kinh tế - xã hội. V.I. Lê-nin đã kế thừa, bổ sung, phát triển sáng tạo học thuyết đó trên nhiều phương diện, đặc biệt trong việc bổ sung, cụ thể hóa lý luận về hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa - hình thái mà C. Mác và Ph. Ăng-ghen mới phác thảo những dự báo khoa học ban đầu.
Hiện nay, khi chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, đồng thời ở khá nhiều nước các đảng cộng sản và đảng công nhân đang tiến hành cải cách, đổi mới để tìm chọn, thực hiện mô hình và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội phù hợp với điều kiện của từng quốc gia, dân tộc thì việc nghiên cứu làm sâu sắc thêm những quan điểm sáng tạo của V.I. Lê-nin trong vận dụng, phát triển lý luận mác-xít về hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa có ý nghĩa lý luận và thực tiễn vô cùng to lớn. Việt Nam cũng không nằm ngoài quỹ đạo đó. Đảng Cộng sản Việt Nam đã và đang đổi mới tư duy lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội phù hợp với đặc điểm, điều kiện của Việt Nam. Yêu cầu từ thực tiễn đang đặt ra hàng loạt vấn đề cần giải đáp liên quan đến chủ nghĩa xã hội - giai đoạn thấp của hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa. Để đáp ứng những yêu cầu đó, hơn lúc nào hết đòi hỏi Đảng và Nhà nước Việt Nam phải tiếp tục vận dụng, bổ sung, phát triển sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin nói chung, quan điểm của V.I. Lê-nin nói riêng về học thuyết hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa.
Xuất phát từ việc đánh giá cao chủ nghĩa duy vật lịch sử - phát kiến của C. Mác và Ph. Ăng- ghen, coi đó là “thành tựu vĩ đại nhất của tư tưởng khoa học”, V.I. Lê-nin xem xét, đánh giá cao hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa. V.I. Lê-nin đã bảo vệ kiên định những nguyên lý lý luận của C. Mác, khẳng định bản chất khoa học và cách mạng trong lý luận về hình thái kinh tế - xã hội vừa nêu. V.I. Lê-nin viết: “Trong tài liệu của Mác, người ta không thấy mảy may một ý định nào đó nhằm bịa ra những ảo tưởng, nhằm đặt ra những dự đoán vu vơ về những điều mà người ta không thể nào hiểu được. Mác đặt vấn đề chủ nghĩa cộng sản giống như một nhà tự nhiên học đặt, chẳng hạn, vấn đề tiến hóa của một giống sinh vật mới, một khi đã biết nguồn gốc của nó và định được rõ rệt hướng của những biến đổi của nó”(1). V.I. Lê-nin đã làm rõ thêm tính tất yếu ra đời của hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa từ quan điểm duy vật lịch sử: “… Vậy Mác đã xây dựng tư tưởng cơ bản đó bằng cách nào? Bằng cách là trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, ông đã làm nổi bật riêng lĩnh vực kinh tế, bằng cách là trong các mối quan hệ xã hội ông đã làm nổi bật những quan
hệ sản xuất, coi đó là những quan hệ cơ bản, ban đầu và quyết định tất cả mọi quan hệ
khác”(2).
V.I. Lê-nin viết tiếp: “Mác chứng minh tính tất yếu của chế độ hiện có thì đồng thời cũng chứng minh luôn cả tính tất yếu của một chế độ khác, nhất định phải sinh ra từ chế độ trước dù người ta tin hay không tin điều đó, thì cũng không sao. Mác coi sự vận động xã hội là một quá trình lịch sử - tự nhiên chịu sự chi phối của những quy luật không những không phụ thuộc vào ý chí, ý thức và ý định của con người, mà trái lại, còn quyết định ý chí, ý thức và ý định của con người”.
Từ việc luận chứng làm rõ tính tất yếu ra đời của hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa, V.I. Lê-nin còn bổ sung, cụ thể hóa làm rõ về chủ nghĩa xã hội - giai đoạn thấp của hình thái kinh tế - xã hội đã nêu.
C. Mác mới chỉ phác thảo sơ bộ những nét cơ bản về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội… trong xã hội xã hội chủ nghĩa như là những đặc trưng bản chất của xã hội xã hội chủ nghĩa. V.I. Lê-nin đã nêu lên hàng loạt yếu tố phản ánh đặc trưng của chủ nghĩa xã hội (mặc dù V.I. Lê-nin cho rằng đưa ra các đặc trưng lúc đó là quá sớm). Có thể thấy rõ trong các tác phẩm của V.I. Lê-nin, các thuộc tính phản ánh đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa là những dự báo cụ thể, từ thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước Nga Xô-viết.
Trước hết, V.I. Lê-nin đã xác định mục tiêu lâu dài mà chủ nghĩa xã hội phải vươn tới: “Khi bắt đầu những cải tạo xã hội chủ nghĩa, chúng ta phải đặt rõ các mục đích mà những cải tạo xã hội chủ nghĩa đó rút cục nhằm tới cụ thể là thiết lập một xã hội không chỉ hạn chế ở việc tước đoạt các công xưởng, nhà máy, ruộng đất và tư liệu sản xuất, không chỉ hạn chế ở việc kiểm kê, kiểm soát một cách chặt chẽ việc sản xuất và phân phối sản phẩm, mà còn đi xa hơn nữa, đi tới thực hiện nguyên tắc: làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu. Vì thế cái tên gọi Đảng Cộng sản là duy nhất chính xác về mặt khoa học”(3).
Bên cạnh việc phát triển cụ thể hóa lý luận về thời kỳ quá độ của C. Mác, V.I. Lê-nin đồng thời còn chỉ rõ việc xác định các mục tiêu cần cụ thể hóa. Cùng với mục tiêu chung, lâu dài của chủ nghĩa xã hội, còn có mục tiêu khi kết thúc thời kỳ quá độ ở mỗi bước đi, mỗi khâu trung gian cũng cần phải xác định mục tiêu thiết thực. Ông viết: “Mục đích của giai cấp vô sản là thiết lập chủ nghĩa xã hội, xóa bỏ sự phân chia xã hội thành giai cấp, biến tất cả mọi thành viên xã hội thành người lao động, tiêu diệt cơ sở của mọi tình trạng người bóc lột người. Mục đích đó người ta không thể đạt ngay tức khắc được, muốn thế cần có một thời kỳ quá độ lâu dài từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội, vì cải tổ sản xuất là sự khó khăn”(4). Mục tiêu đặt ra trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội đã được V.I. Lê-nin xác định như là tiêu chí phản ánh bản chất ưu việt của chủ nghĩa xã hội.
Về phương diện kinh tế, thuộc tính bản chất của chủ nghĩa xã hội được V.I. Lê-nin phác họa
trong hai công thức nổi tiếng (cả ở hai giai đoạn cao, thấp của hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa):
- Chủ nghĩa cộng sản = Chính quyền Xô-viết + Điện khí hóa toàn quốc.
- Chính quyền Xô-viết + Quản lý đường sắt của nước Phổ + Giáo dục quốc dân của Mỹ + Cách quản lý các tơ-rớt + v.v… = Chủ nghĩa xã hội.
Ở công thức thứ hai còn cho thấy sự phát triển, cụ thể hóa của V.I. Lê-nin trong việc kế thừa những giá trị mà chủ nghĩa tư bản đã tạo ra để xây dựng chủ nghĩa xã hội và để vượt qua chủ nghĩa tư bản.
Khoa học - kỹ thuật và kinh nghiệm quản lý trong sản xuất, kinh doanh của xã hội tư bản cũng được coi là những yếu tố vô cùng cần thiết mà chủ nghĩa xã hội phải kế thừa, tiếp thu, vận dụng và phát triển.
V.I. Lê-nin viết: “Không có kỹ thuật đại tư bản chủ nghĩa được xây dựng trên những phát minh của khoa học hiện đại, không có một tổ chức Nhà nước có kế hoạch khiến cho hàng chục triệu người phải tuân theo một cách nghiêm ngặt một tiêu chuẩn thống nhất trong việc sản xuất và phân phối sản phẩm thì không thể nói chủ nghĩa xã hội được”(5).
Nhờ phát triển nhận thức về quá độ lên chủ nghĩa xã hội như vậy mà V.I. Lê-nin đã thực thi chính sách kinh tế mới (NEP) thay thế cho chính sách cộng sản thời chiến, nêu một mẫu mực về kế thừa, tiếp thu, tận dụng những giá trị mà chủ nghĩa tư bản đã tạo ra để xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Năng suất lao động cao là một yêu cầu lớn phản ánh bản chất ưu việt của chủ nghĩa xã hội so với chủ nghĩa tư bản. V.I. Lê-nin coi đó là tiêu chuẩn quan trọng nhất, chủ yếu nhất tạo nên thắng lợi của chủ nghĩa xã hội: “Xét đến cùng thì năng suất lao động là cái quan trọng nhất,
chủ yếu nhất cho thắng lợi của chế độ mới. Chủ nghĩa tư bản đã tạo ra một năng suất lao động chưa từng thấy dưới chế độ nông nô. Chủ nghĩa tư bản có thể bị đánh bại hẳn và sẽ bị đánh bại hẳn vì chủ nghĩa xã hội tạo ra năng suất lao động mới cao hơn nhiều”(6).
Về phương diện chính trị, V.I. Lê-nin đã phát triển, làm rõ bản chất chính trị ưu việt của chủ
nghĩa xã hội. Đó là một nền dân chủ phải “gấp triệu lần hơn dân chủ tư sản”. V.I. Lê-nin viết: “Chế độ dân chủ vô sản so với bất kỳ chế độ dân chủ tư sản nào cũng dân chủ gấp triệu lần. Chính quyền Xô-viết so với nước cộng hòa dân chủ nhất cũng gấp triệu lần”(7).
Xây dựng Nhà nước Xô-viết, hoàn thiện hệ thống pháp luật Xô-viết, bảo đảm trở thành một Nhà nước dân chủ thực sự được V.I. Lê-nin coi là yếu tố quan trọng để xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước Nga. V.I. Lê-nin còn chỉ rõ quá trình xây dựng dân chủ xã hội chủ nghĩa còn là quá trình “tập dượt dân chủ”, phải sử dụng cả pháp quyền tư sản dù trong xã hội không còn giai cấp tư sản nữa để hoàn thiện hệ thống pháp luật và để xây dựng, hoàn thiện nền dân chủ gấp triệu lần hơn dân chủ tư sản.
Theo V.I. Lê-nin, bản chất chính trị ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa là phải mở rộng dân chủ, lôi cuốn hàng triệu, hàng triệu quần chúng nhân dân tham gia quản lý xã hội, quản lý đất nước. Nhà nước Xô-viết phải thể hiện tính ưu việt ngay trong phương thức lôi cuốn nhân dân tham gia quản lý…
Về phương diện văn hóa, V.I. Lê-nin cũng đã phát triển, làm rõ vai trò của văn hóa nói chung,
tri thức nói riêng trong xã hội xã hội chủ nghĩa. V.I. Lê-nin đã chỉ rõ những nội dung, nhiệm vụ mà giai cấp công nhân, đảng cộng sản và nhà nước phải quán triệt nhận thức thống nhất để xây dựng văn hóa vô sản - văn hóa xã hội chủ nghĩa. V.I. Lê-nin viết: “Văn hóa vô sản không phải bỗng nhiên mà có, nó không phải do những người tự cho mình là chuyên gia về văn hóa vô sản phát minh ra. Đó là điều ngu ngốc. Văn hóa vô sản phải là sự phát triển hợp quy luật, của tổng số kiến thức mà loài người đã tích lũy được dưới ách thống trị của xã hội tư bản, xã hội của bọn địa chủ, xã hội của bọn quan liêu”(8).
Quan niệm về văn hóa vô sản - văn hóa xã hội chủ nghĩa của V.I. Lê-nin rất nhất quán khi cho rằng văn hóa xã hội chủ nghĩa ở nước Nga Xô-viết không chỉ là kết tinh của giá trị văn hóa Nga mà còn phải kết tinh tổng số kiến thức mà nhân loại đã tích lũy được.
Trên phương diện xã hội, V.I. Lê-nin cũng đã phát triển, cụ thể hóa: trong xã hội xã hội chủ
nghĩa, không chỉ phải thực hiện công bằng, bình đẳng trong quan hệ giữa người và người mà còn phải thực hiện công bằng bình đẳng xã hội giữa các tộc người trong quốc gia đa tộc. Chính V.I. Lê-nin đã soạn thảo Cương lĩnh về dân tộc làm cương lĩnh chung của những người cộng sản trong giải quyết các quan hệ dân tộc và quan hệ tộc người.
Không chỉ về đối nội, quan hệ đối ngoại trong xã hội xã hội chủ nghĩa cũng đã được V.I. Lê- nin phát triển, nâng lên một tầm cao mới. Các nội dung bình đẳng, quyền tự quyết và liên hợp giai cấp công nhân các dân tộc lại là sự phát triển sáng tạo của V.I. Lê-nin từ những quan điểm mác-xít về dân tộc.
Khẩu hiệu “Vô sản tất cả các nước đoàn kết lại” của C. Mác đã được V.I. Lê-nin bổ sung thành: “Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại”. V.I. Lê-nin chỉ rõ: “Không có sự cố gắng tự nguyện tiến tới sự liên minh và sự thống nhất của giai cấp vô sản, rồi sau nữa của toàn thể quần chúng cần lao thuộc tất cả nước và các dân tộc trên toàn thế giới, thì không thể chiến thắng hoàn toàn chủ nghĩa tư bản được”(9). Đoàn kết giai cấp công nhân thế giới, quan tâm đến giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa… là những cống hiến mới của V.I. Lê-nin ở việc bảo vệ, phát triển chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân.
Còn nhiều nữa các luận điểm của V.I. Lê-nin phản ánh nội dung, thực chất của chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa cần thực hiện… Mặt khác, V.I. Lê-nin còn chỉ ra con đường, phương thức để hiện thực hóa các nội dung, nhiệm vụ trong xã hội xã hội chủ nghĩa. Đó là phải từ đặc điểm, tình hình của quốc gia, dân tộc mà xác định con đường, phương thức đặc thù cho phù hợp. Không có con đường giống nhau cho tất cả các nước khi tiến tới chủ nghĩa xã hội. Sự phát
triển lý luận mác-xít về hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa, đặc biệt là những thuộc tính bản chất của chủ nghĩa xã hội và con đường, phương thức hiện thực hóa bản chất ưu việt của chủ nghĩa xã hội là mẫu mực trong việc vận dụng và phát triển sáng tạo lý luận mác-xít về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ
quá độ lên chủ nghĩa xã hội: Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm
nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động. Công cuộc đổi mới thành công bước đầu đã cụ thể hóa tư tưởng của V.I. Lê-nin vào điều kiện Việt Nam. Thành quả to lớn có ý
nghĩa lịch sử mà đất nước ta giành được trong thời gian qua là nhờ đổi mới tư duy lý luận về
chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Những đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng, các phương hướng quá độ lên chủ nghĩa xã hội cũng như các mối quan hệ lớn cần quán triệt và giải quyết trong khi thực hiện các phương hướng đã xác định… đều phản ánh việc kế thừa, vận dụng và phát triển những quan điểm lý luận của V.I. Lê-nin về chủ nghĩa xã hội.
Tuy nhiên, thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa vẫn đang đặt ra hàng loạt vấn đề mới mà Đảng phải thường xuyên tổng kết thực tiễn để phát triển lý luận về chủ nghĩa xã hội làm sáng tỏ hơn mô hình chủ nghĩa xã hội và con đường, phương thức để hiện thực hóa thành chế độ xã hội tiến bộ, ưu việt, đạt tới mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Hàng loạt vấn đề, khía cạnh đòi hỏi Đảng ta phải quán triệt sâu sắc và vận dụng phát triển sáng tạo những quan điểm có giá trị phương pháp luận của V.I. Lê-nin để tiếp tục làm sáng tỏ hơn về mô hình chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay.