Hệ thống giao thông vận tải nói chung, giao thông đường bộ nói riêng là một bộ phận kết cấu hạ tầng quan trọng. Muốn có một nền kinh tế quốc dân phát triển thì trước hết phải có một hệ thống giao thông vận tải phát triển. Song điều đó còn phụ thuộc rất nhiều vào quy hoạch của Nhà nước đối với sự phát triển giao thông vận tải cũng như phát triển hệ thống giao thông đường bộ.
Nếu Nhà nước quy hoạch đúng đắn, có chính sách rõ ràng, hợp lý, có chiến lược ngắn hạn, dài hạn, phù hợp với đường lối phát triển kinh tế - xã hội
của đất nước trong từng giai đoạn sẽ là yếu tố tích cực cho sự phát triển hệ thống giao thông đường bộ. Ngược lại quy hoạch của Nhà nước yếu kém, sẽ là yếu tố tiêu cực, kìm hãm sự phát triển hệ thống giao thông đường bộ.
Quy hoạch của nhà nước phải đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất. Bởi lẽ, nếu quy hoạch đồng bộ thống nhất, thì sẽ giải phóng mặt bằng nhanh gọn, không gây bị ảnh hưởng tới các ngành khác, không gây phiền hà cho dân, dẫn tới công trình giao thông được hoàn thiện nhanh, được đưa và sử dụng sớm từ đó sẽ đạt hiệu quả cao, ngược lại nếu quy hoạch một cách thiếu đồng bộ, thống nhất sẽ sẽ dẫn tới sự chồng chéo, ảnh hưởng tới quy hoạch phát triển của các ngành khác, công tác giải phóng mặt bằng khó khăn gây lãng phí tiền của, thời gian khi thực hiện dự án. Hơn nữa, nếu quy hoạch một cách thiếu đồng bộ thì quản lý của Nhà nước nói chung, ngành giao thông vận tải nói riêng sẽ khó và không thể quản lý một cách hiệu quả vì không gian tác động rộng lớn và đối tượng tác động rất phức tạp cả về kinh tế, văn hoá, xã hội, tâm lý. Vì vậy, quy hoạch của Nhà nước đối với giao thông vận tải nói chung và giao thông đường bộ nói riêng phải trên cơ sở thống nhất, đồng bộ phù hợp với mục tiêu chung của phát triển kinh tế – xã hội đất nước.