CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VỀ ĐỀ TÀI
1.3. Những nghiên cứu về phát triển đô thị bền vững
Trên thế giới, những nghiên cứu về phát triển bền vững đô thị cũng được chia ra nhiều nhóm chủ đề khác nhau. Một số các nghiên cứu tập trung vào việc nhận diện các thành phân của phát triển bền vững từ cách tiếp cận hệ thống. Các thành phần này gồm ba trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường. Ngoài ra, một số tác giả còn bổ sung thêm các yếu tố khác, như văn hóa [Basiago, 1999], đạo đức và chính trị [Smith, 2011] hay tài nguyên thiên nhiên [Alpopi cùng cộng sự, 2011].
Một chủ đề khác cũng nhận được nhiều sự quan tâm của các học giả nghiên cứu là phân tích các yếu tố thúc đẩy và cản trở sự bền vững đô thị, bao gồm những yếu tố thuộc về đời sống đô thị, từ kinh tế, thể chế, chính trị, đến các vấn đề về quy mô dân số, hay cơ sở hạ tầng đô thị, v.v. [Banister, 1998], [Bai cùng cộng sự, 2010], [Nour, 2011], [Fitzgerald, 2012]. Từ đó, một số tác giả đã đưa ra các giải pháp thể chế, chính sách, các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội – môi trường đảm bảo sự phát triển hài hòa trong khung thể chế và văn hóa vùng miền. Trong các nhóm giải pháp được đưa ra, một số công trình nghiên cứu tập trung vào các giải pháp từ phía chính quyền, nhà quản lý, hoạch định đô thị, trong khi một số khác lại đề xuất giải pháp tiếp cận từ phía cộng đồng và mối quan hệ giữa các bên liên quan trong quá
28
trình xây dựng đảm bảo phát triển đô thị bền vững [Teelucksingh, 2007], [Wang cùng cộng sự, 2010], [Maiello cùng cộng sự, 2013].
Ở Việt Nam, những nghiên cứu về phát triển bền vững cũng bắt đầu xuất hiện cùng với xu hướng phát triển chung của thế giới. Phạm Khôi Nguyên [2004]
đã giới thiệu khái quát quá trình thực hiện các cam kết phát triển bền vững của Việt Nam, từ việc ban hành các chính sách, quy định đến việc lập kế hoạch triển khai các chương trình quản lý nhằm đảm bảo sự phát triển hài hòa giữa kinh tế - xã hội và môi trường. Đoàn Minh Huấn và Vũ Văn Hậu [2010] trong “Phát triển bền vững thủ đô Hà Nội” đã đề cập đến khái niệm phát triển bền vững, cách hiểu về khái niệm này và đặt trong bối cảnh phát triển của Hà Nội hiện nay. Các tác giả khẳng định việc tiếp cận về phát triển bền vững đô thị là vấn đề lớn, có tính chất liên ngành và chỉ ra 5 nội dung đặc trưng của phát triển bền vững đô thị, đó là bền vững môi trường, kinh tế, xã hội, văn hóa và thể chế. Trong lĩnh vực môi trường, nhóm tác giả cũng đề cập đến giải pháp tổ chức phân loại rác tại nguồn, thu gom và xử lý 100% phế thải đô thị, phế thải công nghiệp, y tế; xây dựng một số nhà máy xử lý, tái chế tập trung. Cũng đề cập đến các chiều cạnh khác nhau của phát triển bền vững đô thị, David&Chris [1997] đã chỉ ra các chiều cạnh gồm kinh tế, xã hội, môi trường, dân số, và chính trị. Tác giả đồng thời chỉ ra những khó khăn của quá trình thực hiện phát triển bền vững, như nghèo đói đô thị, những nhu cầu cơ bản của đô thị và môi trường đô thị. Số dân nhập cư vào Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh vẫn tăng cao, lượng thất nghiệp nhiều tại các khu vực đô thị, trong khi đó những vấn đề môi trường đô thị vẫn chưa được giải quyết triệt để như vấn đề rác thải đô thị, thu gom và xử lý rác, hệ thống thoát nước gây úng ngập ở đô thị vẫn tiếp diễn. Lê Hồng Kế [2009] lại chỉ ra những khó khăn về thực trạng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị còn chưa đạt yêu cầu: tỷ lệ đất dành cho giao thông nhỏ bé, tỷ lệ thu gom chất thải rắn tại các đô thị lớn nhỏ chưa cao, từ đó, nảy sinh ra nhiều thách thức cho công tác quy hoạch phát triển đô thị như các vấn đề về đất đai, cấp nước, rác thải, giao thông đường bộ, công ăn việc làm cho người dân, và tính công bằng xã hội giữa các nhóm dân cư. Ngoài ra, có một số công trình khác đã tập trung phân tích từng khía cạnh của sự phát triền bền vững , như bền vững về mặt xã hội [Trịnh Duy Luân, 2006], [Giang Thanh Long, 2012], hay bền vững môi trường [Vincoli, 1996], [Nguyen Thi Binh Minh cùng cộng sự, 2001], [Huge cùng cộng sự, 2010], [Nguyen&Coowwanitwong, 2011].
29
Tiểu kết chương 1
Chương 1 đã mô tả các kết quả nghiên cứu từ các công trình đi trước, bàn về các chủ đề liên quan tới vấn đề tham gia của người dân trong các hoạt động quản lý rác thải đảm bảo phát triển bền vững đô thị. Từ đây, có thể rút ra một số kết luận sau đây:
Chủ đề này đã được các nhà nghiên cứu môi trường và hoạch định chính sách ở nhiều nước trên thế giới quan tâm nghiên cứu. Những nghiên cứu đã tập trung tìm hiểu thực trạng tham gia của người dân biểu hiện thông qua quá trình thực hiện phân loại và thu gom rác thải. Đồng thời, phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến sự tham gia của cộng đồng trong hoạt động quản lý rác thải, gồm những yếu tố thể chế, chính sách, kinh tế, chính trị, văn hóa, v.v. Từ đó, những nghiên cứu này đều khẳng định “Sự tham gia của cộng đồng” là một trong những yếu tố quan trọng của hoạt động quản lý rác thải bền vững. Đây cũng được xem là một trong những tiêu chí đánh giá sự phát triển bền vững đô thị, trong đó có sự bền vững về kinh tế - xã hội và sự bền vững về môi trường.
Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam, nghiên cứu sự tham gia của người dân trong hoạt động quản lý rác thải chưa được thực hiện nhiều. Những nghiên cứu được tác giả tổng hợp trong chương này phần lớn mới dừng lại ở việc mô tả thực trạng người dân phân loại và thu gom rác thải. Đây chỉ là một bình diện khi nói đến sự tham gia của người dân trong hoạt động quản lý rác thải. Hơn thế nữa, đặt trong bối cảnh hướng đến mục tiêu phát triển bền vững đô thị thì yếu tố tham gia của cộng đồng trong việc xây dựng các chính sách và quy định có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân càng trở nên cần thiết hơn. Những nghiên cứu đánh giá sự tham gia của người dân trong xây dựng các chính sách hoặc các dự án phát triển được thực hiện chủ yếu ở các vùng nông thôn. Vì thế, có thể nhận thấy sự thiếu hụt những nghiên cứu về sự tham gia của cộng đồng đô thị trong hoạt động quản lý rác thải. Đồng thời, trong lĩnh vực môi trường đô thị, cũng chưa có nhiều nghiên cứu tìm hiểu quá trình người dân tham gia trong xây dựng chính sách và ra các quyết định. Để đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững đô thị ở Việt Nam hiện nay, đặc biệt trong lĩnh vực môi trường đô thị, rất cần bổ sung những nghiên cứu về sự tham gia của người dân trong hoạt động bảo vệ môi trường
30
CHƯƠNG 2: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ SỰ THAM GIA CỦA NGƯỜI DÂN TRONG HOẠT ĐỘNG QUẢN LÝ RÁC THẢI ĐẢM BẢO PHÁT TRIỂN