn, xót xa