- Niềm tin qua dự cảm tương lai tươi sáng:
2. Phân tích nhân vật Tràng.
Mở đầu tác phẩm Vợ nhặt là bức tranh ngày đói. Chỉ vài nét vẽ phác thảo, nhà văn đã vẽ nên bức tranh ngày đói thật hãi hùng. Xóm ngụ cư chìm trong bóng đêm chết chóc, tăm tối, ảm đạm. Ở đây thiếu vắng sự sống hoặc sự sống le lói như ngọn đèn trước gió.Hai lần nhà văn so sánh người với ma.Bằng chứng là " Hai bên dãy phố úp súp tối om, không nhà nào có ánh đèn, lửa". Người sống thì " lũ lượt dắt díu, bồng bế nhau lên xanh xám như những bóng ma" hoặc " dưới những gốc đa gốc gạo xù xì bóng những người đói đi lại dật dờ lặng lẽ như những
bóng ma". Người chết thì như ngả rạ, không một sáng nào đi làm đồng hoặc đi chợ người ta lại không thấy ba bốn cái thây người nằm còng queo ở bên vệ đường. Mùi tử khí nồng nặc. Tác giả còn tô đậm bức tranh hơn nữa bởi hình ảnh của bầy quạ đen chờ chực để rỉa xác người chết. Cõi âm và cõi dương nhạt nhòa. Tất cả đang đứng bên bờ vực của cái chết.
Trên cái nền chết chóc ấy, một buổi chiều người ta thấy Tràng về với một người đàn bà nữa. Ai vậy ? Đó là vợ Tràng. Điều không thể tin lại phải tin trong tác phẩm của Kim Lân. Vậy Tràng là ai ? Tràng lấy vợ như thế nào ?
a/ Lai lịch
- Xuất thân: dân ngụ cư, làm nghề đẩy xe bò thuê, nuôi mẹ già. Dân ngụ cư là những người vốn từ nơi khác đến. Vì thế, dân ngụ cư không có ruộng đất, chỉ đi làm thuê làm mướn. Đã vậy, họ còn bị phân biệt đối xử, thường phải ở nơi bìa làng, hoặc ở chỗ hẻo lánh. Nhà cửa của anh ta, cái được gọi là "nhà" thì luôn "vắng teo đứng rúm ró trên mảnh vườn mọc lổn nhổn những búi cỏ dại". Hơn nữa, vì là dân ngụ cư, Tràng bị coi khinh, chẳng mấy ai thèm nói chuyện, trừ lũ trẻ hay chọc ghẹo khi anh ta đi làm về.