Ứng dụng các Công cụ Toán tài chính trong Quản lý Danh mục đầu tư tại Thị trường Chứng khoán Việt Nam

MỤC LỤC

Những lý thuyết cơ bản áp dụng trong quản lý danh mục đầu tư chứng khoán

Tiến trình đầu tư gồm hai nhiệm vụ chính: nhiệm vụ thứ nhất là phân tích thị trường và chứng khoán, qua đó chúng ta đánh giá hai mặt rủi ro và lợi nhuận ước tính (hay còn gọi là lợi nhuận kỳ vọng hoặc mong đợi) của tất cả các chứng khoán có thể đầu tư. Trong các phần sau, tôi sẽ tập trung vào nhiệm vụ thứ hai, đó là: lựa chọn từ các cơ hội đầu tư khả thi những cơ hội đầu tư có cặp quan hệ “rủi ro-lợi nhuận kỳ vọng” là tốt nhất và phù hợp với mục tiêu đặt. Nếu giá chứng khoán có thể được dự đoán, đó là bằng chứng của một thị trường không hiệu quả, vì khả năng dự đoán cho thấy rằng không phải tất cả các thông tin trên thị trường đã được phản ánh trong giá chứng khoán.

Thậm chí cứ cho rằng giá chứng khoán là đúng với giá trị, mỗi một chứng khoán vẫn còn chứa đựng những rủi ro riêng có của mỗi công ty, những rủi ro này có thể được triệt tiêu thông qua việc đa dạng hoá. Lý thuyết này cũng giả định rằng về cơ bản các nhà đầu tư không muốn gặp rủi ro, có nghĩa rằng nếu phải lựa chọn giữa hai loại tài sản cùng đem lại một mức lợi suất đầu tư như nhau thì họ sẽ chọn loại tài sản có rủi ro thấp hơn. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là tất cả những người đầu tư đều có mức ngại rủi ro như nhau mà còn tùy thuộc vào độ chấp nhận rủi ro của mỗi người trong mối tương quan với lợi suất đầu tư mà họ có thể nhận được.

Một nhà đầu tư ngại rủi ro là người luôn phải đặt ra cho mình một mức lợi suất hợp lý đối với một tài sản rủi ro với điều kiện tỷ lệ lợi nhuận này có thể bù đắp đủ cho những rủi ro mà người đó phải đối mặt. Các nhà kinh tế học tài chính hiện đại đã chứng minh một cách định lượng hóa được đặc điểm quan sát này bằng lý thuyết hàm hữu dụng biểu thị mối quan hệ giữa giá trị hữu dụng của một đơn vị tiền tệ kiếm thêm được với mức độ rủi ro của khoản đầu tư và mức ngại rủi ro của một cá nhân đầu tư. Các nhà đầu tư khi xem xét những danh mục đầu tư khác nhau (có những cặp lợi nhuận kỳ vọng-mức độ rủi ro khác nhau) sẽ chọn danh mục đầu tư nào đem lại cho họ giá trị hữu dụng U lớn nhất.

Để phân tích hành vi ra quyết định đầu tư, theo cách tiếp cận về giá trị hữu dụng trên, có thể so sánh những giá trị hữu dụng với tỷ suất lợi nhuận trong trường hợp đầu tư không có rủi ro khi tiến hành chọn lựa giữa một danh mục đầu tư có rủi ro và một danh mục đầu tư an toàn. Tỷ lệ “tương đương chắc chắn” của một danh mục đầu tư là mức tỷ suất lợi nhuận đạt được chắc chắn của một danh mục đầu tư không rủi ro được nhà đầu tư chấp nhận và được xem như là có mức độ hấp dẫn tương đương để so sánh với danh mục đầu tư có rủi ro. Nói cách khác, một danh mục đầu tư có rủi ro được xem là hấp dẫn nếu mức lợi suất tương đương chắc chắn (CE) của nó vượt quá mức lợi suất của một danh mục đầu tư không rủi ro được sử dụng làm chuẩn để so sánh (thông thường, người ta dùng lãi suất tín phiếu kho bạc của Chính phủ như là danh mục đầu tư không rủi ro để so sánh).

Về lý thuyết, để phân tích cho đầy đủ các hành vi tâm lý đa dạng trong nhân loại, người ta còn phải kể đến những người đầu tư trung dung với rủi ro (rủi ro trung tính-risk neutral) có hệ số A. Khác với những người đầu tư ngại rủi ro, những người đầu tư trung dung với rủi ro là những người đánh giá mức độ hữu ích của một danh mục đầu tư chỉ căn cứ trên tỷ suất lợi nhuận ước tính [E(r)], mà không quan tâm đến mức độ biến động, hay rủi ro (σ2) của danh mục đầu tư đó. Sự khác nhau giữa ba loại “ngại rủi ro”, “trung dung”, và “thích rủi ro” là ở chỗ: những người đầu tư ngại rủi ro luôn cân nhắc mối quan hệ của cả hai yếu tố lợi nhuận và rủi ro trong tổng thể “giá trị hữu dụng”; trong khi đó người đầu tư “trung dung với rủi ro” chỉ quan tâm đến yếu tố lợi nhuận; còn người “thích rủi ro” chỉ quan tâm nhiều đến yếu tố rủi ro (rủi ro càng cao càng tốt).

Tuy nhiên, thuyết tài chính cho rằng người đầu tư phần lớn là những người đầu tư thông thường nên đều ngại rủi ro và do vậy mối quan hệ giữa rủi ro và lợi nhuận được xây dựng trên cơ cở tâm lý của số đông này. Chính vì vậy, nhà đầu tư quan tâm đến việc đa dạng hoá danh mục đầu tư và xác định phần rủi ro hệ thống (hay còn gọi là rủi ro thị trường hoặc rủi ro không đa dạng hoá được) của chứng khoán.

Đồ thị trên thể hiện quan hệ giữa số lượng chứng khoán trong danh mục với mức độ rủi ro của danh mục đó
Đồ thị trên thể hiện quan hệ giữa số lượng chứng khoán trong danh mục với mức độ rủi ro của danh mục đó