Viêm và viêm loét giác mạc

Một phần của tài liệu Bài giảng về mắt phần 1 (Trang 25)

NGUYÊN NHÂN ĐỎ MẮT MỤC TIÊU HỌC TẬP

3.2.1. Viêm và viêm loét giác mạc

Nguyên nhân: do vi khuẩn (cầu khuẩn gram+ hoặc trực khuẩn gram-, nấm (Aspergilus, Fusarium), virut (Herpes).

Triệu chứng chủ quan: Chói, cộm, sợ ánh sáng, chảy nước mắt, đau nhức mắt và đầu, nhìn mờ.

Triệu chứng khách quan: Sưng phù mi, cương tụ kết mạc và cương tụ rìa, giảm thị lực. Giác mạc đục do thâm nhiễm tế bào viêm, bề mặt mất bóng, gồ ghề. Nếu biểu mô không tổn thương: nhuộm fluorescein (-); nếu có tổn thương biểu mô nông hoặc loét: nhuộm fluorescein (+). Có thể có mủ tiền phòng, phản ứng mống mắt-thể mi, có thể thủng giác mạc khi loét hoại tử mạnh. Có thể có các hình thái sau: viêm giác mạc nông (chỉ tổn thương biểu mô), viêm giác mạc sâu (tổn thương từ nhu mô trở vào), viêm loét giác mạc (mất chất giác mạc).

Trong hình thái viêm loét giác mạc:

Nếu nguyên nhân do virut: Thường do virut herpes. Giai đoạn sớm xuất hiện những ổ tổn thương dạng chấm, sợi hoặc sao, sau đó có thể sẽ loét (ổ loét có hình cành cây hoặc địa đồ), cảm giác giác mạc giảm hoặc mất, hay tái phát. Khi bệnh khỏi thường trên bề mặt giác mạc vẫn còn lại bóng mờ hình cành cây (vết tích của ổ loét cũ) và sẽ mất dần đi.

Hình 3. Viêm loét giác mạc hình cành cây

Nếu nguyên nhân do vi khuẩn: ổ loét có bờ nham nhở, hoại tử bẩn. Đặc biệt nếu nguyên nhân do trực khuẩn mủ xanh thì thường bệnh tiến triển rất nhanh với đặc điểm xuất tiết mủ nhày bẩn, màu trắng vàng, giác mạc thâm nhiễm toả lan của tế bào viêm với ổ loét ở giữa và áp xe hình vòng ở chu vi cách ổ loét bởi một vòng giác mạc trong. Bệnh tiến triển nhanh, có thể hoại tử toàn bộ và thủng giác mạc sau 48 giờ. Nếu nguyên nhân do tụ cầu hoặc liên cầu: hình thái điển hình là loét hoặc áp xe tròn hoặc bầu dục màu trắng vàng với mật độ thâm nhiễm của tế bào viêm đậm đặc trong nhu mô, giác mạc xung quanh ổ loét thường trong.

Nếu nguyên nhân do nấm: ổ loét có hình tròn hoặc hình oval màu trắng xám hoặc hơi vàng, có ranh giới khá rõ. ổ loét thường dầy, gồ cao, bề mặt khô như có vẩy đắp lên. Trong một số trường hợp khác ổ loét có bờ không rõ nét, được bao quanh bởi những ổ thâm nhiễm như bông liên kết với nhau trong nhu mô. Bệnh cũng có thể bắt đầu với loét giác mạc nông, phía dưới là những ổ áp xe đậm đặc, có thể chiếm hết bề dày giác mạc và phát tiển vào tiền phòng. Có thể có mủ tiền phòng và thường tăng giảm bất thường.

Để chẩn đoán xác định, ngoài triệu chứng lâm sàng, cần phải dựa vào xét nghiệm cận lâm sàng: soi tươi, soi trực tiếp chất tiết ổ loét giác mạc và nuôi cấy vi khuẩn hoặc nấm. Đối với viêm loét giác mạc nghĩ đến do virut: lấy chấy nạo bờ ổ loét và làm xét nghiệm tế bào học (kết quả điển hình: tế bào nhiều nhân có đông đặc nhiễm sắc chất quanh rìa, thể vùi Lipchutz, tế bào thoái hoá nhân trương).

Nguyên tắc điều trị: Dù là nguyên nhân gì thì đều điều trị theo ba nguyên tắc chung: chống viêm đặc hiệu (kháng sinh) và không đặc hiệu (tuy nhiên tuyệt đối chống chỉ định dùng cocticoid trong tất cả các hình thái viêm loét giác mạc); chống dính (tra atropin 1-4%, nếu đồng tử không dãn thì phối hợp atropin 1% và adrenalin 0,1% tiêm dưới kết mạc 4 điểm sát rìa); dinh dưỡng tái tạo biểu mô giác mạc (vitamin A,B2,C). Nếu có biến chứng thủng giác mạc: có thể ghép giác mạc điều trị. Nếu loét dai dẳng, lâu liền: có thể gọt giác mạc và ghép màng ối.

Hình 4. áp xe giác mạc

Một phần của tài liệu Bài giảng về mắt phần 1 (Trang 25)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(56 trang)