Trên cơ sở các nguồn lợi to lớn của biển, các hoạt động kinh tế biển hiện nay diễn ra rất sôi động. Nhờ biết khai thác tốt nguồn lợi của biển mà nhiều quốc gia có biển đã tạo được những bước phát triển vượt bậc, xác lập và cũng cố vững chắc vị thế kinh tế, chính trị của mình trên trường quốc tế. Cùng với việc từng bước hiện đại hóa các ngành nghề khai thác biển truyền thống, một số nước có tiềm lực kinh tế và khoa học kỹ thuật mạnh đang tập trung phát triển các ngành nghề khai thác biển mới như khai thác khoáng sản biển, năng lượng biển, du lịch biển và ven biển...
- Ngành khai thác và nuôi trồng hải sản: đây là ngành có lịch sử lâu đời và phát triển ở hầu hết các quốc gia có biển, sản lượng khai thác hải sản thế giới không ngừng tăng lên, đạt trên 100 triệu tấn. Theo thống kê của FAO, hiện nay toàn thế giới có hơn 160 quốc gia làm kinh tế thủy sản, trong đó có 21 quốc gia có sản lượng đánh bắt cá biển trên 1 triệu tấn/năm thuộc châu Á, châu Âu và châu Mỹ.
Sản lượng khai thác hải sản từ nửa sau thế kỷ XX cho đến nay ngày càng tăng nhanh. Các nước có sản lượng đánh bắt hải sản lớn nhất thế giới là Trung Quốc (gần 18 triệu tấn/năm), Pêru (gần 8 triệu tấn/năm), Hoa Kỳ (5 triệu tấn/năm), Nhật Bản (4,8 triệu tấn/năm), Inđônêxia (4,3 triệu tấn/năm)...
Việc khai thác thủy sản quá mức ảnh hưởng lớn tới nguồn lợi thủy sản. Vì vậy, việc khai thác hợp lý kết hợp với bảo vệ và phát triển nguồn tài nguyên này có ý nghĩa to lớn. Chính vì vậy, nghề nuôi trồng hải sản trên biển và ven biển ở hầu hết các quốc gia có biển đang phát triển nhanh chóng và tương lai không xa sẽ đóng vai trò chủ đạo trong ngành hải sản của thế giới.
- Ngành khai thác dầu khí và khoáng sản biển. Với nhu cầu ngày càng lớn về nguồn nhiên liệu, môi trường biển đã trở thành địa bàn quan trọng trong công việc thăm dò, khai thác dầu khí và các loại khoáng sản. Ngành dầu khí trên biển đã nhanh chóng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn,
đem lại nguồn lợi nhuận khổng lồ cho nhiều quốc gia. Hiện nay, đã có hơn 100 nước tham gia thăm dò và khai thác dầu khí ngoài biển. Hàng năm, sản lượng dầu khí khai thác ngoài biển chiếm 25 - 30% sản lượng dầu mỏ và khoảng 20% sản lượng khí thiên nhiên khai thác được trên toàn thế giới, ngành công nghiệp này mang lại 138 tỷ USD/năm. Ngoài ra, công nghiệp khai thác khoáng sản trên biển hiện nay cũng phát triển mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của sản xuất, đặc biệt là khai thác các khoáng sản ven biển như: than, imehit, vàng, thiếc, kim cương, rutin, zicon, uranium, cát, sỏi, đá...Dự báo trong tương lai không xa, việc khai thác các mỏ kim loại dưới đáy biển sẽ chiếm vai trò rất quan trọng trong nền công nghiệp thế giới.
- Ngành hàng hải: phát triển mạnh trên cơ sở một không gia rộng lớn, không mất nhiều chi phí đầu tư. Ngành này phát triển đi liền với sự gia tăng của nhu cầu trao đổi, buôn bán, quan hệ giao lưu giữa các quốc gia. Hiện nay, mạng lưới đường biển quốc tế đã được hình thành dày đặc. Các tuyến đường xuyên đại dương, vòng quanh Trái Đất đã kết nối với các trung tâm kinh tế, các khu vực công nghiệp lớn của thế giới. Đáng kể như tuyến Bắc Đại Tây Dương nối Châu Âu và Bắc Mỹ, Địa Trung Hải - châu Á qua kênh Xuy-ê, thông qua kênh Panama nối châu Âu với bờ Đông Hoa Kỳ với bờ Tây Hoa Kỳ và châu Á; đường biển Nam Phi nối châu Âu và châu Mỹ với châu Phi; đường biển Nam Mỹ nối châu Âu và Bắc Mỹ với Nam Mỹ; đường biển Bắc Thái Bình Dương nối Tây Hoa Kỳ với Nhật Bản và Trung Quốc....
Khoảng 1/2 khối lượng hàng vận chuyển trên đường biển quốc tế là dầu mỏ và các sản phẩm dầu mỏ. Toàn thế giới có hàng trăm tàu chở dầu có trọng tải trên 100.000 tấn đang hoạt động. Vào những năm 70, tổng khối lượng vận chuyển bằng đường biển đạt khoảng 3,5 tỷ tấn/ năm, sau 20 năm khối lượng vận chuyển bằng đường biển thế giới đã tăng gấp hơn 4 lần, tới nay, vận tải đường biển chiếm 3/4 tổng khối lượng hàng hóa trao đổi trên thế giới.
- Trong những thập kỷ gần đây, không gian biển không chỉ dùng cho phát triển giao thông vận tải mà còn sử dụng ngày càng nhiều cho việc phát triển du lịch, nghỉ dưỡng và xây dựng các công trình trên biển. Phần lớn
các trung tâm du lịch nổi tiếng trên thế giới hiện nay đều nằm ở ven biển và trên các đảo. Hiện nay một số quốc gia đã và đang thiết lập những hòn đảo nhân tạo ngoài biển để xây dựng trên đó các công trình lớn như sân bay, nhà máy luyện kim, luyện nhôm, hóa lọc dầu, khử mặn nước biển và các công trình khác...phục vụ kinh tế và quốc phòng.