Lắng nghe âm vang từ lịch sử nghìn xưa của văn học dân tộc, ta như say đắm trong những giai điệu đa âm, đa thanh, đa sắc thái của mỗi bản đàn – mỗi tác phẩm văn chương: khi thanh cao thoát tục, lúc uyển chuyển du dương; khi day dứt ám ảnh,
lúc tha thiết mượt mà. “Dế Mèn phiêu lưu kí” của Tô Hoài là một bản đàn như thế.
Sự độc đáo, hấp dẫn của cuốn tiểu thuyết này xuất phát từ nhiều yếu tố. Trong đó, việc sử dụng linh hoạt, uyển chuyển và hợp lí các từ ngữ sinh hoạt trong tác phẩm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Qua khảo sát thực tế trong tác phẩm “Dế mèn phiêu lưu kí”, chúng tôi nhận
thấy: Tần số xuất hiện của các từ ngữ sinh hoạt trong tác phẩm là rất lớn (821 lần ), được chia làm nhiều tiểu loại: từ khẩu ngữ, từ địa phương, quán ngữ … Trong đó, mỗi tiểu loại lại thực hiện các chức năng nhất định trong việc thể hiện dụng ý sáng tạo của nhà văn. Tựu trung, các từ ngữ sinh hoạt có giá trị biểu đạt rất to lớn ( biểu nghĩa, biểu cảm, biểu thái…) trong nhiệm vụ thể hiện chủ đề tư tưởng của tác phảm nói riêng và trong việc hình thành phong cách sáng tác của tác giả nói chung.
Đối với tác phẩm “Dế mèn phiêu lưu kí” của Tô Hoài, chúng ta có thể tiếp
cận dưới nhiều góc độ khác nhau (đề tài, loại thể …). Nhưng, tiếp cận từ phương diện ngôn ngữ là một hướng đi đúng đắn, bổ ích, thiết thực. Việc thực hiện đề tài
“Giá trị biểu đạt của các từ ngữ sinh hoạt trong “Dế Mèn phiêu lưu kí” của Tô Hoài”
đã giúp chúng tôi hiểu sâu hơn về cái hay, cái đẹp của ngôn ngữ nói chung và của các từ ngữ sinh hoạt trong các tác phẩm văn chương nói riêng.
Thực tế giảng dạy Ngữ văn ở trường phổ thông, người giáo viên phải giúp học sinh phân biệt và hiểu rõ đặc điểm bản chất của ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết, trong đó có các từ sinh hoạt và hiệu quả sử dụng của chúng. Vì vậy, nghiên cứu đề tài này, chúng tôi nhằm mục đích đầu tiên là trang bị những kiến thức về từ ngữ sinh hoạt, làm phong phú hơn vốn hiểu biết của bản thân về ngôn ngữ dân tộc. Đồng thời, việc nghiên cứu đó sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các sinh viên khoa Ngữ văn trong việc giảng dạy bộ môn Ngữ văn ở trường phổ thông sau này.
Trong quá trình thực hiện, bản thân người viết đã rất nỗ lực và cố gắng, tâm huyết và say mê với việc nghiên cứu đề tài. Song, do hạn chế về thời gian và trình độ
nghiên cứu nên khoá luận này không thể tránh khỏi những thiếu sót nhất định. Chúng tôi rất mong nhận được sự chỉ bảo, góp ý của các thầy cô, bạn bè và những ai quan tâm cho việc nghiên cứu đề tài đã nêu thêm hoàn thiện.