II. NHỮNG BIỆN PHÁP ĐẨY MẠNH VÀ HỖ TRỢ XUẤT KHẨU
2. Gia công xuất khẩu
Thông qua gia công xuất khẩu, không những chúng ta có điều kiện giải quyết công ăn việc làm cho nhân dân mà còn góp phần tăng thu nhập quốc dân, tăng nguồn thu ngoại tệ, thúc đẩy các cơ sở sản xuất trong nước, nhanh chóng thích ứng với đòi hỏi của thị trường thế giới. Tạo điều kiện thâm nhập thị trường các nước, khắc phục khó khăn do thiếu nguyên liệu để sản xuất các mặt hàng xuất khẩu. Tranh thủ được vốn và kỹ thuật của nước ngoài.
Để gia công xuất khẩu có hiệu qủa các cơ quan chức năng quản lý như Bộ thương mại, Bộ tài chính, Tổng cục hải quan cần có quy định thống nhất bảo đảm cho các doanh nghiệp những điều kiện thuận lợi trong việc thực hiện các hợp đồng gia công xuất khẩu với nước ngoài, mặt khác có quản lý chặt chẽ về các nội dung định mức sử dụng nguyên phụ liệu, thanh lý các điều khoản hợp đồng, xử lý nguyên liệu thừa sau thanh lý.
Phát huy vai trò của các hiệp hội ngành hàng, các cơ quan thương mại ở nước ngoài, các cơ quan quản lý liên quan có trao đổi, thông tin về khách hàng và thị trường để đảm bảo ổn định các điều kiện gia công, hạn chế cạnh tranh không lành mạnh tạo cơ hội cho khách hàng ép giá gia công đối với các doanh nghiệp nhận hàng gia công.
Khuyến khích các doanh nghiệp gia công hàng dệt may, giày thể thao, lắp ráp hàng cơ khí, điện tử, dụng cụ thể thao, đồ chơi trẻ em. Đặc biệt chú trọng
đến gia công hàng hoá có hàm lượng kỹ thuật cao.
Mở rộng tham gia gia công xuất khẩu ra các địa phương xa, các thành phố lớn, thông qua việc hợp tác giúp đỡ về vốn, thị trường kỹ thuật ...của các doanh nghiệp lớn đã nhiều năm làm gia công hàng xuất khẩu.
Khuyến khích các trường hợp gia công theo phương thức “mua đứt bán đoạn” coi đây là hình thức đầu tư chế biến hàng xuất khẩu.
Chú ý đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, tay nghề, cho người lao động.