Quy mô công ty: Tài sản là một trong những yếu tố để đánh giá công ty là lớn hay nhỏ.
Chung và cộng sự cho rằng có mối tương quan dương giữa quy mô công ty và tính thanh khoản. Tang và Wang (2011) cũng làm sáng tỏ điều này liên quan đến sự thay đổi trong quy mô công ty. Thông tin bất cân xứng có thể làm cho các công ty nhỏ có khả năng thu hút đầu tư kém, vì thế không tối đa hóa giá trị doanh nghiệp làm giảm tính thanh khoản. Nhưng Narayan, Zhang, và Zheng (2010) nghiên cứu trên thị trường chứng khoán Trung Quốc lại cho rằng quy mô của công ty không ảnh hưởng đến tính thanh khoản của cổ phiếu. Do đó, liệu có mối quan hệ giữa quy mô công ty và tính thanh khoản của cổ phiếu hay không vẫn còn nhiều tranh luận. Trong trường hợp của Việt Nam, tác giả cũng kiểm chứng điều này.
Giả thiết đưa ra là: Quy mô của công ty có ảnh hưởng tích cực đến tính thanh khoản của cổ phiếu.
Cách tính Quy mô công ty (SIZE): SIZE = ln(tài sản)
Số liệu được lấy từ các báo cáo tài chính (trên trang web http://www.cophieu68.vn) tại thời điểm ngày cuối cùng trong năm tài chính của các công ty khảo sát.
Đòn bẩy tài chính: Xác định tỷ lệ nợ so với tài sản của công ty.
Nghiên cứu của Tang và Wang (2011) cho rằng có mối tương quan nghịch giữa đòn bẩy tài chính và tính thanh khoản của cổ phiếu. Ở Việt Nam liệu có tồn tại mối quan hệ này hay không?
Giả thiết đưa ra là: Đòn bảy tài chính có tác động tiêu cực đến tính thanh khoản của cổ phiếu.
Cách tính đòn bẩy tài chính (LEVERAGE):
LEVERAGE = Tổng nợ/Tổng tài sản
Số liệu được lấy từ các báo cáo tài chính (trên trang web http://www.cophieu68.vn) tại thời điểm ngày cuối cùng trong năm tài chính của các công ty khảo sát.
Tỷ số giá thị trường/giá sổ sách: Xem xét giá trị thực của cổ phiếu so với giá trị ghi sổ. Cổ phiếu có Giá sổ sách lớn hơn giá thị trường (giá hiện tại đang giao dịch) có thể được xem như cổ phiếu bị định giá thấp hơn so với giá giao dịch hiện tại, hoặc có thể giá trị thực sẽ giảm do tình hình kinh doanh của công ty không thuận lợi. Cổ phiếu có giá sổ sách thấp hơn giá thị trường đây có thể là được xem như cổ phiếu tiềm năng và nhà đầu tư tin rằng cổ phiếu sẽ phát triển, hoặc xem như cổ phiếu được định giá cao hơn so với giá trị thực của cổ phiếu đó.
Nghiên cứu của Tang và Wang (2011) cho rằng có mối tương quan nghịch giữa giá trị sổ sách/giá thị trường và tính thanh khoản của cổ phiếu. Tác giả cũng tiến hành xem xét mối quan hệ này.
Giả thiết đưa ra là: Giá thị trường/Giá sổ sách có mối quan hệ thuận với tính thanh khoản của cổ phiếu.
Cách tính tỷ số Giá thị trường/Giá trị sổ sách của cổ phiếu (MB):
MB = Giá đóng cửa ngày cuối cùng của năm/(Vốn chủ sở hữu/Tổng số lượng cổ phiếu đang lưu hành cuối năm)
Giá đóng cửa của ngày cuối cùng trong năm được lấy từ bảng tổng hợp dữ liệu lịch sử các giao dịch theo ngày của từng công ty khảo sát (trên trang web http://fpts.com.vn/). Giá trị sổ sách được lấy từ các báo cáo tài chính (trên trang web http://www.cophieu68.vn) tại thời điểm ngày cuối cùng trong năm tài chính của các công ty khảo sát.
Biến động giá: Đo lường mức độ biến động giá cổ phiếu
Nghiên cứu của M Karmani (2012) tại thị trường Pháp thì biến động giá có tương quan dương với tính thanh khoản cổ phiếu. Cùng chung kết quả này, H.Chung và cộng sự (2010) nghiên cứu trên thị trường NYSE/AMEX và NASDAQ cũng khẳng định như vậy. Nhưng nghiên cứu của Tang và Wang (2011) tại Trung Quốc thì
không có kết luận gì bởi giữa chỉ số vòng quay trung bình của cổ phiếu và tỷ số Amihud đều tương quan dương với biến động giá.
Giả thiết đưa ra là: Biến động giá có tương quan dương với tính thanh khoản của cổ phiếu.
Đo lường mức độ biến động giá cổ phiếu, được tính như sau: VOLi,y tb = [(P1 – P0)/P0 +…+(P12 – P11)/P11]/12
VOLi,y = SQRT{[((P1 – P0)/P0 - VOLi,y tb)2 + …+ ((P12 – P11)/P11 – VOLi,ytb)2]/12}
Trong đó: P0 là giá cổ phiếu của tại thời điểm đóng cửa của công ty i vào ngày cuối cùng của năm y-1
P1, …, P12: Giá cổ phiếu tại thời điểm đóng cửa của công ty i vào ngày cuối cùng lần lượt từ tháng 1 đến tháng 12 của năm y.
Giá cổ phiếu tại thời điểm đóng cửa của ngày cuối cùng trong năm y-1 và Giá cổ phiếu tại thời điểm đóng cửa vào ngày cuối cùng lần lượt từ tháng 1 đến tháng 12 của năm y được lấy từ bảng tổng hợp dữ liệu lịch sử các giao dịch theo ngày của từng công ty khảo sát (trên trang web http://fpts.com.vn/).