Thu hút vốn FDI vào thị trường bất động sản Việt Nam: Thực trạng và giải pháp

MỤC LỤC

Sự cần thiết của thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào thị trường bất động sản

Dù muốn hay không, các quốc gia cũng chịu tác động của nó và để có thể tồn tại và phát triển, họ buộc phải tham gia vào quá trình toàn cầu hóa. Đóng vai trò như một điều kiện, một công cụ không thể thiếu trong việc phát triển nền kinh tế, FDI là công cụ đắc lực trong việc thu hút nguồn vốn từ bên ngoài, giúp cho nền kinh tế phát triển bền vững. Với những lợi ích cho cả hai phía: chủ đầu tư cũng như quốc gia tiếp nhận đầu tư, FDI mở ra cơ hội hợp tác và hội nhập cho tất cả các nền kinh tế, đảm bảo được nguồn lực lâu dài và có hiệu quả cho tăng trưởng bền vững.

Không chỉ có các quốc gia đang phát triển cần đến nguồn vốn này mà ngay cả Mỹ - một cường quốc kinh tế lại là nước thu hút FDI lớn nhất thế giới. Nhu cầu về vốn để phát triển kinh tế là không có giới hạn, càng nhiều vốn đổ vào nền kinh tế, với cách sử dụng hiệu quả nhất sẽ nâng cao chất lượng cuộc sống của quốc gia đó. Đặc biệt đối với thị trường BĐS là thị trường có triển vọng phát triển cao, cần nguồn vốn lớn thì việc thu hút FDI vào lĩnh vực này càng được các quốc gia chú trọng và giành nhiều ưu đãi.

Một quốc gia có thể có nhiều cách khác nhau để huy động vốn cho tăng trưởng phát triển kinh tế như từ nguồn ODA, từ vay nợ nước ngoài, huy động vốn trong nước. Nhờ có FDI từ các công ty nước ngoài dưới nhiều hình thức như hình thành một pháp nhân mới hoạt động trên thị trường, liên doanh hợp tác với các đối tác trong nước, các công ty nước ngoài mang vào nước sở tại không chỉ là vốn mà còn là lực lượng lao động có trình độ cao, các công nghệ tiên tiến cũng như các bí quyết hoạt động, tổ chức điều hành kinh doanh. Nguồn vốn dồi dào cũng mang lại tác dụng để thúc đẩy sự phát triển của ngành nghề, lĩnh vực được đầu tư, kích thích nguồn vốn chảy vào lĩnh vực đó, làm thay đổi cơ cấu kinh tế của quốc gia được nhận đầu tư theo một hướng tích cực.

Hiện nay, FDI vào lĩnh vực bất động sản ngày càng tăng, tạo ra những điều kiện thuận lợi và tích cực thúc đẩy thị trường phát triển. Có thể kể đến một số nguồn vốn đầu tư nước ngoài khác như: vốn viện trợ chính thức ODA, vốn vay nước ngoài…tuy nhiên các nguồn vốn này một mặt gây sức ép về chính trị, kinh tế như ODA hoặc về khả năng chi trả như các khoản vay từ nước ngoài. FDI là một biện pháp thu hút vốn an toàn hơn cả bởi FDI là do nhà đầu tư nước ngoài tự chịu trách nhiệm về các chi phí và hiệu quả đầu tư, chịu trách nhiệm vay và trả, mang lại ít rủi ro hơn.

Hơn thế nữa, FDI từ các TNCs có tác động kích thích các công ty khác tham gia đầu tư vào nước chủ nhà, từ đó làm gia tăng tốc độ tăng. Như vậy có thể thấy, thu hút FDI là hoạt động tất yếu của tất cả các nền kinh tế trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay. Qua đó cho thấy, việc thu hút FDI nói chung và thu hút FDI vào lĩnh vực BĐS nói riêng có những tác động to lớn đến nền kinh tế của mỗi quốc gia, thúc đẩy sự phát triển và hội nhập hơn nữa vào nền kinh tế thế giới.

Kinh nghiệm thu hút đầu tư vào thị trường bất động sản của Australia và New Zealand

Thu hút FDI là một vấn đề tất yếu của tất cả các quốc gia trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Australia là nơi sinh sống của các bộ tộc thổ dân trong vòng 40.000 năm trước khi đất nước này bị xâm chiếm bởi Vương quốc ANh. Hiện nay, Australia là một nước liên bang với dân số xấp xỉ 20 triệu người.

Đa số dân cư sinh sống ở các vùng thành thị dọc theo các bờ biển phía đông và phía nam. New Zealand là một đất nước gồm 3 hòn đảo ở nam Thái Bình Dương với đất đai trù phú và mật độ dân số thấp. Nền kinh tế của New Zealand phụ thuộc rất nhiều vào tài nguyên thiên nhiên.

Australia và New Zealand là hai nước thuộc Khối thịnh vượng chung, cùng là thuộc địa cũ của Anh, và có nhiều điểm chung về pháp luật, hệ thống quyền lực nhà nước. Nhìn chung, hệ thống quản lý đất đai và thị trường bất động sản ở hai nước khá giống nhau và đạt tới trình độ phát triển rất cao. Hệ thống quản lý bất động sản “Torrens” ở hai nước được coi là một trong những hệ thống quản lý bất động sản hữu hiệu và hiệu quả nhất thế giới.

Về nguyên tắc, ở Australia và New Zealand, đất đai thuộc quyền sở hữu của chính phủ. Trên cơ sở đó, nhà nước cấp quyền sử dụng có điều kiện trên một mảnh đất cụ thể cho người dân dưới các hình thức như nắm giữ tự do và nắm giữ có thời hạn. Do vậy nhà nước có thể thu hồi mọi mảnh đất vì mục tiêu sử dụng công cộng.

Mỗi chủ đất có các quyền, lợi ích và nghĩa vụ cụ thể đối với mỗi mảnh đất. Một số quyền và lợi ích liên quan đến BĐS có thể được buôn bán trao đổi trên thị trường.