Nhìn chung QTD quản lý tốt các khoản vay của khách hàng nằm trong giới hạn cho phép mà ngân hàng đặt ra (nợ xấu <2%/tổng dư nợ) và có xu hướng ngày càng giảm, có được điều này là do:
- QTD không ngừng đẩy mạnh việc cải cách và hoàn thiện quy trình tín dụng thật khoa học và hiệu quả phù hợp với tình hình thực tế, xây dựng cẩm nang tín dụng thích hợp. Nâng cao năng lực về công tác quản lý điều hành của lãnh đạo các phòng giao dịch, trưởng phó phòng tại các chi nhánh. Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn và trao đổi nghiệp vụ để nâng cao trình độ chuyên môn, khuyến khích cán bộ tự học không bị tuột hậu trong thời kì kinh tế hội nhập.
- Tập trung vào công tác phòng ngừa rủi ro trong cho vay, thẩm định kĩ dự án phương án, các chỉ tiêu tài chính, mục đích vay vốn và sử dụng vốn của khách hàng, phân tích chặt chẽ các nguồn thông tin và khả năng trả nợ, không quá chú trong vào tài sản đảm bảo mà thẩm định qua loa các yếu tố khác để dẫn đến nợ xấu và nợ quá hạn tăng cao.
- Thường xuyên cập nhật thông tin về khách hàng thông qua trung tâm thông tin tín dụng của Hội sở (CIH), NHNN các tỉnh và NHNN Việt Nam (CIC), từ các cơ quan quản lý khách hàng.
- Cán bộ tín dụng thực hiện tốt các quy định, quy trình tín dụng. Tờ trình thẩm định thể hiện rõ các chỉ tiêu đánh giá tín dụng, tuân theo tiêu chuẩn cấp tín dụng 6C: Tư cách người vay (Character), Năng lực của người vay (Capacity), Thu nhập của người vay (Cash), Bảo đảm tiền vay (Collateral), Các điều kiện (Conditions), Kiểm soát (Control). Thực hiện chấm điểm tín dụng thông qua bảng phân loại xếp hạng tín dụng khách hàng. Do vậy chất lượng tín dụng đã được nâng lên đáng kể.
- Hầu hết các khoản vay xây dựng nhà ở đều có tài sản thế chấp, việc thẩm định tài sản thế chấp được tiến hành theo đúng pháp luật, định giá tài sản theo khung giá nhà nước. Nên hạn chế được phần nào rủi ro.
- Tăng cường công tác quản trị rủi ro, thực hiện nghiêm ngặt mô hình quản lý tín dụng tại chi nhánh theo công văn số 1821/NHN-TD ngày 28/12/2007 về việc chỉnh sửa mô hình bộ máy quản ký tín dụng tại chi nhánh, phòng giao dịch theo định hướng lập thêm phòng quản lý rủi ro và hỗ trợ kinh doanh. Thực hiện phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng trong hoạt động của QTD
- Tăng cường giám sát và xử lý nợ sau khi cho vay nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời những rủi ro có thể xảy ra, đôn đốc khách hàng thanh toán nợ khi phát hiện nợ quá hạn, nợ xấu. Đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ từ
chính quyền địa phương và các ngành chức năng có liên quan phục vụ cho xử lý nợ.
- Đối với các khoản quá hạn, nợ xấu QTD thực hiện phân tích rõ nguyên nhân tình hình thực tế từng khoản vay có biện pháp xử lý thích hợp cho từng trường hợp cụ thể. Khởi kiện, bán đấu giá, tìm người mua tài sản…kể cả việc sử dụng dự phòng để xử lý và xem xét đến trường hợp được miễn giảm.
- Trong cho vay xây dựng nhà ở QTD thực hiện giải ngân từng lần phù hợp với tiến độ thi công và mức độ hoàn thành của công trình nhằm giám sát, kiểm tra chặt chẽ việc sử dụng vốn của khách hàng tránh tình trạng sử dụng vốn sai mục đích, không xây cất nhà đúng như trong bản vẽ cũng như trong giấy phép xây dựng đã đăng ký.
- Bộ phận kiểm soát tín dụng, tín dụng nội bộ đã tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát theo quy định, mọi công đoạn trong công tác tín dụng đều phải có người giám sát việc tuân thủ chấp hành quy định, quy trình tín dụng. Nhằm phát hiện sai sót trong việc chấp hành quy định, quy trình tín dụng, để kịp thời chấn chỉnh những sai sót, có biện pháp quản lý tốt hơn.