Mối quan hệ giữa đạo đức và pháp luật

Một phần của tài liệu Kết hợp đạo đức và pháp luật trong xây dựng nhà nước pháp quyền ở việt nam hiện nay (Trang 34)

B. NỘI DUNG

1.2.1. Mối quan hệ giữa đạo đức và pháp luật

Đạo đức và pháp luật đều là những hình thái ý thức xã hội, bị quy định bởi tồn tại xã hội. Về lý luận cũng như thực tiễn, đạo đức và pháp luật luôn có

mối quan hệ khăng khít, gắn bó. Trước khi nhà nước và pháp luật ra đời, xã hội được điều chỉnh bằng các qui phạm xã hội, trong đó có qui phạm đạo đức. Khi pháp luật đã trở thành phương tiện chủ yếu để nhà nước quản lý xã hội thì đạo đức vẫn giữ vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội. Sở dĩ như vậy bởi giữa đạo đức và pháp luật có mối quan hệ hỗ trợ nhau cho nhau; pháp luật và đạo đức đều có những điểm mạnh, điểm yếu mà khi kết hợp lại chúng bổ sung cho nhau, điểm mạnh của pháp luật sẽ hỗ trợ cho điểm yếu của đạo đức, ngược lại điểm mạnh của đạo đức sẽ bổ sung cho điểm yếu của pháp luật.

Cùng tham gia điều chỉnh hành vi con người, pháp luật điều chỉnh hành vi con người ở mức độ tối thiểu, nhằm giữ cho xã hội trong vòng ổn định; đạo đức điều chỉnh hành vi con người ở mức tối đa với mong muốn cho xã hội ngày càng nhân văn, nhân đạo.

Quan hệ giữa pháp luật và đạo đức được thể hiện một cách đầy đủ, tập trung thông qua sự tác động qua lại giữa chúng đối với nhau. Đạo đức có tác động mạnh mẽ đến việc hình thành các qui định cụ thể trong hệ thống pháp luật cũng như quá trình thực hiện pháp luật. Ngược lại, pháp luật có thể ghi nhận, khẳng định, luật hóa những quan điểm, quan niệm, qui tắc đạo đức hay phủ định, loại trừ nó, ngăn chặn sự hình thành và loại bỏ nó khỏi đời sống xã hội, ngặn chặn sự thoái hóa, xuống cấp của đạo đức.

Pháp luật ra đời trong những điều kiện kinh tế - xã hội nhất định, do kinh tế quyết định, nhưng đồng thời pháp luật muốn đi vào đời sống phải bao hàm trong nó những giá trị đạo đức, phải nhằm mục đích hướng tới một xã hội nhân văn, tiến bộ.

Bản chất của mối quan hệ giữa pháp luật với đạo đức là sự thống nhất, đồng bộ giữa chúng. Hơn thế nữa, đạo đức còn là cơ sở của pháp luật, là gốc

của pháp luật; là nền tảng tinh thần của xã hội, đạo đức không chỉ tác động

đến việc pháp luật đi vào đời sống. Đạo đức là môi trường cho sự phát sinh, tồn tại và phát triển của pháp luật, hay nói cách khác, có thể coi đạo đức là chất liệu làm nên các qui định của pháp luật. Khi pháp luật phù hợp với quan điểm, quan điểm, chuẩn mực đạo đức xã hội, nó sẽ được thực hiện một cách nghiêm chỉnh, ngược lại nếu pháp luật trái với đạo đức xã hội, nó sẽ khó có thể đi .vào đời sống.

Ý thức đạo đức cá nhân có tác động mạnh mẽ đến việc thực hiện pháp

luật, người có phẩm chất đạo đức tốt trong mọi trường hợp sẽ chấp hành pháp luật nghiêm chỉnh, nếu thiếu luật nhưng con người có đạo đức thì họ sẽ không

vi phạm hoặc biết kiềm chế tối đa sự vi phạm. Ngược lại đối với những người

ý thức đạo đức thấp kém thường coi thường pháp luật, dễ có hành vi vi phạm pháp luật. Bởi lẽ dù có pháp luật mà thiếu lương tâm người ta sẵn sàng bất chấp luật, xuyên tạc luật, lợi dụng luật… Có thể nói ý thức đạo đức cá nhân là cơ sở để mỗi người nhận thức và hành xử theo pháp luật.

Bên cạnh đó, pháp luật cũng có những tác động không nhỏ đến đạo đức. Nhờ có pháp luật, đạo đức có thêm sức mạnh để củng cố, khẳng định vị trí, vai trò trong đời sống xã hội. Có thể nói pháp luật là phương tiện quan trọng làm cho những quan niệm, quan điểm, những chuẩn mực đạo đức của giai cấp cầm quyền được truyền bá một cách phổ biến trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, những quan điểm đó là những quan điểm phải phù hợp với suy nghĩ, lối sống của nhân dân thì mới được quần chúng nhân dân dễ dàng tiếp nhận.

Pháp luật giúp cho những chuẩn mực đạo đức mang giá trị tích cực trong truyền thống được giữ gìn, kế thừa và phát huy trong đời sống; đồng thời pháp luật ngăn chặn sự thoái hóa, xuống cấp của đạo đức. Điều đó thể hiện sự vi phạm các chuẩn mực đạo đức không chỉ bị dư luận xã hội lên án mà còn chịu sự tác động từ pháp luật, những biện pháp nhà nước. Bên cạnh đó, pháp luật cũng loại trừ những quan niệm, chuẩn mực đạo đức không chính thống (của các lực lượng

đối lập), những tư tưởng lạc hậu (của xã hội cũ), xây dựng các tư tưởng đạo đức mới phù hợp hơn với thực tiễn phát triển của xã hội.

Như vậy, đạo đức và pháp luật có mối quan hệ tác động qua lại chặt chẽ, bổ sung cho nhau. Pháp luật cần đạo đức để hỗ trợ, bổ sung cho nó trong trường hợp pháp luật còn hạn chế, khiếm khuyết, nó cũng cần đạo đức để tạo ra động lực thúc đẩy việc thực hiện pháp luật trong đời sống.

Một phần của tài liệu Kết hợp đạo đức và pháp luật trong xây dựng nhà nước pháp quyền ở việt nam hiện nay (Trang 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(97 trang)