Giá trị truyền thống của làng gốm Bát Tràng

MỤC LỤC

Giá trị gốm Bát Tràng

Giá trị nhân văn : Mỗi người dân Việt dù đi đâu ở đâu làm gì, mỗi khi nhìn thấy một sản phẩm gốm Bát tràng không ai không khỏi tự hào,nó đã ăn sâu vào tiềm thức luôn gắn liền với cuộc sống của mỗi người Việt Nam. Giá trị nghệ thuật : Sản phẩm gốm Bát tràng là kết tinh sự sáng tạo không ngừng với đôi bàn tay khéo léo của người nghệ nhân,do vậy mỗi sản phẩm là một tác phẩm nghệ thuật. Giá trị vật chất : Gốm Bát Tràng phục vụ mọi tầng lớp trong xã hội, từ những người dân lao động đến những tầng lớp thượng lưu, từ những vật dụng thường ngày như bát đĩa, ấm chén, đồ thờ cúng đến những vò lọ hoa có giá trị kinh tế rất lớn.Hàng năm gốm Bát Tràng đem về doanh thu hàng triệu USD góp phần tạo nên sự phát triển chung của đất nước.

Gốm có các đặc điểm đặc thù như: cốt gốm dày, chắc, nặng; kĩ thuật nung đạt nhiệt độ 1300 độC; có 5 loại men đặc trưng gồm men lam, men nâu, men trắng ngà, men xanh rêu, men rạn và nghệ thuật vẽ họa tiết mang dấu ấn của sự thăng hoa. Tuy nhiên, khi nền kinh tế thị trường tạo ra xu hướng mở cửa hội nhập, gốm Bát Tràng cũng là một trong những mặt hàng tham gia vào cuộc cạnh tranh mạnh mẽ với gốm sứ đến từ các nước khác, đặc biệt là gốm sứ Trung. Trên nhiều sạp hàng tại các chợ, chúng ta dễ thấy có sự bày bán phổ biến các sản phẩm gốm Trung Quốc với mẫu mã đẹp mà giá cả lại phải chăng.

Sự cạnh tranh về giá cả, mẫu mã cũng xảy ra tương tự với loạt sản phẩm gia dụng còn lại như lọ hoa, bát đĩa, ấm chén…Ngoài ra, gốm sứ nghệ thuật của Trung Quốc cũng đang có nhiều hơn các cửa hàng trưng bày giới thiệu và bán sản phẩm tại Việt Nam. Để tăng tính cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu thị trường, người làm gốm Bát Tràng ngày càng cố gắng để tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng khác nhau có mẫu mã phù hợp thị hiếu người tiêu dùng. Bên cạnh các sản phẩm truyền thống, tại chợ gốm cổ Bát Tràng đã có bày bán rất nhiều đồ gốm gia dụng và gốm trang trí nhiều màu sắc bắt mắt với các sản phẩm sơn mài trên gốm, tranh gốm, chuông gió, các hình con vật, đồ chơi bằng gốm…Đặc điểm của men gốm đã có những thay đổi, theo chú Ngãi - một nghệ nhân làng gốm cổ Bát Tràng cho biết: Men gốm hiện nay có độ dày và trong tạo độ sâu, bóng hơn men gốm của khoảng 20 năm trước rất nhiều.

Hướng đi mới của gốm Bát Tràng như trên tạo điều kiện thúc đẩy sức tiêu thụ của thị trường song cũng dẫn đến một vài vấn đề thiếu tích cực như mẫu mã bị trùng lặp với hàng Trung Quốc, xuất hiện hiện tượng sản xuất hàng loạt theo khuôn mẫu và in đề - can lên gốm theo nhu cầu khách hàng, nhiều địa phương làng xã cạnh làng cổ Bát Tràng cũng mới chuyển sang làm. Vì vậy, gốm Bát Tràng cần phải được tiếp thị tốt hơn nữa, các nhà tư vấn thiết kế kiến trúc, mỹ thuật cũng phải làm sao để tạo ra những không gian Việt mà tại đó gốm Bát Tràng có thể kiêu hãnh hiện diện. Như vậy qua những gì tìm hiểu ở trên chúng ta đã biết được vị trí, lịch sử làng gốm Bát Tràng, quy trình làm gốm cũng như những đặc điểm và giá trị của gốm Bát tràng.

Đó là: trong thời đại của công nghệ cao, của nền công nghiệp tiên tiến, chúng ta có thế và lực gì để cạnh tranh với thế giới để có thể tự cường mà đem nói chuyện với các nước công nghiệp phát triển, nếu không phải trước hết là các sản phẩm truyền thống, những sản phẩm được làm ra ở trình độ nghệ thuật, kỹ thuật và chất lượng cao. Sản phẩm gốm Bát Tràng cũng vậy, nó chứa đựng trong mình tâm hồn của người Việt, mang đậm bản sắc dân tộc Việt.Nó được du khách trong và ngoài nước đánh giá cao không chỉ bởi giá trị kinh tế mà còn bởi các giá trị văn hóa, nghệ thuật mà nó mang trong mình. Vì vậy nếu chúng ta giữ gìn được những nét tinh hoa, những vốn quý trong các sản phẩm thủ công truyền thống nói chung và sản phẩm gốm Bát Tràng nói riêng thì chúng ta sẽ khẳng định được mình trên trường Quốc tế, đồng thời chúng ta còn thúc đẩy được hoạt động du lịch tại các làng nghề phát triển sao cho tương xứng với tiềm năng vốn có của từng làng nghề.