Sự cố cháy là cực kì nguy hiểm ảnh hưởng lớn đến an toàn của toàn bộ khu mỏ. Vì vậy người ta lắp đặt các thiết bị tự động hoặc cầm tay, khi có sự cố cháy các thiết bị cảm nhận báo về hệ thống xử lý sẽ làm lệch cho các van điều khiển ngắt nguồn khí của toàn bộ hệ thống (SVD), lượng khí còn lại trong bình chứa, đường ống được xả ra vòi đốt.
Các giếng đang khai thác dừng làm việc đồng thời đóng van tự động trên miệng giếng. Trong trương hợp các van tự động làm việc không tốt ta có thể đóng van bằng tay.
Trong thực tế việc xảy ra cháy trên giàn cố định trong quá trình khai thác là do bất cẩn của con người. Khi phát hiện cháy người ta dập đám cháy bằng các thiết bị cứu hoả được trang bị trên giàn, hoặc các tàu cứu hộ…
KẾT LUẬN
Sau một thời gian nghiên cứu tài liệu tôi đã hoàn thành bản đồ án với
đề tài: “Thiết kế khai thác dầu bằng phương pháp Gaslift liên tục cho giếng N0505 tại giàn MSP_5 mỏ Bạch Hổ”
Trong thời gian làm đồ án, qua các tài liệu về địa chất vùng mỏ Bạch Hổ cho thấy trong điều kiện áp suất, nhiệt độ cùng với bản chất phức tạp của đất đá vùng mỏ thì với sự lựa chọn và áp dụng phương pháp khai thác cơ học đóng một vai trò quan trọng, quyết định chủ yếu đến khả năng khai thác trữ lượng dầu khí. Trên cơ sơ phân tích đó tôi đã đưa ra phương án thiết kế khai thác dầu bằng phương pháp Gaslift và rút ra rằng:
Khai thác dầu bằng phương pháp Gaslift đã chứng minh tính ưu việt về mặt công nghiệp, tính hiệu quả về mặt kinh tế và có nhiều ưu điểm hơn so với các phương pháp khai thác cơ học khác.
Hiện tại các công ty sản xuất thiết bị và khai thác dầu trên thế giới cũng như bản thân phòng khai thác dầu khí của Viện NCKH & TK thuộc XNLD đều có sẵn chương trình lập trình máy tính xác định tất cả các thông số cần thiết khi tiến hành thiết kế khai thác gaslift. Đồ án này nhằm mục đích minh họa phương pháp và các bước tính toán trong quá trình thiết kế, có sử dụng phương pháp biểu đồ Camco để xác định chiều sâu đặt van.
Trong quá trình khai thác gaslift, khi áp suất vỉa không đủ sức thắng được tổn hao năng lượng nâng sản phẩm thì cần chuyển sang chế độ khai thác gaslift định kì.
Thực tế lượng khí đồng hành được sử dụng không nhiều, phần lớn vẫn bị đốt bỏ do nhiều nguyên nhân. Do vậy cần đẩy nhanh công tác xây dựng trạm nén khí công suất lớn để phục vụ kịp thời việc triển khai mở rộng khai thác dầu bằng phương pháp gaslift và vận chuyển khí vào bờ. Đồng thời tăng cường nghiên cứu những tác động lên dòng chảy nhiều pha để tiết kiệm năng lượng vỉa, nâng cao sản lượng khai thác cũng như tối ưu hóa quá trình thiết kế lắp đặt hệ thống gaslift.
Với những hiểu biết của bản thân cùng với sự giúp đỡ nhiệt tình của các thầy cô giáo trong Bộ môn Khoan-Khai thác dầu khí, đặc biệt là thầy giáo PGS.TS Trần Đình Kiên, đồ án của tôi đã được hoàn thành, tuy nhiên bản đồ án còn nhiều sai sót, rất mong được có sự đóng góp ý kiến của các thầy cô và bạn bè đồng nghiệp để đồ án được hoàn thiện hơn.