Xu hướng phát triển trong tương lai

Một phần của tài liệu Tiểu luận môn tài chính tiền tệ Lý thuyết về bộ ba bất khả thi (Trang 29)

3. Xu hướng phát triển của bộ ba bất khảthi ở Việt Nam

3.2.Xu hướng phát triển trong tương lai

Bộ ba chính sách lý tưởng cho Việt Nam trong ngắn và trung hạn:

Trong thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục quản lý linh hoạt hơn nữa bộ ba chính sách trong bối cảnh thế giới đầy biến động. Theo tác giả, nhà hoạch định chính sách cần phải tập trung vào các định hướng chủ đạo sau đây:

Một là, chính sách Việt Nam đang đi đúng hướng. Tuy nhiên, hiệu quả của những biện pháp cụ thể đến đâu còn tùy thuộc vào giai đoạn thực thi có đồng bộ, quyết liệt hay không.Chính phủ cần kiểm soát chặt chẽ và nắm bắt tình hình thường xuyên để tránh sai sót trong quá trình thực thi của các Bộ ngành, địa phương.

Hai là, duy trì quan điểm mục tiêu quan trọng nhất hiện nay là kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô kinh tế. Chấp nhận kiểm soát vốn như một biện pháp chính thức và có lộtrình, có kế hoạch, có quy định rõ ràng để vừa không mất đi dòng vốn đầu tư quan trọng, vừa không ảnh hưởng đến tính độc lập của chính sách tiền tệ. Lãi suất thấp và tiền mặt dồi dào ở các nước phát triển đã đẩy dòng vốn chảy vào các nước đang phát triển tăng mạnh. Ngày càng nhiều nền kinh tế phải phục hồi việc sử dụng các biện pháp kiểm soát vốn nhằm giảm thiểu áp lực tăng giá đồng nội tệ và tránh những tác hại của dòng tiền nóng. Cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu đang mở ra một xu hướng mới trong mục tiêu kiểm soát vốn, đó là việc nhiều nước đang phát triển tìm cách hạn chế dòng vốn đầu cơ chảy vào thị trường. Đây là một xu hướng đảo ngược hoàn toàn so với nỗ lực tự do hóa dòng vốn trên phạm vi toàn cầu kể từ những năm 80 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, chính sách kiểm soát vốn đang thực hiện dựa trên việc phân loại các dòng vốn. Đặt ra vấn đề phân loại và lựa chọn dòng vốn vì ngay cả các thể chế quốc tế như Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cũng ủng hộ việc các nước đang phát triển tìm cách hạn chế dòng vốn đầu cơ chảy vào thị trường thông qua việc sử dụng các biện pháp kiểm soát vốn. Không phải lúc nào các dòng vốn cũng có lợi, một số loại dòng vốn có thể làm cho các nước trở nên dễ bị tổn thương trước các cuộc khủng hoảng tài chính hơn. Hiện tại các dòng vốn đầu cơ cao có nguy cơ tạo ra các bong bóng tài sản ở một số nước và sự bất ổn đáng kể nếu có một cú sốc nào đó dẫn đến tình trạng dòng vốn rút ra tăng lên. Mối lo ngại lớn đối với các thị trường đang nổi như Việt Nam là việc dòng vốn vào ồ ạt đang đẩy giá trị đồng tiền nội địa lên cao, đặc biệt là đối với các nước thả nổi tỷ giá hối đoái, đe dọa đến khả năng cạnh tranh của các nước này. Trong khi đó, khả năng ngăn chặn các dòng vốn đó gây ra tình trạng lạm phát tăng cao của đa số các nước là hạn chế.Trong bối cảnh này, sự đảo ngược hoàn toàn so với nỗ lực tự do hóa dòng vốn diễn ra trên toàn cầu kể từ những năm 1980 là điều dễ hiểu. Sự thay đổi này có vẻ hợp lý khi cả các tổ chức quốc tế đa phương, như IMF và Ngân hàng thế giới (WB), những cơ quan vốn phản đối việc kiểm soát vốn, giờ đây cũng ủng hộ việc sử dụng các biện pháp này trong một số trường hợp. Theo IMF, chỉ nên tính đến việc sử dụng các biện pháp kiểm soát vốn khi nền kinh tế đang

hoạt động gần mức tiềm năng, tỷ giá hối đoái không bị hạ thấp và nếu dòng vốn đó nhiều khả năng chỉ là tạm thời. Các chính sách như xây dựng dự trữ ngoại tệ thích hợp, các biện pháp nhằm bình ổn giá bất động sản và chính sách tài chính chặt chẽ hơn nên được xem xét thực hiện trước tiên. Do đó, tự do hóa tài chính hoàn toàn không còn là cái đích đến của mọi nền kinh tế. Việt Nam không nhất thiết phải xây dựng lộ trình để gỡ bỏ hoàn toàn kiểm soát vốn.Chúng ta sẽ xem chế độ kiểm soát vốn trung gian là chìa khóa để giải quyết thành công bộ ba bất khả thi.

Ba là, chính sách tỷ giá liên quan đến cán cân thương mại và hoạt động xuất nhập khẩu. Nghĩa là tỷ giá hối đoái sẽ có rất nhiều tác động đến nền kinh tế thông qua cán cân thương mại, lãi vay và nợ gốc các khoản vay… Do đó, cần giữ ổn định tỷ giá đảm bảo môi trường kinh doanh ổn định. Bốn là, đánh giá đúng vai trò của dòng vốn và sự đóng góp cho tăng trưởng của Việt nam. Trong một thời gian dài, Việt Nam đã theo đuổi mô hình tăng trưởng dựa vào đầu tư, trong đó FDI chiếm gần 20% tổng đầu tư toàn xã hội. Không những thế, khu vực FDI cũng đóng góp khoảng 20% cho GDP, 40% kim ngạch xuất khẩu (chưa kể dầu thô)và 3,5% lao động trực tiếp cho nền kinh tế Việt Nam. Đồng thời, nguồn vốn FDI cũng góp phần quan trọng trong việc cải thiện cán cân thanh toán vốn bị xói mòn do nhập siêu cao gây ra. Với những thực tế này, Việt Nam là một nước có mức độ phụ thuộc vào FDI cao nhất trong khu vực. Vì vậy, tác giả cho rằng một khi FDI suy giảm chắc chắn sẽ tác động hết sức tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng GDP, xuất khẩu và việc làm của nước ta. Do đó, dòng vốn, đặc biệt là dòng vốn FDI cần được quan tâm chú trọng hơn trong khâu quy hoạch, hấp thụ vốn. Và trong ngắn hạn, tạm thời chúng ta không nên kiểm soát quá chặt dòng FDI cho đến khi nền kinh tế ổn định trở lại.

Xu hướng cho Việt nam 2020:

Giải pháp cho kiểm soát vốn : Như đã trình bày trong phần trên, Việt Nam hiện tại cần kiểm soát vốn cho đến khi giải quyết hết bất ổn trong nội tại kinh tế. Việc kiểm soát như thế có thể xảy ra dưới các hình thức khác nhau mà điển hình nhất là đánh thuế cao trên các dòng vốn ngắn hạn, đi liền với việc miễn thuế đối với các dòng vốn mang tính dài hạn. Hoặc như việc yêu cầu các định chế tài chính muốn đi vay hoặc phát hành cổ phiếu thì cần phải được xếp hạng tín nhiệm, như trường hợp của Ngân hàng Đầu tư và phát triển VN mới đây. Đây chính là những phương thức mà chúng ta cần phải thực hiện trong thời gian tới.

- Một là, thể hiện rõ quan điểm, Việt Nam đang kiểm soát vốn có chọn lọc. Như đã trình bày, IMF đang thay đổi quan điểm của mình về kiểm soát vốn đối với các quốc gia mới nổi khi dòng vốn đang ào ạt chạy vào quốc gia đang phát triển do chênh lệch lãi suất. Do đó, Việt Nam không phải quá lo ngại về những khó khăn phải đối diện khi làm trái các hướng dẫn về hội nhập tài chính của IMF. Như vậy, trước mắt Việt Nam

cần quy định rõ đối tượng, quy mô, chính sách ưu tiên cho từng dòng vốn. Phân loại và hướng dẫn rõ ràng, phân nhiệm cho các cơ quan chuyên môn. Và hơn hết là thể hiện quan điểm khuyến khích dòng vốn đầu tư lâu dài, hướng sản xuất, các ngành mũi nhọn mà chúng ta đang tập trung quy hoạch phát triển

- Hai là, kiểm soát nhưng không bóp nghẹt dòng vốn học theo kinh nghiệm Trung quốc, phân khúc thị trường theo đối tượng nhà đầu tư. Khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vốn và làm ăn lâu dài ở Việt Nam.

- Ba là, ưu tiên kiểm soát dòng vốn ra (outflow) đối với cả FDI và FII. Bên cạnh yếu tố hấp thụ vốn mà tác giả sẽ trình bày ở phần sau, chính phủ cần phân định rõ mức thắt chặt kiểm soát cần áp dụng. Tạm thời, dòng vốn ra nên được kiểm soát chặt để tránh dòng vốn rút ra ồ ạt khi có bất ổn.

- Bốn là, xây dựng lộ trình mở cửa tài khoản vốn. Tuy nhiên, đích đến không phải là tự do hóa tài chính hoàn toàn. Hình dưới đây mô tả các mức độ mở cửa tài khoản vốn, từ mức E thắt chặt hoàn toàn, đến mức D, C, B, A theo chiều hội nhập tài chính tăng dần. Với lập luận hệ thống tài chính chúng ta còn yếu kém so với khu vực và các quốc gia phát triển, chúng ta khôngnên đưa ra lộ trình tự do hóa tài chính hoàn toàn, vì hướng đi đó sẽ đẩy Việt Nam vào khủng hoảng trầm trọng. Để làm rõ luận điểm này, chúng ta sẽ phân tích về khả năng cạnh tranh và cơ sở hạ tầng của Việt Nam với các quốc gia khác trong khu vực:

Hình 4.2. Lựa chọn chính sách kiểm soát vốn cho nền kinh tế

Sự khác biệt về trình độ phát triển của các quốc gia trong khu vực ASEAN, nhưng phân tích cho thấy sự khác biệt đáng kể về sự phát triển của hệ thống tài chính giữa Việt Nam và các quốc gia ASEAN nói riêng, và giữa các quốc gia đang phát triển với các quốc gia phát triên nói chung. Hiện nay hệ thống tài chính nước ta đang thiếu tính đa dạng, thiếu các công cụ hạn chế rủi ro, tiềm lực tài chính và năng lực quản trị

ngân hàng còn yếu, hệ thống giám sát thận trọng, hiệu quả chưa được thiết lập... Những hạn chế này là rào cản đối với việc hội nhập và phát triển bền vững của nước ta với khu vực. Do vậy, đẩy mạnh hợp tác, mở cửa cho phép các hoạt động tài chính - ngân hàng diễn ra ở tầm khu vực trong điều kiện trên đây sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro bất ổn cho Việt Nam. Cho nên, tác giả khuyến nghị, Việt Nam chỉ nên mở cửa tài khoản vốn đến mức C (xem hình) là vừa.

- Năm là, định hướng dòng vốn và kiểm soát hiệu quả đầu tư Theo đó, chỉ số KAOPEN hiện tại của Việt Nam là 0.156049 (Nguồn: Excel database của Chinn-Ito). Tác giả đề nghị trong vòng 6-12 tháng tới giữ nguyên mức này, sau đó tăng lên trong khoảng 0.2-0.3 cho đến 2020.

Giải pháp cho chính sách tỷ giá:

Hình 4.3 Thống kê của IMF về các chế độ tỷ giá hối đoái

Hiện nay trên thế giới tồn tại 3 chế độ tỷ giá chính: chế độ tỷ giá cố định, chế độ tỷ giá thả nổi và chế độ trung gian.

Hình 4.3 là phân loại của IMF về các loại tỷ giá hối đoái đang tồn tại ở hơn 180 quốc gia trên thế giới. Ứng với mỗi chế độ tỷ giá sẽ đi kèm với những ưu điểm và khuyết điểm nhất định (Phụ lục:Thống kê những ưu và nhược điểm của từng cơ chế tỷ giá) Việc lựa chọn chế độ tỷ giá xoay quanh 2 vấn đề chính: Mối quan hệ giữa các nền kinh tế quốc gia với cả hệ thống toàn cầu và mức độ linh hoạt của các chính sách kinh tế trong nước.

Thứ nhất, lựa chọn chế độ tỷ giá là lựa chọn hệ thống mở cửa hay đóng cửa. Các phương án lựa chọn hệ thống tỷ giá thiên về hoặc tỷ giá cố định hoặc tỷ giá linh hoạt. Một quốc gia lựa chọn tỷ giá cố định tức là chấp nhận sự ràng buộc đối với các chính sách kinh tế quốc gia. Các chính sách kinh tế của quốc gia bị lệ thuộc vào tỷ giá hối đoái cố định, vì vậy việc hoạch định chính sách đối nội rất bị động. Từ đó có thể thấy rằng sự lựa chọn này ngang với việc áp đặt các ràng buộc quốc tế vào các chính sách kinh tế quốc gia. Nói rộng hơn, lựa chọn cơ chế hối đoái là một chính sách quan trọng, tác động trực tiếp đến mức độ mở cửa thương mại, và quan hệ cung cầu trên thị trường ngoại hối.

Thứ hai, chúng ta cần quan tâm đến mức độ linh hoạt của các chính sách kinh tế đối nội.Nhiều nghiên cứu cho rằng tỷ giá hối đoái cố định quá cứng nhắc nên che mất những thông tin cần thiết cho thị trường hoạt động đúng hướng.Đó là vì đồng tiền không còn thể hiện giá trị thị trường thực của chúng.Sự che đậy thông tin nào tạo ra tính không chắc chắn, kích thích các kẻ đầu cơ tấn công các đồng tiền cố định và nhiều nước sẽ mất sạch cả dự trữ ngoại hối khi cố gắng bảo vệ đồng tiền của mình chứ không chịu để nó mất giá.Cuộc khủng hoảng tiền tệ 1997 là một minh chứng cho điều này. Lựa chọn có thay đổi chế độ tỷ giá hay không còn chịu ảnh hưởng bởi mức dự trữ ngoại hối mà quốc gia đó có.

CHƯƠNG 3. KẾT LUẬN

“Bộ ba bất khả thi” dù đã được vận dụng linh hoạt và thành công ở nhiều quốc gia, nhưng nhìn chung, thì lý thuyết vẫn phản ánh rõ nét sự thiếu hụt công cụ quản lí vĩ mô. Việc lựa chọn mẫu hình bộ ba bất khả thi thích hợp sẽ hỗ trợ cho đất nước đạt

được mục tiêu điều hành vĩ mô đã đặt ra, ngược lại sẽ dễ dàng đưa quốc gia đó đến khủng hoảng. Trong xu hướng hội nhập tài chính của thế giới ngày nay, đối với những đất nước đang phát triển, hệ thống tài chính yếu kém như Việt Nam, lựa chọn chính sách nhằm giải quyết vấn đề càng phải cân nhắc thận trọng. Tác giả lựa chọn và phân tích kinh nghiệm của một số nước có giai đoạn phát triển kinh tế tương đồng và xử lý thành công vấn đề điều tiết vĩ mô trong cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á 1997 – 1998 như Trung Quốc, Ấn Độ và Malaysia. Cùng với những nhìn nhận khác về quá khứ và về điều kiện kinh tế đất nước, tác giả đưa ra những giải pháp cho Việt Nam trong thời gian hiện tại và tương lai gần. Đối với Việt Nam, mẫu hình bộ ba bất khả thi ở Việt Nam mang những đặc trưng riêng, tuy nhiên vẫn không nằm ngoài khả năng giải thích của thuyết Mundell – Fleming. Việc định hướng cho giải quyết vấn đề bộ ba cần căn cứ vào vai trò và đặc điểm của từng mục tiêu đối với sự phát triển kinh tế đất nước. Thông qua việc phân tích lựa chọn chính sách vĩ mô của Việt Nam trong những giai đoạn điều kiện đất nước khác nhau, cũng như học hỏi kinh nghiệm của các nước trong khu vực đã vận dụng thành công vấn đề bộ ba trong điều hành vĩ mô, tác giả đưa ra kiến nghị nhằm ổn định tình hình kinh tế đang gặp nhiều bất ổn hiện nay cũng như hướng đi cho Việt Nam trong những năm sau đó. Do những hạn chế về dữ liệu vĩ mô, đề tài không có nhiều nghiên cứu định lượng có giá trị thực tiễn, tuy nhiên mối tương quan và những tác động giữa các nhân tố trong bộ ba đến nền kinh tế đã được kiểm chứng qua thực tế đất nước trong khoảng thời gian dài từ 1990 đến quí 1 năm 2011. Mong rằng đề tài sẽ mang lại thêm một góc nhìn phần nào hỗ trợ những nhà hoạch định trong việc ra quyết định chính sách.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Giáo trình Nhập môn Tài chính – Tiền tệ, Chủ biên PGS.TS. Sử Đình Thành – PGS.TS. Vũ Thị Minh Hằng (xuất bản năm 2008).

2. Tài liệu từ các trang web.

Một phần của tài liệu Tiểu luận môn tài chính tiền tệ Lý thuyết về bộ ba bất khả thi (Trang 29)