Vạt chuyển

Một phần của tài liệu đánh giá kết quả tạo hình che phủ khuyết tổ chức sau phẫu thuật ung thư biểu mô tế bào đáy vùng mặt bằng vạt tại chỗ (Trang 57)

CHƯƠNG 4 BÀN LUẬN

4.2.2.3. Vạt chuyển

Vạt chuyển là vạt có khả năng sử dụng hết sức linh hoạt cho hầu hết các vùng trên mặt, với nhiều kiểu thiết kế khác nhau: vạt hình tứ giác, hình parabol, hình thoi, vạt hai thùy, ba thùy hay dạng vạt chữ Z. Mặc dù vậy, việc

chỉ định sử dụng vạt chuyển phải phụ thuộc vào vị trí và kích thước của tổn khuyết. Chúng tôi đã sử dụng 15 vạt chuyển (42,9%) trong đề tài của mình để tạo hình cho các tổn khuyết ở vùng trán, mắt, má, mũi, môi và tai, kích thước tổn thương thay đổi từ 1cm cho đến 12cm. Trong 15 vạt này chúng tôi sử dụng nhiều nhất (6 vạt) cho vùng mũi, tiếp theo là 4 vạt cho vùng mi mắt, 2 vạt cho vùng môi. Trong đó chúng tôi đã sử dụng 4 vạt chuyển rãnh mũi má để tạo hình cho 2 tổn khuyết cánh mũi, 1 khuyết mi dưới và 1 trường hợp khuyết vùng phía trên của sống mũi. Theo Hamdy (2005) vạt rãnh mũi má được cấp máu từ động mạch góc (một nhánh của động mạch mặt), động mạch dưới ổ mắt, động mạch ngang mặt và động mạch dưới ròng rọc [47]. Do nguồn cấp máu hết sức phong phú như vậy nên vạt rãnh mũi má có thể sử dụng rất linh hoạt dưới dạng vạt ngẫu nhiên hoặc có trục mạch với cuống trên, dưới, trong hay ngoài. 4 vạt rãnh mũi má mà chúng tôi sử dụng trong nghiên cứu này đều được thiết kế dạng vạt ngẫu nhiên dựa trên cuống nuôi trên của vạt. Các tổn khuyết mà chúng tôi tạo hình bằng vạt này có kích thước ở mức độ nhỏ (1,5cm đến 2cm) cho kết quả sau phẫu thuật khá khả quan.

AB B

A. Thiết kế trước phẫu thuật, B. Bóc vạt

Ảnh 4.6. Tạ Thị L (Ung thư biểu mô tế bào đáy vùng môi – Tạo hình bằng vạt đảo cuống nuôi dưới da rãnh mũi má)

Một thiết kế đặc biệt khác của vạt chuyển là vạt hình đảo với cuống nuôi là tổ chức dưới da. Li và Xing (2006) đã sử dụng vạt dạng này để điều trị cho 179 tổn khuyết ở mũi, môi, má cho kết quả không có vạt nào bị hoại tử và kết quả khám lại là trên 90% trường hợp có kết quả tốt [59 ]. Chúng tôi cũng đã sử dụng vạt đảo chân nuôi tổ chức dưới da cho 3 trường hợp: một trường hợp vùng góc mắt trong và một trường hợp sống mũi có kích thước 2cm, vạt tạo hình được lấy từ vùng trán giữa 2 cung lông mày (glabella). Trường hợp còn lại tổn thương nằm ở vùng môi trên có kích thước 3cm, chúng tôi đã sử dụng một vạt chân nuôi dưới da từ rãnh mũi má để che phủ tổn khuyết. Sức sống của 3 vạt trên rất tốt, không có vạt nào bị hoại tử hay thiểu dưỡng trong quá trình theo dõi sau phẫu thuật.

Vạt chuyển là một vạt hết sức linh hoạt, ngoài những vị trí kể trên chúng tôi còn thực hiện chuyển vạt để che phủ các khuyết ở vị trí khác như: một vạt ba thùy được thiết kế để che phủ khuyết 1,5cm ở đỉnh mũi, một vạt hai thùy thiết kế ở vùng da trước tai và sau tai được huy động để tạo hình tổn khuyết lớn 5cm vùng má bên. Trong nghiên cứu của chúng tôi, có một trường hợp khuyết rất lớn ở vùng trán (12cm) cũng đã được che phủ bằng một vạt chuyển lấy từ vùng da đầu.

AB B

A. Thiết kế vạt, B. Ngay sau phẫu thuật

Ảnh 4.7. Phạm Đình D (Ung thư biểu mô tế bào đáy đỉnh mũi – Tạo hình bằng vạt 3 thùy)

Một phần của tài liệu đánh giá kết quả tạo hình che phủ khuyết tổ chức sau phẫu thuật ung thư biểu mô tế bào đáy vùng mặt bằng vạt tại chỗ (Trang 57)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(89 trang)
w