KẾT LUẬN KẾT QUẢ CỦA NGHIÊN CỨU

Một phần của tài liệu Thực trạng phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ em mẫu giáo ở một số trường mầm non thành phố vĩnh yên (Trang 43)

Hiện nay công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em đã đạt được những kết quả nhất định, phát huy được sức mạnh tổng hợp và huy động được các nguồn lực trong xã hội tham gia ngày càng tích cực vào sự nghiệp đào tạo. Qua nghiên cứu thực trạng phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ em mẫu giáo ở hai trường mầm non Thành phố Vĩnh Yên thấy được:

Nhận thức của các giáo viên đối với công tác phối hợp giữa nhà trường và gia đình còn rất nhiều hạn chế. Tuy các cô giáo đều hiểu được ý nghĩa của công tác này nhưng lại không nắm được các nội dung phối hợp giữa nhà trường và gia đình. Điều này dẫn đến thực trạng sự phối hợp giữa họ và các gia đình trong nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ em mẫu giáo chưa đạt hiệu quả cao.

Trong việc phối hợp thực hiện chương trình chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ cho trẻ và việc kiểm tra, đánh giá công tác chăm sóc, giáo dục trẻ, hầu hết giáo viên đều có quan điểm trao đổi với phụ huynh về những kiến thức chăm sóc sức khoẻ cho trẻ hoặc trao đổi với phụ huynh về kế hoạch, biện pháp chăm sóc trẻ đặc biệt nhưng lại không hiểu được ý nghĩa đầy đủ của nội dung này là cần mời phụ huynh cùng tham gia những buổi khám sức khoẻ định kì để họ có thể thấy được tình trạng sức khoẻ của con mình và từ đó có động lực tiếp thu những ý kiến trao đổi của giáo viên. Tuy các giáo viên đều có những hiểu biết nhất định về nội dung này xong qua quan sát thấy rằng, việc thực hiện các nội dung đó lại không diễn ra thường xuyên.

Trong việc phối hợp thực hiện chương trình giáo dục, tất cả giáo viên mẫu giáo ở hai trường đều nhận thức được sự cần thiết phải thông báo với phụ huynh về chương trình học của trẻ trong tuần, song lại không có ý kiến cho rằng cần trao đổi với phụ huynh về chương trình học của trẻ hoặc trao

đổi về các phương pháp giáo dục giới tính cho trẻ. Điều này thể hiện rõ sự thiếu sót trong nhận thức của các giáo viên về nội dung phối hợp trên. Qua quan sát còn thấy rõ việc các giáo viên tham gia phối hợp với phụ huynh trong nội dung này chưa được diễn ra một cách chủ động.

Khác với các nội dung trước, đối với việc phối hợp với phụ huynh trong việc tham gia xây dựng cơ sở vật chất, các giáo viên đều nắm được rất chắc chắn và đầy đủ các mặt của nội dung này. Thể hiện rất rõ ở những câu trả lời của các giáo viên trong nội dung này. Tuy nhiên qua quan sát thực tế thì nội dung này cũng ít được giáo viên thông báo với phụ huynh.

Việc nắm bắt được các nội dung phối hợp giữa nhà trường và gia đình sẽ giúp cho công tác phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong chăm sóc, giáo dục trẻ mẫu giáo ở trường trở nên linh hoạt hơn, đầy đủ hơn. Song thực tế trong các trường mầm non các giáo viên lại chưa có đầy đủ nhận thức về các nội dung phối hợp giữa nhà trường và gia đình nên trong hoạt động phối hợp diễn ra hàng ngày thì các nội dung đó chưa được đảm bảo. Tuy nhiên đối với việc sử dụng các hình thức phối hợp ở họ lại thể hiện được đặc trưng của công việc đó là trao đổi trực tiếp bằng lời. Hình thức này được sử dụng rất thường xuyên ở các trường mầm non trong những giờ đón và trả trẻ. Và việc giáo viên chưa nắm được các nội dung phối hợp đã làm hạn chế khả năng giao tiếp của họ với phụ huynh khiến cho công tác phối hợp giữa nhà trường và gia đình còn chưa phong phú về đề tài phối hợp, làm cho công tác này trở nên đơn điệu, nhàm chán.

Công tác phối hợp không thể đạt được kết quả khi chỉ được thực hiện từ một phía, mà nó còn rất cần sự hợp tác của cha mẹ trẻ nữa. Rõ ràng các giáo viên không thể trao đổi với phụ huynh về các nội dung khi mà họ không muốn giao lưu hay tìm hiểu những điều mà các giáo viên đề cập đến. Vì vậy trong công tác phối hợp giữa nhà trường và gia đình thì thái độ hợp tác của phụ huynh là rất cần thiết.

Qua tìm hiểu thực trạng nhận thức của phụ huynh đối với công tác phối hợp giữa nhà trường và gia đình, kết quả điều tra chỉ được xây dựng

trên một số lượng phiếu ít ỏi từ phía phụ huynh (40/100 phiếu) ở cả hai trường, điều đó chứng tỏ không có nhiều phụ huynh quan tâm đến các hoạt động diễn ra hằng ngày ở trường.

Khi tiến hành xử lí các phiếu thu được thấy rằng mọi phụ huynh đều nhận thức được ý nghĩa của công tác phối hợp trong nhà trường nhưng về nhận thức của họ đối với các nội dung phối hợp còn rất hạn chế.

Đối với việc phối hợp thực hiện chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ và việc phối hợp kiểm tra, đánh giá công tác chăm sóc, giáo dục trẻ, ở phía phụ huynh cũng đã có sự tham gia nhiều mặt khác nhau, chứng tỏ họ cũng đã có sự quan tâm tới công tác chăm sóc và giáo dục trẻ ở trường lớp. Các phụ huynh đều tích cực theo dõi những tiến bộ hay những biểu hiện bất thường của trẻ hàng ngày và có sự trao đổi với giáo viên về những điều đó. Tuy nhiên những ý kiến đó vẫn chưa thể hiện được sự đầy đủ về các nội dung phối hợp.

Trong việc phối hợp thực hiện chương trình giáo dục cũng có những ý kiến khác nhau, mỗi ý kiến đều thể hiện mỗi phụ huynh đều có những hiểu biết khác nhau về một mặt nào đó của nội dung này. Tuy nhận thức về nội dung đó còn chưa đầy đủ nhưng họ cũng đã tham gia vào hoạt động phối hợp của nhà trường theo cách hiểu của mình.

Việc nắm được các nội dung phối hợp ở phụ huynh phụ thuộc rất lớn vào ý thức tham gia các hoạt động của trường, lớp mầm non, đồng thời phụ thuộc cả vào mức độ quan tâm của họ tới những buổi họp phụ huynh của nhà trường. Qua điều tra thấy được rằng có không ít phụ huynh đã không thường xuyên tham gia vào các buổi họp phụ huynh, điều này sẽ hạn chế việc nhận biết các nội dung phối hợp giữa nhà trường và gia đình của họ.

Tóm lại, thực trạng phối hợp giữa các giáo viên và phụ hunh học sinh ở trường mầm non Ngô Quyền và trường mầm non Hoa Sen chưa đạt được hiệu quả cao, điều này dẫn tới kết quả giáo dục cũng không như mong muốn. Tuy đã có nhận thức đúng về ý nghĩa của công tác phối hợp giữa nhà trường và gia đình nhưng sự hiểu biết của cả giáo viên và phụ huynh về

những nội dung phối hợp là chưa đầy đủ nên hoạt động này diễn ra chưa thực sự sôi nổi trong trường. Vẫn có nhiều phụ huynh không nhận thức được vai trò của mình trong việc phối hợp trong chăm sóc, giáo dục trẻ nên họ chưa quan tâm đến công việc đó ở nhà trường vì thế không hiểu được quá trình nuôi dạy trẻ ở lớp, do đó thường bênh vực con cái, khiến chúng dựa dẫm vào bố mẹ mà không nghe lời cô giáo. Những tồn tại đó chứng tỏ công tác phối hợp giữa nhà trường và gia đình được thực hiện chưa đầy đủ và chưa đúng cách thức.

2.KIẾN NGHỊ

- Trong chính sách giáo dục cần phải quan tâm hơn nữa tới đời sống vật chất và tinh thần của giáo viên mầm non.

+ Cần đảm bảo đời sống vật chất đầy đủ cho mọi giáo viên mầm non để họ yên tâm hoàn thành tốt công việc.

+ Không ngừng nâng cao trình độ nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ giáo viên, nhân viên trong trường.

- Trường mầm non phải quan tâm nhiều hơn nữa việc thực hiện phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh trong chăm sóc, giáo dục trẻ. Bắt đầu từ việc nâng cao nhận thức của giáo viên cho đến nâng cao nhận thức của phụ huynh về vấn đề này.

Một phần của tài liệu Thực trạng phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ em mẫu giáo ở một số trường mầm non thành phố vĩnh yên (Trang 43)