1. Trang chủ
  2. » Luận Văn - Báo Cáo

Luận văn thạc sĩ Ngôn ngữ Việt Nam: Biểu thức miêu tả chiếu vật trong truyện của Nguyễn Nhật Ánh

81 0 0
Tài liệu đã được kiểm tra trùng lặp

Đang tải... (xem toàn văn)

Tài liệu hạn chế xem trước, để xem đầy đủ mời bạn chọn Tải xuống

THÔNG TIN TÀI LIỆU

Thông tin cơ bản

Tiêu đề Biểu Thức Miêu Tả Chiếu Vật Trong Truyện Của Nguyễn Nhật Ánh
Tác giả Nguyễn Thị Hồng
Người hướng dẫn TS. Tống Thị Hường
Trường học Trường Đại Học Hải Phòng
Chuyên ngành Ngôn Ngữ Việt Nam
Thể loại luận văn
Năm xuất bản 2023
Thành phố Hải Phòng
Định dạng
Số trang 81
Dung lượng 0,99 MB

Nội dung

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO UBND THÀNH PHỐ HẢPHÒNG TRƯỜNG ĐẠI HỌC HẢI PHÒNG NGUYỄN THỊ HỒNG BIỂU THỨC MIÊU TẢ CHIẾU VẬT TRONG TRUYỆN CỦA NGUYỄN NHẬT ÁNH LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ VIỆT NAM

Trang 1

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO UBND THÀNH PHỐ HẢPHÒNG

TRƯỜNG ĐẠI HỌC HẢI PHÒNG

Trang 2

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO UBND THÀNH PHỐ HẢPHÒNG

TRƯỜNG ĐẠI HỌC HẢI PHÒNG

NGUYỄN THỊ HỒNG

BIỂU THỨC MIÊU TẢ CHIẾU VẬT TRONG TRUYỆN CỦA NGUYỄN NHẬT ÁNH

LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ VIỆT NAM

MÃ SỐ : 8220102

Người hướng dẫn khoa học: TS Tống Thị Hường

HẢI PHÒNG - 2023

Trang 3

LỜI CAM ĐOAN

Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi Các số liệu, kết quả trong luận văn đảm bảo độ tin cậy, chính xác, trung thực, trích dẫn đầy đủ theo quy định và chưa từng công bố ở bất kì công trình nào khác

Tác giả

Nguyễn Thị Hồng

Trang 4

LỜI CẢM ƠN

Trước hết, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn đến tập thể đội ngũ cán bộ, giảng viên của Trường Đại học Hải Phòng đã luôn nhiệt tình, chu đáo giúp đỡ tôi trong suốt quá trình học tập và nghiên cứu tại nhà trường

Đặc biệt, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành tới TS Tống Thị Hường, người đã trực tiếp hướng dẫn tôi học tập, nghiên cứu và hoàn thành luận văn; xin cảm ơn ban lãnh đạo và đồng nghiệp tại đơn vị công tác, cảm ơn gia đình

và bạn bè người thân đã tạo điều kiện, hỗ trợ để tôi hoàn thành nhiệm vụ học tập

Luận văn chắc chắn sẽ không tránh khỏi những thiếu sót, hạn chế, tác giả rất mong nhận được những ý kiến đóng góp cũng như sự giúp đỡ, hỗ trợ của thầy, cô giáo và đồng nghiệp,… để luận văn được hoàn thiện hơn

Xin trân trọng cảm ơn!

Hải Phòng, ngày 30 tháng 6 năm 2023

Tác giả luận văn

Nguyễn Thị Hồng

Trang 5

MỤC LỤC

Trang

LỜI CAM ĐOAN i

LỜI CẢM ƠN ii

MỤC LỤC iii

DANH MỤC SƠ ĐỒ, BẢNG v

MỞ ĐẦU 1

CHƯƠNG 1: MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CÓ LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI 7

1.1 Lý thuyết chiếu vật 7

1.1.1 Khái niệm chiếu vật 7

1.1.2 Các phương thức chiếu vật 8

1.2 Khái quát về hoạt động giao tiếp 16

1.2.1 Khái niệm giao tiếp 16

1.2.2 Các nhân tố giao tiếp và chiếu vật 17

1.3 Lý thuyết về cụm từ tiếng Việt 19

1.3.1 Khái niệm cụm từ 19

1.3.2 Cấu tạo của cụm từ 20

1.3.3 Phân loại cụm từ 20

1.4 Vài nét về nhà văn Nguyễn Nhật Ánh và các sáng tác của ông 23

1.4.1 Sơ lược về tiểu sử, con người 23

1.4.2 Sự nghiệp văn học 23

Tiểu kết chương 1 26

CHƯƠNG 2: ĐẶC ĐIỂM CẤU TẠO VÀ NGỮ NGHĨA CỦA BIỂU THỨC MIÊU TẢ CHIẾU VẬT TRONG TRUYỆN CỦA NGUYỄN NHẬT ÁNH 27 2.1 Đặc điểm cấu tạo của biểu thức miêu tả chiếu vật trong truyện Nguyễn Nhật Ánh 27

2.1.1 Yếu tố miêu tả có cấu tạo là danh từ, cụm danh từ 28

2.1.2 Yếu tố miêu tả có cấu tạo là tính từ, cụm tính từ 33

Trang 6

2.1.3 Yếu tố miêu tả có cấu tạo là động từ, cụm động từ 36

2.1.4 Yếu tố miêu tả có cấu tạo là đại từ 38

2.1.5 Yếu tố miêu tả có cấu tạo là số từ 40

2.2 Đặc điểm ngữ nghĩa 41

2.2.1 Biểu thức miêu tả mang nghĩa đen 41

2.2.2 Biểu thức miêu tả mang nghĩa bóng 42

Tiểu kết chương 2 45

CHƯƠNG 3: VAI TRÒ CỦA BIỂU THỨC MIÊU TẢ CHIẾU VẬT 46

TRONG TRUYỆN CỦA NGUYỄN NHẬT ÁNH 46

3.1 Biểu thức miêu tả chiếu vật góp phần thể hiện đặc điểm nhân vật 46

3.1.1 Biểu thức miêu tả chiếu vật góp phần thể hiện được đặc điểm ngoại hình nhân vật 47

3.1.2 Biểu thức miêu tả chiếu vật góp phần thể hiện tính cách của nhân vật 50 3.1.3 Biểu thức miêu tả chiếu vật góp phần thể hiện được nghề nghiệp của nhân vật 52

3.1.4 Biểu thức miêu tả chiếu vật góp phần thể hiện được thân phận của nhân vật 52

3.2 Biểu thức miêu tả chiếu vật góp phần thể hiện thái độ của người nói 54

3.2.1 Biểu thức miêu tả chiếu vật góp phần thể hiện thái độ của tác giả đối với nhân vật 54

3.2.2 Biểu thức miêu tả chiếu vật góp phần thể hiện thái độ của nhân vật đối với nhân vật 56

3.3 Giá trị của biểu thức miêu tả chiếu vật đối với liên kết văn bản 61

Tiểu kết chương 3 68

KẾT LUẬN 69

TÀI LIỆU THAM KHẢO 71

NGUỒN NGỮ LIỆU KHẢO SÁT 72

Trang 7

DANH MỤC BẢNG

2.1 Thống kê các BTMTCV được sử dụng trong

2.2 Thống kê BTMTCV có miêu tả tố là danh từ,

Trang 8

MỞ ĐẦU

1 Lý do lựa chọn đề tài nghiên cứu

1.1 Ngôn ngữ là một hệ thống kí hiệu từ ngữ chức năng, là một

phương tiện quan trọng để giao tiếp và là công cụ của tư duy Đối với văn học, ngôn ngữ là yếu tố thứ nhất (tức đứng đầu và có ý nghĩa quyết định), nếu như hội họa cần màu sắc, âm nhạc cần âm thanh, kiến trúc cần hình khối thì văn học không thể thiếu ngôn ngữ Cho nên, những nhà văn lớn được coi là những bậc thầy về ngôn ngữ Và sự sáng tạo của nhà văn ngoài nội dung, thông điệp của tác phẩm còn là sự sáng tạo về ngôn ngữ Một trong những biểu hiện của sự sáng tạo đó thể hiện trong sử dụng biểu thức miêu tả chiếu

vật (BTMTCV) vào tác phẩm

1.2 Vấn đề chiếu vật được coi là vấn đề quan trọng trong ngôn ngữ và

là vấn đề đầu tiên được đề cập trong Ngữ học dụng Vì chỉ có chiếu vật mới cho ta thấy được hết mối liên hệ giữa ngôn ngữ, người sử dụng ngôn ngữ với hiện thực khách quan tạo nên ngữ cảnh trong giao tiếp Vì thế, chiếu vật được

xem là chìa khóa để mở ra cánh cửa vào thế giới của diễn ngôn – với tư cách là

sản phẩm của hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ Nghiên cứu BTMTCV trong tiếng Việt giúp chúng ta lựa chọn và sử dụng tiếng Việt phù hợp với những hoàn cảnh giao tiếp cụ thể nhưng không kém phần sinh động, biểu cảm

1.3 Văn học Việt Nam đương đại, Nguyễn Nhật Ánh được đánh giá là

nhà văn thành công nhất trong sáng tác văn học thiếu nhi với gia tài đồ sộ hơn

100 tác phẩm thuộc nhiều thể loại khác nhau Độc giả, đặc biệt là độc giả

"nhí" khi nhắc đến nhà văn Nguyễn Nhật Ánh sẽ nhớ đến các tác phẩm

như: Bàn có năm chỗ ngồi, Mắt biếc, Còn chút gì để nhớ, Hạ đỏ, Cô gái đến

từ hôm qua, Chú bé rắc rối… Các tác phẩm đó đã góp phần hình thành và

nuôi dưỡng chất văn của Nguyễn Nhật Ánh – một chất văn dành cho trẻ thơ nhưng không thiếu những sắc màu đa dạng của cuộc sống Ở đó chúng ta bắt gặp ngôn ngữ rất trong sáng, với nhiều hình ảnh ví von sinh động, hóm hỉnh nhưng cũng không kém phần sâu lắng, lãng mạn với những câu văn tả cảnh

Trang 9

rất mượt mà mang nhiều cảm xúc Chính vì thế, văn phong nghệ thuật cũng như nội dung tư tưởng của các tác phẩm Nguyễn Nhật Ánh cũng là đối tượng nghiên cứu của nhiều nhà khoa học

Việc nghiên cứu BTMTCV trong truyện của Nguyễn Nhật Ánh chính

là một hướng tiếp cận văn bản nghệ thuật dưới góc độ dụng học, từ đó bổ sung thêm nghiên cứu mới về BTMTCV trong ngôn ngữ và làm sáng rõ thêm một nét mới trong các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh Đó là lý do

để tác giả lựa chọn Biểu thức miêu tả chiếu vật trong truyện của Nguyễn

Nhật Ánh làm đề tài luận văn thạc sĩ chuyên ngành ngôn ngữ Việt Nam

Trên thế giới, các nhà ngôn ngữ học từ rất sớm, đã nghiên cứu về chiếu vật Căn cứ trên thời gian, tính chất và nội dung, nghiên cứu về chiếu vật được chia làm ba giai đoạn: Giai đoạn thứ nhất (1882- khoảng 1950) chiếu vật được nghiên cứu là chiếu vật ngữ nghĩa Giai đoạn thứ hai (1950 – cuối thế kỷ XX) chiếu vật được nghiên cứu là chiếu vật của người nói (speaker’s reference) Giai đoạn thứ ba (cuối thế kỷ XX đến nay) chiếu vật được nghiên cứu trong bối cảnh liên ngành (interdisciplinary perspectives) Nổi bật trong giai đoạn này là Georgia M Green đưa ra khái niệm chiếu vật (khái niệm này

sẽ được đề cập rõ hơn trong chương 1)

Ở Việt Nam, các nhà ngôn ngữ học cũng đã quan tâm, nghiên cứu vấn

đề chiếu vật, nổi bật trong đó là các nhà ngôn ngữ hàng đầu như: Giáo sư Cao Xuân Hạo, Giáo sư Đỗ Hữu Châu, Giáo sư Nguyễn Thiện Giáp…

Giáo sư Đỗ Hữu Châu đã đề cập đến chiếu vật với tư cách là vấn đề đầu tiên không thể thiếu của của ngữ học dụng Chiếu vật đã được nghiên cứu

Trang 10

cụ thể ở các phương diện: phương thức chiếu vật, biểu thức chiếu vật, nghĩa chiếu vật, hành vi chiếu vật, điều kiện thực hiện chiếu vật, các dạng chiếu

vật,… trong các công trình: Cơ sở ngữ dụng học (2003), tập 1, Nxb Đại học

Sư phạm [5]; Đại cương ngôn ngữ học (2006), tập 2, Nxb Giáo dục [6]; Giáo

trình Ngữ dụng học, Nxb Đại học Sư phạm, năm 2007 (Đỗ Hữu Châu, Đỗ

Việt Hùng) [7]; Đại cương ngôn ngữ học (2012), tập 2, Nxb Giáo dục [8]

Những tài liệu trên là nguồn dữ liệu quý giá để luận văn thiết lập cơ sở lý luận

về chiếu vật, chiếu vật trong văn học

Giáo sư Cao Xuân Hạo với công trình Tiếng Việt sơ thảo Ngữ pháp

chức năng (Nxb Giáo dục, 2004) [18]; Giáo sư Nguyễn Thiện Giáp với công

trình Cơ sở ngôn ngữ học (Nxb Giáo dục, 1998) [16] và Tiến sĩ Diệp Quang Ban với công trình Giao tiếp, văn bản, mạch lạc, liên kết đoạn văn, Nxb Khoa

học xã hội, Hà Nội [1] Mặc dù các ông chưa đi sâu vào chiếu vật như Giáo

sư Đỗ Hữu Châu, nhưng thông qua các công trình của mình đã đề cập đến chiếu vật, và lấy những ví dụ về chiếu vật trong tiếng Việt rất cụ thể và sinh động

Tác giả Nguyễn Đức Dân với cuốn sách Logic và tiếng Việt (Nxb Giáo dục, 1998) [13]; Nguyễn Thị Lương với cuốn sách Câu tiếng Việt ( Nxb Đại

học Sư phạm, 2005) [21] đã bước đầu đã đề cập đến BTMTCV trong tiếng Việt với những vấn đề khái quát nhất

Công trình Nhập môn ngôn ngữ học (Nxb Giáo dục, năm 2007) của

nhóm tác giả Mai Ngọc Chừ – Nguyễn Thị Ngân Hoa – Đỗ Việt Hùng – Bùi Minh Toán [9] cũng đề cập đến BTMTCV và vai trò của BTMTCV

Tất cả các công trình nghiên cứu nêu trên là cơ sở để luận văn nhận biết

và chỉ rõ BTMTCV trong văn học nói chung và trong truyện Nguyễn Nhật Ánh nói riêng

2.2 Một số kết quả, công trình nghiên cứu về biểu thức miêu tả chiếu vật trong văn học và nghiên cứu về Nguyễn Nhật Ánh

Trang 11

Vận dụng lý thuyết chiếu vật vào nghiên cứu tiếng Việt nói chung và văn chương nói riêng đã được nhiều tác giả quan tâm, cụ thể:

Trong luận văn thạc sĩ Sự chiếu vật và phương thức chiếu vật (2003)

của Đỗ Xuân Quỳnh đã nghiên cứu khá đầy đủ về đặc điểm cấu tạo, đặc điểm

từ loại và tính chất chiếu vật [23]

Luận văn thạc sĩ Ý nghĩa của từ chỉ lượng qua biểu thức miêu tả trong

ca dao và trong thơ Nguyễn Bính (2007) của Khổng Thị Hạnh đã chỉ ra vai

trò, vị trí, đặc điểm, quan hệ của yếu tố phụ chỉ lượng với các yếu tố chỉ dẫn chiếu vật trong biểu thức miêu tả Luận văn nghiên cứu rất chi tiết và cụ thể nhưng chưa làm rõ được chức năng chiếu vật của các biểu thức miêu tả [17]

Luận văn thạc sĩ Biểu thức miêu tả chiếu vật trong câu đố Việt Nam

(2010) của Nguyễn Thị Chiên đã chỉ ra lý thuyết chung về chiếu vật như đặc điểm hình thức, nội dung của BTMTCV trong câu đố [12]

Tác giả Vũ Thị Huệ (2018) trong luận văn thạc sĩ Biểu thức miêu tả

chiếu vật trong truyện ngắn Nam Cao [20] đã làm rõ những vấn đề lý luận về

lý thuyết chiếu vật trong văn học với khái niệm, tầm quan trọng, các dạng chiếu vật, phương thức chiếu vật Từ đó, tác giả đã vận dụng lý thuyết về chiếu vật và BTMTCV vào nghiên cứu các truyện ngắn của Nam Cao, và chỉ

ra tầm quan trọng của các dạng chiếu vật đối với tác phẩm

Các công trình trên đều theo hướng nghiên cứu vận dụng lý thuyết chiếu vật của ngữ dụng học để khảo sát và miêu tả (trên ba bình diện kết học – nghĩa học – dụng học của ngôn ngữ), các phương tiện ngôn ngữ chiếu vật trong các tác phẩm văn chương cụ thể

Những công trình nêu trên đều liên quan trực tiếp đến lý thuyết về chiếu vật, các phương thức chiếu vật và biểu thức chiếu vật trong tác phẩm văn học, tuy nhiên ở góc độ đi sâu vào tìm hiểu BTMTCV trong truyện của Nguyễn Nhật Ánh chưa có một công trình nghiên cứu khoa học nào đề cập đến Chính

vì vậy, trên cơ sở tiếp sở tiếp thu kết quả nghiên cứu của những tác giả đi trước, chúng tôi muốn thông qua luận văn này ở mức độ nhất định đi tới làm rõ giá trị

Trang 12

của BTMTVC đối với văn học nói chung và khám phá nét đặc sắc trong sử dụng BTMTCV ở truyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nói riêng

3 Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu

3.1 Mục đích nghiên cứu

Mục đích nghiên cứu của đề tài là nhận diện và làm rõ những đặc điểm

về cấu tạo, ngữ nghĩa và giá trị của BTMTCV trong truyện Nguyễn Nhật Ánh Qua đó, góp phần khẳng định đặc trưng phong cách nghệ thuật của Nguyễn Nhật Ánh

3.2 Nhiệm vụ nghiên cứu

Để đạt được mục đích nghiên cứu trên, đề tài giải quyết các nhiệm

Ba là, chỉ ra được những giá trị của BTMTCV trong mối quan hệ với

phong cách sáng tác của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh

4 Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

4.1 Đối tượng nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu của đề tài là BTMTCV trong truyện của Nguyễn Nhật Ánh

4.2 Phạm vi nghiên cứu

Đề tài giới hạn phạm vi nghiên cứu là phương thức chiếu vật bằng BTMTVC trong các truyện Nguyễn Nhật Ánh

Các ngữ liệu được chọn làm dẫn chứng trích từ các truyện nổi bật của

nhà văn Nguyễn Nhật Ánh bao gồm 20 truyện sau đây:

Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Còn chút gì để nhớ, Thằng quỷ nhỏ,

Hạ đỏ, Cô gái đến từ hôm qua, Chúc một ngày tốt lành, Bàn có 5 chỗ ngồi,

Nữ sinh, Chú bé rắc rối, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Tôi Là Bêtô, Con chó

Trang 13

nhỏ mang giỏ hoa hồng, Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ, Út Quyên và tôi, Ngôi trường mọi khi, Ngày xưa có một chuyện tình, Ra bờ ao ngắm hoa kèn hồng (Thuộc bản quyền Nxb Trẻ, xuất bản các năm 2011, 2014, 2018, 2019,

2020, 2021, 2022) Và Kính vạn hoa (tập 3,4,5) thuộc bản quyền Nxb Kim Đồng năm 2018

5 Phương pháp nghiên cứu

Trong quá trình nghiên cứu, luận văn sử dụng các phương pháp và thủ pháp sau:

5.1 Phương pháp miêu tả

Từ nguồn ngữ liệu thu thập được ta sẽ sử dụng phương pháp này để

tiến hành phân tích miêu tả, đối chiếu để nhận biết đặc điểm của BTMTCV

trong sáng tác của Nguyễn Nhật Ánh

5.2 Phương pháp nghiên cứu liên ngành

Sử dụng phong cách học, thi pháp học… để giải mã những ý đồ nghệ

thuật, phong cách sáng tác của Nguyễn Nhật Ánh dựa trên việc kế thừa kết quả nghiên cứu của lĩnh vực này

5.3 Thủ pháp thống kê, phân loại

Dùng để thu thập tư liệu, thống kê các BTMTCV và bước đầu phân loại chúng theo quan hệ ngữ đoạn: BTMTCV có miêu tả tố là danh từ, cụm danh

từ, động từ, tính từ…

6 Kết cấu của luận văn

Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo nội dung chính của luận văn gồm ba chương:

Chương 1: Một số vấn đề lý luận có liên quan đến đề tài

Chương 2: Đặc điểm cấu tạo và ngữ nghĩa của biểu thức miêu tả chiếu vật trong truyện của Nguyễn Nhật Ánh

Chương 3: Giá trị của biểu thức miêu tả chiếu vật trong truyện của

Nguyễn Nhật Ánh

Trang 14

CHƯƠNG 1 MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CÓ LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI

1.1 Lý thuyết chiếu vật

1.1.1 Khái niệm chiếu vật

Chiếu vật được coi là hiện tượng ngữ dụng học đầu tiên, vì thế là vấn

đề quan trọng được các nhà ngôn ngữ quan tâm nghiên cứu Về mặt học thuật,

chiếu vật được dịch từ tiếng Anh là reference, được nhà nghiên cứu Diệp

Quang Ban gọi là "quy chiếu", Cao Xuân Hạo dịch là "sở chỉ" và tác giả Đỗ Hữu Châu dịch là "chiếu vật"

Học giả Georgia M Green cho rằng: Chiếu vật là phương tiện tác động

lên ngôn ngữ của người nói thông qua đó mà người nghe sẽ hiểu một cách đúng đắn thực thể nào, quan hệ nào, sự kiện nào anh ta định nói đến [7, tr 61]

Theo Giáo sư Đỗ Hữu Châu: Quan hệ chiếu vật là sự tương ứng của

các yếu tố ngôn ngữ (của các tín hiệu) trong diễn ngôn với sự vật, hiện tượng đang được nói tới trong một ngữ cảnh nhất định, nói cho đúng hơn là trong một thế giới khả hữu - hệ quy chiếu nhất định [7, tr.61]

Trong cuốn Giáo trình Ngữ dụng học, Đỗ Thị Kim Liên gọi “chiếu vật”

là “sự quy chiếu" Sự quy chiếu là sự tương ứng giữa từ (hoặc các đơn vị

ngôn ngữ) với các sự vật, con người, hoạt động, tính chất trong hiện thực

được nói tới [22, tr.51] Tức là con người sử dụng các đơn vị ngôn ngữ để

chiếu đến con người, sự vật, hiện tượng, hoạt động trong hiện thực được đề cập đến

Khi bàn về thuật ngữ quy chiếu, Giáo sư Nguyễn Thiện Giáp khẳng

định: Thuật ngữ quy chiếu (reference) được các nhà ngôn ngữ học dùng để

chỉ mối quan hệ giữa các yếu tố ngôn ngữ với các sự vật, biến cố, hành động

và tính chất mà chúng thay thế [16, tr.372] Với quan điểm này, quy chiếu

được coi là dấu hiệu đầu tiên thể hiện quan hệ giữa hoàn cảnh giao tiếp với diễn ngôn

Trang 15

Nhóm tác giả Mai Ngọc Chừ (chủ biên) - Nguyễn Thị Ngân Hoa - Đỗ

Việt Hùng - Bùi Minh Toán trong cuốn Nhập môn ngôn ngữ học thì cho rằng

ở quá trình tạo lập diễn ngôn, người phát xuất phát từ các sự vật hiện tượng trong thế giới (nhận thức về chúng và hình thành nên nội dung giao tiếp với chúng) chọn lựa các yếu tố ngôn ngữ đủ để trong quá trình lĩnh hội, người

nhận suy ra được sự vật, hiện tượng được nói đến trong diễn ngôn Vậy hành

động chiếu vật là hành động dựa vào các yếu tố ngôn ngữ (các tín hiệu ngôn ngữ) trong diễn ngôn để suy ra sự vật, hiện tượng thuộc thế giới bên ngoài diễn ngôn được nói tới trong một hoàn cảnh giao tiếp nhất định [12, tr.499]

Trên cơ sở đó, nhóm tác giả đã khái quát quá trình tạo lập và tiếp nhận diễn ngôn theo sơ đồ sau:

Sơ đồ 1.1: Quá trình tạo lập và tiếp nhận diễn ngôn

Như vậy, vai trò quan trọng của chiếu vật trong hoạt động giao tiếp là điều kiện để hiểu được phát ngôn, và để xác định giá trị đúng sai của phát ngôn cần dựa vào nhân tố quan trọng đó là chiếu vật

Để hiểu được nghĩa diễn ngôn, ta cũng cần quan tâm đến khái niệm

nghĩa chiếu vật Nghĩa chiếu vật là khái niệm được dùng để chỉ chính xác cái

thực thể nào, đặc tính nào, quan hệ nào, sự kiện nào của thực thể khách quan

được biểu thị thông qua việc chiếu vật của người sử dụng

1.1.2 Các phương thức chiếu vật

Phương thức chiếu vật là phương thức tổ chức các biểu thức chiếu vật nhờ chúng mà người nói thực hiện sự chiếu vật và người nghe suy ra nghĩa chiếu vật [11, tr.213]

Trang 16

Như vậy, để thực hiện hành vi chiếu vật cần phải có cách thức, cách thức đó trong ngôn ngữ học gọi là phương thức chiếu vật

Khi bàn về các phương thức chiếu vật, đa số các công trình nghiên cứu ngữ dụng học đều cho rằng có ba phương thức chiếu vật chủ yếu đó là: dùng tên riêng, dùng biểu thức miêu tả và dùng chỉ xuất

1.1.2.1 Chiếu vật bằng tên riêng

Tên riêng là tên đặt cho từng cá thể sự vật Chức năng cơ bản của tên riêng

là chỉ cá thể sự vật đúng với phạm trù cá thể được gọi bằng tên riêng đó Chiếu vật bằng tên riêng là phương thức ít phụ thuộc vào hoàn cảnh giao tiếp nhất

Trong truyện của mình, Nguyễn Nhật Ánh đã sử dụng những tên riêng chỉ người như Quỳnh, Nga, Tưởng, Mận, Đàn… và tên riêng chỉ địa danh như Miễu, Hà Xuyên, Lồ Ô, Để tránh gây nhầm lẫn cho người đọc khi chiếu vật,

tác giả thường dùng kèm danh từ chung chỉ loại sự vật như xóm, làng, suối,…

(1) Lúc này, cây cầu bắc qua suối Lồ Ô đã xây xong Ngoài đồng thóc

đã được gieo và mạ bắt đầu ngoi lên về phía mặt trời [42, tr.303]

(2) Làng Hà Xuyên cách đường quốc lộ khoảng ba cây số về miền biển

Dẫn vào làng là một ngõ trúc quanh co, sâu hút, đẹp như tranh vẽ [39, tr.10]

Ở ví dụ (1) (2) nhà văn đã sử dụng tên riêng Lồ Ô, Hà Xuyên đi kèm với danh từ chung là suối và làng Như vậy, tên riêng mà tác giả sử dụng

dùng để chỉ cá thể sự vật, là cách làm cho người đọc dễ nhận biết nhất Vậy là

chiếu vật thành công

Thông thường, tên riêng chỉ người thì có chức năng cơ bản là chỉ cá thể người trong phạm trù người; còn tên riêng của từng sự vật, hiện tượng cũng chỉ có chức năng cơ bản chỉ cá thể của từng sự vật, hiện tượng đó trong phạm trù vật thể tự nhiên Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, tên riêng đã được dùng theo lối dịch chuyển phạm trù bằng phương thức chuyển nghĩa hoán dụ như dùng tên người để chỉ tên tác phẩm nghệ thuật, chẳng hạn như khi nói

(viết) câu: Đọc Nguyễn Nhật Ánh, thì lúc này tên riêng Nguyễn Nhật Ánh tức

là tên gọi của nhà văn, đã được dùng để chỉ tác phẩm do nhà văn sáng tác

Trang 17

Chiếu vật bằng tên riêng được coi là phương thức chiếu vật lí tưởng nhất trong ba phương thức chiếu vật

1.1.2.2 Chiếu vật bằng biểu thức miêu tả

a Khái niệm

Trong văn học, việc sử dụng chiếu vật bằng biểu thức miêu tả khá phổ biến và là phương thức để người sáng tác bộc lộ khả năng sử dụng ngôn ngữ của mình

Về khái niệm: Miêu tả chiếu vật là ghép các yếu tố phụ vào một tên

chung, nhờ các yếu tố phụ mà tách được sự vật ra khỏi các sự vật khác cùng loại với chúng [9, tr.67]

Vậy chiếu vật bằng biểu thức miêu tả nghĩa là chúng ta dùng các cụm

từ chính phụ như các phương tiện chiếu vật, ở đó thành tố phụ có tác dụng thu hẹp phạm vi chiếu vật của thành tố chính

Sự vật, hiện tượng được đưa vào ngôn ngữ giao tiếp và văn bản ngoài tên riêng thì chủ yếu bằng các tên chung (danh từ chung) Trong đó, tên riêng (danh từ riêng) chỉ được dùng để gọi cá thể chứ không được dùng để gọi tên cho cả loại của cá thể thì tên chung (danh từ chung) lại vừa được dùng để gọi tên cả loại, vừa được dùng để gọi tên cá thể trong loại Nhưng để thực hiện được điều đó thì cần căn cứ vào ngữ cảnh và ngôn cảnh, có khi chỉ một mình tên chung (danh từ chung) người nghe (người đọc) đã có thể biết cái tên chung đó là biểu thức chiếu vật cá thể hay là biểu thức chiếu vật loại

Chẳng hạn như:

(3) Đuổi mèo đi! Trong phát ngôn này mèo là chiếu vật cá thể

(4) Chó là động vật rất trung thành Trong phát ngôn này là chó là

chiếu vật loại

Trong hai ví dụ trên, xuất hiện trường hợp ở ví dụ (3) là từ mèo trong

chức năng chiếu vật cá thể nằm trong phát ngôn do hành vi sai khiến tạo ra vì thế đã gây trở ngại cho sự thuyết giải phát ngôn Để giúp người nghe (đọc) dễ dàng suy ra chiếu vật cá thể của một biểu thức chiếu vật không phải là tên

Trang 18

riêng nào đó, người nói (viết) thường dùng biện pháp miêu tả để tạo ra các BTMTCV, có nghĩa là ghép các yếu tố phụ vào một tên chung, nhờ các yếu tố phụ mà tách được sự vật - chiếu vật ra khỏi sự vật khác cùng loại với chúng

Ví dụ (5): Con mèo nhà ông Liên là một biểu thức chiếu vật cá thể Yếu

tố phụ là nhà ông Liên đã tách con mèo đang được nói tới ra khỏi các con

mèo nói chung

b Phân loại

Căn cứ theo tiêu chí phân chia biểu thức miêu tả theo tính chất, BTMTCV có thể chia 2 loại:

+ BTMTCV xác định: Là khi sự vật - nghĩa chiếu vật của nó đã được

cả người nói, người nghe biết, nó có thể đã được nói đến trong tiền văn Miêu

tả xác định là kiểu cơ bản nhất trong biểu thức miêu tả

Trong tiếng Việt, biểu thức miêu tả xác định nào cũng phải có một tên chung làm trung tâm cho cụm danh từ Vai trò tên chung trong các cụm biểu thức miêu tả xác định là vai trò chỉ dẫn chiếu vật chỉ thế giới khả hữu tương thích với biểu thức đó

BTMTCV phải có một tên chung làm trung tâm cho cụm danh từ Điều

đó có nghĩa là biểu thức miêu tả xác định trong tiếng Việt chỉ gồm có miêu tả

tố Và miêu tả tố nào cũng phải có một danh từ làm trung tâm, sau những danh từ làm trung tâm này là các yếu tố miêu tả khác nhau nhằm tách thêm một lần nữa sự vật – nghĩa chiếu vật ra khỏi các sự vật cùng loại với nó trong loại do danh từ trung tâm biểu thị Đó cũng chính là điểm căn bản nhất của BTMTCV xác định

+ BTMTCV không xác định: Là khi nghĩa chiếu vật của biểu thức chưa được người nói và người nghe biết thì biểu thức tương ứng là một biểu thức không xác định

Chính vì biểu thức không xác định cho nên thường chúng ta chỉ dùng khi đưa sự vật, hiện tượng lần đầu tiên vào diễn ngôn Còn ở các diễn ngôn kế

tiếp, sự vật đó sẽ được biểu thị bằng các biểu thức xác định Ví dụ: Ngày xửa

ngày xưa,

Trang 19

Trong tiếng Anh, biểu thức miêu tả xác định danh từ có mạo từ the, biểu thức miêu tả không xác định có a ở đằng trước Còn tiếng Việt, cụm danh từ có một ở trước thường là BTMTCV không xác định, chẳng hạn như:

một căn nhà nhỏ, một con suối

Tên riêng không phải bao giờ cũng có ý nghĩa xác định Nghe hoặc đọc được một tên người chẳng hạn, có khi Sp2 chỉ biết rằng Sp1 đang muốn nói đến một người, còn người đó là người nào thì vẫn chưa xác định đối với

người nghe Ví dụ (6): Hôm qua Hoàng đến đây đấy! Sp2 có thể ngỡ ngàng

Hoàng nào nhỉ? Thì lúc này, Hoàng là một tên riêng chưa xác định Nếu như

trường hợp Sp2 tiếp lời (7) À, dạo này trông nó thế nào? Thì tên riêng Hoàng

đã xác định đối với Sp2 Như vậy tên riêng có ý nghĩa xác định hay không xác định thì phải đặt vào hoàn cảnh diễn ngôn

c Cấu tạo

Xét theo khái niệm BTMTCV thì một BTMTCV bao giờ cũng là một

tên chung làm trung tâm và một số yếu tố phụ tạo thành (tức một thành tố trung tâm và một thành tố phụ), vì vậy về mặt cấu tạo BTMTCV là một cụm danh từ Trên cơ sở cấu tạo của BTMTCV có thể phân loại như sau:

+ Phần trung tâm của BTMTCV

Những tiểu loại danh từ chỉ thời gian, danh từ chỉ đo lường, danh từ chỉ đơn vị hành chính về lý thuyết đều có thể là phần trung tâm của BTMTCV

Trong diễn ngôn, khi đặt những tiểu loại danh từ nói trên vào trong mối quan hệ với hiện thực khả hữu, chúng sẽ cho ta thấy được điểm nhìn của người nói đối với hiện thực Với ý nghĩa đó, khi xem xét ý nghĩa của danh từ trung tâm - sự vật - nghĩa chiếu vật, sẽ làm rõ sự vật được quy chiếu thông qua đó hiểu biện pháp nghệ thuật được sử dụng và tư tưởng gửi gắm trong tác phẩm của tác giả Đây chính là cơ sở nghiên cứu của luận văn

Các biểu thức miêu tả xác định là các cụm danh từ cho nên phần trung tâm của các biểu thức miêu tả xác định cũng được cấu tạo là phần chứa danh

từ làm thành tố chính và danh từ thành tố chính có tư cách đại diện cho cả biểu thức trong quan hệ với các yếu tố bên ngoài biểu thức

Trang 20

(8) Con Vện nhà con Mận là một con chó già Mắt nó bị lòa, gần như

không nhìn thấy gì [41, tr.40]

Trong ví dụ (8) BTMTCV được sử dụng là một con chó già có kiểu cấu

tạo là cụm danh từ, có thành phần trung tâm là danh từ con chó kết hợp với tính

từ già nhằm chiếu vật con Vện nhà con Mận mà tác giả đã đề cập trước đó

+ Phần phụ sau của BTMTCV

Một BTMTCV cũng là một tên chung làm trung tâm và một số yếu tố phụ tạo thành, các yếu tố làm thành phần phụ sau của BTMTCV được gọi là miêu tả tố, các miêu tả tố này có tác dụng làm rõ nghĩa cho danh từ trung tâm,

nó thực hiện thao tác diễn giải để chỉ dẫn chiếu vật đến sự vật - nghĩa chiếu vật mà người nói (người nghe) muốn đề cập đến trong diễn ngôn, phát ngôn

Về phương diện ngữ nghĩa, các miêu tả tố có công dụng tường minh nghĩa của sự vật - nghĩa chiếu vật được nói tới

Về phương diện ngữ pháp, các miêu tả tố có cấu tạo như thành phần phụ sau của cụm danh từ Tức là nó cũng được cấu tạo bởi các từ loại như danh từ, động từ, tính từ, đại từ, số từ Trong miêu tả tố, có miêu tả tố gồm 1 yếu tố miêu tả, miêu tả tố gồm 2 yếu tố miêu tả và miêu tả tố gồm 3 yếu tố miêu tả trở lên

Vai trò của các miêu tả tố là hết sức quan trọng trong một BTMTCV Bởi vì, có sự tồn tại của các miêu tả tố thì BTMTCV mới thực hiện được đúng nhiệm vụ của một biểu thức miêu tả có tính chất chiếu vật

Như chúng ta đã biết, bản thân sự vật không có ý nghĩa chiếu vật Chiếu vật là việc của con người Để phân biệt nghĩa chiếu vật thì phải đặt BTMTCV vào ngữ cảnh giao tiếp, vào mối quan hệ của nó với những phát ngôn đứng trước, đứng sau Chính vì vậy, ngoài hình thức cấu tạo bên ngoài giống cụm danh từ thì BTMTCV còn phải có một nội hàm bên trong chứa đựng những logic ngữ nghĩa chặt chẽ và hợp lý Đây cũng chính là phần mà luận văn quan tâm nghiên cứu và đề cập đến

Trang 21

Có ba phạm trù chỉ xuất trong ngôn ngữ đó là: phạm trù ngôi (xưng xưng), phạm trù chỉ xuất không gian, thời gian và chỉ xuất trong diễn ngôn

Cụ thể:

- Phạm trù ngôi (xưng hô): bao gồm những phương tiện chiếu vật nhờ

đó người nói tự quy chiếu, tức là tự đưa mình vào diễn ngôn (tự xưng) và đưa người giao tiếp với mình (đối xưng) vào diễn ngôn [7, tr.73]

Tất cả các ngôn ngữ trên thế giới đều có hệ thống các đại từ xưng hô Trong tiếng Việt, yếu tố ngữ cảnh buộc phải đa dạng hóa các phương tiện xưng hô Từ xưng hô trong tiếng Việt rất đa dạng, nó không chỉ có các đại từ nhân xưng mà còn bao gồm tên riêng, các danh từ thân tộc, các từ chỉ chức nghiệp, những từ chuyên dùng để xưng hô nay đã thành lớp từ cổ

(11) Tôi há hốc miệng, đó đích thị là một đức vua Ngài đang đội một cái

vương miện nhỏ hơn đầu ngài nên có vẻ chỉ bám hờ trên chỏm…[42, tr.324]

Trong các ví dụ (9), (10), (11) Nga là danh từ riêng, chủ tịch là danh từ chỉ chức nghiệp, tôi là từ chuyên dùng để xưng hô

Trang 22

Quan hệ liên cá nhân khiến cho việc sử dụng từ xưng hô trở nên rắc rối Phụ thuộc vào mối quan hệ liên cá nhân trong giao tiếp, người giao tiếp có cách xưng hô phù hợp, lựa chọn cho mình hệ thống xưng hô nâng hay hạ bậc

- Phạm trù chỉ xuất không gian, thời gian: là phương thức chiếu vật

bằng cách chỉ ra sự vật (sự kiện) - nghĩa chiếu vật theo vị trí của nó trong không gian và thời gian [6, tr.81]

Căn cứ vào điểm mốc mà chúng ta có chỉ xuất không gian, thời gian khách quan và chủ quan Trong đó:

+ Chỉ xuất (không gian, thời gian) chủ quan: Là định vị khi người nói

tự lấy mình khi đang nói lời nói chứa biểu thức chiếu vật làm gốc [7, tr.81]

Nghĩa là, khi giao tiếp người nói thường lấy vị trí mình đang đứng và thời điểm mình đang nói làm điểm mốc để định vị không gian, thời gian của

sự vật

Do tiếng Việt thuộc loại hình ngôn ngữ đơn lập, hình thái ngữ âm của

động từ không thể hiện ý nghĩa ngữ pháp thì nên phải dùng các từ này, kia,

mai mốt, ngày trước, ngày xưa,… để định vị thời gian Lúc đó, mai trong các

ví dụ sau là từ định vị thời gian chủ quan, theo cách gọi của Nguyễn Thiện Giáp là những từ trực chỉ thời gian Cả hai đều lấy người nói (thời điểm người

nói giao tiếp) làm mốc, tuân theo nguyên tắc tự ngã trung tâm

(12) Lúc đó nhà mình không có ai à? – Tôi vờ hỏi, tim đập thình thịch

phải rất khó khăn tôi mới không để mình nhảy bắn lên [43, tr.235]

(13) Thằng Su Su nhướn cổ gọi với theo: - Ngày mai gặp lại nha! [44, tr.38]

Chúng ta không thể chỉ rõ lúc đó, mai,… là lúc nào nếu không biết

chính xác thời điểm phát ngôn Đó chính là hạn chế của chỉ xuất không gian, thời gian Những từ chỉ xuất chủ quan này chỉ có thể hiểu được khi chúng nằm trong ngữ cảnh riêng

+ Chỉ xuất (không gian, thời gian) khách quan: Là chỉ xuất lấy một

điểm không gian hay một thời điểm trong diễn tiến của sự kiện khách quan làm điểm mốc [7, tr.83]

Trang 23

Những từ thường dùng để chỉ xuất khách quan như: ấy, nọ, kia,… Tuy

nhiên để chỉ xuất, trong quá trình giao tiếp phải có một sự vật, sự việc làm

mốc (cái mốc ấy không phải là bản thân người nói) Ví dụ: Từ chỉ xuất nọ là

so sánh với ấy, lấy ấy làm gốc

- Chỉ xuất trong diễn ngôn: Chỉ xuất sự vật đang được nói tới trong một

lời nói, một phát ngôn theo việc nó đã được nói đến trong tiền văn hay có sẽ được nói tới trong hậu văn hay không [7, tr.85]

Ví dụ: (14) Cái sườn xe cũ mèm, thoạt trông đã thấy ngứa mắt,

nhưng dượng tôi bảo ngó vậy chứ nó rất tốt, sườn mới ngoài tiệm không sánh được [41, tr.43]

Ở ví dụ trên, từ chỉ định nó thay thế cho biểu thức chiếu vật cái sườn xe

cũ được nói đến ở tiền văn, nên nó có tính chất hồi chỉ Một sự vật được chỉ

xuất trong diễn ngôn khi nó đã nằm trong ý thức của những người giao tiếp Chỉ xuất trong diễn ngôn liên quan đến hệ thống liên kết văn bản, cụ thể là liên kết hình thức thông qua các phương tiện liên kết

Như vậy mặc dù chiếu vật chỉ xuất được phân loại thành các phương thức: nêu trên, song trong phạm vi của luận văn, sẽ tập trung đi vào nghiên cứu phương thức thứ hai dùng biểu thức miêu tả chiếu vật trong văn chương

mà cụ thể là trong truyện ngắn Nguyễn Nhật Ánh

1.2 Khái quát về hoạt động giao tiếp

1.2.1 Khái niệm giao tiếp

Có quan điểm cho rằng: Giao tiếp là một quá trình trong đó các bên

tham gia trao đổi hoặc chia sẻ thông tin, cảm xúc với nhau và gắn với ngữ cảnh cụ thể Hay: Giao tiếp là trao đổi giữa người nói và người nghe thông qua ngôn ngữ Vậy giao tiếp là gì?

Trên cơ sở nghiên cứu cách tiếp cận của các nhà ngôn ngữ học, chúng

tôi khái quát định nghĩa giao tiếp như sau: Giao tiếp là một dạng hoạt động

của con người, là quá trình truyền - nhận thông điệp từ một người gửi đến một hay nhiều người nhận trong một môi trường (ngữ cảnh) nhất định

Trang 24

Trên thực tế, hoạt động giao tiếp được thực hiện bằng nhiều phương tiện khác nhau như ngôn ngữ, nét mặt, dáng điệu, cử chỉ,… trong đó, giao tiếp bằng ngôn ngữ là phổ biến và tiện lợi hơn cả Bởi lẽ, khi giao tiếp bằng ngôn ngữ, chúng ta sẽ có ngay hiệu quả sử dụng, chúng ta có thể mô tả những thứ, những sự vật ngay cả khi không xuất hiện trong không gian chúng ta đang đứng, có thể biểu đạt một cách rõ ràng mọi suy nghĩ cảm xúc mà các phương tiện giao tiếp khác sẽ gặp hạn chế hơn

Như vậy, giao tiếp là một nhu cầu tất yếu của con người (nhu cầu trao đổi thông tin) Giao tiếp bằng ngôn ngữ là kết quả cao nhất của nhu cầu đó,

nó vừa là kết quả vừa là điều kiện cho sự tồn tại, phát triển của con người và cộng đồng ngôn ngữ

1.2.2 Các nhân tố giao tiếp và chiếu vật

Ngữ dụng học là một ngành khoa học mới mẻ nghiên cứu quan hệ giữa ngôn ngữ và các sản phẩm của ngôn ngữ với ngữ cảnh Trong đó nhân tố giao tiếp là một trong những khái niệm nền tảng Nó không những được các chuyên gia về ngữ dụng học quan tâm mà còn thu hút các nhà ngôn ngữ học tìm hiểu nghiên cứu

Giáo sư Đỗ Hữu Châu trong công trình Đại cương ngôn ngữ học đã

nghiên cứu khá đầy đủ, sâu sắc và toàn diện về nhân tố giao tiếp Theo ông nhân tố giao tiếp gồm ngữ cảnh, ngôn ngữ và diễn ngôn Các nhân tố này luôn

có mặt trong cuộc giao tiếp, chi phối cuộc giao tiếp đó và chi phối diễn ngôn

về hình thức cũng như nội dung Trên cơ sở vận dụng các nhân tố giao tiếp nói chung vào trong các tác phẩm văn học, chúng tôi đề cập đến các nhân tố sau đây:

1.2.2.1 Đối ngôn (tác giả và bạn đọc)

Hoạt động văn chương là hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ vì nó có nhân tố của một hoạt động giao tiếp ngôn ngữ đó là: tác giả (người phát), tác phẩm (văn bản, diễn ngôn, thông điệp), độc giả (người nhận) và bao gồm hai quá trình: sáng tác (phát tin) và tiếp nhận (nhận tin)

Trang 25

Trong giao tiếp ngôn ngữ thông thường, tác giả (người phát) thường là một cá nhân Trong giao tiếp văn chương, quá trình tiếp nhận và độc giả đóng vai trò quan trọng Độc giả không phải đóng vai trò thụ động mà đóng vai trò tích cực, không chỉ tham gia trong việc lĩnh hội tác phẩm sau khi nhà văn hoàn thành nó mà còn chi phối ngay từ khi tác phẩm được thai nghén và ở trong quá trình sáng tác Giống như trong giao tiếp ngôn ngữ thông thường, các nhân vật giao tiếp luôn luôn chi phối và tương tác, người nói không phải muốn nói gì thì nói, người nói muốn cho lời nói của mình đạt được mục đích

và hiệu quả giao tiếp thì luôn luôn cần quan tâm đến người nghe, luôn luôn cần có những hiểu biết về người nghe, luôn luôn tìm tòi và thấu hiểu người nghe Khi sáng tác văn chương, tác giả cũng không phải muốn viết gì thì viết, muốn viết như thế nào cũng được, mà còn phải viết theo nhu cầu, mong muốn cũng như cách nhìn của độc giả

Trong mối quan hệ giữa tác giả và độc giả, giữa quá trình sáng tác và quá trình tiếp nhận tác phẩm là mối quan hệ tác động lẫn nhau song ở đó người đọc vẫn giữ vai trò quyết định, bởi lẽ khi nào có sự tiếp nhận của độc giả thì khi đó có tác phẩm mới thực sự có cuộc sống của nó và chừng nào còn người đọc thì chừng đó tác phẩm còn có sức sống

1.2.2.2 Ngữ cảnh, tình huống giao tiếp

Một trong những khái niệm nền tảng không thể thiếu trong các công trình nghiên cứu về ngữ dụng học đó chính là ngữ cảnh

Theo quan điểm của Giáo sư Đỗ Hữu Châu khi xem xét một phát ngôn

ta cần trả lời những câu hỏi như: ai nói, nói với ai, nói trong hoàn cảnh nào, nói về cái gì và nói nhằm mục đích gì Giải quyết được những câu hỏi đó là ta

đã hiểu được ý nghĩa của phát ngôn Hay nói cách khác, khi trả lời được những câu hỏi đó chính là hiểu được ngữ cảnh tiếp Còn tình huống giao tiếp

là trạng thái trực tiếp do tác động của các nhân tố giao tiếp trong một cuộc giao tiếp cụ thể mà có

Trang 26

Khi giao tiếp với một người nào đó thì những câu hỏi tương tự như vậy cũng luôn chi phối chúng ta buộc chúng ta phải lựa chọn cách ứng xử và có hành vi ngôn ngữ cho phù hợp với ngữ cảnh

Sự chiếu vật không phải là kết quả hoàn thành của hoạt động giao tiếp

mà là sự phối hợp của các quá trình đan xen đồng thời trong giao tiếp: quá trình tạo lập và quá trình tiếp nhận sự chiếu vật Sự phối kết hợp của hai quá trình này sẽ tạo nên diễn tiến và quyết định thành công của cuộc giao tiếp giữa các nhân vật giao tiếp

Như vậy, nếu xét về chức năng giao tiếp của ngôn ngữ thì sự chiếu vật

là một trong những cơ sở đầu tiên và quan trọng nhất để con người có thể tiến hành giao tiếp bằng ngôn ngữ Nói cách khác, hoạt động giao tiếp được tiến hành trước tiên là dựa trên việc thực hiện liên tiếp, luân phiên các hành động quy chiếu và giải quy chiếu của các nhân vật giao tiếp Nó cho thấy vai trò của sự chiếu vật trong sự tương tác xã hội giữa người với người Trong quá trình tương tác ấy, con người sẽ tự bộc lộ mình qua cách mà anh ta thực hiện

sự chiếu vật

Mối quan hệ giữa các nhân tố giao tiếp và sự chiếu vật như trên chính

là một trong những cơ sở lý luận cho việc triển khai đề tài của luận văn này Mỗi tác phẩm đều có tư cách như là sản phẩm của các hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ (giao tiếp nghệ thuật) và trong hoạt động đó luôn tồn tại sự tương tác giữa các nhân tố giao tiếp như các đối ngôn (tác giả và bạn đọc), ngữ cảnh, tình huống giao tiếp và ngôn ngữ (ngôn ngữ nghệ thuật) Tất cả các nhân tố này đều được vận dụng trong việc nhận diện các biểu thức chiếu vật

và chiếu vật của chúng trong luận văn Đây là cơ sở để luận văn xác định được giá trị BTMTVC đối với tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh

1.3 Lý thuyết về cụm từ tiếng Việt

1.3.1 Khái niệm cụm từ

Trong tiếng Việt, sự kết hợp giữa từ với từ một cách có tổ chức và có ý nghĩa tạo thành tổ hợp Tổ hợp từ có thể là một câu, hoặc một kiến trúc tương

Trang 27

đương với câu chứ chưa thành câu Và các tổ hợp từ chưa thành câu đó được gọi chung là tổ hợp từ tự do Tổ hợp từ tự do không có kết từ đứng trước còn

có tên gọi là cụm từ

Về mặt khái niệm: Cụm từ là những kiến trúc gồm hai từ trở lên kết

hợp tự do với nhau theo quan hệ ngữ pháp hiển hiện nhất định và không chứa kết từ ở đầu (để chỉ chức vụ ngữ pháp của kiến trúc này) [2, tr.6]

Ví dụ:

(15) Tôi đọc tiểu thuyết trinh thám

Trong ví dụ (15), từ tiểu thuyết kết hợp với từ trinh thám sau nó theo quan hệ chính phụ, do đó, tiểu thuyết trinh thám là một cụm từ

Như vậy, cụm từ tuy có ý nghĩa cụ thể hơn và có cấu tạo phức tạp hơn một từ nhưng nó hoạt động trong lời nói như một từ

1.3.2 Cấu tạo của cụm từ

Cấu tạo chung của cụm từ: Mỗi loại cụm từ thông thường được chia

như đỉa đói,…

+ Cụm từ tự do: Là loại được tạo ra nhất thời trong lời nói tùy yêu cầu

phản ánh thực tế khách quan và thái độ chủ quan của người nói Chúng chỉ có

sẵn khuôn hình cấu tạo chứ không có thành phần từ vựng cố định Ví dụ: mềm

Trang 28

nắn rắn buông, mồm khua mép khoáy…

Trong hai loại cụm từ nêu trên, cụm từ cố định là đối tượng nghiên cứu của từ vựng – ngữ nghĩa học, còn ngữ pháp học chỉ quan tâm đến cụm từ tự do

- Dựa vào mức độ phức tạp về cấu tạo, người ta phân biệt loại cụm từ đơn với cụm từ phức

+ Cụm từ đơn: Là những cụm từ mà mỗi thành tố của nó là một thực từ (truyện trinh thám,…)

+ Cụm từ phức: Là những cụm từ mà thành tố của nó là cụm từ (đọc truyện trinh thám,…)

- Dựa vào quan hệ ngữ pháp chính giữa các thành tố trong cụm từ người ta còn phân biệt các loại:

+ Cụm từ đẳng lập: Là cụm từ có từ hai thành tố trở lên (mỗi thành tố tối thiểu là một từ) gắn bó với nhau bằng quan hệ ngữ pháp đẳng lập

Ví dụ: Sống và làm việc theo pháp luật

+ Cụm từ chủ - vị: Là cụm từ có hai thành tố chính, đóng vai trò chủ ngữ

Ví dụ: Trời nắng gắt, mẹ tôi phải ra đồng

Lưu ý, cụm chủ - vị khác với câu ở chỗ không có chức năng thông báo, không thực hiện được hành động nói như một câu

+ Cụm từ chính phụ: Là cụm từ có một thành tố chính và một hay nhiều thành tố phụ ở trước và sau thành tố chính

Ví dụ: Mắt bồ câu, mũi dọc dừa…

- Căn cứ vào bản tính từ loại của từ giữ vai trò là thành tố trung tâm, cụm chính phụ được chia thành 5 loại: Cụm danh từ, cụm động từ, cụm tính

từ, cụm số từ và cụm đại từ

Với khái niệm BTMTCV như đã đề cập ở trên, luận văn chỉ đề cập và

xác định tập trung nghiên cứu cụm danh từ

+ Cụm danh từ là tổ hợp từ tự do không có kết từ đứng đầu, có quan hệ

chính phụ giữa thành tố chính với thành tố phụ, và thành tố chính là danh từ

Trang 29

Có thể nói cách khác, cụm danh từ là cụm từ chính phụ có danh từ làm thành

tố chính

Cấu tạo chung của cụm danh từ gồm có ba phần: Phần trung tâm, phần phụ trước, phần phụ sau Phần trung tâm là một danh từ hoặc là ngữ danh từ Phần phụ trước cụm danh từ chuyên dùng chỉ mặt số lượng của sự vật nêu ở trung tâm, phần phụ sau chủ yếu chỉ mặt chất lượng của sự vật nêu ở trung

tâm Bùi Minh Toán trong Giáo trình ngữ pháp Tiếng Việt (NXB Đại học Sư

phạm, năm 2008) đã khái quát các thành tố cấu tạo của cụm danh từ trong bảng sau:

Danh từ trung tâm

Thành tố phụ hạn định miêu tả (thực từ)

Thành tố phụ chỉ định (đại từ chỉ định)

Như vậy, trong cụm danh từ, sự phân bố các thành tố phụ trước và các thành tố phụ sau khá chặt chẽ Tuy nhiên trong tổ chức và hoạt động của cụm

từ cũng tồn tại một số hiện tượng không hoàn toàn đơn giản Có những danh

từ tự mình kết hợp được với từ chỉ số lượng lại có những danh từ chỉ kết hợp được với từ chỉ số lượng thông qua danh từ chỉ loại Cũng không loại trừ trường hợp riêng dùng không cần từ chỉ loại, trong khi nói chung đều phải có

từ chỉ loại trong sự kết hợp này

Mô hình cấu tạo của cụm danh từ nêu trên là cơ sở để luận văn tìm hiểu

và nghiên cứu cấu tạo của BTMTCV trong truyện Nguyễn Nhật Ánh Trong khi xem xét cụm danh từ có chức năng miêu tả chiếu vật, chúng tôi không bàn đến yếu tố chỉ lượng thuộc phần phụ trước mà tập trung phân tích phần trung

tâm và phần phụ sau của cụm danh từ

Trang 30

1.4 Vài nét về nhà văn Nguyễn Nhật Ánh và các sáng tác của ông

1.4.1 Sơ lược về tiểu sử, con người

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh sinh ngày 7 tháng 5 năm 1955, tại làng Đo

Đo, xã Bình Quế, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam Nguyễn Nhật Ánh đã trải qua những năm tháng tuổi thơ đầy màu sắc với mảnh đất Quảng Nam nhiều cảnh đẹp và giàu tình người Đến năm 18 tuổi (tức là vào năm 1973) ông theo học ngành Sư phạm và chuyển vào sinh sống tại Sài Gòn Từ năm 1983 – 1985 Ông là giáo viên dạy môn Ngữ văn tại trường THCS Bình Tây (Quận 6)

Năm 1984, ông cho ra mắt tập thơ đầu tiên in chung với tác giả Lê Thị

Kim, có tựa đề là Thành phố tháng tư Cũng trong năm đó, ông cho ra mắt

truyện dài đầu tiên có tên Trước vòng chung kết và được phát hành bởi Nhà

xuất bản Măng non

Tên tuổi của ông được nhiều người biết đến hơn là nhờ vào tác

phẩm Chú bé rắc rối được phát hành vào năm 1989 Và những năm sau đó,

Nguyễn Nhật Ánh đã lao động miệt mài, đều đặn cho ra đời nhiều tác phẩm hay được công chúng tìm đọc

Với gần 40 năm kể từ lần đầu tiên xuất hiện trên văn đàn, Nguyễn Nhật Ánh đã khẳng mình là một cây bút xuất sắc với một phong cách nghệ thuật rất riêng Mỗi tác phẩm của ông ra đời đều mang đến một ấn tượng mạnh mẽ cho người đọc, và đặc biệt là độc giả thiếu nhi Khi nhắc tới nhà văn Nguyễn Nhật Ánh người ta nghĩ ngay đến một giọng văn hài hước nhẹ nhàng cùng nghệ thuật phân tích tâm lý nhân vật sâu sắc (đặc biệt là nhân vật thiếu nhi), cũng từ

đó tạo nên một thương hiệu rất riêng – Nguyễn Nhật Ánh, nhà văn của tuổi thơ

1.4.2 Sự nghiệp văn học

Nhắc tới tác giả Nguyễn Nhật Ánh, người đọc sẽ nghĩ ngay đến nhà

văn của lứa tuổi học trò với nhiều tác phẩm nổi tiếng: Cô gái đến từ hôm qua,

Thằng quỷ nhỏ, Bàn có 5 chỗ ngồi, Bồ câu không đưa thư, Nữ sinh, Phòng trọ

ba người, Kính vạn hoa, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Mắt biếc, Ngồi khóc trên cây, Ngày xưa có một chuyện tình, Trại hoa vàng, Còn chút gì để nhớ,

Trang 31

Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Bảy bước tới mùa hè,… Hầu hết, các tác

phẩm của Nguyễn Nhật Ánh đều kể về những trò nghịch ngợm, thú vị của tuổi học trò, những kỷ niệm sâu sắc và những bài học ý nghĩa trong cuộc sống cho tuổi mới lớn Có những cuốn sách, nói không quá khi cho rằng nó là một cuốn cẩm nang tâm lý dành cho mọi lứa tuổi học trò

Trong số các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, có những tác

phẩm đã được chuyển thể thành phim như: Kính vạn hoa, Mắt biếc, Tôi thấy

hoa vàng trên cỏ xanh… và cũng thành công không kém tác phẩm văn học

Với sự miệt mài sáng tạo văn chương và tình yêu tha thiết với tuổi hoa, tuổi mới lớn, Nguyễn Nhật Ánh đã có cho mình một sự nghiệp văn chương đồ

sộ mà không phải nhà văn đương đại nào cũng có thể có được Trong sự nghiệp lao động của mình, ông đã đạt được những giải thưởng lớn như:

- Giải thưởng Văn học Trẻ hạng A bởi Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí

Minh với tác phẩm Chú bé rắc rối năm 1990

- Nguyễn Nhật Ánh được bình chọn là nhà văn được yêu thích nhất trong 20 năm (1975 - 1995) do Thành đoàn thành phố Hồ Chí Minh và báo Tuổi trẻ tổ chức năm 2005

- Hội nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh bầu chọn Nguyễn Nhật Ánh là một trong 20 nhà văn trẻ tiêu biểu trong 20 năm (1975 – 1995) trong 30 năm (1975- 2005)

- Giải thưởng văn của Hội Nhà văn Việt Nam cho bộ Kính vạn hoa vào

- Năm 2009 Nguyễn Nhật Ánh đạt Giải thưởng văn học của Hội Nhà

văn Việt Nam với tác phẩm Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ

- Năm 2010, cũng chính cuốn sách Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ đã

Trang 32

giúp nhà văn Nguyễn Nhật Ánh gặt hái được Giải thưởng Văn học Đông Nam

Á (còn gọi là Giải thưởng Văn học ASEAN) Hiện nay, tác phẩm này đã được tái bản 67 lần với số lượng lên đến hơn 500.000 quyển Và được chuyển ngữ sang các ngôn ngữ khác nhau như tiếng Anh, Hàn Quốc, Thái Lan

Gần đây nhất, trong năm 2022, Nguyễn Nhật Ánh đã ra mắt hai tác

phẩm đó là Ra bờ suối ngắm hoa kèn hồng (tháng 1 năm 2022) và tác phẩm

Những người hàng xóm (vừa được ra mắt vào cuối năm 2022) Các tác phẩm

đều được độc giả đón đọc và yêu thích

Trang 33

Tiểu kết chương 1

Trong chương 1, luận văn đã trình bày cơ sở lý thuyết mà cụ thể là khái niệm chiếu vật, các phương thức chiếu vật (chiếu vật bằng tên riêng, chiếu vật bằng biểu thức miêu tả, và chiếu vật bằng chỉ xuất), trong đó đặc biệt đi sâu làm rõ khái niệm và phân loại BTMTCV Đồng thời ở chương này, luận văn

đã khái quát về hoạt động giao tiếp cũng như lý thuyết chung về cụm từ, cụm danh từ trong tiếng Việt Những nội dung cơ bản đó là cơ sở để luận văn nghiên cứu BTMTCV trong truyện Nguyễn Nhật Ánh ở chương 2

Nguyễn Nhật Ánh xuất hiện như một hiện tượng tác giả của văn học

thiếu nhi Việt Nam những năm gần đây Mặc dù có làm thơ nhưng Nguyễn Nhật Ánh chủ yếu được biết đến bởi văn xuôi Qua mỗi trang văn Nguyễn Nhật Ánh đã làm sống dậy một thế giới trẻ thơ với cách nhìn của những nhân vật có khi là nhân vật trẻ em, có khi là nhân vật người lớn và thậm chí đó là loài vật Sự thành công trong văn chương của Nguyễn Nhật Ánh không chỉ bởi sự sáng tạo các loại hình nhân vật mà còn là người nghệ sĩ tài hoa trong

sử dụng tất cả các thủ pháp nghệ thuật để khắc họa nhân vật, xây dựng hội thoại, làm rõ cốt truyện… giúp tác phẩm trở nên hấp dẫn hơn, đọng sâu trong tâm trí, trái tim người đọc Một trong những thủ pháp nghệ thuật được

Nguyễn Nhật Ánh sử dụng thành công đó là BTMTCV

Trang 34

CHƯƠNG 2 ĐẶC ĐIỂM CẤU TẠO VÀ NGỮ NGHĨA CỦA BIỂU THỨC MIÊU TẢ CHIẾU VẬT TRONG TRUYỆN CỦA NGUYỄN NHẬT ÁNH

Ở chương 2, luận văn sẽ khảo sát, thống kê và phân loại các BTMTCV

có trong các truyện của Nguyễn Nhật Ánh Qua đó thấy được đặc điểm cơ bản

về cấu tạo và chức năng của các BTMTCV đối với tác phẩm nói riêng và văn chương nói chung Trên cơ sở đó một lần nữa khẳng định tài năng sử dụng ngôn ngữ đầy sáng tạo và hiệu quả của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh

2.1 Đặc điểm cấu tạo của biểu thức miêu tả chiếu vật trong truyện Nguyễn Nhật Ánh

Theo khảo sát 20 truyện của tác giả, luận văn đã đã thống kê được số lượng sử dụng các BTMTCV như sau:

Bảng 2.1 Thống kê các BTMTCV được sử dụng

trong truyện của Nguyễn Nhật Ánh

Từ loại và cấu tạo Số lượt Tỉ lệ %

BTMTCV có miêu tả tố là danh từ và cụm danh từ 237 20,9%

Kết quả ở bảng khảo sát cho thấy số BTMTCV có miêu tả tố là tính từ

và cụm tính từ chiếm số lượng nhiều nhất với 367/1132 (chiếm 32,5%), số BTMTCV có cấu tạo là danh từ, cụm danh từ là 237/1132 (chiếm 20,9%), sau

đó là BTMTCV có miêu tả tố là động từ và cụm động từ từ chiếm 219/1132 (chiếm 19,3%) số lượng BTMTCVcó miêu tả tố là đại từ là 211/1132 (chiếm 18,6%), và ít nhất là BTMTCV có miêu tả tố là số từ 98/1132 (chiếm 8,7%) Chính các BTMTCV này đã góp phần mang đến sự thành công cho các tác

Trang 35

phẩm của Nguyễn Nhật Ánh và tạo nên phong cách rất riêng của nhà văn dành cho tuổi học trò

2.1.1 Yếu tố miêu tả có cấu tạo là danh từ, cụm danh từ

BTMTCV có miêu tả tố là danh từ xếp thứ 2 trong số BTMTCV mà Nguyễn Nhật Ánh sử dụng với số lượt xuất hiện là 237 trên tổng số 1132 BTMTCV (chiếm 20,9%) Trong số BTMTCV có miêu tả tố là danh từ, cụm danh từ thì có các loại như sau: BTMTCV có miêu tả tố là danh từ riêng, BTMTCV có miêu tả tố là danh từ chỉ người, có BTMTCV có miêu tả tố là danh từ chỉ vật và có BTMTCV có miêu tả tố là danh từ trừu tượng, cụ thể như sau:

Bảng 2.2 Thống kê BTMTCV có miêu tả tố là danh từ, cụm danh từ

Từ loại Danh từ (237/1132 = 20,9 %)

Tính chất Danh từ

tên riêng

Danh từ chỉ người

Danh từ chỉ vật

Danh từ trừu tượng

- Danh từ + danh từ tên riêng

Khi nghiên cứu các tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh đối với các nhân vật lứa tuổi học sinh chúng ta thấy các BTMTCV có danh từ riêng làm miêu

tả tố trong truyện của Nguyễn Nhật Ánh thường mang những đặc điểm chung

đó là sự kết hợp của danh từ trung tâm + danh từ riêng (tên riêng chỉ người, chỉ địa điểm, chỉ sự vật)

(16) Đi đầu là thằng Tân, kế đến là thằng Thịnh, thằng Đạt Cuối

Trang 36

cùng là nhỏ Hoa Đây là tụi học trò lớp Năm C trường Sao Mai, những nạn

nhân quen thuộc của Sơn đen [34, tr.60]

Ở ví dụ (16), Nguyễn Nhật Ánh đã sử dụng BTMTCV là danh từ trung

tâm + danh từ riêng với thằng Tân, thằng Thịnh, thằng Đạt, nhỏ Hoa, tụi học

trò lớp Năm C trường Sao Mai Với cách sử dụng BTMTCV này cho chúng

ta thấy, có danh từ trung tâm là thằng + danh từ riêng là Tân, Thịnh, Đạt,

danh từ trung tâm là nhỏ + danh từ riêng là Hoa, ở BTMTCV tụi học trò lớp

Năm C trường Sao Mai danh từ trung tâm là tụi học trò + danh từ riêng (lớp) Năm C, (trường) Sao Mai Với các danh từ riêng này tác giả muốn chiếu vật

đến nhân vật nhấn mạnh đối tượng được nói đến rõ hơn

Có thể thấy, việc sử dụng BTMTCV có danh từ riêng làm miêu tả tố là nét khá nổi bật trong truyện Nguyễn Nhật Ánh, với việc sử dụng sử dụng BTMTCV có danh từ riêng đã làm nổi bật được đời sống của nhân vật trong từng tác phẩm, và đặc biệt là sử dụng cấu trúc danh từ kết hợp tên riêng (là biệt danh của các cậu bé cô bé) góp phần quan trọng xây dựng thành công tuyến nhân vật là tuổi học trò

Trong truyện Ngôi trường mọi khi, các nhân vật xuất hiện thường là

dùng BTMTCV với cấu trúc: Danh từ + Danh từ tên riêng (biệt danh), chẳng hạn như:

(17) …Nhỏ Hạt Tiêu đi vào sau, chỉ được thằng Ria Mép cho có sáu

điểm Nhưng nhỏ Hột Mít mới thảm Nó vừa bước xuống xe, chưa đi tới cồng,

Ria Mép đã lật đật quay sang Bắp Rang [43,tr.16 ]

Ví dụ (17) nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã sử dụng các BTMTCV đó là:

Nhỏ Hạt Tiêu, thằng Ria Mép, nhỏ Hột Mít (danh từ kết hợp danh từ là tên

riêng biệt danh) với mục đích chỉ rõ từng nhân vật được nhắc đến, và người đọc sẽ không có sự nhầm lẫn giữa các nhân vật với nhau, đồng thời tạo được một văn phong mang đậm chất trẻ thơ trong truyện của mình

(18) Con heo mẹ giống Yorkshire, được thằng Cu đặt tên là Nái Sề vì

thân hình béo núc của nó và vì nó đã đẻ đến lứa thứ tư, than thở với chị Mái

Trang 37

Hoa đậu trên thanh chắn chỗ cửa chuồng vào một buổi trưa đứng gió:

- Thế giới đảo lộn hết rồi chị à

Giọng chị Nái Sề ra chiều ngán ngẩm [28, tr.24-25]

Cùng cách dùng BTMTCV với cấu trúc: Danh từ + Danh từ tên riêng

(biệt danh), trong truyện Chúc một ngày tốt lành, chúng ta bắt gặp các

BTMTCV danh từ kết hợp với tên riêng khi chỉ các loài vật Cụ thể, ở ví dụ

(18) Nguyễn Nhật Ánh đã chủ động tạo ra những cái tên gọi rất thú vị như chị

Mái Hoa, chị Nái Sề thông qua các BTMTCV có cấu trúc danh từ kết hợp với

danh từ là tên riêng và nhờ đó gây được ấn tượng mạnh ngay từ đầu đối với bạn đọc nhất là trẻ em

(19) Nhà dì Sáu ở cuối con ngõ, nằm sau một khúc ngoặt chạy quanh

ao rau muống của ông Hai Đởm Đó là một căn nhà gạch ba gian, rộng rãi, thoáng mát Chỉ có căn bếp là lợp tranh, trong nhà chất chứa những bồ đựng lúa và những đống trấu dùng để đun bếp [44, tr.11]

BTMTCV ở ví dụ (19) có cấu tạo là danh từ nhà kết hợp với danh từ riêng cụ thể nhà nhân vật dì Sáu khiến cho người đọc hiểu ngay được cái nhà

mà tác giả nói ở đây chính là nhà của dì Sáu với những đặc điểm: một căn

nhà gạch ba gian, rộng rãi, thoáng mát Chỉ có căn bếp là lợp tranh, trong nhà chất chứa những bồ đựng lúa và những đống trấu dùng để đun bếp

- Danh từ + danh từ chỉ người

Bên cạnh danh từ tên riêng thì danh từ chỉ người đã được Nguyễn Nhật Ánh sử dụng nhiều trong các BTMTCV với số lượng 98/237 (chiếm 41,4% ) Danh từ chỉ người làm miêu tả tố cho danh từ trung tâm có ý nghĩa làm rõ những đặc điểm, tính chất cho sự vật nghĩa chiếu vật Bên cạnh đó, nó còn xác định cho sự vật - nghĩa chiếu vật ở danh từ trung tâm những đặc tính về nghề nghiệp, tuổi tác hay giới tính Cụ thể:

+ Danh từ chỉ người có đặc tính về nghề nghiệp: trong các tác phẩm

của Nguyễn Nhật Ánh những BTMTCV chỉ người có đặc tính nghề nghiệp xuất hiện khá nhiều

Trang 38

(20) Bến xe đông nghịt người Quán xá chen chúc cả dãy dài Hàng

rong khắp nơi, tiếng rao inh ỏi Trong khi tôi đang ngơ ngác trước cảnh

tượng náo nhiệt thì đám xích-lô bu lại [42, tr.11]

(21) Tôi nhớ hồi tôi tám tuổi có một lão thầy bói ghé vào nhà tôi xin

nước uống Áo quần bạc phếch, dáng người gầy gò khắc khổ, râu cằm ngắn

và thưa…[42, tr.95]

Ở các ví dụ (20) tác giả đã dùng BTMTCV là đám xích-lô có cấu tạo

danh từ chỉ đơn vị đám cộng với danh từ chỉ nghề nghiệp xích – lô, qua biểu

thức đó muốn đề cập đến chính là nghề lái xe xích-lô Hay tác giả đã dùng

BTMTCV ở ví dụ (21) là một lão thầy bói có cấu tạo danh từ lão cộng với danh từ chỉ nghề nghiệp thầy bói, qua biểu thức đó muốn đề cập đến chính là

thầy bói

(22) Xuyến nghiêm giọng:

- Có một anh chàng…

- Từ trên trời rơi xuống? Cúc Hương chêm tiếp

- Cũng có thể! Không biết đâu rơi xuống ngay trước cổng trường mình

Ba ngày nay rồi

- Anh chàng bán kẹo kéo chứ gì? [32, tr 66]

Ở ví dụ (22), khi tác giả dùng BTMTCV anh chàng bán kẹo kéo với cấu tạo cụm danh từ anh chàng cộng với từ có đặc điểm chỉ nghề nghiệp bán

kẹo kéo BTMTCV này giúp ta biết được nghề nghiệp của người được nói đến

trong biểu thức trên chính là nghề bán kẹo kéo

+ Danh từ chỉ người có đặc điểm về giới tính

(23) Khi mối gút cuối cùng được cột xong, Luận liếc người đàn ông,

nôn nao hỏi:

- Đi chưa chú?

- Đi

Người đàn ông gật đầu đáp gọn lỏn [29, tr.153]

Ở ví dụ (23), tác giả sử dụng BTMCTCV là người đàn ông (danh từ kết

Trang 39

hợp đặc điểm về giới tính) nhằm chỉ vật là người lái xe ba gác đã nhắc đến

trước đó

(24) Nhưng nửa năm nay, mẹ nó tái giá Người chồng sau nát rượu gây

gổ với mẹ Hùng quăn tối ngày Chịu không nổi, Hùng quăn bỏ nhà đi, sống nhờ

bạn bè mỗi đứa dăm ba bữa Bây giờ anh mới biết, người đàn ông anh gặp

trong nhà Hùng quăn không phải ba nó mà là người dượng ghẻ [32, Tr.140]

Ví dụ (24), nhà văn dùng BTMTCV có cấu tạo danh từ người cộng với danh từ chỉ người có đặc điểm về giới tính là đàn ông giúp người đọc có thể

phân biệt giới tính của sự vật - nghĩa chiếu vật mà yếu tố chỉ dẫn chiếu vật hướng tới người đó chính là dượng ghẻ của Hùng quăn

Có thể thấy, bằng việc sử dụng BTMTCV có miêu tả tố là danh từ chỉ người nhà văn đã rất thành công khi giới thiệu đến các nhân vật, làm người đọc không bị nhàm chán với cách thức là không sử dụng lặp đi lặp lại tên nhân vật Qua việc tạo lập BTMTCV mà miêu tả tố là danh từ chỉ người nhà văn cũng gửi vào đó một quan niệm về con người, về thế giới nhân sinh

- Danh từ + danh từ chỉ vật

Bên cạnh danh từ chỉ người, thì Nguyễn Nhật Ánh cũng sử dụng BTMTCV là danh từ cộng với danh từ chỉ vật Khi miêu tả sự vật, Nguyễn Nhật Ánh thường dùng danh từ chỉ vật ở nhiều bình diện, nhiều hệ thống khác nhau và gắn với những đặc tính vốn có của mỗi sự vật, mỗi mảng hiện thực

điều đó đã đánh thức sự liên tưởng trong tâm trí người đọc

(25) Nhà con Mận có hai cái giường tre Tối tôi ngủ trên chiếc giường xưa nay nó vẫn nằm kê ở nhà ngoài, cạnh chiếc bàn học ọp ẹp Còn nó ngủ

trên giường của mẹ nó Giường mẹ nó kê trong buồng, bên cạnh dãy kệ chứa

nước mắm, xì dầu, mì sợi và các thứ gia vị linh tinh [42, tr 186]

Ở ví dụ (25), những BTMTCV được sử dụng như: hai cái giường tre,

chiếc bàn học ọp ẹp, các thứ gia vị linh tinh…đã diễn tả cuộc sống thiếu thốn,

nghèo khổ của gia đình nhà bé Mận trong truyện Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh

Trang 40

2.1.2 Yếu tố miêu tả có cấu tạo là tính từ, cụm tính từ

Về lý thuyết, một định tố tính từ thực hiện hoặc góp phần thực hiện hành vi chiếu vật trong một ngữ cảnh cụ thể thì được gọi là định tố tính từ có chức năng chiếu vật Những định tố tính từ làm miêu tả tố cho danh từ trung tâm có thể là một từ hoặc là một cụm từ

BTMTCV có miêu tả tố là tính từ, cụm tính từ chiếm số lượng lớn nhất trong số BTMTCV mà Nguyễn Nhật Ánh sử dụng tức là có 367 trên tổng số

1132 BTMTCV chiếm 32,5% Trong số BTMTCV có miêu tả tố là tính từ, cụm tính từ thông thường có: tính từ chỉ đặc điểm (màu sắc, số lượng, kích thước…), tính từ chỉ tính chất, tính từ chỉ trạng thái Cụ thể kết quả khảo sát được hệ thống bảng dưới đây:

Tính từ chỉ trạng thái

Với số lượng BTMTCV có miêu tả tố là tính từ và cụm tính từ chiếm

số lượng lớn trong các tác phẩm, Nguyễn Nhật Ánh đã vẽ nên một bức tranh

đa màu, đa sắc với nhiều cung bậc khác nhau về thế giới sự vật hiện tượng trong văn chương của mình Chúng ta bắt gặp điều đó trong cách thức dùng BTMTCV sau đây:

- Danh từ + tính từ chỉ màu sắc:

(26) Đằng trước là cái sân phơi lát gạch Trước nữa là những thân

cau cao vút nằm kế lũy tre xanh bao quanh vườn nơi chiều chiều lũ chim tụ

họp về cãi lộn ủm tỏi [43, tr.11]

Ở đây, nhà văn đã dùng hai BTMTCV sau: Những thân cau cao vút,

lũy tre xanh bao quanh vườn với cấu trúc danh từ kết hợp tính từ Song chỉ

Ngày đăng: 05/12/2024, 11:10

TÀI LIỆU CÙNG NGƯỜI DÙNG

  • Đang cập nhật ...

TÀI LIỆU LIÊN QUAN