DIỄN VĂN ÔN LẠI TRUYỀN THỐNG LỊCH SỬ NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/11. Kính thưa quí vị đại biểu ! Kính thưa quí thầy, cô giáo ! “Dạy học là một trong những nghề cao quí nhất trong những nghề cao quí”. Thực tế không ai có thể phủ nhận điều này. Một người thợ sẽ không thể trở thành một người thợ giỏi nếu không có người thợ giỏi tận tâm chỉ dạy, một quốc gia sẽ không thể phồn vinh được nếu không có những bậc hiền tài. Vì “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, và nguồn nguyên khí này có được cũng chính là nhờ sự chăm chút, nâng niu, sự khơi nguồn và quá trình đào tạo, bồi dưỡng không mệt mỏi của những người làm công tác giáo dục. Vì vậy ngày 28/09/1982 Hội đồng bộ trưởng (nay là chính phủ) ban hành quyết định số 167/HĐBT lấy ngày 20/11 hàng năm làm ngày Nhà giáo Việt Nam. Từ đó hàng năm ngày này đã đi vào cuộc sống của nhân ta như một biểu hiện của truyền thống “trọng thầy hiếu học”, “tôn sư trọng đạo”. Hôm nay chúng ta về đây vừa là dịp để ôn lại những truyền thống tốt đẹp của dân tộc đồng thời ôn lại những thành tích của giáo dục của địa phương cũng như lắng nghe những lời tâm sự tâm huyết về công tác giáo dục của các quí vị đại biểu, quí thầy cô giáo. Kính thưa quí vị đại biểu! Kính thưa quí thầy cô giáo! Lịch sử của dân tộc ta là lịch sử của những cuộc đấu tranh đầy thử thách nhưng rất vẻ vang và oanh liệt. Ngay từ những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ Đảng ta đã xác định: chúng ta đấu tranh trên cả ba mặt trận “Giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm” và ba mặt trận này luôn đi song hành cùng nhau. Như vậy , nhiệm vụ giáo dục đã được Đảng ta xác định ngay từ đầu là nhiệm vụ Quốc gia. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có thể sánh vai cùng các cường quốc năm châu được hay không, đó là nhờ một phần ở công học tập của các cháu”. Lời Bác dặn như một lời di chúc đến tất cả các thế hệ và được Đảng ta đúc kết thành bài học. Thế hệ các nhà giáo của chúng ta từ trước đến nay không chỉ là những người thầy hết mình vì nghề nghiệp mà còn tham gia đấu tranh xây dựng và bảo vệ tổ quốc, nhiều nhà giáo vừa cầm bút, vừa cầm súng tham gia cách mạng và đã anh dũng hy sinh vì độc lập tự do của tổ quốc. Những con người này đã để lại cho đời những tấm gương sáng về nhân cách: Không màng danh lợi, không chuộng hư vinh, một lòng chăm sóc cho thế hệ tương lai. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói về những người thầy giáo ấy “Dù không có bia đá, nhưng họ là những anh hùng vô danh”. Trong hai cuộc kháng chiến Đảng ta luôn quan tâm đến giáo dục, nhất là giáo dục miền núi hải đảo, vùng sâu vùng xa và các dân tộc ít người. Đối với Huyện Konplông nói chung và Măng Cành nói riêng là nơi có truyền thống cách mạng vì thế nhiệm vụ phát triển giáo dục luôn gắn liền với nhiệm vụ cách mạng, công tác dạy học luôn gắn liền với công tác vận động quần chúng nhân dân. Có được một Măng Cành như ngày hôm nay, trong ngày kỷ niệm đầy ý nghĩa này, chúng ta kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ, biết ơn những nhà giáo đã hi sinh để đặt nền móng cho sự nghiệp giáo dục phát triển như ngày hôm nay. Trước khi nói đến những thành tựu của giáo dục xã nhà cho phép tôi được ôn lại lịch sử giáo dục Việt Nam, lịch sử ngày 20.11. Kính thưa quí vị đại biểu! Kính thưa quí thầy cô giáo! Từ buổi đầu xây dựng nền độc lập các triều đại phong kiến đã chú trọng phát triển giáo dục nho học nhằm đào tạo ra nhân tài để giúp nước tạo dựng nền tảng gốc rễ bền lâu cho nghìn năm văn hiến sau này. Thế kỷ XI nhà Lý cho xây văn miếu Quốc tử giám (được xem là trường đại học của nước ta), đắp tượng thờ Khổng tử khởi nghiệp nền giáo dục khoa bảng ở nước ta. Trải qua các triều đại Lý, Trần, Lê đất nước Đại Việt cường thịnh chính là nhờ nền tảng giáo dục đã đào tạo ra những nhân tài kiệt xuất cho đất nước. Tiêu biểu nền giáo dục nho giáo có thầy Chu Văn An người thầy đào tạo ra các Hoàng tử làm vua đời Trần, Thầy Chu Văn An được mệnh danh là người thầy của nền giáo dục khoa bảng một lòng một dạ vì nước vì dân, trung quân ái quốc. Từ nền giáo dục khoa bảng qua các triều đại đã sản sinh ra những danh nhân văn hóa, danh tướng tài ba thao lược trong lịch sử Việt Nam như Trần Quốc Tuấn với tác phẩm hịch tướng sĩ và chiến công ba lần đánh bại quân Nguyên - Mông. Nguyễn Trãi được xem là nhà chính trị quân sự tài ba, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa nổi tiếng với tác phẩm Bình ngô đại cáo, đã lãnh đạo khởi nghĩa Lam Sơn đánh bại quân Minh xâm lược khởi nghiệp ra triều Lê đưa lịch sử phong kiến nước nhà phát triển thịnh vượng. Từ thế kỷ XVI xã hội phong kiến có phần suy thoái nhưng các nhà nho chân chính từ nền giáo dục khoa bảng vẫn tiếp tục truyền thống “Việc nhân nghĩa cốt để yên dân” đã góp phần mở mang bờ cõi nước nhà, trong đó tiêu biểu có danh nhân kiệt xuất Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm với tấm lòng cao cả lo trước những việc lo của thiên hạ, có bác học lỗi lạc Đào Duy Từ nhà bách khoa toàn thư nổi tiếng của nước ta. Sang thế kỷ VXIII lịch sử đứng trước những thách thức mới của thời đại. Chế độ phong kiến tuy không còn hưng thịnh như xưa nhưng nền văn hiến nước nhà vẫn được phát huy không ngừng chính là nhờ giáo dục và truyền thống hiếu học của cha ông ta, làm xuất hiện những danh nhân văn hóa lỗi lạc như Nguyễn Du với Truyện Kiều một kiệt tác văn học Việt Nam. Những nhà tri thức uyên bác như Cao Bá Quát, Nguyễn Văn Siêu. Rồi đất nước chìm đắm với ách thực dân phong kiến nhưng huyết mạch giáo dục vẫn không ngừng vươn lên đấu tranh cùng cách mạng dân tộc, người thầy giáo Nguyễn Tất Thành từ giã trường Dục Thanh ra đi tìm đường cứu nước giải phóng dân tộc. Các nhân sĩ tri thức yêu nước đầu thế kỷ XX với lòng nhiệt huyết “duy tân” trên mặt trận văn hóa giáo dục mở đầu cuộc đấu tranh chống thực dân phong kiến với tinh thần “Xối máu nóng mà rửa vết nhơ nô lệ” nổi lên là phong trào “Đông kinh nghĩa thục” và hoạt động tích cực của Hội truyền bá chữ quốc ngữ khơi nguồn cho xu hướng giáo dục hiện đại. Cách mạng tháng tám thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, tư tưởng giáo dục Hồ Chí Minh đã khai sinh ra nền giáo dục cách mạng Việt Nam, Người chỉ rõ “ vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Kế thừa và phát huy truyền thống hiếu học tư tưởng nho giáo một cách sáng tạo và biện chứng vào thực tiễn cách mạng Việt Nam Người chỉ rõ “ Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” vì vậy để kiến thiết nước nhà cần phải “diệt giặc dốt làm cho đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Hồ Chí Minh cùng với Chính phủ quyết định hủy bỏ nền giáo dục nô lệ, đặt nền móng cho nền giáo dục cách mạng với phương châm: thường thức, phổ thông, dân tộc, khoa học và đại chúng. Quan tâm phát triển sự nghiệp giáo dục nên vị trí người thầy đã được xã hội ta đặc biệt coi trọng. Cha ông ta xưa coi sự nghiệp trồng người là việc trăm năm, ngày nay Đảng và nhà nước ta coi sự nghiệp giáo dục và đào tạo là Quốc sách hàng đầu, xem giáo dục là sự nghiệp của toàn dân, xây dựng xã hội ta thành một xã hội học tập phù hợp với xu thế thời đại khoa học và công nghệ. Truyền thống ngày nhà giáo Việt Nam 20.11 của nước ta gắn liền với truyền thống ngày nhà giáo của toàn thế giới. Như chúng ta đã biết tháng 7 năm 1946 có một tổ chức quốc tế các nhà giáo tiến bộ được thành lập ở Pa Ri (thủ đô nước Pháp) đã lấy tên là Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục ( FISE). Năm 1949 tại Hội nghị Vácxava (thủ đô Ba Lan) tổ chức Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục xây dựng một bản “hiến chương các nhà giáo” gồm 15 chương với nội dung chủ yếu là đấu tranh chống nền giáo dục tư sản phong kiến, xây dựng nền giáo dục tiến bộ, bảo vệ những quyền lợi vật chất và tinh thần chính đáng của nghề dạy học và nhà giáo. Đề cao trách nhiệm, vị trí của nghề dạy học và nhà giáo. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược công đoàn giáo dục Việt Nam đã quan hệ với Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục để tranh thủ các diễn đàn quốc tế tố cáo âm mưu tội ác của bạn đế quốc xâm lược đối với nhân ta cũng như đối với giáo viên và học sinh đồng thời giới thiệu những thành tích của nền giáo dục cách mạng, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của giáo giới trên toàn thế giới đối với kháng chiến chính nghĩa của nhân dân ta. Tháng 2 năm 1953 Công đoàn giáo dục Việt Nam đã được ra nhập Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục, được mời dự hội nghị tại Viên – thủ đô nước Áo. Từ ngày 26 đến ngày 30.8.1957 tại thủ đô Vácxava Hội nghị Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục có 57 nước dự (trong đó có công đoàn giáo dục Việt Nam ) quyết định lấy ngày 20.11 hàng năm là ngày “quốc tế hiến chương các nhà giáo” . Ngày 20.11.1958 ngày “quốc tế hiến chương các nhà giáo” lần đầu tiên được tổ chức trên toàn miền Bắc nước ta. Những năm sau đó còn được tổ chức ở các vùng giải phóng ở miền Nam. Hàng năm vào dịp kỉ niệm 20.11 cơ quan tiểu ban giáo dục thường xuất bản phát hành một số tập san đặc biệt để cổ vũ tinh thần đấu tranh của giáo giới trong vùng tạm chiếm, động viên tinh thần chịu đựng gian khổ của anh chị em giáo viên kháng chiến. Sau ngày 30.04.1975 non sông thu về một mối, giáo giới Việt Nam đoàn kết thống nhất theo một đường lối của Đảng cộng sản Việt Nam theo định hướng XHCN ý nghĩa của quốc tế hiến chương các nhà giáo đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử với giáo giới Việt Nam. Song ngày 20.11 đã ăn sâu vào lòng người và trở thành truyền thống tốt đẹp của nền giáo dục nước nhà. Chính vì thế theo đề nghị của ngành Giáo dục, ngày 28.9.1982 Hội đồng bộ trưởng (Nay là chính phủ) đã ban hành Quyết định số 167/HĐBT về ngày nhà giáo việt nam. Nội dung quyết định có những điều khoản như sau: Hàng năm lấy ngày 20.11 làm ngày nhà giáo việt Nam. Quyết định nêu rõ để ngày 20.11 có ý nghĩa thiết thực hàng năm từ tháng 10 các cấp chính quyền và đoàn thể cần họp để xem xét tình hình công tác và hoạt động của đội ngũ giáo viên ở địa phương mình, kiểm điểm những việc đã làm và đề ra những việc cần tiếp tục làm nhằm động viên đội ngũ giáo viên, phát huy truyền thống tốt đẹp của giáo giới Việt Nam, rèn luyện phẩm chất và năng lực làm gương sáng cho học sinh noi theo. Về phía giáo viên cần có những hoạt động phong phú nhằm nâng cao nhận thức về vinh dự và trách nhiệm của người giáo viên trong xã hội nước ta ngày nay. Từ đó ra sức phấn đấu làm tốt nhiệm vụ cao cả của mình. Việc tổ chức ngày 20.11 hàng năm do UBND và Hội đồng các cấp chủ trì có sự phối hợp của ngành giáo dục và của đoàn thể nhân dân các cấp. Các ngành cần phân công cán bộ lãnh đạo đi thăm hỏi giáo viên, tổ chức các cuộc gặp mặt thâm mật với giáo viên nhân dịp này có thể tổ chức khen thưởng các giáo viên có thành tích. Đây là quyết định có ý nghĩa đặc biệt làm nức lòng giáo giới cả nước, thể hiện quan điểm của Đảng và Nhà nước về vị trí vai trò quan trọng của nhà giáo trong sự nghiệp giáo dục đào tạo thế hệ trẻ. Đặc biệt những năm gần đây Đảng ta có Nghị quyết của BCH TW khóa 8 đã khẳng định “cùng với khoa học và công nghệ giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Giáo dục và đào tạo được Đảng và Nhà nước quan tâm về nhiều mặt như xây dựng đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học, ban hành chế độ chính sách đối với giáo viên đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhà giáo và ngành giáo dục các cấp các ngành và toàn xã hội quán triệt quan điểm đúng đắn của Đảng và Nhà nước đối với vai trò trách nhiệm, vị trí xã hội của nhà giáo, đấu tranh không khoan nhượng chống mọi biểu hiện coi thường thầy cô giáo, xúc phạm thô bạo đến nhân phẩm của nhà giáo, tạo mọi điều kiện chăm lo đời sống vật chất tinh thần các thầy cô giáo, nhằm động viên các thầy cô giáo làm tròn sứ mệnh vẻ vang mà tổ quốc và nhân dân giao phó đó là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài trong sự nghiệp xây dựng tổ quốc Việt Nam XHCN thời đại mới. Trong những năm qua giáo dục Xã Măng Cành đã vượt qua bao khó khăn để từng bước thực hiện thành công các chỉ tiêu nhiệm vụ cấp trên đề ra. Từ chỗ Trường lớp không đảm bảo, tình trạng thiếu giáo viên kéo dài, tỉ lệ học sinh bỏ học cao, đến nay trường lớp đã khang trang kiên cố đầy đủ ở từng cấp học, đội ngũ giáo viên đông đủ, trẻ khỏe và nhiệt tình công tác. Số lượng học sinh liên tục tăng và năm nào cũng có học sinh tốt nghiệp hết cấp THCS đi học nghề và học các lớp cao hơn. Tình trạng học sinh bỏ học và hay nghỉ học gần như đã được khắc phục triệt để. Mặc dù vậy đối với xã nhà do đặc điểm địa hình chia cắt, dân cư phân tán, tỉ lệ người dân tộc thiểu số chiếm 99%, nền kinh tế còn mang nặng tính tự cung tự cấp, trình độ sản xuất chưa phát triển. Để phát triển sự nghiệp giáo dục ngang tầm với sự phát triển chung của cả nước đang là một vấn đề nan giải. Để giải được bài toán này trước hết chúng ta phải phát huy hết khả năng của mỗi người thầy, thực hiện tốt công tác phổ cập giáo dục nhằm góp phần đẩy lùi nghèo nàn lạc hậu. Và ngay trong năm học này hòa cùng với không khí thực hiện cuộc vận động với 4 nội dung“nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục,không vi phạm đạo đức nhà giáo,và học sinh ngồi nhầm lớp,chúng ta cần đổi mới phương pháp dạy học theo hướng “dạy học lấy học sinh làm trung tâm” cần phát huy tính tích cực chủ động, sáng tạo của học sinh để làm sao chúng ta vừa nâng cao chất lượng giáo dục vừa tiến tới “Nói không với đọc chép” một cách chủ động trong giáo dục. Ngoài ra các thầy giáo cô giáo cũng cần ý thức tự rèn luyện đạo đức, nâng cao trình độ kiến thức, chuyên môn và chất lượng giảng dạy, tất cả vì học sinh thân yêu, vì lòng yêu nghề và tinh thần trách nhiệm của người “đưa đò” cho thế hệ trẻ. Có như vậy, năm mười năm tới, những thế hệ học sinh hiện nay ,mới có thể trở thành những con người kiến thiết, đưa Xã nhà trở thành một xã có nền kinh tế, văn hóa xã hội phát triển ổn định xứng tầm với truyền thống anh hùng vốn có xưa nay. Trong năm học qua mặc dù còn gặp nhiều khó khăn thách thức song được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Phòng Giáo dục, của cấp ủy Đảng chính quyền địa phương, sự phối hợp và tào điều kiện của các cơ quan ban ngành đoàn thể cùng với sự phấn đấu vươn lên không ngừng của ngành giáo dục, trong đó hạt nhân là đội ngũ cán bộ quản lí giáo dục, các nhà giáo đã hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2007-2008 và đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Các hoạt động phong trào đoàn thể, TDTT hoạt động ngoại khóa được tăng cường góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Những thành quả mà ngành giáo dục đã đạt được đó chính là sự nỗ lực to lớn, là tâm huyết của những người thầy với nghề, là kết của sự giao hòa giữa cái tâm và nghệ thuật sư phạm, giữa nội lực và ngoại lực của từng người, là sự chia sẻ với những khó khăn thiếu thốn của địa phương. Các nhà giáo hôm nay đã thể hiện trách nhiệm của mình trước vận mệnh, thời cơ và thách thức của đất nước, tỏ rõ bản lĩnh chính trị của mình tâm huyết với nghề, chủ động khắc phục khó khăn cố gắng rèn luyện vươn lên nhằm đáp lại sự quan tâm, trân trọng, tôn vinh của Đảng, Nhà nước và của toàn xã hội. Đội ngũ các thầy cô giáo được hội tụ từ mọi miền của tổ quốc đã nêu cao ý thức đoàn kết, “Tất cả vì học sinh thân yêu” tận tụy với nghề lựa chọn phương pháp phù hợp nhằm truyền đạt kiến thức cho học sinh sao cho dễ hiểu dễ nhớ. Không ít thầy cô giáo đã dâng hiến cả quãng đời thanh xuân đẹp nhất của mình, không quản ngại lội suối băng rừng để vận động học sinh tới lớp, cùng ăn ở đồng cam cộng khổ với nhân dân làm cho giáo dục xã nhà có được như ngày hôm nay. Những nhà giáo hôm nay đang tiếp bước thế hệ năm xưa, không ngừng phát huy phẩm chất đạo đức, nhận thức rõ vị trí của mình về một nghề mà toàn xã hội quan tâm và tôn vinh, cùng chung sức vì sự nghiệp trồng người cho đất nước. Họ xứng đáng nhận được sự tôn trọng và kính yêu của lớp lớp thế hệ học sinh và của toàn xã hội. Dường như câu nói của đức Khổng Tử “ Tiên học lễ hậu học văn” hay câu nói ngàn xưa “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” nơi cổng trường như vẫn còn đọng lại bên những trang giáo án. Ngày xưa thầy Chu Văn An khắc chữ nhân vào lòng bàn tay người học trò, nét chữ ấy trong lòng bàn tay đứa con của thủy thần như đậm mãi. Ngày nay những câu chuyện giữa thầy trò trong môi trường học đường thật đến khó tin mà ai ai cũng biết “cô giáo như mẹ hiền” có ai đó đã ví người thầy như người chèo đò và học trò như là khách qua sông, rồi con đò vẫn như xưa miệt mài giữa đôi bờ đưa bao thế hệ đi ngang dòng sông tri thức để viết tên mình thành chữ “người” để khách sang sông đã bao lần ngoảnh lại: …Qua sông ngoảnh lại thương đò. Xa thầy nỗi nhớ của trò nao nao…” Bây giờ ngồi đây trong bao bôn bề công việc, với giáo án đèn đêm những thầy giáo cô giáo phơi phới tuổi xuân xanh, mang trong mình bầu nhiệt huyết và kho tàng kiến thức vô tận, tình nguyện đến những bản làng xã xôi cùng với những học sinh thơ dại như con nai giữa rừng bạt ngàn Tây Nguyên hùng vĩ, tắm rửa trau dồi cho chúng bằng dòng sông tri thức, thắp cho chúng những ước mơ để một mai ngời sáng Tây Nguyên. Càc nhà giáo hãy cố gắng cùng nhau xây dựng nền giáo dục xã nhà ngày càng phát triển, ngang tầm với khả năng và truyền thống vốn có. Một lần nữa xin được thay mặt cho chính quyền địa phương ghi nhận những công lao đóng góp của quí thầy cô giáo cho địa phương. Xin chúc quí thầy cô có được một sức khỏe dồi dào và cuộc sống hạnh phúc, có một ngày 20.11 tràn đầy hạnh phúc và kỷ niệm. Chúc quí vị đại biểu mạnh khỏe và thành đạt. Xin chân thành cảm ơn./. . cô giáo! Lịch sử của dân tộc ta là lịch sử của những cuộc đấu tranh đầy thử thách nhưng rất vẻ vang và oanh liệt. Ngay từ những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ Đảng ta đã. đầu là nhiệm vụ Quốc gia. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có thể sánh vai cùng các cường quốc năm châu được hay không, đó. đời sống vật chất tinh thần các thầy cô giáo, nhằm động viên các thầy cô giáo làm tròn sứ mệnh vẻ vang mà tổ quốc và nhân dân giao phó đó là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài