II. Một số giải pháp huy động vốn cho Công ty SESA
1. Huy động vốn từ các nguồn bên trong doanh nghiệp.
- Để đảm bảo cho nhu cầu vốn kinh doanh, trước hết Công ty cần phải tìm cách huy động tối đa nội lực từ bên trong, tăng cường huy động các nguồn vốn ngắn hạn để tài trợ cho nhu cầu vốn trước mắt, tận dụng các khoản nợ ngắn hạn chưa đến thời hạn thanh toán như các khoản phải trả công nhân viên, thuế và các khoản phải nộp Ngân sách Nhà nước nhưng chưa đến kỳ nộp.
Thực tế đã cho thấy số vốn bị chiếm dụng của doanh nghiệp hiện nay là quá lớn, các khoản phải thu khách hàng lên tới hàng chục tỷ đồng mỗi năm, buộc doanh nghiệp phải đi vay ngắn hạn để có vốn sản xuất. Như vậy nếu doanh nghiệp nhanh chóng thu hồi được các khoản phải thu thì sẽ có vốn để bổ sung cho nhu cầu kinh doanh, từ đó giảm được các khoản vay. Để làm được điều này công ty cần có những chính sách cụ thể và cần phải hối thúc khách hàng thanh toán hợp đồng sớm tránh ứ đọng lâu dài.
- Về lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, với nhu cầu vốn cấp bách trong thời gian tới và số dư hiện tại ở quỹ đầu tư phát triển rất thấp trong năm 2010 do đó các năm tới doanh nghiệp nên trích lập với tỷ lệ tối thiểu là 70% lợi nhuận để lại. Tất nhiên, việc tăng tỷ lệ trích lập quỹ đầu tư phát triển sẽ ảnh hưởng tới việc trích lập một số quỹ khác tại Công ty như quỹ dự phòng tài chính, quỹ khen thưởng, ... và tác động tới quyền lợi của cán bộ công nhân viên trong Công ty ở thời điểm trước mắt. Do đó, ban lãnh đạo Công ty cần có các biện pháp tuyên truyền phân tích cho cán bộ, công nhân viên thấy được
nhu cầu vốn cần huy động trong thời gian tới của doanh nghiệp để đổi mới thiết bị công nghệ, đầu tư mở rộng sản xuất nếu không đổi mới sẽ ảnh hưởng lớn tới hoạt động của Công ty trong tương lai và để cán bộ, công nhân viên có thể chấp nhận được những thiệt thòi trước mắt.
- Về khấu hao và thanh lí tài sản cố định, trong những năm tới Công ty nên tăng tỷ lệ khấu hao bình quân chung lên tới mức trích tối đa nhằm mục đích khấu hao nhanh các tài sản cố định đang sử dụng, như vậy vừa giảm được hao mòn vô hình vừa tăng thêm được số khấu hao cơ bản phục vụ cho đổi mới thiết bị công nghệ. Với các tài sản cố định chờ thanh lý, Công ty nên có biện pháp xử lý nhanh các tài sản này để bổ sung thêm vốn cho việc đổi mới thiết bị sản xuất. Nếu xử lý được số tài sản cố định này sẽ giúp công ty thu hồi được vốn, giải phóng được mặt bằng sản xuất, đỡ tốn các chi phí bảo quản tài sản,.. đồng thời bổ sung thêm một khoản vốn cho việc phát triển sản xuất kinh doanh.