BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO —— Số: 19/CT CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc Lập – Tự do – Hạnh phúc ————————————— Hà Nội ngày 13 tháng 10 năm 1993 CHỈ THỊ CỦA BỘ TRƯỞNG Về việc tổ chức mặc đồng phục trong học sinh, sinh viên Trong những năm qua, có khá nhiều trường phổ thông ở các tỉnh, thành phố, bắt đầu từ thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh phía Nam và một vài trường đại học đã tổ chức cho học sinh và sinh viên mặc đồng phục. Việc làm này đã tạo ra môi trường sư phạm tốt, tác dụng giáo dục về phẩm chất đạo đức và phong cách cho học sinh và sinh viên, góp phần xây dựng nền nếp, kỷ cương trong các trường học. Vì vậy, Bộ chủ trương khuyến khích các trường, kể cả các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, tổ chức cho học sinh và sinh viên mặc đồng phục. Tuy nhiên, để đảm bảo tính thống nhất trong quá trình thực hiện chủ trương, tránh các quy định chưa phù hợp với thực tế đời sống. Bộ yêu cầu Giám đốc các Sở giáo dục –đào tạo và Hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề thực hiện một số việc sau đây: 1. Cần căn cứ vào hoàn cảnh, điều kiện kinh tế - xã hội của từng vùng để có bước đi thích hợp trong việc tổ chức cho học sinh và sinh viên mặc đồng phục, ở các thành phố, thị xã có thể triển khai rộng và sớm hơn các vùng khác. 2. Đồng phục được quy định thống nhất cho từng trường: Sau khi tham khảo ý kiến của Hội đồng giáo dục, Hội cha mẹ học sinh (đối với các trường phổ thông) và đoàn thể của học sinh và sinh viên. Hiệu trưởng quy đinh về đồng phục cho trường minh. Trong những năm đầu tiên. Có thể quy định mặc đồng phục một số ngày nhất định trong tuần. Sau đó, căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể sẽ tăng dần số ngày quy định. 3. Trong tình hình đời sống còn khó khăn, kiểu mẫu đồng phục cần giản dị, tiết kiệm, nhưng chỉnh tề, văn minh. Ở các tỉnh phía Bắc, trước mắt có thể chỉ quy định mặc đồng phục vào mùa hè, còn về mùa đông khi có điều kiện sẽ thực hiện sau: Đối với học sinh nữ, không nhất thiết có một loại đồng phục. Có thể quy định mặc áo dài trong ngày lễ, mặc áo sơ mi trắng hoặc quần sẫm mầu trong ngày thường. Việc lựa chọn đồng phục thích hợp cho nữ sinh còn góp phần tạo điều kiện cho các em tham gia các hoạt động vui khỏe, phù hợp lứa tuổi; đồng thời chú ý sự phát triển giới tính và sức khỏe của các em. 4. Đối với học sinh các trường dân tộc nội trú, đặc biệt là ở các trường có học sinh thuộc nhiều dân tộc khác nhau, ngoài việc khuyến khích mặc y phục dân tộc trong ngày lễ, ngày hội, có thể quy định mặc đồng phục vào các ngày thường để góp phần tạo nên sự hòa hợp, thống nhất trong tập thể học sinh. 5. Tất cả các trường học, đều phải yêu cầu học sinh, sinh viện ăn mặc gọn gàng sạch sẽ, sớm khắc phục tình trạng đi chân đất hoặc đi dép không có quai hậu. 6. Các trường, tùy hoàn cảnh, có thể tổ chức cho học sinh, sinh viện đeo phù hiệu mang tên trường (Nên áp dụng kinh nghiệm của một số trường tổ chức thêu, dệt hoặc in phù hiệu mang tên trường trên miếng vải nhỏ để học sinh có thể may liền vào áo) 7. Cùng với quy định về đồng phục cho học sinh, sinh viên các trường cần những quy định về y phục (kể cả giầy, dép) đối với thầy cô giáo và cán bộ nhân viên trong trường theo thông báo số 11/TB, ngày 18-2-1992 của Văn phòng Chính phủ. Y phục của thầy, cô giáo và cán bộ, nhân viên trong trường phải giản dị, lịch sự và nhất là phải có tính mẫu mực, tránh trang phục cẩu thả hoặc trang phục không phù hợp với hoạt động sư phạm. Giám đốc các Sở Giáo dục – Đào tạo và Hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề có trách nhiệm chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện có kết quả chỉ thị này. Nơi nhận: - Văn phòng CP (để báo cáo) - Các Sở GD-ĐT và các trường ĐH, CD,THCN và DN - Các đơn vị trực thuộc Bộ - Lưu văn phòng BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO (Đã ký) Trần Hồng Quân 2