Khái quát về tình hình kinh tế xã hội huyện Đông Sơn

Một phần của tài liệu Một số giải pháp quản lý hoạt động đổi mới phương pháp dạy học ở các trường trung học cơ sở huyện đông sơn tỉnh thanh hóa luận văn thạc sĩ khoa học giáo dục (Trang 32 - 36)

2.1.1.1. Vị trí địa lý, đặc điểm điều kiện tự nhiên và dân cư

* Vị trí địa lý – Dân cư

Đông Sơn huyện đồng bằng, nằm trong lưu vực của sông Mã, phía Đông giáp thành phố Thanh Hóa, phía Bắc giáp huyện Thiệu Hóa, phía tây giáp huyên Triệu Sơn, phía Tây Nam giáp huyện Nông Cống, phía Nam và Đông Nam giáp huyện Quảng Xương, đều thuộc tỉnh Thanh Hóa. Có tọa độ địa lý:

Kinh độ: 1050 33/ - 1050 45/ , vĩ độ: 190 43/ - 190 51/.

- Huyện Đông Sơn có quốc lộ 45 chạy từ thành phố Thanh Hóa, cắt ngang phía bắc huyện, qua thị trấn Rừng Thông sang huyện Thiệu Hóa.

- Quốc lộ 47 chạy từ thành phố Thanh Hóa, cắt ngang phía bắc huyện, qua thị trấn Rừng Thông sang huyện Triệu Sơn.

- Đường sắt Thống Nhất Bắc - Nam, chạy từ thành phố Thanh Hóa, theo hướng Đông Bắc - Tây Nam sang Nông Cống.

Qua nhiều lần thay đổi chia, tách địa giới hành chính cho đến nay huyện Đông Sơn có 21 đơn vị hành chính, gồm 19 xã và 02 thị trấn, trong đó các xã nhân dân chủ yếu làm nông nghiệp, ngành nghề phụ không đáng kể. Đông Sơn có diện tích tự nhiên là 106,41 km2, Dân số là 105 978 người (tính đến thời điểm 01/2012).

* Điều kiện tự nhiên

Về mặt tư nhiên huyện Đông Sơn có vị trí nằm ở vùng khí hậu của Đồng bằng Thanh Hóa. Về mùa hạ khí hậu nóng ẩm, có ảnh hưởng của gió Tây khô và nóng. Mùa Đông, khô hanh sương giá, sương muối. Nhiệt độ trung bình khoảng 240C vào mùa hè, nhiệt độ thấp nhất từ 10 - 160C vào tháng 1 hàng năm. Độ ẩm trung bình 87%.

- Tài nguyên nước: Huyện Đông Sơn được hưởng nguồn nước của Hệ thống Sông Chu, hệ thống sông Hoàng, sông Nhà Lê và các hồ tự nhiên; là nguồn nước phục vụ cho nông nghiệp cả huyện.

- Tài nguyên đất: - Đất nông nghiệp: 6770,6 ha - Đất Lâm nghiệp: 197,29 ha - Đất ở: 1071,85 ha

- Đất chưa sử dụng: 401,11 ha

- Tài nguyên khoáng sản: Đông Sơn có nhiều dãy núi đá vôi sản xuất đá ốp lát xuất khẩu nổi tiếng như: Núi đá thị trấn Nhồi, xã Đông Hưng, xã Đông Tân, xã Đông Nam, xã Đông Vinh, xã Đông Văn, xã Đông Tiến...các mỏ đá này cũng cung cấp một phần lớn vật liệu xây dựng trong huyện và trong tỉnh. Ngoài ra Đông Sơn còn có lớp đất sét là nguyên liệu làm gạch ngói, cung cấp vật liệu xây dựng như nhà máy gạch: Tuy nen Đông Phú, xí nghiệp gạch ngói Đông Văn, xí nghiệp gạch ngói Cẩm Trướng sản xuất tại xã Đông Nam và xã Đông Vinh...

+ Đất sét là nguyên liệu làm gạch ngói phân bố ở các xã Đông Quang, Đông Văn, Đông Phú, Đông Nam, Đông Tiến và Đông Vinh...

- Tài nguyên rừng: Tuy là huyện không có tài nguyên rừng tự nhiên, toàn huyện có 210,92 ha rừng trồng, phân bố tập trung ở thị trấn Rừng Thông (Rừng Thông thuộc thị trấn Rừng Thông đây là di tích lịch sử Quốc gia).

2.1.1.2. Tình hình phát triển kinh tế xã hội

* Về phát triển kinh tế

Đông Sơn là huyện mà sản xuất nông nghiệp là chủ yếu (chiếm 85%), ngành nghề khác chiếm 15%, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ thương mại chậm phát triển. Vì vậy, trong Văn kiện Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII (2010) đã nêu rõ: “So với mặt bằng chung của cả tỉnh, kinh tế huyện ta vẫn ở mức thấp, tốc độ phát triển chậm, tích luỹ kinh tế còn rất thấp; cơ cấu trong nội ngành kinh tế nông nghiệp, công nghiệp và xây dựng chuyển dịch chậm, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế còn thấp. Phân hoá giàu nghèo giữa các vùng ngày càng rõ, số hộ đói nghèo chiếm tỷ lệ cao”. Định hướng phát triển kinh tế huyện Đông Sơn trong giai

đoạn 2010 - 2015 là: quy hoạch lại dân cư, thị trấn, các vùng kinh tế. Trên cơ sở các chương trình, dự án của Trung ương, tỉnh và tiềm năng của huyện xây dựng những giải pháp mạnh mẽ để lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế, khai thác thế mạnh về nông nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng vật nuôi, tạo ra giá trị kinh tế cao. Phát triển kinh tế - xã hội bền vững, nâng cao đời sống vật chất, văn hoá tinh thần cho nhân dân, quyết tâm phấn đấu đưa Đông Sơn thoát khỏi huyện nghèo, kém phát triển và trở thành một huyện khá có mức thu nhập cao hơn mức bình quân chung của tỉnh.

* Về giáo dục

Đông Sơn là vùng đất có truyền thống hiếu học nhiều dòng họ nổi tiếng và truyền thống học hành, nổi tiếng đất học giỏi là "tứ xã Bôn" gồm 4 làng Ngọc Tích, Phúc Triều, Kim Bôi, Quỳnh Bôi có nhiều vị đại khoa, kể từ năm 1844 trở về trước, Đông Sơn có 32 Tiến sĩ (1 Trạng nguyên, 01 bảng nhã, 02 Thám hoa). Có nhiều vị tướng, nhiều người đỗ đạt khoa cử tiêu biểu như: Thiều Thống là Phò Kỳ lang (Phò mã), chức vụ Phòng Ngự sứ Lạng Sơn đời Trần; Lê Trắc: ở huyện Đông Sơn. Viết sách "An Nam chí lược" đời Trần; Nguyễn Chính: ở làng Vạn lộc, xã Đông Ninh, dũng tướng Lam Sơn, khai quốc công thần thời Lê; Nguyễn Như Soạn: Tướng thời Lê Lợi, cùng cha khác mẹ với Nguyễn Trãi; Nguyễn Mộng Tuân: ở làng Viên Khê, xã Đông Anh, đậu Thái học sinh đời Trần. Ông tham gia khởi nghĩa Lam Sơn, làm quan tới chức Tả Nạp Ngôn, Vinh lộc đại phu. Ông có tập thơ "Cúc pha tập"; Triệu Quy Linh ở xã Doãn Xá, xã Đông Ninh. Tử tiết chống Mạc; Lê Hy: quê làng Thạch Khê, đỗ Tiến sĩ, giữ chức Tham Tụng, Sách quận công. Lê Hy còn là nhà sử học thế kỷ XVII chức Quốc sử quán tổng đài, biên soạn và hoàn thành bộ Đại Việt sử ký toàn thư đến đời Lê Gia Tông (năm 1692) và viết "bản kỷ tục biên"; Nguyễn Nghi: ở làng Ngọc Bôi, xã Đông Thanh, làm quan tới chức Tả thị lang Bộ Lại kiêm đông các đại học sĩ, tước Thái Bảo, thầy dạy hai vua Lê Anh Tông và Lê Thế Tông; Nguyễn Khải: (con thứ Nguyễn Nghi) võ tướng thời Lê Trung Hưng, tước đặng quận công. Các bậc đại nho: Nguyễn Mộng Tuân, Lưu Ngạn Quang, Thiều Quý Linh, Ngô Văn Thông, Nguyễn Nghi, Nguyễn Văn Lễ, Lê Khả Trù, Nguyễn Thế Khanh, Cao Cử, Lê Vĩnh,

Lại Đăng Tiến, Lê Liêu, Lê Hy, Thiều Sĩ Lâm, Lê Khả Trinh, Lê Dị Tài, Trần Bá Tần, Lê Thế Thứ... Những năm qua sự nghiệp GD đào tạo được củng cố phát triển, công tác xã hội hoá GD được các ngành, các đoàn thể chăm lo tích cực hơn. Chất lượng dạy và học trong các trường đều có những bước phát triển đáng khích lệ; tỷ lệ học sinh bỏ học giảm; Số học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp huyện ngày càng tăng. Việc quản lý Nhà nước về công tác GD đã đi vào nề nếp. Hệ thống trường lớp được sắp xếp lại ổn định. Đến năm học 2011 – 2012 toàn huyện có 69 trường gồm 21 trường Mầm non, 22 trường Tiểu học, 20 trường THCS, 4 trường THPT và 01 Trung tâm GDTX, và 1 Trung tâm DN; Tỷ lệ huy động học sinh ra các cấp học, bậc học tăng nhanh; củng cố và giữ vững phổ cập Tiểu học đúng độ tuổi, hoàn thành phổ cập THCS. Đã có 25 trường được công nhân đạt chuẩn quốc gia. Các mục tiêu về xã hội hoá GD, xây dựng xã hội học tập, nâng cao dân trí- đào tạo nhân lực được quan tâm đúng mức.

* Về văn hoá – xã hội:

Hưởng ứng thực hiện các chỉ thị của Đảng, Nhà nước và Chính quyền tỉnh, huyện trong phong trào thực hiện nếp sống văn hoá, văn minh trong các sinh hoạt cưới xin, ma chay, lễ hội được phát triển mạnh đến mọi nơi trên địa bàn huyện, số làng văn hoá tăng lên rất nhanh; toàn huyện có nhiều di tích đã được xếp hạng là di tích lịch sử trong đó có 2 di tích cấp quốc gia đó là: Kinh Đông Phố: quận lỵ Cửu Chân thời Tiền Tống từ Tứ Phố chuyển về đây (420 - 1009), thuộc các xã Đông Hoà và Đông Minh ngày nay, Kinh đô Trường Xuân: nay là thôn Trường Xuân xã Đông Ninh. Năm 618, đời vua Tuỳ, Lê Ngọc là thái thú quận Cửu Chân đã phát động nhân dân chống lại nhà Đường. Lê Ngọc tự xưng là Hoàng đế, xây dựng kinh đô ở đây. Ngoài ra, tại đây, các nhà khảo cổ đã phát hiện tấm bia cổ nhất Việt Nam "gọi là bia Trường Xuân" có tên "Tuỳ Bải an đạo trường chi vi văn" (năm 618); Đền thờ Nguyễn Nghi ở làng Phúc Truyền; Chùa An Hoạch trên núi Nhồi, Bia đá..

+ Di tích cách mạng:

- Làng Hàm Hạ, xã Đông Tiến là nơi thành lập chi bộ Đảng Cộng Sản đầu tiên của Thanh Hoá.

- Rừng Thông là nơi Bác Hồ về thăm Thanh Hoá, gặp cán bộ và đại biểu nhân dân Thanh Hoá trên núi Rừng Thông ngày 20-2-1947.

Với vị trí và đặc điểm kinh tế - xã hội ấy là một số thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn cho GD Đông Sơn nói chung và GD THCS nói riêng của huyện.

Thuận lợi: cơ bản trước hết là môi trường GD thuần chất, đội ngũ CBQL các trường học đã có nhiều cố gắng, tuyệt đại bộ phận GV say sưa với công việc, gắn bó với nghề nghiệp, khắc phục mọi khó khăn gian khổ, bám trường, bám lớp phấn đấu vươn lên tự học, tự rèn luyện để nâng cao trình độ, thích ứng với yêu cầu đổi mới, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị GD, giảng dạy con em nhân dân trong huyện. Nên ngành GD-ĐT huyện đã đạt được những kết quả đang phấn khởi đó là: huyện đã được công nhận hoàn thành phổ cập GD tiểu học vào tháng 10/2004, hoàn thành phổ cập THCS tháng 06/2007, đội ngũ GV giỏi, HS giỏi cấp huyện, tỉnh đều tăng về số lượng cũng như chất lượng.

Khó khăn: quá trình nâng cao chất lượng dạy học, quá trình GD và nâng cao chất lượng đội ngũ của các trường trong huyện còn gặp nhiều khó khăn. Với một số huyện nhân dân lao động chủ yếu lao động thuần nông thì việc xây dựng CSVC trường học đáp ứng yêu cầu đào tạo trong thời kỳ CNH - HĐH còn chậm và gặp nhiều khó khăn. Mức thu nhập của nhân dân thấp và không đều, dân số chủ yếu là nông nghiệp cho nên việc tạo điều kiện kinh tế CSVC cho con em học tập còn chưa cao. Sự đầu tư của nhà nước cho huyện trong GD còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển hiện nay. Đội ngũ GV đã đủ về số lượng, tương đối đảm bảo về cơ cấu và chuẩn hoá song chưa đáp ứng được với yêu cầu nâng cao chất lượng GD hiện nay, một bộ phận giáo viên cao tuổi, trình độ đào tạo từ nhiều hệ khác nhau không chuẩn, có nhiều giáo viên hệ cử tuyển và hệ tại chức nên chất lượng còn thấp. Đội ngũ GV luôn có sự biến động, đội ngũ GV trẻ chiếm tỷ lệ lớn. Việc đầu tư cho GD, việc huy động cộng đồng tham gia công tác GD còn hạn chế, năng lực tiếp thu kiến thức của HS còn nhiều bất cập, tỷ lệ HS chuyển trường còn cao (theo cha, mẹ đi làm ăn các tỉnh phía Nam). Những điều đó ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình nâng cao chất lượng day học và xây dựng đội ngũ GV của các trường THCS trong toàn huyện.

Một phần của tài liệu Một số giải pháp quản lý hoạt động đổi mới phương pháp dạy học ở các trường trung học cơ sở huyện đông sơn tỉnh thanh hóa luận văn thạc sĩ khoa học giáo dục (Trang 32 - 36)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(36 trang)
w