Hệ thống phương pháp kế toán

Một phần của tài liệu Tài liệu Tổng quan về kế toán_chương 1 docx (Trang 28 - 30)

Với những phần trình bày đến đây chúng ta đã trả lời được câu hỏi cơ bản thứ nhất của

kế toán : Kế toán đo lường, phản ánh cái gì? và đã từng phần trả lời câu hỏi cơ bản thứ hai

của kế toán : Kế toán đo lường, phản ánh khi nào và như thế nào? Như đã nêu, để trả lời câu

hỏi này, chúng ta cần tìm hiểu nhiều nội dung bao gồm các giả thuyết/định đề, các nguyên tắc, các chuẩn mực, các phương pháp kế toán, các công cụ mà kế toán sử dụng để ghi chép, phản ánh tình trạng và những sự thay đổi của các giao dịch và phân tích những ảnh hưởng của những sự thay đổi này trên vốn kinh doanh của đơn vị.

Nhận biết các giao dịch Xử lý, phản ánh Các báo cáo tài chính Những người sử dụng Báo cáo tài chính Chứng từ gốc

Ghi Tài khoản

Sổ sách Tính số dưKhoá sổ

Quá trình kinh doanh

Phương pháp kế toán là gì? Theo điều 4, khoản 13 trong Luật kế toán "Phương pháp kế toán là cách thức và thủ tục cụ thể để thực hiện từng nội dung công việc kế toán".

Tại sao người ta lại nói là hệ thống phương pháp kế toán mà không phải là các phương pháp kế toán ? Điều đó xuất phát từ chính bản chất và mục đích của kế toán. Khi nói đến « hệ thống » chúng ta hiểu đó là một tổng thể của các thành tố tồn tại tương đối độc lập với nhau nhưng đồng thời lại có tác động tương hỗ lẫn nhau. Nếu nói « các phương pháp kế toán », chúng ta hiểu rằng các phương pháp này độc lập với nhau và giữa chúng không có tác động phụ thuộc lẫn nhau. Ở đây, các phương pháp kế toán là những phương pháp tương đối độc lập nhưng giữa chúng lại có quan hệ mật thiết với nhau, phương pháp này hỗ trợ phương pháp kia và ngược lại, tạo nên một tổng thể thống nhất giúp người kế toán có thể thực hiện được các bước công việc.

Tại sao lại cần phải có một hệ thống các phương pháp kế toán ? Điều đó xuất phát từ chính bản chất và mục đích của kế toán. Như đã trình bày, trong qui trình kế toán, trước hết nhiệm vụ của kế toán là nhận biết và ghi nhận các nghiệp vụ phát sinh, các giao dịch xảy ra trong một đơn vị. Để thực hiện được nhiệm vụ đầu tiên này, kế toán phải có các bằng chứng, tức là phải có các chứng từ gốc, sao chụp lại các giao dịch. Chứng từ chính là « dấu vết » về mặt pháp lý mà các giao dịch để lại và kế toán căn cứ vào đó để ghi nhận chúng. Chứng từ chứng minh giao dịch đã xảy ra và chỉ rõ nội dung của giao dịch, thời điểm xảy ra giao dịch và trách nhiệm vật chất của các bên trong giao dịch. Nếu không có chứng từ, kế toán không thể ghi nhận được các nghiệp vụ phát sinh. Do chứng từ có tầm quan trọng như vậy nên nó phải được xây dựng, thiết kế dựa trên những qui định nhất định. Chính phương pháp chứng từ

sẽ giúp nhà kế toán thực hiện được công việc này. Như vậy, phương pháp chứng từ kế toán là

phương pháp thông tin và kiểm tra về sự hình thành các nghiệp vụ kinh tế trong đơn vị. Phương pháp này được vận dụng thông qua hệ thống các bản chứng từ và một qui trình luân chuyển chứng từ mà chúng ta sẽ nghiên cứu chi tiết ở chương 2.

Theo định nghĩa kế toán đã trình bày, kế toán ghi nhận và cung cấp thông tin định

lượng. Để có thể lượng hoá được các giao dịch, kế toán phải tính toán và định ra giá trị của mỗi giao dịch tương ứng. Ở đây, phương pháp tính giá sẽ giúp cho kế toán thực hiện được việc này. Phương pháp tính giá chính là phương pháp thông tin và kiểm sự hình thành và phát sinh chi phí liên quan đến các hoạt động của đơn vị. Phương pháp này sẽ được trình bày cụ thể trong chương 3.

Nếu chỉ sử dụng hai phương pháp vừa nêu, phương pháp chứng từ kế toán và phương pháp tính giá thì kế toán mới chỉ phản ánh được từng nghiệp vụ một cách riêng lẻ và thông tin mà kế toán cung cấp sẽ chỉ là những thông tin chi tiết. Tuy nhiên, trên thực tế, mỗi giao dịch xảy ra đều có tác động kép và làm ảnh hưởng đến ít nhất hai khoản mục nào đó của tài sản hoặc nguồn vốn của đơn vị. Do vậy, phương pháp chứng từ kế toán và phương pháp tính giá không cho phép thể hiện được bản chất tác động kép của các giao dịch, các nghiệp vụ phát sinh. Chính phương pháp đối ứng tài khoản sẽ giúp kế toán phản ánh được tác động kép này.

Như vậy, phương pháp đối ứng tài khoản là phương pháp thông tin và kiểm tra về sự vận

động của vốn kinh doanh trong đơn vị. Nó được vận dụng thông qua hệ thống tài khoản kế toán.

Mục đích của kế toán chính là cung cấp thông tin định lượng cho các nhà làm quyết định thông qua hệ thống các bản báo cáo tài chính. Để có thông tin tổng hợp lập các báo cáo này, kế toán cần phải cộng dồn các con số phát sinh trên các tài khoản và sổ sách kế toán, từ đó tính toán được các chỉ tiêu phù hợp với các báo cáo tài chính cần lập. Phương pháp tổng hợp cân đối kế toán sẽ giúp kế toán hoàn thành mục đích này. Dựa trên các mối quan hệ cân bằng tổng hợp nhất định, phương pháp này cho phép kế toán lập ra các bảng tổng hợp - cân đối chứa đựng những thông tin tổng hợp về tình trạng tài chính (bảng cân đối kế toán), kết quả kinh doanh (báo cáo kết quả kinh doanh) và quá trình tạo ra tiền của một đơn vị trong một

thơig gian nhất định (báo cáo lưu chuyển tiền tệ). Như vậy, phương pháp tổng hợp cân đối kế toán là phương pháp thông tin và kiểm tra một cách khái quát nhất về vốn kinh doanh, kết quả kinh doanh và việc tạo ra tiền từ hoạt động kinh doanh của đơn vị.

Tóm lại, hệ thống phương pháp kế toán bao gồm 4 phương pháp : phương pháp chứng từ kế toán, phương pháp tài khoản kế toán, phương pháp tính giá và phương pháp tổng hợp cân đối kế toán, mỗi phương pháp độc lập một cách tương đối nhưng lại nằm trong những mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau. Xuất phát từ mục đích của kế toán là cung cấp thông tin cho xây dựng được các báo cáo tài chính tổng quát cung cấp thông tin cho các nhà làm quyết định, kế toán cần vận dụng phương pháp tổng hợp cân đối kế toán. Để có số liệu tổng hợp cho báo cáo tài chính, kế toán phải ghi nhận sự vận động của vốn kinh doanh vào tài khoản và sổ sách kế toán theo các mối quan hệ đối ứng sẵn có của chúng, vậy kế toán phải sử dụng phương pháp đối ứng tài khoản. Để xác định được giá trị vốn kinh doanh và giá trị các giao dịch ảnh hưởng đến vốn của đơn vị, kế toán phải sử dụng phương pháp tính giá. Để tiến hành tính giá, kế toán phải có những bằng chứng xác thực để chứng minh cho các giao dịch hoàn thành, vậy kế toán phải sử dụng phương pháp chứng từ kế toán. Nếu thiếu bất kỳ một phương pháp nào trong 4 phương pháp này, kế toán đều không thể thực hiện được nhiệm vụ và mục đích cung cấp thông tin của mình.

Một phần của tài liệu Tài liệu Tổng quan về kế toán_chương 1 docx (Trang 28 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(41 trang)