Các giải pháp phát triển trồng rừng sản xuất trên địa bàn

Một phần của tài liệu Đánh giá thực trạng trồng rừng sản xuất tại huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng và đề xuất các giải pháp phát triển (Trang 85 - 111)

4.6.2.1. Quan điểm và định hướng chung

- Phát triển trồng RSX huyện Thạch An cần có quan điểm tổng hợp, gắn phát triển trồng RSX với chế biến, tiêu thụ sản phẩm và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, từng bước nâng cao đời sống, nhận thức của người dân và nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường.

- Phát triển trồng RSX phải dựa trên các điều kiện cụ thể của từng xã. - Tăng cường ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống cây trồng, kỹ thuật lâm sinh và sử dụng đất dốc bền vững nhằm nâng cao năng suất và chất lượng rừng, đáp ứng cả yêu cầu về kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường.

- Vì đất lâm nghiệp được giao còn phân tán và manh mún, thêm vào đó là địa hình chia cắt nên thường không liền vùng, liền khoảnh, vì vậy phát triển trồng RSX cần kết hợp hài hoà giữa trồng rừng tập trung quy mô lớn với trồng rừng quy mô nhỏ và trồng cây phân tán.

4.6.2.2. Các giải pháp về Kỹ thuật lâm sinh

* Về lựa chọn lập địa và quy hoạch vùng trồng RSX

- Trên cơ sở quỹ đất quy hoạch cho RSX theo kết quả rà soát phân chia ba loại rừng của huyện, cần tiến hành điều tra và lập bản đồ phân loại dạng lập địa vi mô (cấp xã) với nguyên tắc ưu tiên cho những xã có diện tích đất quy hoạch cho RSX lớn như các xã: Minh Khai, Đức Thông, Canh Tân, Trọng Con,… phù hợp với từng loài cây trồng và mục tiêu sản phẩm. Đây là điều rất quan trọng đảm bảo cho rừng trồng sản xuất bền vững về mặt sinh thái và có hiệu quả về mặt kinh tế và xã hội.

- Quy hoạch vùng nguyên liệu mở rộng để tiến tới xây dựng nhà máy chế biến lâm sản có quy mô lớn tập trung. Đồng thời có kế hoạch phát triển các trang trại lâm nghiệp và thay thế các diện tích rừng trồng có năng suất thấp trên địa bàn huyện.

- Có quy hoạch vùng trồng rõ ràng và ổn định trên thực địa, gắn với thiết kế vi mô cùng tham gia (chọn cây trồng phù hợp lập địa, gắn kết thiết kế cụ thể và nghiệm thu chặt chẽ có sự tham gia của dân).

- Đối với những diện tích của dân được Nhà nước giao thuộc các xã: Kim Đồng, Canh Tân, Trọng Con, Thái Cường thuận tiện đường vận chuyển và công tác quản lý bảo vệ cần tích cực xúc tiến hình thức hợp tác, liên kết khuyến khích hỗ trợ cho các chủ hộ vay vốn (ký hợp đồng kinh tế) để trồng rừng và bao tiêu sản phẩm cuối chu kỳ.

* Về chiến lược sản phẩm:

Cần xây dựng một chiến lược sản phẩm rõ ràng cho TRSX ở Thạch An, kết hợp việc điều tra lập địa và lựa chọn tập đoàn cây trồng RSX có hiệu quả

để phát triển trồng rừng tại huyện Thạch An. Không nên để tình trạng “tuỳ cơ ứng biến”. Có thể tập trung vào 3 nhóm sản phẩm chính:

+ Gỗ nguyên liệu, gia dụng và giấy, dăm, gỗ dán: Keo lai, Keo tai tượng, Keo lá tràm, Mỡ, Sa mộc, …

+ Gỗ lớn: Thông mã vĩ, Lát hoa, Mỡ, Xoan ta, Tông dù (xoan hôi),… + LSNG: Trám trắng quả, thân Trúc sào, vỏ Quế, hoa Hồi, hạt Dẻ,… Căn cứ vào nhu cầu thị trường và khả năng về điều kiện tự nhiên để quy hoạch vùng cung cấp từng chủng loại sản phẩm, đồng thời đa dạng hoá thị trường và đa dạng hoá sản phẩm: gỗ lớn, gỗ xây dựng cơ bản,… Đối với trồng RSX, cần xuất phát từ nhu cầu thị trường và dự báo về thị trường để làm cơ sở cho xây dựng kế hoạch trồng rừng. Ngoài việc chú trọng tới trồng rừng cây mọc nhanh cung cấp nguyên liệu giấy, dăm cần chú ý đẩy mạnh trồng rừng cung cấp gỗ lớn hoặc gỗ nhỏ kết hợp gỗ lớn phục vụ chế biến đồ mộc xuất khẩu và nội tiêu; chú trọng các biện pháp nuôi dưỡng và chuyển hoá rừng phù hợp. Đối với những vùng rừng trồng sản xuất đang phát triển cần nghiên cứu đẩy mạnh công nghiệp chế biến, nhất là quy mô nhỏ nhưng trình độ công nghệ phải tương đối cao để tăng giá trị sản phẩm, tạo động lực cho trồng RSX phát triển.

* Về cơ cấu loài cây và kỹ thuật gây trồng

- Cơ cấu cây trồng RSX phải bám sát chiến lược sản phẩm trên cơ sở phát huy các lợi thế của địa phương, đồng thời phải bám sát điều kiện tự nhiên: đất đai, địa hình, khí hậu,... và các điều kiện sản xuất kinh doanh khác: vị trí địa lý, thị trường, cơ sở chế biến,… nên tập trung cho 3 nhóm sản phẩm đã nêu ở trên.

- Kỹ thuật trồng RSX và mức độ thâm canh cần được cụ thể hoá cho từng loài cây, điều kiện lập địa và mục tiêu sản phẩm; áp dụng đồng bộ và liên hoàn các tiến bộ kỹ thuật, trong đó khâu giống vẫn còn nhiều tiềm năng

để nâng cao năng suất rừng trồng. Trong trồng rừng thâm canh, cần chú ý các biện pháp làm đất cơ giới ở những nơi đất bằng và dốc thoải, chú trọng bón phân, các biện pháp tỉa thưa và nuôi dưỡng cũng như kiểm soát dịch bệnh.

- Về kỹ thuật lâm sinh, cần có nghiên cứu sâu và đầy đủ hơn để có thể kết luận chính xác về phương án sản phẩm của rừng trồng sản xuất. Đối với các nhóm cây có chu kỳ ngắn như: Keo các loại, Mỡ,…nên trồng thuần loài mật độ từ 1.330 - 1.666 cây/ha và các cây có chu kỳ dài hơn như Thông mã vĩ, Lát, Xoan ta,..nên áp dụng biện pháp kỹ thuật trồng 1.666 -2.000 cây/ha. Đối với cây bản địa như Trám trắng, Lát hoa, Hồi, Quế, Tông dù,…nên trồng hỗn giao với Keo hoặc các cây phù trợ khác. Cần quan tâm hơn trong việc thường xuyên điều chỉnh mật độ theo tuổi của từng loài cây trồng để đem lại năng suất rừng trồng cao nhất.

- Về sử dụng nguồn giống cho trồng RSX, cần tuân thủ các Quy định về quản lý giống của Bộ NN&PTNT, vật liệu giống phải có chứng chỉ nguồn gốc rõ ràng do các cơ sở giống của tỉnh Cao Bằng hoặc Viện KHLN Việt Nam, Công ty giống trung ương cung cấp. Đối với trồng rừng gỗ nguyên liệu, nên sử dụng giống nuôi cấy mô hoặc giâm hom và nên trồng khảo nghiệm các dòng đã được công nhận là TBKT như Keo lai các dòng BV10, BV32,…và dòng Keo Tai tượng, Mỡ được tuyển chọn. Các loài cây bản địa cần tạo cây con đạt tiêu chuẩn kỹ thuật đã ban hành.

- Về phương thức trồng, để đảm bảo cho sự phát triển bền vững lâu dài, ngoài việc thực hiện phương thức trồng thuần loài tập trung, cần tiến hành trồng hỗn loài theo đám, theo lô, theo khoảnh,…

- Ứng dụng và phát triển công nghệ nhân giống bằng hom, mô tại chỗ với nguồn vật liệu giống đã được chọn lọc chính thức và công nghệ chế biến lâm sản hàng hoá nhỏ phù hợp đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tại chỗ và xuất khẩu, hạn chế bán nguyên liệu thô.

- Tiếp tục thực hiện dự án cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt, chuyển hóa và sử dụng hiệu quả đất nương rẫy, trồng rừng cao sản, xác định giá trị môi trường rừng, giải pháp nông lâm kết hợp và các cơ chế chính sách tạo động lực thu hút các thành phần kinh tế và người dân tham gia TRSX và làm giàu từ nghề rừng.

- Tập trung phát triển giống cây lâm nghiệp có chất lượng cao, trước hết đáp ứng nhu cầu giống cho trồng rừng của Dự án phát triển vùng nguyên liệu phục vụ các nhà máy chế biến trên địa bàn huyện, tỉnh và các chương trình, dự án TRSX khác.

4.6.2.3. Các giải pháp về cơ chế chính sách

- Tổ chức đánh giá tác động của các chính sách đối với trồng RSX, khẳng định những khung chính sách cả vĩ mô và vi mô, cả về 2 mặt được và chưa được, đưa ra những đề xuất bổ sung hoàn thiện chính sách chung một cách kịp thời, phù hợp với các tỉnh miền núi nói chung và huyện Thạch An nói riêng.

- Cần rà soát và tiếp tục đẩy mạnh công tác giao đất, giao rừng thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo đúng luật định, đặc biệt là đất RSX để hộ gia đình, tổ chức và cá nhân yên tâm đầu tư kinh doanh trên mảnh đất mình được giao. Trong quá trình GĐGR cần xác định rõ ranh giới của các chủ rừng trên thực địa. Thường xuyên kiểm tra giám sát và xử lý kịp thời các trường hợp sử dụng đất lâm nghiệp sai mục đích. Thực hiện tốt về cơ chế chia sẻ lợi ích và trách nhiệm, gắn chặt quyền lợi và nghĩa vụ của người dân với rừng, đồng thời khuyến khích phát triển kinh tế trang trại lâm nghiệp.

- Cần xây dựng tổ chức chuyên trách chỉ đạo, kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách: Năng lực tổ chức thực hiện các chính sách của địa phương cần được nâng cao cả về trình độ cán bộ, điều kiện và phương tiện thực hiện, kiểm tra và giám sát.

- Về vốn đầu tư: đối với RSX nhà nước cần có chính sách bảo hộ, ổn định lãi suất vay ưu đãi tập trung trong 1-3 năm đầu và trong suốt quá trình đầu tư trồng rừng đến hết chu kỳ. Tạo cơ chế thông thoáng hơn để người dân được tiếp cận với vốn vay ưu đãi, cần tăng mức hỗ trợ từ nguồn vốn ngân sách cho các tổ chức, hộ gia đình trồng rừng sản xuất lên 3 triệu đồng/ha và cho cả đối tượng trồng rừng nguyên liệu, đối với dự toán trồng rừng nguyên liệu cần tính đủ theo mức độ thâm canh cao, về giá cây trồng nhất là những giống mới cần xây dựng sát với giá cả thị trường, đồng thời có cơ chế chính sách hỗ trợ cho sản xuất giống cây lâm nghiệp.

- Có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến nhỏ, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất ở huyện Thạch An về vốn đầu tư, thị trường. Tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình liên doanh liên kết giữa trồng RSX và chế biến tiêu thụ sản phẩm.

- Khuyến khích đầu tư trồng rừng thâm canh sử dụng các giống và kỹ thuật mới tạo ra được hiệu quả kinh tế để chủ rừng có khả năng tích luỹ vốn tái đầu tư trồng rừng, thoát ra khỏi sự phụ thuộc vào vốn vay.

4.6.2.4. Các giải pháp về kinh tế - xã hội

- Phải thiết lập quy hoạch vùng trồng RSX gắn với mạng lưới chế biến và thị trường cả trên thực địa: Xây dựng quy hoạch và kế hoạch trồng RSX, quy hoạch cả mạng lưới theo chuỗi hành trình của dòng nguyên liệu từ tạo vùng nguyên liệu đến chế biến và tiêu thụ một cách khép kín không chỉ trên giấy tờ, bản đồ mà phải được thực địa hoá.

- Thực hiện khoán đất trồng rừng dài hạn, cho thuê đất lâm nghiệp đối với các tổ chức và hợp đồng với nhóm chủ hộ có đất theo cơ chế cùng đầu tư, cùng hưởng lợi với tỷ lệ ăn chia có phần ưu tiên hơn cho người trồng rừng để thu hút người dân địa phương tham gia.

- Khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức đoàn thể như: Hội phụ nữ, hội nông dân, hội cựu chiến binh đứng ra tổ chức lực lượng tham gia trồng rừng sản xuất.

- Xây dựng khu công nghiệp chế biến lâm sản tập trung, chủ đạo của tỉnh kết hợp với phát triển các cơ sở chế biến quy mô vừa và nhỏ, phân tán ở huyện Thạch An và các xã nhằm giải quyết thị trường tiêu thụ gỗ cho các hộ trồng RSX, tạo thêm công ăn việc làm và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

- Đầu tư các công nghệ mới, hiện đại, các dây chuyền sản xuất liên hoàn,… để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu đồ gỗ. Huyện cần khuyến khích và hỗ trợ thành lập các Hợp tác xã sản xuất chế biến, kinh doanh lâm sản.

- Nhận thức và hiểu biết của người dân địa phương về sản xuất lâm nghiệp nói chung và trồng RSX thâm canh tập trung nói riêng chưa cao, vì vậy cần có giải pháp để nâng cao nhận thức và hiểu biết của người dân địa phương, đặc biệt là các dân tộc thiểu số.

- Cần có sự đầu tư cho cơ sở hạ tầng phục vụ cho trồng rừng và phát triển lâm nghiệp của địa phương như: Xây dựng hệ thống đường lâm nghiệp đến nơi trồng rừng, hệ thống cảnh báo sớm về cháy rừng, các trạm bảo vệ rừng,…

4.6.2.5. Các giải pháp về thông tin, tuyên truyền và phổ cập

- Đẩy mạnh tuyên truyền những chủ trương chính sách mới của Nhà nước về trồng RSX, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân về giá trị nhiều mặt của rừng (giá trị kinh tế, sinh thái, du lịch, bảo tồn,...).

- Cần phải tuyên truyền, giới thiệu tác dụng của rừng trong việc cung cấp lâm sản và LSNG cũng như chức năng bảo vệ môi trường sinh thái của rừng. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho các cán bộ chỉ

đạo hiện trường như: các khuyến lâm viên, kiểm lâm địa bàn, cán bộ lâm nghiệp xã. Để thực hiện được cần phải có sự phối hợp của nhiều tổ chức, lồng ghép công tác tuyên truyền, vận động sâu rộng trong quần chúng nhân dân. Để người dân hiểu có thể phát triển kinh tế hộ gia đình từ việc trồng RSX.

- Phổ biến chủ trương, đường lối phát triển lâm nghiệp hiện nay của Nhà nước, nhất là chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên, giao đất giao rừng tới hộ gia đình, quyền lợi và nghĩa vụ của người trồng rừng và bảo vệ rừng,....

- Thông tin cho người dân địa phương biết về thực trạng trồng RSX của tỉnh Cao Bằng và huyện Thạch An, các dự án quy hoạch vùng nguyên liệu trên địa bàn tỉnh, huyện, các giống cây trồng có năng suất và chất lượng cao,... để mọi người có cách nhìn nhận đúng đắn về vấn đề này. Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác thông tin thị trường, sản phẩm, giá cả,… cho người sản xuất.

- Phổ cập kỹ thuật, tổ chức cho người dân địa phương tham quan, học tập kinh nghiệm các điển hình trồng rừng, các mô hình trồng rừng sản xuất có hiệu quả kinh tế và bền vững, ở một số nơi đã phát triển rừng trồng sản xuất mạnh như Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái,…qua đó phát động phong trào trồng rừng trong nhân dân, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia góp vốn trồng rừng, bảo vệ và phát triển rừng.

Để công tác tuyên truyền và phổ cập đạt được kết quả cao cần phải áp dụng nhiều hình thức giới thiệu và phổ cập như loa đài, truyền thanh, tài liệu, tờ rơi, áp phích, biển hiệu,... ở mọi nơi, mọi chỗ như: trụ sở làm việc của xã, trường học, nhà văn hoá,... Nội dung các chương trình tuyên truyền phải phong phú, đa dạng; cần lồng ghép và phối hợp nhiều chương trình với nhau, gắn kết các thông tin sản xuất nông, lâm nghiệp, đặc biệt là về các giống cây trồng và kỹ thuật mới, các hoạt động của các dự án bảo tồn, dự án lâm nghiệp xã hội,... cũng như các hoạt động văn hoá, xã hội của xã, thôn với việc tuyên truyền, khích lệ người dân tham gia trồng RSX.

KẾT LUẬN, TỒN TẠI VÀ KIẾN NGHỊ 1. Kết luận

Trồng rừng sản xuất ở huyện Thạch An được chia làm 2 giai đoạn: i) Trước năm 1993 trồng rừng chỉ được thực hiện theo kế hoạch Nhà nước giao, quy mô nhìn chung nhỏ lẻ, mang mục đích phủ xanh, tỷ lệ thành rừng thấp đạt từ 55 - 60%, mục tiêu TRSX chưa được quan tâm; ii) Giai đoạn năm 1994 - đến nay, do chính sách giao đất giao rừng được thực hiện, từ đó TRSX đã được quan tâm phát triển và cụ thể hoá bằng các chương trình dự án khác nhau (6 dự án), tỷ lệ thành rừng đạt từ 85 – 90%.

Một phần của tài liệu Đánh giá thực trạng trồng rừng sản xuất tại huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng và đề xuất các giải pháp phát triển (Trang 85 - 111)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(111 trang)