MỤC LỤC
Đẩy mạnh việc nghiên cứu, chọn tạo các giống tại chè từ vật liệu sẵn có để đưa ra các giống chè có năng suất cao, phẩm chất tốt, thích nghi với điều kiện địa phương; mở rộng diện tích chè cành chất lượng cao theo định hướng của rà soát quy hoạch, đồng thời tiếp tục nhập nội một số giống chè có chất lượng cao để làm vật liệu chọn tạo, khảo nghiệm nhằm làm phong phú tập đoàn giống chè có chất lượng cao, giá trị hàng hoá lớn, tiếp tục hỗ trợ chương trình trợ giá cây giống cho nông dân để phát triển ổn định vùng nguyên liệu chè. Bên cạnh các chương trình trợ giá giống cây trồng, chính sách hỗ trợ của nhà nước sự phát triển nhanh diện tích các giống chè cành cao sản, các giống chè cành chất lượng cao trong những năm qua có sự đóng góp của quá trình chuyển giao và ứng dụng kỹ thuật; đặc biệt là kỹ thuật nhân giống chè cành, chè ghép. Trên cơ sở đánh giá tổng kết chương trình nông nghiệp công nghệ cao giai đoạn 2000 - 2010, rà soát quy hoạch đến năm 2020, ổn định diện tích chè khoảng 26.000, trong đó diện tích chè áp dụng công nghệ cao chiếm 50%, tương đương 13.000 ha áp dụng công nghệ giống mới, công nghệ tưới, công nghệ sau thu hoạch, trong diện tích chè chất lượng cao chiếm 30% diện tích chè ứng dụng công nghệ cao khoảng 4.000 ha, trên cơ sở rà soát quy hoạch cần có giải pháp quản lý tránh để nông dân tự chuyển đổi cây trồng tự phát như những năm gần đây.
Tăng cường công tác khuyến nông về kỹ thuật canh tác chè an toàn, chè hữu cơ để mở rộng diện tích chè an toàn, gắn với công nghệ chế biến phù hợp và tăng cường công tác nghiên cứu, khảo nghiệm xác định các loại thuốc BVTV thế hệ mới, thuốc sinh học có khả năng phòng trừ tốt các loại sâu bệnh hại chè, đồng thời không để lại dư lượng, hoặc dư lượng ở dưới ngưỡng cho phép trong sản phẩm theo quy định. Tạo mối quan hệ bình đẳng giữa giá mua và chất lượng nguyên liệu, đảm bảo sản xuất chè chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của thị trường tiến tới mối quan hệ ổn định lâu dài “người trồng chè làm ra nguyên liệu tốt, an tâm đầu ra, người chế biến an tâm khai thác thị trường”. Xây dựng và mở rộng áp dụng các hệ thống tiêu chuẩn về quản lý chất lượng (ISO), về phân tích rủi ro bằng phân tích tới hạn (HACCP), về ISO 22000 cho doanh nghiệp chế biến thực phẩm và về quản lý môi trường (ISO 14001) để xuất khẩu chè có xuất xứ, tăng sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Tiếp tục đầu tư đổi mới công nghệ và sửa chữa lớn các công trình cần thiết, định hướng sâu hơn mối quan hệ khép kín: Giống - Công nghệ - Thị trường tiêu thụ, bảo đảm tính đồng bộ trong sản xuất của các công ty cổ phần, phấn đấu sử dụng hết công suất chế biến của tất cả các doanh nghiệp, các công ty cổ phần cần chú trọng hơn về chuyển đổi giống mới và thâm canh. Gắn kết nhà máy chế biến với vùng nguyên liệu, các cơ sở chế biến chủ động nguồn nguyên liệu hoặc tạo vùng nguyên liệu ổn định với nông dân, tạo mối quan hệ bình đẳng giữa giá mua và chất lượng nguyên liệu, đảm bảo sản xuất chè chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của thị trường tiến tới hình thành các liên minh sản xuất mối quan hệ ổn định lâu dài giữa người trồng trọt, chế biến và tiêu thụ chè. Tăng cường thiết bị hiện đạt kết hợp với đào tạo nguồn nhân lực quản lý, vận hành nhằm từng bước làm tốt công tác kiểm tra kiểm soát chất lượng sản phẩm, hiện nay Lâm Đồng đã xây dựng xong Trung tâm kiểm định nông sản tại thành phố Bảo Lộc là điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp chè phân tích chất lượng chè tại địa phương.
Tập trung chỉ đạo sản xuất chè nguyên liệu đạt tiêu chuẩn VietGAP, GLOBALGAP, các sở sản xuất chè phải nâng cao năng lực quản lý đạt tiêu chuẩn ISO 9000, HACCP nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập WTO, có giải pháp khai thác mạnh thương hiệu chè B’lao trong thời gian tới để góp phần tăng uy tín sản phẩm chè Lâm Đồng trên thị trường thế giới. Cần kết hợp xử lý bảo quản tại vùng nguyên liệu, tại cơ sở chế biến gần vùng nguyên liệu, tại các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, tại các kho cảng bến bãi để vừa giữ được chất lượng chè tươi, chè đã chế biến, vừa giảm tỷ lệ hư hao, hạ giá thành sản phẩm và đảm bảo chất lượng sản phẩm trong khi thời gian cung cấp chè cho thị trường xuất khẩu phải kéo dài. Từng bước mở rộng cơ giới hóa trong khâu thu hoạch chè vì hiện nay chi phí lao động cho khâu thu hái chiếm 50%, khi áp dụng cơ giới hóa trong thu hoạch gắn công nghệ chế biến đồng bộ và kỹ thuật thâm canh cao vườn chè sẽ cho năng suất cao, giảm giá thành sản phẩm và đảm bảo an toàn thực phẩm do quản lý dư lượng thuốc BVTV tốt.
Hiệp hội chè chất lượng cao thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng với nguồn vốn ban đầu gồm: Nhà nước cấp một phần, các thành viên góp phần chủ yếu nhằm thực hiện bảo lãnh phần tài sản đảm bảo còn thiếu, trước hết, đối với các thành viên thuộc Hiệp hội khi vay vốn ngân hàng, sau là các tổ, chi hội, các hộ trồng chè sản xuất kinh doanh có hiệu quả nhưng thiếu vốn. Các công ty cần có quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu cụ thể, giải quyết tình trạng mất cân đối giữa các nhà máy và vùng nguyên liệu để giảm bớt việc cạnh tranh không lành mạnh trong thu mua chè búp tươi, tạo cân đối giữa công suất chế biến với khả năng cung cấp nguyên liệu. Ngành chè cần quy hoạch phát triển chè một cách hợp lý, lựa chọn những địa phương có điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp nhất với cây chè để đầu tư phát triển thành vùng tập trung chuyên canh lớn, tạo điều kiện đưa tiến bộ khoa học vào sản xuất và quản lý một cách thuận lợi.