Thực hiện nghiêm chính sách và pháp luật về dân số, duy trì mức sinh hợp lý, quy mô gia đình ít con. Làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ và trẻ em; giảm tỷ suất sinh hàng năm 0,2 – 0,3‰; giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng dưới mức 15%. Tăng cường chăm sóc trẻ em ngay sau sinh nhằm góp phần giảm tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi.
3.2.6. Nhóm giải pháp sử dụng hợp lý tài nguyên khoáng sản và hạn chế ô nhiễm môi trường hạn chế ô nhiễm môi trường
Cách tiếp cận coi chất thải cũng là tài nguyên được xác định cả trong lý thuyết lẫn trong áp dụng thực tiễn quản lý khoáng sản ở nhiều nước. Tuy vậy, tỉnh Bình Định còn chưa có một định hướng rõ ràng thể hiện tư duy, cách tiếp cận coi chất thải là tài nguyên. Để khắc phục tình trạng này, trước tiên cần thay đổi tư duy về quản lý chất thải, coi chất thải nói chung và chất thải từ khai thác khoáng sản nói riêng là một nguồn tài nguyên có giá trị (bao gồm giá trị sử dụng và giá trị thị trường). Tư duy (hay cách đặt vấn đề) như vậy sẽ là cơ sở cho việc lượng giá chất thải để đánh thuế phát thải (tương tự như thuế kinh doanh, chứ không phải là phí xử lý, chôn lấp như hiện nay). Để phòng ngừa, giảm thiểu phát thải tại nguồn, bên cạnh các giải pháp chung cần được tăng cường và hoàn thiện, cần áp dụng loại thuế đánh vào phát thải chất thải rắn từ khai thác khoáng sản (như đã nêu ở trên). Hiện tại còn chưa có khoản thu mang tính chất phí hay thuế rõ rệt nào đối với loại chất thải rắn từ khai thác khoáng sản, tuy rằng xét về bản chất thì nó thuộc loại chất thải công nghiệp (vì hoạt động khai thác khoáng sản là một dạng hoạt động công nghiệp). Vì vậy thị trường cho loại hàng hóa "chất thải" từ khai thác khoáng sản phải là một bộ phận
trong thị trường chung, trong đó có thị trường hàng hóa, dịch vụ môi trường mà Chính phủ đang chủ trương xây dựng và phát triển. Để tạo dựng và phát triển thị trường (và bộ phận thị trường) này, trước hết phải có chính sách tạo "cung", “cầu” cũng như các dịch vụ hỗ trợ cho các quan hệ cung - cầu, quan hệ thị trường đối với loại hàng hóa này.
KẾT LUẬN
Nền kinh tế Việt Nam lựa chọn là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.Vì vậy, tăng trưởng kinh tế mà Việt Nam xác định là tăng trưởng bền vững, tăng trưởng vì con người, vì xã hội ngày càng công bằng hơn, dân chủ hơn, tăng trưởng gắn với bảo vệ môi trường. Chính vì thế mà mục tiêu phát triển kinh tế của tỉnh Bình Định cũng không nằm ngoài mục tiêu chung của cả nước.
Tăng trưởng kinh tế của tỉnh Bình Định trong những năm qua đạt được những thành tựu quan trọng như tốc độ tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo… Tuy nhiên, có những lo ngại không phải không có căn cứ về chất lượng và sự bền vững của những thành tựu tăng trưởng của tỉnh Bình Định. Tăng trưởng cao chỉ là một điều kiện cần nhưng còn xa mới là “đủ” để có một nền kinh tế mạnh. Nền kinh tế của tỉnh vẫn hiện đang phải đối mặt với nhiều vấn đề hạn chế về chất lượng tăng trưởng.
Với những định hướng một số giải pháp được đưa ra, luận văn mong muốn góp phần vào việc tìm ra những hướng đi đúng đắn, vượt qua những rào cản đang kìm hãm sự phát triển kinh tế tỉnh Bình Định trong tương lai.