Huy động vốn luôn phải gắn liền với hoạt động sử dụng vốn có hiệu quả chính vì vậy để có được một quy mô và cấu trúc nguồn vốn tối ưu là một trong những mục tiêu
quan trọng nhất của ngân hàng. Quy mô vốn và cấu trúc nguồn vốn phải được thay đổi theo từng giai đoạn phát triển của ngân hàng trong từng thời kỳ nhất định. Bên cạnh đó mỗi một công cụ huy động vốn đem lại cho ngân hàng một nguồn vốn với quy mô, đặc điểm, chi phí khác nhau để có thể sử dụng các nguồn vốn đó một cách có hiệu quả cho mục đích hoạt động của mình là một bài toán cần phải nghiên cứu và giải đáp. Ngân hàng cần phải đánh giá chính xác từng loại nguồn vốn để kịp thời có những chiến lược huy động vốn tốt nhất trong từng thời kỳ.
Cần phải có bộ phận chuyên trách về phân tích nguồn vốn có khả năng dự báo về sự biến động cả quy mô và cấu trúc của nguồn vốn, cán bộ phụ trách phải có năng lực chuyên môn và kinh nghiệm về lĩnh vực này.
Các định hướng, kế hoạch về công tác huy động vốn của chi nhánh phải được xuất phát từ những yêu cầu sau:
+ Công tác nguồn vốn của ngân hàng phải quán triệt quan điểm phát huy nội lực. Việc phân tích, đánh giá có thể dựa vào một số chỉ tiêu như: khả năng cho vay, quy mô tăng vốn và một số chỉ tiêu khác. Đồng thời, phải ứng dụng công nghệ hiện đại trong quá trình phân tích, nhằm đảm bảo tính chính xác, kịp thời và khoa học.
+ Coi khai thác triệt để các nguồn vốn dưới mọi hình thức, theo nhiều kênh khác nhau vừa là nhiệm vụ lâu dài, vừa là yêu cầu mang tính giải pháp tình thế hiện nay.
+ Gắn chiến lược tạo nguồn với chiến lược sử dụng nguồn vốn thành một thể thống nhất, đồng bộ.
+ Luôn chú ý đến biện pháp nâng tỷ trọng tiền gửi có kỳ hạn của các tổ chức, doanh nghiệp đồng thời tăng khối lượng tiền gửi từ các tầng lớp dân cư để tạo lập một mặt bằng vốn luân chuyển vững chắc.