Thực trạng và định hướng phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch văn hóa tỉnh Thái Bình

MỤC LỤC

Cơ sở vật chất phục vụ du lịch văn hóa 1. Hệ thống cơ sở lưu trú

Trong những năm gần đây, hệ thống các cơ sở lưu trú, dịch vụ ở Thái Bình phát triển với tốc độ nhanh, từng bước đã được nâng cao về cả chất lượng và số lượng, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch ở mức độ nhất định. Tốc độ nhà nghỉ tư nhân tăng đáng kể song không có quy hoạch, quy mô không lớn, trang thiết bị, dịch vụ không đầy đủ, dẫn tới công suất sử dụng phòng thấp, chỉ khoảng 55 - 60%. Các nhà hàng ăn uống ở Thái Bình nhìn chung thiếu, chỉ có nhà hàng trong khách sạn Thái Bình là đủ tiêu chuẩn phục vụ khách quốc tế, nhưng nay đang trong quá trình xây dựng.

Những năm gần đây các quán ăn, nhà hàng tư nhân của Thái Bình phát triển với tốc độ khá nhanh, phần nào đáp ứng nhu cầu của khách du lịch đang tăng lên về số lượng, nhưng chủ yếu cũng chỉ phục vụ khách nội địa, còn nhiều hạn chế về tiêu chuẩn vệ sinh và trình độ phục vụ. Năm 2005 có 5 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, đến năm 2011 toàn tỉnh đã có 11 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, trong đó có nhiều doanh nghiệp tư nhân, liên doanh năng động, dễ thích ứng với thị trường. Tuy chưa có nhiều đơn vị tổ chức chuyên về dịch vụ này, song do quy luật cung - cầu, dịch vụ vận chuyển khách du lịch ngày càng phát triển, đáp ứng được lượng khách đi du lịch ngày càng cao ở Thái Bình.

Theo số liệu thống kê, hiện có khoảng 350 đầu xe chuyên chở khách, chất lượng phục vụ đáp ứng nhu cầu của du khách ngày càng tốt hơn. Ở Thái Bình những năm gần đây, số lượng và chất lượng các trung tâm này đang từng bước được nâng cấp, cải thiện nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của đời sống dân cư địa phương, đồng thời góp phần tham gia vào những sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch của tỉnh, của vùng và quốc gia.

Nguồn nhân lực

Các trung tâm văn hóa, thể thao phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí.

Sản phẩm du lịch văn hóa

- Du lịch tham quan các di sản tín ngưỡng tâm linh: với các điểm di tích nổi tiếng cả đồng bằng Bắc Bộ như chùa Keo (Vũ Thư) thờ Không Lộ thiền sư, đền Quan (thành phố Thái Bình) thờ Nam Đạo Đại thần tướng, đền Đồng Bằng (Quỳnh Phụ) thờ Vua Cha Bát Hải Động Đình, đền Tiên La (Hưng Hà) thờ Bát Nạn Tướng Quân…. - Du lịch tham quan các di tích cách mạng: Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (Vũ Thư), Khu lưu niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh (Thái Thụy), nhà thờ Phạm Quang Lịch (Kiến Xương), làng kháng chiến Nguyên Xá (Đông Hưng), Chùa Chung - Mả Bụt (Tiền Hải)…. - Du lịch tham quan các di tích danh nhân: cụm di tích lưu niệm danh nhân Lê Quý Đôn (Hưng Hà), đền Quan Trạng (Hưng Hà), từ đường họ Đỗ….

- Du lịch tham quan các di tích kiến trúc nghệ thuật: tới các địa chỉ nổi tiếng được biết đến như chùa Keo (Vũ Thư), Đình An Cố (Thái Thụy), Đình Đá (Quỳnh Phụ), Đền Đồng Xâm (Kiến Xương)…. - Du lịch lễ hội truyền thống: hiện nay Thái Bình có khoảng 200 lễ hội, trong đó có rất nhiều lễ hội tiêu biểu như lễ hội chùa Keo, lễ hội đền Đồng Bằng, lễ hội đền Tiên La, hội đền Đồng Xâm, hội làng Quang Lang, hội đền Vọng Lỗ…. - Du lịch làng nghề thủ công truyền thống: làng nghề chạm bạc Đồng Xâm, làng thêu Minh Lãng, làng chiếu Hới, làng nghề ươm tơ Bách Thuận, nghề dệt vải làng Mẹo xã Thái Phương, làng nghề dệt đũi Nam Cao… là những làng nghề có lịch sử lâu đời, sản phẩm đã khẳng định được trên thị trường trong nước và quốc tế.

- Du lịch thưởng thức nghệ thuật diễn xướng truyền thống: với các loại hình nghệ thuật nổi tiếng như chiếu chèo làng Khuốc (Đông Hưng), múa rối nước làng Nguyễn (Đông Hưng)… Đây là một trong những ưu thế độc đáo của Thái Bình. - Các sản phẩm du lịch văn hóa khác: ẩm thực, sản phẩm thủ công mỹ nghệ….

Tổ chức, quản lý hoạt động du lịch văn hóa 1. Các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch

Xúc tiến Du lịch trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Bình được thành lập, đảm nhận chuyên trách mảng công việc xúc tiến, quảng bá hình ảnh của du lịch Thái Bình. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Bình đã phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển du lịch xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2001 - 2010 và định hướng đến năm 2020, với những định hướng cụ thể về quản lý nhà nước, thị trường du lịch, phát triển sản phẩm (trong đó ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch văn hóa), định hướng về xúc tiến, quảng bá du lịch, đào tạo nguồn nhân lực du lịch, dự báo về mức tăng trưởng du lịch Thái Bình và đưa ra các phương án để phát triển du lịch Thái Bình. Cơ quan quản lý trực tiếp các hoạt động du lịch trên địa bàn huyện, thành phố là phòng Công thương trực thuộc Ủy ban nhân dân huyện.

Được sự hướng dẫn về nghiệp vụ của sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, phòng Công thương các huyện, thành phố đã triển khai các nhiệm vụ như: tăng cường công tác quản lý đối với các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh du lịch, các khu, điểm du lịch trên địa bàn; phối hợp quảng bá các lễ hội, danh thắng, di tích tới du khách; tổng hợp báo cáo tình hình hoạt động du lịch, xây dựng triển khai kế hoạch phát triển du lịch của địa phương hàng quý, hàng năm. Tính đến năm 2011 mới có 5 Ban quản lý đi vào hoạt động một cách có tổ chức và chính thức là: Ban quản lý Cồn Vành, Ban quản lý khu di tích chùa Keo, Ban quản lý đền Đồng Bằng, Ban quản lý đền Tiên La, Ban quản lý di tích đền Trần; với số lượng trung bình 10 người/ 1 ban quản lý. Lực lượng mỏng, nhiều cán bộ chưa được đào tạo chuyên ngành du lịch, khối lượng công việc nhiều nên công tác quản lý tại điểm của các Ban quản lý vẫn còn một số tồn tại, chưa thực sự hiệu quả.

Hiện nay đội ngũ quản lý các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn Thái Bình (bao gồm từ cấp trưởng, phó phòng trở lên) là 212 người, bao gồm: Giám đốc, các phó giám đốc doanh nghiệp: 87 người; Trưởng, phó các phòng, kế toán trưởng: 125 người. Tuy nhiên, trong lực lượng cán bộ làm công tác quản lý các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn Thái Bình có một số được chuyển từ các ngành khác sang nhưng chưa được đào tạo bồi dưỡng về du lịch, số còn lại là cán bộ của các doanh nghiệp đơn vị tư nhân hầu hết chưa được đào tạo qua các trường lớp về du lịch.

Tác động của du lịch tới các di sản văn hóa

Từ năm 2000, Thái Bình đã có nhiều dự án đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa và khôi phục các làng nghề truyền thống. Nhiều dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động, góp phần cải thiện tình hình hoạt động du lịch của tỉnh với chiều hướng tích cực. Thái Bình là tỉnh có nguồn tài nguyên du lịch nhân văn phong phú, đa dạng; là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch với nhiều mục đích khác nhau như: tham quan, học tập, nghiên cứu, tìm về nguồn cội, lịch sử, tín ngưỡng tâm linh… Đây là tiền đề tốt để ngành du lịch phát triển, đem lại những cơ hội việc làm, nâng cao đời sống kinh tế và hiểu biết xã hội cho người dân địa phương; đồng thời cũng đem lại doanh thu đóng góp và sự phát triển chung về mọi mặt của tỉnh.

Song trên thực tế, du lịch Thái Bình chưa tận dụng và khai thác hiệu quả những tiềm năng, thế mạnh của nguồn tài nguyên này trong quá trình phát triển. Lượng khách du lịch đến đây hàng năm tăng nhưng vẫn còn quá nhỏ, doanh thu từ hoạt động du lịch đóng góp vào GDP của tỉnh chưa nhiều. Điều này đồng nghĩa với mức chi tiêu của khách du lịch đến Thái Bình thấp, thời gian lưu trú ngắn, khách nước ngoài và khách có khả năng thanh toán cao chưa nhiều.

Nguyên nhân chính là do sản phẩm du lịch văn hóa của tỉnh nghèo, đơn điệu, chưa phát huy được ưu thế về giá trị và tính độc đáo, chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách, vì thế chưa có sức cạnh tranh trên thị trường ngày càng đa dạng. Để phát triển du lịch văn hóa Thái Bình hiệu quả và chuyên nghiệp, nhiều vấn đề cần được điều chỉnh, bổ sung, đổi mới.