2. Mục tiêu nghiên cứu
3.2.3.2. Tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi tại xã Hải Hòa
Ở Hải Hòa năm 2013 là năm phục hồi sản xuất nuôi tôm nước lợ, được mùa, được giá, một phần kiểm soát được dịch bệnh. Lãnh đạo xã và người nuôi tôm đã xác định được hướng phát triển rõ ràng đối với nuôi tôm nước lợ đặc biệt là tôm thẻ chân trắng. Tuy nhiên nghề nuôi tôm tại địa phương vài năm gần đây vẫn còn nhiều khó khăn: diễn biến thời tiết bất thường, nắng nóng, nhiệt độ tăng cao, xâm nhập mặn ăn sâu vào nội địa. Bên cạnh đó dịch bệnh trên tôm vẫn diễn biến phức tạp.
Diễn biến dịch bệnh trên tôm nuôi tại xã Hải Hòa trong một số năm gần đây theo số liệu của trạm thú y huyện Hải Hậu [10] chúng tôi trình bày ở bảng 3.8.
Bảng 3.8. Diễn biến dịch bệnh trên tôm nuôi tại xã Hải Hòa qua một số năm
Loại bệnh
Năm 2012 Năm 2013 Năm 2014
Dt (ha) Tỷ lệ (%) Dt (ha) Tỷ lệ (%) Dt (ha) Tỷ lệ (%)
Bệnh hoại tử gan tụy cấp. 6 20,5 5,5 17,2 4,75 13,6
Bệnh đốm trắng. 4,25 14,5 4 12,5 3,5 10
Các bệnh khác. - 0,5 1,6 0,3 0,9
Một số bệnh thường gặp trên tôm nuôi ở địa phương là: bệnh hoại tử gan tụy cấp, đốm trắng, hai loại bệnh này gặp cả trên tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Ngoài ra từ năm 2013 còn ghi nhận báo cáo xuất hiện bệnh đầu vàng, bệnh hoại tử dưới vỏ trên một số diện tích nuôi.
Năm 2012, diện tích tôm nuôi bị bệnh chiếm tỷ lệ cao nhất đối với cả bệnh hoại tử gan tụy cấp và bệnh đốm trắng, lần lượt là 20,5% và14,5% .Tỷ lệ này giảm dần vào năm 2013 bệnh hoại tử gan tụy là 17,2% và bệnh đốm trắng 12,5% , năm 2014 bệnh hoại tử gan tụy là 13,6% và bệnh đốm trắng là 10%.
Theo báo cáo của trạm thú y huyện Hải hậu dịch bệnh trên tôm xuất hiện ở hầu hết các tháng trong năm nhưng tập trung chủ yếu vào các tháng 4 đến tháng 7 đây là khoảng thời gian nuôi tôm chính vụ. Tôm bị nhiễm bệnh và chết sớm, thường sau khi thả 20-30 ngày [10].
* Xử lý của chuyên môn khi xảy ra dịch bệnh trên tôm:
Sau khi phát hiện dịch bệnh trên tôm Chi cục thú y tỉnh Nam Định phân công cán bộ kết hợp với trạm thú y huyện Hải Hậu kiểm tra lấy mẫu bệnh phẩm xác minh dịch bệnh, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng chống. Cụ thể: tập trung khoanh vùng dịch, tiến hành khử trùng ao tôm bằng
Chlorin, quản lý chặt nước trong ao nuôi tôm sau 7 – 10 ngày mới được thải nước, cải tạo ao nuôi để thả vụ mới…
* Những yếu tố liên quan đến tình hình dịch bệnh trên tôm ở địa phương
Thông qua điều tra, phỏng vấn và tìm hiểu các báo cáo tổng kết của địa phương chúng tôi nhận thấy những yếu tố liên quan đến tình hình dịch bệnh trên tôm ở xã Hải Hòa là:
- Xã chưa có quy hoạch nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi tôm nói riêng. Nhiều hộ dân tự ý chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp sang nuôi trồng thủy sản, cơ sở hạ tầng và kỹ thuật chưa đồng bộ, công trình nuôi tôm thiếu ao lắng.
- Kiến thức phòng chống dịch bệnh của người nuôi tôm còn hạn chế, chưa chú trọng xử lý nguồn nước cấp và nước thải của ao nuôi nên mầm bệnh dễ dàng lây lan ra bên ngoài và bùng phát thành dịch lớn… Chế độ cho tôm ăn chưa khoa học…
- Địa phương chưa có kế hoạch phòng chống dịch bệnh cụ thể, kinh phí cho công tác này còn hạn chế.
- Con giống chưa đảm bảo. Các hộ nuôi tôm thường tự mua tôm giống từ các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ không đảm bảo chất lượng.
* Một số giải pháp phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi ở địa phương
- Chính quyền xã nên có quy hoạch nuôi trồng thủy sản khoa học.
- Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao kiến thức phòng chống dịch bệnh cho người nuôi tôm. Chú ý các vấn đề liên quan đến quy hoạch ao nuôi, hệ thống ao nuôi đảm bảo kỹ thuật…
- Xử lý môi trường ao nuôi trước, trong và sau khi nuôi. Cần tẩy dọn ao triệt để trước khi nuôi, có ao chứa lắng, ao xử lý nước riêng biệt, không dùng
thuốc bảo vệ thực vật diệt giáp xác. Các ao nuôi cần được kiểm tra môi trường nước, đảm bảo các thông số vật lý, hóa học, sinh vật học trong giới hạn cho phép (lượng oxy hòa tan, độ pH, nồng độ một số khí độc metan…).
- Đảm bảo chất lượng con giống. Sử dụng con giống đảm bảo chất lượng, sạch bệnh, được kiểm dịch, nguồn gốc rõ ràng, từ các công ty có uy tín: CP, Uni- President…
- Nên thực hiện ương nuôi giống trước khi thả.
- Quản lý tốt việc cho tôm ăn. Thức ăn sử dụng trong mỗi vụ nuôi tôm dao động từ 19-26 tấn/ha, chiếm tới 50% chi phí nuôi tôm. Vì vậy nếu không quản lý tốt thức ăn nuôi tôm không những nâng cao chi phí nuôi tôm mà còn ảnh hưởng xấu đến môi trường ao nuôi là nguồn gốc phát sinh dịch bệnh. Người nuôi tôm nên cho ăn theo hướng dẫn của chuyên môn (ở tháng đầu chia thành nhiều lần cho ăn: 4-5 lần/ trong ngày ; những tháng tiếp theo: 3-4 lần/ngày; xác định lượng thức ăn dựa vào trọng lượng tôm). Người nuôi tôm phải nắm được phương pháp xác định lượng thức ăn cung cấp cho tôm có dư thừa hay không dựa vào màu nước ao nuôi, độ pH, độ oxy hòa tan…
- Tiêm vacxin và sử dụng chế phẩm sinh học an toàn. Người nuôi tôm chưa có thói quen sử dụng vacxin trong nuôi trồng thủy sản, mặt khác chi phí cao vì vậy hiện nay việc dùng vacxin trong nuôi tôm chưa thực hiện ở địa phương. Người nuôi tôm nên tăng cường sử dụng các chế phẩm sinh học hạn chế dùng hóa chất. Tuy nhiên hiện nay trên thị trường có quá nhiều các chế phẩm sinh học người nuôi tôm khó khăn trong lựa chọn. Cơ quan chức năng nên tăng cường quản lý các chế phẩm này và hướng dẫn người nuôi tôm lựa chọn chế phẩm thích hợp.
- Nuôi ghép tôm với các loài khác. Theo các chuyên gia về bệnh tôm nuôi đa canh có sự an toàn về dịch bệnh hơn hẳn đơn canh. Có thể nuôi ghép tôm với cá rô phi, cua. Các đối tượng nuôi ghép sẽ ăn các vi sinh vật gây bệnh
cho tôm, hạn chế dịch bệnh. Thực tế trên các diện tích nuôi ghép cua- tôm rảo, tôm sú-rô phi ở địa phương không xảy ra dịch bệnh.