Với cách dạy và học mang tính rập khuôn, việc rèn luyện kỹ năng tư duy và óc sáng tạo không còn là trọng tâm ở nhiều trường đại học nữa. Bên cạnh đó, khi hướng nghiệp thì thí sinh phải tính tới hai loại rủi ro. Thứ nhất, khi tỷ lệ chọi quá cao thì có thể sẽ phải học ngành mà mình không mong muốn. Và thứ hai là không nhận được việc làm như mong muốn dù có bằng cấp của trường lớn. Vì thế mà càng về sau có một lượng lớn thí sinh có tiềm năng chọn thi vào những trường có những chuẩn yêu cầu thấp hơn và tạo nên cuộc đua hướng vào những trường có chất lượng thấp hơn. Bên cạnh đó, việc các bạn trẻ cũng như phụ huynh cứ nghĩ phải có bằng đại học trong tay thì mới “ bằng bè bằng bạn” nên đã tạo cơ hội cho các tổ chức, cá nhân có điều kiện mở thêm nhiều trường đại học, cao đẳng. Tuy nhiên điều đáng quan tâm ở đây là có một số trường hợp không có chứng chỉ chuyên môn vẫn được phép thành lập nên chất lượng giáo dục mà các trường này cung cấp thực sự là một dấu chấm hỏi lớn. Từ việc phát tín hiệu trong thị trường lao động, việc thu hút số lượng đầu vào và đảm bảo số lượng đầu ra được thiết lập theo những tiêu chuẩn mà chất lượng đào tạo không còn là vấn đề hàng đầu. Và việc này dẫn đến hai hiệu ứng là những trường thiếu thốn nguồn lực giảng viên và thiếu tính chuyên nghiệp, hay chỉ chú trọng vào việc mở ra các ngành học đang có sức hút trên thị trường để thu được lợi nhuận cao hơn; chứ không quan tâm đến việc xây dựng lực lượng giảng viên có trình độ. Khi một trường đã không bị ràng buộc về chuẩn mực chất lượng để tăng số lượng đào tạo thì các trường khác vì không muốn đầu vào của mình bị giảm thì cũng sẽ phải có hành động tương tự, vì thế tạo ra một sự lây lan nhanh chóng. Để rồi là một cuộc đua tranh về lợi nhuận làm cho thị trường giáo dục bị xuống cấp trầm trọng.
Việc gia nhập vào WTO đã thúc đẩy xu hướng “xã hội hóa” giáo dục, nhu cầu về nguồn nhân lực có trình độ tăng lên không ngừng. Nhưng với thực tế từ tín hiệu thị trường và tâm lý của người học nên đã dẫn đến tình trạng các chuẩn mực đào tạo bị loại bỏ dần ở các trường đại học, các trường chỉ đua nhau mở rộng số lượng đầu vào để gia tăng lợi nhuận mà không quan tâm đến chất lượng đào tạo.
PHẦN D: HƯỚNG GIẢI PHÁP
Trước thực trạng giáo dục cao đẳng, đại học hiện nay, nếu không có những biện pháp giải quyết cho vấn đề này thì giáo dục ở bậc này của Việt Nam không biết sẽ như thế nào. Sau đây là một số hướng giải quyết được đưa ra nhằm đưa thị trường giáo dục cao đẳng, đại học đi theo hướng tốt hơn, cung cấp cho thị trường lao động lượng lao động chất lượng theo đúng nghĩa.
- Cải tiến mức lương cho các giảng viên nhằm đảm bảo đời sống ổn định cho họ. Đây là việc cần được làm ngay vì trên thực tế hiện nay, mức lương căn bản của giảng viên mới ra trường vẫn chưa đảm bảo được đời sống trong tình trạng vật giá leo thang như hiện nay. Điều này dẫn đến tình trạng giảng viên dạy quá nhiều lớp (cả chính quy lẫn không chính quy) nên sẽ làm giảm chất lượng giảng dạy của họ. Giảng viên không thể tập trung nghiên cứu nếu phải đảm nhận số tiết quá nhiều. Hơn thế nữa, bài giảng sẽ không chất lượng khi giảng viên cứ lấy một bài giảng cho nhiểu lớp mà không hề sáng tạo, không dạy đúng nội dung phù hợp với lớp mà mình đảm nhận.
- Xem xét kỹ các hồ sơ xin thành lập trường cao đẳng, đại học, trung học chuyên nghiệp. Quy định tiêu chuẩn đối với trình độ chuyên môn của thành viên sáng lập trường. Dù mục tiêu là xã hộ hóa giáo dục nhưng người làm công việc quản lí các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp không thể không có bằng cấp hay chuyên môn về quản lí giáo dục.
- Thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra chất lượng giảng dạy của các trường cao đẳng, đại học, trung học chuyên nghiệp. Việc này đòi hỏi đội ngũ cán bộ thanh tra của Sở Giáo dục, Bộ Giáo dục cần hết sức công tâm, tránh tình trạng che giấu, tình trạng đi cửa sau của các trường khi có thanh tra kiểm tra.
- Đối với các dự án thành lập trường hay các trường đã thành lập, Chính phủ cần ưu tiên cho họ về đầu tư cơ sở vật chất, chẳng hạn như ưu đãi về giá đất thuê để xây dựng các cơ sở học tập, giảng dạy, hay giá trang thiết bị, gia hạn thời gian trả chi phí cho việc mua sắm trang thiết bị,… Khi các cơ sở đào tạo được trang bị đầy đủ trang thiết bị, được hỗ trợ về cơ sở vật chất thì nó sẽ góp một phần cải thiện chất lượng chất lượng giáo dục hiện nay.
- Cần xem xét sự cân bằng giữa số lượng trường cao đẳng, đại học, trung học chuyên nghiệp vì hiện nay có tình trạng “ thừa thầy, thiếu thợ” đang diễn ra. Thực tế cho thấy, số lượng cử nhân hiện nay vượt xa số công nhân, thợ lành nghề. Các xí nghiệp sản xuất đa số cần tuyền công nhân lành nghề còn số kĩ sư, nghiên cứu viên thì hạn chế.
- Giới hạn số ngành đào tạo ở các trường, tập trung chuyên môn hóa về ngành nghề ở trường cao đẳng, đại học, trung học chuyên nghiệp, khối ngành nào thì tập trung đào tạo chuyên sâu khối ngành đó, không để tình trạng đào tạo tràn lan, chạy theo lợi nhuận.
- Bộ Giáo dục nên quản lý chặt chẽ nhằm tránh tình trạng tuyển sinh đầu vào dưới điểm sàn ở các trường, tránh tình trạng tuyển sinh số lượng quá nhiều mà chất lượng đầu vào thì trái ngược với số lượng. Nâng cao mức điểm sàn đại học nhằm tuyển chọn đúng số lượng sinh viên thực sự có khả năng học tập.
- Khen thưởng các cá nhân, tổ chức đào tạo trong việc nghiên cứu thành công các đề tài khoa học có tính ứng dụng cao, khuyến khích cũng như hỗ trợ giảng viên, sinh viên thực hiện các nghiên cứu khoa học.
LỜI KẾT
Bước vào thế kỉ XXI với xu hướng toàn cầu hóa mạnh mẽ, Việt Nam muốn thực hiện mục tiêu CNH-HĐH vào năm 2020 đòi hỏi phải có lực lượng lao động vững về kĩ năng cũng như trình độ chuyên môn. Vì thế, giáo dục chính là chìa khóa mở ra cánh cửa CNH-HĐH. Tuy nhiên với thực trạng nền giáo dục nước ta hiện nay có quá nhiều bất cập, đặc biệt là giáo dục đại học- nơi cung cấp lao động chủ yếu cho các doanh nghiệp, thì một câu hỏi được đặt ra là: Liệu công cuộc CNH-HĐH của Việt Nam có thể thực hiện được? Chính vì thế, Bộ Giáo dục & Đào tạo cũng như cơ quan các cấp cần có những chính sách quản lí thật thích đáng đối với các đơn vị đào tạo ra nguồn nhân lực cho quốc gia. Có như thế thì Việt Nam mới có thể sánh vai với các cường quốc năm châu như lời Bác đã nói.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Vũ Quang Việt, “Giáo dục Việt Nam: Nguyên nhân của sự xuống cấp và các cải cách cần thiết”, Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, năm 2007.
Trần Nam Bình, “Đổi mới giáo dục tại Việt Nam: Một vài nhận định từ quan điểm kinh tế”, Đại học New South Wales (Úc), năm 2005.
Vũ Quang Viêt, “Giáo dục tư hay công nhìn từ lí thuyết kinh tế”, bài viết đăng trên website http://www.usnews.com năm 2005.
GSTS Nguyễn Vân Nam, “Xã hội hóa giáo dục và vai trò của Nhà nước”, thời báo Kinh tế Sài Gòn, năm 2009.
Nguyễn Xuân Thu, nguyên giáo sư Trường đại học RMIT Melbourne, “Nên hay không nên cổ phần hóa các trường đại học, cao đẳng?”, báo Tuổi Trẻ Online, năm 2007.
“Vai trò của đại học”, bài diễn văn khai mạc Nobel của TS. Marcus Storch, chủ tịch Hội đồng Quĩ Nobel của Thụy Điển, ngày 10 tháng 12 năm 2008, tại Stockhoml Thụy Điển, được dịch và đăng trên tạp chí Tia Sáng ngày 23 tháng 1 năm 2009.
Vũ Thành Tự Anh, “Đại học nghĩa thục”, Tạp chí Tia sáng, Bộ Khoa học và Công nghệ, năm 2011.