Nghiên cứu xác định độ mô học ung thư biểu mô tuyến cổ tử cung theo tiêu chuẩn của Lawrence D.W và cộng sự năm 2000 được xếp làm 3 độ: độ I (biệt hóa cao); độ II (biệt hóa vừa); độ III (biệt hóa thấp) [40]. Phân độ mô học này với các tiêu chuẩn chẩn đoán tương đối dễ áp dụng (dựa vào tỉ lệ thành phần u phát triển thành thể đặc và tế bào u). Các tiêu bản trong nghiên cứu sau khi đã định típ mô bệnh học theo WHO, được xếp độ mô học qua nhuộm HE là đủ. Để đánh giá u là thể đặc, chúng tôi thường dùng vật kính nhỏ (vật kính 4, 10) xem xét mức độ, đánh giá sơ bộ tình trạng các tuyến và cách sắp xếp các tuyến, thành phần u đặc, mô đệm xơ và hoại tử u trên toàn bộ tiêu bản. Tiếp theo dùng vật kính lớn hơn (vật kính 20, 40) để đánh giá tế bào, hình dáng nhân và nhân chia để bổ sung tiêu chuẩn chẩn đoán và kết luận. Kết quả ở bảng 3.4 cho thấy: trong 199 trường được xếp độ mô học, loại biệt hóa vừa có tỉ lệ hay gặp nhất 95 trường hợp (47,7%), tiếp theo là loại biệt
hóa cao 63 trường hợp (31,7%) và biệt hóa thấp 41 trường hợp (20,6%). Một nghiên cứu tương tự của Park J.Y cùng cộng sự [48] cho kết quả về độ mô học như sau: biệt hóa cao: 28,4%; biệt hóa vừa 42,3%; biệt hóa thấp 27%; không xác định: 2,3%.
Như vậy, so với nghiên cứu của chúng tôi, các tỉ lệ u có độ biệt hóa cao và biệt hóa vừa trong nghiên cứu của Park J.Y cùng cộng sự (28,4% và 42,3%) thấp hơn các tỉ lệ tương ứng trong nghiên cứu này (31,7% và 47,7%) nhưng tỉ lệ u có độ biệt hóa thấp trong nghiên cứu của chúng tôi (20,6%) lại thấp hơn tỉ lệ tương ứng trong nghiên cứu của Park J.Y cùng cộng sự (27%). Hơn nữa, trong nghiên cứu này không có trường hợp nào không xác định được độ mô học, còn nghiên cứu của Park J.Y cùng cộng sự có đến 2,3% trường hợp không xác định được độ mô học [48], do tác giả lựa chọn tiêu chuẩn bệnh nhân từ chẩn đoán lâm sàng đến độ mô học. Trong nghiên cứu này lựa chọn tiêu chuẩn bệnh nhân trước tiên là phải có chẩn đoán típ mô bệnh học và độ độ mô học, sau đó mới tiến hành nghiên cứu giai đoạn bệnh và thời gian sống thêm.
Một nghiên cứu tương tự của Kasamatsu T và cộng sự [52] trên 132 bệnh nhân (giai đoạn I-IIB) cho thấy tỉ lệ u có độ biệt hóa cao rất cao (70%) còn các tỉ biệt hóa vừa (19%) và biệt hóa thấp (11%) thấp hơn hẳn. Như vậy, tỉ lệ u có độ biệt hóa cao trong nghiên cứu của chúng tôi (31,7%) thấp hơn tỉ lệ tương ứng trong nghiên cứu của Kasamatsu T và cộng sự (70%) nhưng tỉ lệ u có độ biệt hóa vừa và thấp trong nghiên cứu của chúng tôi (47,7% và 20,6%) lại cao hơn các tỉ lệ tương ứng trong nghiên cứu của Kasamatsu T và cộng sự (19% và 11%).