Kết hợp giáo dục giữa nhà trường xã hội gia đình để giáo dục đạo đức học sinh :

Một phần của tài liệu Những biện pháp quản lí nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức học sinh ở trường THPT vinh xuân , huyện phú vang, tỉnh thừa thiên huế trong giai đoạn hiện nay (Trang 27)

Gia đình là tế bào của xã hội. Xã hội có sự tác động vô cùng to lớn đến việc giáo dục thế hệ trẻ. Do đó giáo dục gia đình và xã hội là một bộ phận hữu cơ trong sự nghiệp giáo dục. Hoạt động giáo dục học sinh là nhiệm vụ của toàn xã hội, đạo đức học sinh lại càng cần sự phối kết hợp của toàn xã hội. Người quản lí giáo dục cần phải:

- Xây dựng ban đại diện cha mẹ học sinh có tổ chức hoạt động tích cực có hiệu quả : Hàng tuần Ban chấp hành Hội Phụ huynh học sinh cùng Ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm nắm bắt các thông tin về rèn luyện của con em mình kịp thời thông báo với gia đình để cùng nhau giáo dục .

- Thực hiện tốt cam kết giữa học sinh - nhà trường - gia đình - xã hội. Điều 82 chương VI Luật Giáo dục quy định về trách nhiệm của gia đình: "... Mọi người trong gia đình có trách nhiệm xây dựng gia đình văn hoá, tạo môi trường thuận lợi cho việc phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất...". Cũng trong chương VI điều 84 quy định về trách nhiệm của xã hội: "Giúp nhà trường công tác các hoạt động giáo dục... góp phần xây dựng phong trào học tập và môi trường giáo dục lành mạnh, ngăn chặn những hoạt động có ảnh hưởng xấu đến thanh niên...". Như vậy gia đình - xã hội có vai trò rất lớn trong việc giáo dục đạo đức học sinh.

- Thực hiện cam kết không vi phạm pháp luật, không sa vào các tệ nạn xã hội giữa học sinh và công an được làm thường xuyên trong năm học. Xây dựng đề án an ninh trường học kết hợp với an ninh địa phương có học sinh học tại trường, họp giao ban hàng tháng, thông tin, thông báo các hiện tượng học sinh vi phạm và có biện pháp cùng nhau giáo dục.

- Các giáo viên chủ nhiệm phải có trách nhiệm thông tin đầy đủ, thường xuyên, kịp thời về tình hình học tập và rèn luyện của học sinh đến Ban giám hiệu, đặc biệt là với phụ huynh học sinh. Đồng thời phải nắm chắc, tìm hiểu cụ thể những thông tin phản hồi từ phía phụ huynh học sinh. Từ đó phối hợp với gia đình để uốn nắn, giáo dục học sinh khi sự việc vừa mới tiềm ẩn, tránh trường hợp xảy ra mới xử lý.

- Trường hợp có học sinh vi phạm kỷ luật, Ban giám hiệu phải kết hợp với BCH Hội Phụ huynh và cha mẹ học sinh vi phạm để kịp thời giáo dục một cách nghiêm khắc. Sau đó phải có kế hoạch theo dõi và giúp đỡ học sinh vi phạm tiến bộ.

- Nhà trường cùng với BCH Hội Phụ huynh học sinh của trường, Ban đại diện phụ huynh của lớp cần có sự liên hệ chặt chẽ với chính quyền địa phương, thông qua các cấp chính quyền địa phương để quản lí học sinh cùng với nhà trường và gia đình.

Từ khi thành lập trường, cán bộ, giáo viên đã nhận thức được tầm quan trọng của việc kết hợp giáo dục giữa nhà trường - xã hội - gia đình để giáo dục đạo đức học sinh. Do đó nhà trường đã có nhiều biện pháp phối hợp chặt chẽ với gia đình và chính quyền địa phương để giáo dục học sinh, đặc biệt là giáo dục học sinh cá biệt, một số học sinh có hành vi vi phạm nghiêm trọng Nội quy và pháp luật.

Với việc thực hiện và kết hợp nhiều phương pháp giáo dục khác nhau, qua từng năm học, số lượng học sinh vi phạm đạo đức, nội quy của nhà trường bị kỷ luật và bị đuổi học ngày càng giảm, tỉ lệ học sinh xếp loại hạnh kiểm khá tốt ngày càng tăng và được đánh giá thực chất hơn khi thực hiện cuộc vận động “ hai không“ của ngành. Chất lượng hạnh kiểm, đạo đức của học sinh có sự chuyển biến tích cực đã tạo tiền đề cho sự phát triển chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh, góp phần xây dựng nhà trường ngày càng phát triển và vững mạnh.

Phần kết luận và kiến nghị 1. Kết luận :

Giáo dục phổ thông là nền tảng văn hoá của đất nước, đặt nền móng ban đầu rất quan trọng cho việc phát trển toàn diện của thế hệ trẻ Việt Nam, góp phần đáp ứng nhu cầu nâng cao dân trí, tạo nguồn cho việc đào tạo nhân lực có kỹ thuật và đào tạo nhân tài cho đất nước. Giáo dục cho học sinh là giáo dục cơ bản, nền tảng cho các mặt giáo dục khác. Trong giai đoạn hiện nay Đảng và Nhà nước ta hết sức coi trọng đến công tác giáo dục và đào tạo. Đảng đã coi "Giáo dục là quốc sách hàng đầu". Như vậy đòi hỏi nhà trường nhất là người làm công tác quản lí phải đặt sự nghiệp trồng người lên hàng đầu, đặc biệt là giáo dục đạo đức cho học sinh. Từ đó đáp ứng được mục tiêu của giáo dục phổ thông là “giúp học sinh phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản hình thành nhân cách con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xây dựng tư

cách và trách nhiệm công dân, chuẩn bị cho học sinh tiếp tục học lên hoặc đi vào cuộc sống lao động, tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Hiện nay toàn ngành giáo dục và đào tạo đang triển khai thực hiện cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục, nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo và việc ngồi nhầm lớp…,để đạt được hiệu quả trong công tác giáo dục đạo đức nói riêng và giáo dục toàn diện nói chung, người quản lí cần ý thức đầy đủ vai trò, quyền hạn và trách nhiệm của mình, kết hợp với nhiều lực lượng giáo dục khác nhau để quản lí, lãnh đạo các hoạt động của nhà trường một cách chặt chẽ, khoa học, đảm bảo sự đoàn kết thống nhất mọi lực lượng, tạo nên sức mạnh đồng bộ để đạt được chất lượng cao trong sự nghiệp giáo dục của trường.

Ngoài ra muốn giáo dục học sinh có hiệu quả, người quản lí cần quan tâm bồi dưỡng thường xuyên về tư tưởng, lí tưởng và phẩm chất đạo đức cho cán bộ, giáo viên. Bởi vì phẩm chất của người giáo viên ảnh hưởng vô cùng sâu sắc đối với học sinh, phẩm chất của thầy cô giáo là vừa là điều kiện, vừa là phương tiện để giáo dục học trò. Người thầy có nhiều phẩm chất tốt và càng toàn diện thì càng đạt hiệu quả giáo dục cao. Thầy cô giáo phải không ngừng nghiên cứu, học tập để nâng cao trình độ chuyên môn và tay nghề, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức tốt đẹp để làm tấm gương sáng cho học sinh noi theo; có “ đủ sức, đủ tầm, đủ tâm” để đổi mới hoạt động giáo dục ở trường THPT và góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục của nước nhà.

Qua nghiên cứu cơ sở lý luận, cơ sở pháp lý và phân tích thực trạng về giáo dục đạo đức học sinh ở trường THPT Vinh Xuân. Đồng thời từ thực tiễn ở trường THPT Vinh Xuân đã sử dụng nhiều biện pháp, tổ chức nhiều hoạt động giáo dục học sinh; tuy nhiên có một số biện pháp có tác dụng tích cực và có thể đạt được hiệu quả cao trong giai đoạn hiện nay nhưng chưa được sử dụng hoặc chưa được quan tâm đúng mức. Do đó bản thân đưa ra những biện pháp quản lí để tăng cường vai trò lãnh đạo của Chi bộ Đảng trong nhà trường; nâng cao vai trò, trách nhiệm của đội ngũ giáo viên bộ môn và giáo viên chủ nhiệm trong việc

giáo dục đạo đức học sinh; phát huy vai trò xung kích, sáng tạo của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam trong nhà trường; đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống; phát huy hoạt động tự quản của tập thể học sinh; kết hợp giữa nhà trường - gia đình - xã hội để giáo dục đạo đức học sinh góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục của nhà trường đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi của phụ huynh và xã hội; góp phần thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới giáo dục và sự nghiệp xây dựng đất nước ngày càng vững mạnh “ sánh vai với các cường quốc năm châu ” như mong muốn của Bác Hồ.

Với thời gian và khả năng còn hạn chế nên đề tài còn có nhiều khía cạnh và vấn đề chưa đề cập đến, chưa được nghiên cứu sâu sắc. Bài viết có thể có những thiếu sót mong các thầy cô giáo tham gia góp ý để bản thân tiếp tục nghiên cứu tốt hơn những vấn đề quản lí giáo dục đạo đức học sinh ở trường THPT Vinh Xuân, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế.

2. Kiến nghị :

2.1. Đối với Bộ Giáo dục và đào tạo:

- Phải chuẩn hoá đội ngũ quản lí, giáo viên, đảm bảo đủ số lượng và chất lượng. Thường xuyên bồi dưỡng và đánh giá xác thực tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức của giáo viên, đặc biệt là cán bộ quản lí.

- Tăng cường cơ sở vật chất một cách đầy đủ, đồng bộ và hiện đại để các trường đẩy mạnh công tác giảng dạy, tổ chức các hoạt động giáo dục để không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh.

- Nhà nước cần có chế độ ưu tiên ưu đãi thoả đáng với giáo viên nhất là các giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

- Tiếp tục đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá thi cử nhằm nâng cao chất lượng và bài trừ bệnh thành tích trong giáo dục và trong thi cử.

- Đề xuất với Chính phủ những biện pháp kiên quyết để bảo vệ sự lành mạnh của môi trường sư phạm nhằm hạn chế những tác động tiêu cực của xã hội đến học sinh, đặc biệt là môi trường có phạm vi xung quanh nhà trường.

2.2 Đối với Sở Giáo dục và đào tạo :

- Tăng cường đủ số cán bộ quản lí cho nhà trường.

- Tăng cường bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ thường xuyên cho cán bộ quản lí và giáo viên.

- Có kế hoạch cung cấp những thông tin mới và cần thiết phục vụ cho việc giáo dục đạo đức học sinh. Xây dựng thư viện tư liệu trên trang web của Sở như: tranh ảnh, phim, tài liệu liên quan đến các bài dạy môn GDDC, tổ chức các hoạt động giáo dục đạo đức và các môn học khác để giáo viên có nhiều tư liệu để ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học và tổ chức hoạt động giáo dục một cách thuận lợi và đạt hiệu quả cao hơn.

2.3 Đối với nhà trường THPT Vinh Xuân, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế:

- Khen thưởng kịp thời và thích đáng những giáo viên có thành tích cao trong công tác giáo dục học sinh nói chung và giáo dục đạo đức cho học sinh nói riêng.

- Thực hiện tốt công tác quản lí và phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội ở trường học. Tăng cường thêm giám thị, Ban giám thị có quy chế hoạt động cụ thể để thực hiện nghiêm túc Nội quy của nhà trường. Thường xuyên thắt chặt mối quan hệ giữa nhà trường - gia đình - xã hội. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

- Mua sắm, bổ sung cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động ngoài giờ để việc giáo dục đạo đức học sinh đạt kết quả cao.

Tài liệu tham khảo ---***---

1. Nghị quyết Trung ương 2 khoá VIII Đảng Cộng sản Việt Nam 2. Nghị quyết Đại hội IX Đảng Cộng sản Việt Nam

3. Chỉ thị 40 của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam 4. Luật Giáo dục năm 2005. Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia

5. Hồ Chí Minh "Về đạo đức cách mạng". Nhà xuất bản Sự thật 6. Di chúc - Hồ Chí Minh . Nhà xuất bản Sự thật

7. Điều lệ trường Trung học. Nhà xuất bản Giáo dục

8. Nội dung các giáo trình của trường Đại học Sư phạm Huế.

9. Bài giảng Nhà trường trung học và người giáo viên trung học - Phan Minh Tiến

( Chủ biên ) . Trường Đai học Sư phạm Huế

10. Bài giảng Tổ chức hoạt động giáo dục ở nhà trường PTTH – Hồ Văn Liên ( Chủ biên ). Trường Đai học Sư phạm Huế

11. Tài liệu, kế hoạch, báo cáo tổng kết các năm học của trường THPT Vinh Xuân, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Một phần của tài liệu Những biện pháp quản lí nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức học sinh ở trường THPT vinh xuân , huyện phú vang, tỉnh thừa thiên huế trong giai đoạn hiện nay (Trang 27)