4. Những đóng góp mới của đề tài
1.6.1. Nghiên cứu về đặc điểm nông học chủ yếu ở cây có múi
Bình thường giống như các loại cây ăn quả khác, vòng đời cam quýt đều trải qua 3 giai đoạn: giai đoạn cây con (giai đoạn kiến thiết), giai đoạn ra hoa kết quả (giai đoạn kinh doanh) và cuối cùng là thời kỳ già cỗi. Tuỳ điều kiện sinh thái và hình thức nhân giống mà tuổi cam quýt có thể dài hoặc ngắn. Ở những vườn cam quýt gieo hạt hoặc nhân giống bằng phương pháp ghép, gặp điều kiện thuận lợi tuổi thọ có thể tới vài chục đến hơn một trăm năm vẫn cho năng suất tốt [54]. Cam quýt cũng mang những đặc trưng chung của thực vật, đó là sự phát triển cân đối và xen kẽ nhau giữa bộ phận trên mặt đất và bộ phận dưới mặt đất. Nhìn chung, khi còn ở giai đoạn cây con sự sinh trưởng có phần nghiêng về bộ rễ [44]. Trong một năm cam quýt có thể ra nhiều đợt lộc tuỳ vào từng vùng sinh thái, giống, tuổi cây và những tác động kỹ thuật của
con người, thông thường có từ 2 - 4 hoặc 5 đợt lộc [45]. Loại cành mẹ và số đợt lộc trong năm liên quan khá nhiều đến hiện tượng ra quả cách năm [3]. Ở những loài cây càng nhiều đợt lộc trong năm, tuổi thuần thục của cành mẹ để có thể sinh ra cành quả càng ngắn thì hiện tượng ra quả cách năm càng ít hoặc không có [19].
Cam quýt gồm các loại cành chính đó là cành mẹ, cành dinh dưỡng, cành quả. Sự phân loại này theo chức năng của từng loại cành. Mối liên hệ giữa các loại cành và các đợt lộc khá khăng khít [44]. Cành dinh dưỡng có thể trở thành cành mẹ, hoa mọc ở mầm bất định trên thân chính hoặc cành dinh dưỡng cao tuổi làm cho tuổi của cành mẹ, cành quả có độ dao động lớn. Những năm ít hoa, hoa mọc từ cành cao tuổi vẫn có thể cho đậu quả rất tốt. Nhìn tổng quan một năm ra lộc của cam quýt cho thấy lộc Xuân thường được mọc từ cành năm trước hoặc mầm ngủ trên thân chính, lộc Xuân có ý nghĩa (cành quả) nhất là lộc mọc từ cành Hè, Thu năm trước. Lộc Hè có thể mọc từ cành Xuân, cành Đông, Thu năm trước, tương tự lộc Thu có thể mọc từ cành Xuân (cành quả vô hiệu) hoặc cành Đông, Thu năm trước. Tuy nhiên, mỗi điều kiện sinh thái khác nhau mối liên hệ giữa các đợt lộc trong năm cũng có thay đổi. Việc xác định tuổi cành mẹ để cho cành quả tốt nhất ở một vùng sinh thái ít được quan tâm nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu của Trại cam Xuân Mai, Hoà Bình cho thấy ở cam Bố Hạ và Xã Đoài cành Thu là cành mẹ tốt nhất để cho cành quả năm sau. Tuy vậy, kết quả nghiên cứu này cũng chưa xác định được tuổi chính xác của cành mẹ có ý nghĩa nhất là mấy tháng tuổi. Kết quả nghiên cứu của tác giả (Wakana, 1998 [90]) cho thấy có tới 90% cành mẹ của cành quả năm sau ở giống quýt Ôn Châu là cành Hè và cành Thu. Trong khi đó ở giống bưởi Tosa vào những năm cây ít quả có tới 40 - 50% cành mẹ là cành cao tuổi trên 1 năm [67]. Việc xác định tuổi của cành mẹ thích hợp nhất vẫn chưa được nghiên cứu nhiều, mặc dù việc xác định chính xác tuổi thích hợp của cành mẹ sẽ giúp xây dựng các biện pháp kỹ thuật
như canh tác, cắt tỉa cành, sử dụng chất điều hoà sinh trưởng nhằm tạo ra đợt cành mẹ có ý nghĩa nhất [66].
Bộ lá của cam quýt cũng được nghiên cứu nhiều nhằm xây dựng biện pháp kỹ thuật tăng năng suất. Bộ lá trên cành quả và cành mẹ có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nâng cao năng suất của cam quýt [45]. Trong khi đó một số tác giả khác lại cho rằng chỉ số diện tích lá và tổng số lá trên cây tính bình quân trên một quả có vai trò quan trọng hơn. Quýt Ôn Châu, Nhật Bản có năng suất cao thì ít nhất phải có từ 40 lá trung bình cho một quả [90]. Giai đoạn đầu để đảm bảo đủ dinh dưỡng cho hoa đậu quả, cành mẹ đóng vai trò quan trọng, sau khi quả lớn thì tổng diện tích lá bình quân trên 1 quả sẽ là yếu tố quyết định năng suất và phẩm chất quả. Tuy nhiên, mối liên hệ giữa số lá, sự sinh trưởng của lá và năng suất ở cam quýt cần được nghiên cứu kỹ hơn nhằm xây dựng hệ thống các biện pháp kỹ thuật cần thiết [79] [93].