Ngày 19-5-1965, nhân lúc đang thăm Trung Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến quê hương Khổng Tử. Hai giờ chiều, trong bộ quần áo lụa Hà Đông, Bác Hồ thong thả bước vào Khổng phủ trang nghiêm, cổ kính. Bác kể cho các cán bộ cùng đi: “Cho đến năm 1937, Khổng Đức Thanh là lớp con cháu đời thứ 77. Bố Khổng Tử có ba vợ. Khổng Tử là con vợ thứ ba. Khổng Tử lấy vợ sinh con là Khổng Lý... Đời Tống, Nguyên, Thanh đều góp của, góp công sửa sang Khổng phủ, Khổng miếu... Điều đó chứng tỏ học thuyết Khổng Tử từ lâu thành hệ tư tưởng chính thống, có sức sống qua nhiều thời đại. Chúng ta không gạt bỏ tất cả mà phải chọn lọc, tiếp thu những cái tốt đẹp nhất để làm giàu cho mình, cho con cháu mình....”. Đứng dưới gốc cổ thụ ở Khổng miếu mà nghe nói chính tay Khổng Tử trồng, cách đây 2.400 năm, Bác nói, giọng trầm lắng: “Khổng Tử là người chủ trương quyền bình đẳng về của cải và sự công bằng trong đời sống. Câu “Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng” mà Bác trích là từ câu của Khổng Tử: “Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng. Không sợ nghèo, chỉ sợ lòng dân không yên. Đã công bằng thì không nghèo, đã hoà mục thì không thiếu, lòng dân đã yên thì không sợ nghiêng đổ”. Rời Khổng miếu, sang Khổng Lâm, dạo bước dưới bóng cây cổ thụ, Bác Hồ lại tiếp tục nói chuyện. Bác nhắc đến chữ “nghĩa chiến” của Mạnh Tử trong sách “Khổng học đăng” chính là chiến tranh nhằm mục đích nhân nghĩa, Bác nói: “Khổng Tử thường nêu “dân vi bang bản” (dân là
gốc của nước) hoặc “quốc dĩ dân vi bản” (nước lấy dân làm gốc)...”. Gần ba giờ vừa đi xem cảnh, vừa nói chuyện, đến năm giờ chiều, Bác cùng đoàn cán bộ lên xe lửa về Tế Nam. Ngồi trên tàu, nhìn nắng chiều nhạt dần trên triền núi mờ xa, Bác đọc bài thơ chữ Hán vừa làm: Thăm Khúc Phụ :
“Mười chín tháng năm thăm Khúc Phụ Miếu xưa vẫn dưới bóng tùng xưa Uy quyền họ Khổng giờ đâu nhỉ? Lấp loáng bia xưa, chút ánh tà”.