4. Nội dung thẩm định dự án đầu tư cho vay vốn tại chi nhánh VPBank Kim Liên.
4.2. Thẩm định khách hàng vay vốn.
o Thẩm định năng lực pháp lý của khách hàng.
Khách hàng phải có đủ năng lực pháp lý theo quy định của pháp luật trong quan hệ vay vốn với ngân hàng. Đối với cá nhân vay vốn, người vay phải có quyền công dân, có sức khỏe, kỹ thuật tay nghế và kinh nghiệm trong lĩnh vực sử dụng vốn vay, có phẩm chất, đạo đức tốt. Đối với pháp nhân, phải có đầy đủ hồ sơ chứng minh pháp nhân đó được thành lập hợp pháp, có đăng ký kinh doanh, có quyết định bổ nhiệm người đại diện pháp nhân trước pháp luật. Ngoài ra ngân hàng còn phải thẩm định xem khách hàng có thuộc “ Đối tượng được vay vốn” theo quy định cụ thể của các chế độ, thể lệ cho vay hay không.
o Thẩm định năng lực và uy tín của khách hàng.
Thẩm định về ngành, nghề kinh doanh, kiểm tra sự phù hợp về ngành nghề ghi trong đăng ký kinh doanh với ngành nghề kinh doanh hiện tại của doanh nghiệp và sự phù hợp với dự án dự kiến đầu tư. Xu hướng phát triển của ngành nghề trong tương lai.
Quản trị điều hành của lãnh đạo bao gồm: năng lực quản trị điều hành, phẩm chất, tư cách, uy tín của lãnh đạo doanh nghiệp. Mục tiêu thẩm định về tính cách và uy tín của khách hàng nhằm mục đích hạn chế đến mức thấp nhất các rủi ro do chủ quan của khách hàng gây nên như: rủi ro về đạo đức, rủi ro về thiếu năng lực, trình độ, kinh nghiệm, khả năng thích ứng với thị trường. Uy tín của khách hàng được thể hiện dưới nhiều khía cạnh đa dạng như: chất lượng, giá cả hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm, mức độ chiếm lĩnh trên thị trường sản phẩm, chu kỳ sống của các sản phẩm
trên thị trường…Do đó phải phân tích các số liệu và tình hình phát triển với những thời gian khác nhau mới có kết luận chính xác. Bên cạnh đó cần xem xét mô hình tổ chức, bố trí lao động và quy mô hoạt động của doanh nghiệp. Rà soát, kiểm tra quan hệ của khách hàng với các tổ chức tín dụng khác như: doanh nghiệp đang vay tổ chức tín dụng nào, dư nợ là bao nhiêu, mục đích vay là gì, mức độ tín nhiệm, doanh nghiệp hoặc chủ đầu tư đang vay tiền ở tổ chức tín dụng nào.
o Thẩm định năng lực tài chính của khách hàng.
Việc tính toán các chỉ số để đánh giá năng lực tài chính của khách hàng cần thực hiện qua nhiều năm ( tối thiểu cũng phải là 2 năm gần nhất). Đánh giá chính xác năng lực tài chính của khách hàng nhằm xác định sức mạnh tài chính, khả năng độc lập, tự chủ tài chính trong kinh doanh, khả năng thanh toán và hoàn trả nợ của người vay. Ngoài ra còn phải xác định chính xác số vốn chủ sở hữu thực tế tham gia vào phương án xin vay vốn Ngân hàng theo quy định của chế độ cho vay. Nội dung thẩm định khả năng tài chính của khách hàng bao gồm:
- Nguồn vốn chủ sở hữu, tổng tài sản, cơ cấu giữa nguồn vốn của tài sản: đồi chiếu với mức vốn pháp định đồi với các ngành nghề kinh doanh của khách hàng, nhận xét sự tăng giảm nguồn vốn nếu có.
- Kết quả sản xuất kinh doanh của khách hàng các năm về trước, tình hình lỗ lãi, thâm hụt…
- Tình trạng, thực trạng của tài sản: tình trạng tài sản cố định, hàng tồn kho, các khoản phải thu…
Từ những nội dung trên, ngân hàng sẽ phân tích các nhóm chỉ tiêu về khả năng tự chủ tài chính, khả năng thanh toán, tốc độ luân chuyển vốn…
Nhóm chỉ tiêu về khả năng thanh toán hiện hành.
- Hệ số khả năng thanh toán = Tài sản lưu động / nguồn vốn lưu động
Chỉ tiêu này được dùng để đánh giá khả năng thanh toán của khách hàng và là tỷ suất giữa tài sản lưu động có thể chuyển thành tiền mặt trong vòng 1 năm và nguồn vốn lưu động. Tỷ lệ này > 1 là tốt. Khi đánh giá chỉ tiêu này cần loại trừ các khoản nợ khó đòi trong tài sản lưu động.
- Khả năng thanh toán nhanh = ( tiền mặt + đầu tư ngắn hạn) / nợ ngắn hạn
Hệ số này phải > 0,5. Hệ số này đánh giá khả năng thanh toán ngắn hạn, khả năng hoán đổi thành tiền nhanh để đảm bảo khả năng thanh khoản.
Nhóm các chỉ tiêu phản ánh cơ cấu vốn.
Được tính để biết được số nợ của doanh nghiệp so với tổng nguồn vốn. Tỷ lệ này càng nhỏ càng tốt.
- Cơ cấu nguồn vốn = nguồn vốn lưu động / tổng tài sản
Được tính để biết cơ cấu nguồn vốn có hợp lý hay không và phụ thuộc vào từng ngành nghề.
- Tỷ lệ nợ so với vốn chủ sở hữu = tổng giá trị nợ / giá trị vốn chủ sở hữu
Đứng trên góc độ ngân hàng, tỷ số này nên biến động từ 0 → < 1. Nếu bằng hoặc lớn hơn 1 thì doanh nghiệp quá lệ thuộc vào vốn vay và như vậy rủi ro của doanh nghiệp dồn hết cho ngân hàng gánh chịu.
- Tỷ số nợ = tổng giá trị nợ / tổng tài sản
Tỷ lệ này đánh giá mức sử dụng nợ để tài trợ cho toàn bộ tài sản của doanh nghiệp, tỷ số này thuộc (0,1). Tỷ số này bằng hoặc lớn hơn 1 thì toàn bộ giá trị tài sản của công ty không đủ để trả nợ và công ty đó sẽ phá sản ngay nếu chủ nợ đòi nợ cùng một lúc.
Nhóm các chỉ tiêu phản ánh khả năng sinh lời.
- Khả năng sinh lời của tổng tài sản = lợi nhuận trước thuế / tổng tài sản.
Được tính để biết khả năng sinh lời của tổng tài sản, tỷ lệ này càng cao càng tốt. - Khả năng sinh lời của vốn chủ sở hữu = lợi nhuận sau thuế / vốn chủ sở hữu
Được tính để biết được lợi nhuận thực tế đạt được trên vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp, đánh giá khả năng kinh doanh thực sự của doanh nghiệp. Chỉ tiêu này càng cao càng tốt, ít nhất phải cao hơn lãi suất vay trong kỳ. Trong trường hợp khách hàng có vốn chủ sở hữu quá nhỏ thì chỉ số này có thể cao nhưng có thể tiềm ẩn rủi ro lớn.
- Tỷ suất lợi nhuận ròng = lợi nhuận sau thuế / doanh thu bán hàng
Được tính để biết năng lực kinh doanh, cạnh tranh của khách hàng trong việc tạo ra lợi nhuận. Tỷ suất này càng cao càng tốt.