Ít là bao nhiêu?

Một phần của tài liệu Những mẫu chuyện về Bác Hồ (Trang 45)

Tháng 12-1965, Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, Hội phụ nữ Hà Nội quyết định mở Đại hội “Ba đảm đang” để động viên tinh thần chị em. Thành Hội có viết thư lên báo cáo với Bác Hồ, không ngờ hai ngày sau, Bác cho gọi lãnh đạo Hội tới gặp Người. Bác hoan nghênh sáng kiến của Hội, bàn kỹ nội dung và cách làm, rồi bất chợt Bác hỏi: “Thế đại hội định tiêu hết bao nhiêu tiền?”. Chị phụ trách Hội lúng túng: “Thưa Bác, cũng... ít thôi ạ”. Bác cười: “Ít là bao nhiêu?”. Thấy chị đỏ mặt, Bác không hỏi thêm nữa, chỉ nhẹ nhàng nhắc: “Đại hội phải bàn những việc thiết thực, tránh hình thức, lãng phí, thì mới có kết quả tốt được !”.

Vui, mà thấm thía

Tại một Hội nghị quân sự, thấy một số cán bộ “sính chữ”, Bác thân mật nói:

- Một vài cán bộ ta dùng từ khó hiểu quá, có lẽ cho rằng như thế mới oai. Dùng chữ “khoảng cách” có tội tình gì, mà các chú phải nói “cự ly”, “ giữ ngựa” lại gọi là “giám mã”...

Bác cười, hóm hỉnh tiếp:

- Tất nhiên chữ nào đã Việt hóa rồi, thì ta không phải chữa lại nữa. Thí dụ chữ “Độc lập”, nếu ta “lấy lại” thì “độc” tức là “một”, lập có thể phiên thành “đứng”. Lúc đó, câu khẩu hiệu: “Việt Nam độc lập muôn năm!”, sẽ bị thay bằng “Việt Nam đứng một muôn năm” thì nghe chẳng ra sao cả. Hoặc như chữ “khuyết điểm”, mà lại chữa thành “lỗ hổng”, thì thật buồn cười.

Những người có mặt lúc đó đều ngẩng mặt cười xòa nhưng ai cũng cảm thấy thấm thía lời dạy của Người.

Một phần của tài liệu Những mẫu chuyện về Bác Hồ (Trang 45)