Nhiều ý kiến cho rằng, việc chống chuyển giá hiện nay vẫn chưa được thực hiện triệt để một phần do khuôn khổ pháp lý chưa đủ mạnh. Luật Quản lý thuế quy định cơ quan thuế có quyền ấn định thuế khi người nộp thuế: “Mua, bán, trao đổi và hạch toán giá trị hàng hoá, dịch vụ không theo giá trị giao dịch thông thường trên thị trường”.
Mặc dù, quy định này không chỉ rõ các nội dung và chế tài cụ thể, nhưng cũng tạo ra căn cứ pháp lý nhất định để xử lý vấn đề chuyển giá.
Hiện tại, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 66/2010/TT-BTC hướng dẫn việc xác định giá thị trường trong các giao dịch kinh doanh giữa các bên có quan hệ liên kết. Thông tư này thay thế Thông tư 117/2005/TT-BTC. Theo đó, có 5 phương pháp xác định giá thị trường là: phương pháp so sánh giá giao dịch độc lập; phương pháp giá bán lại; phương pháp giá vốn cộng lãi; phương pháp so sánh lợi nhuận; phương pháp tách lợi nhuận.
Thông tư này được đánh giá là giúp thêm các cán bộ ngành thuế có công cụ để đánh giá và xử lý các doanh nghiệp thực hiện chuyển giá. Để mạnh tay hơn với những hành vi chuyển giá, Bộ Tài chính đang xây dựng phương án sửa luật quản lý thuế theo hướng tập trung xử lý các hành vi gian lận thuế và chuyển giá. Dự kiến, tháng 10/2011, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế sẽ được trình và chờ thông qua ở kỳ họp Quốc hội tháng 5/2012.
Mục tiêu sửa luật là tạo nền tảng pháp lý để cải cách thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Mặt khác, việc sửa luật là nhằm nâng cao cạnh tranh của nền kinh tế, nâng cao hiệu lực hiệu quả của cơ quan thuế, phù hợp với cơ chế thị trường.
Biện pháp mạnh mẽ nhất được đề xuất là ấn định số thuế trên doanh số khi doanh nghiệp kê khai không hợp lý. Theo đó, khi phát hiện doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá, cơ quan thuế phải chứng minh được dấu hiệu đó để ấn định mức thuế. Tỷ lệ ấn định dựa trên doanh nghiệp tương tự.
Cách thứ hai là làm tốt thuế nhà thầu. Đối với doanh nghiệp nước ngoài sang Việt Nam, đầu tư không ở dạng tư cách pháp nhân có thể quy định thuế khoán ấn để nhà đầu tư biết trước để đấu thầu.
Cách thứ ba để hỗ trợ chống chuyển giá được đề xuất là quy định thỏa thuận giá trước. Nghĩa là, trước khi vào đầu tư, doanh nghiệp và cơ quan thuế sẽ thỏa thuận giá trước để hạn chế những vướng mắc sau này. Cơ quan thuế sẽ tính toán, tham khảo với cơ quan thuế của nước ngoài để đưa ra mức thuế, nhà đầu tư thì tính toán đầu vào, đầu ra và thấy mức thuế hợp lý thì chấp thuận hoặc trao đổi lại.