Hệ khái niệm công cụ

Một phần của tài liệu Sự tham gia của người dân trong hoạt động quản lý rác thải đảm bảo phát triển bền vững đô thị nghiên cứu trường hợp quận hoàn kiếm và huyện ứng hòa hà nội (Trang 34 - 38)

CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VỀ ĐỀ TÀI

2.1. Hệ khái niệm công cụ

2.1.1. Khái niệm “rác thải” và “quản lý rác thải”

Chất thải (waste) là những thứ không được sử dụng cho những mục đích của con người. Nó là những chất liệu đã được dùng và không còn giá trị sử dụng sau những hành động sản xuất hay tiêu dùng, thường gắn liền với các đặc điểm như để trong thùng rác, sự bẩn thỉu, không sạch sẽ [O’Connell, 2011, tr.106].

Chất thải có nhiều nguồn khác nhau, ]gồm chất thải từ các hộ gia đình, chất thải công nghiệp, thương mại, y tế, động vật, nông nghiệp, hạt nhân nguyên tử và khoáng chất, v.v. Chất thải có nhiều loại, như chất thải rắn, khí, lỏng, v.v. Chất thải rắn cũng bao gồm các loại: chất thải sinh hoạt, chất thải độc hại, y tế và chất thải điện tử [Basu, 2010, tr.20].

Cù Huy Đấu &Nguyễn Thị Hường [2010] đã cho rằng trên thực tế, theo thói quen trong cuộc sống hàng ngày, cụm từ “rác thải” hay “phế thải” được sử dụng nhiều hơn so với “chất thải rắn”. Điều này cũng phù hợp đặt trong nghiên cứu tìm hiểu sự tham gia của người dân trong hoạt động quản lý rác thải đô thị. Thuật ngữ

“rác thải” mang tính phổ biến, dễ hiểu và gần gũi trong cộng đồng dân cư hơn so với thuật ngữ “chất thải rắn”. Do vậy, việc sử dụng thuật ngữ “rác thải” sẽ tiếp cận người dân dễ dàng hơn và tạo ra sự thống nhất trong cách hiểu của người dân về vấn đề nghiên cứu. Vì thế, luận án này sử dụng khái niệm “rác thải” thay cho khái niệm “chất thải rắn”. Trong các loại rác thải khác nhau, luận án này chỉ tập trung tìm hiểu tình hình rác thải sinh hoạt hàng ngày của người dân.

Khái niệm “quản lý rác thải” được trình bày trong nhiều công trình nghiên cứu khác nhau. Hoffman&Muller [2001] khi mô tả sự hợp tác tại cộng đồng trong hoạt động quản lý rác thải bền vững đã chỉ ra các nội dung của khái niệm “quản lý chất thải rắn”, gồm 3 phương diện. Một là các quy trình như: sự phân loại, thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, và xử lý chất thải. Hai là các yếu tố tham gia của các bên liên quan trong hoạt động quản lý rác thải. Ba là các yếu tố kinh tế/tài chính, kỹ thuật, thể chế, văn hóa và xã hội ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý rác thải.

31

Theo Cù Huy Đấu & Nguyễn Thị Hường [2010], hoạt động quản lý chất thải rắn bao gồm các hoạt động quy hoạch, quản lý, đầu tư xây dựng cơ sở quản lý chất thải rắn, các hoạt động phân loại, thu gom, lưu trữ, vận chuyển, tái sử dụng và xử lý chất thải rắn nhằm ngăn ngừa , giảm thiểu những tác động có hại đối với môi trường và sức khỏe con người. Khi tiếp cận từ góc độ rác thải sinh hoạt của các hộ gia đình, tác giả nhận thấy sự tham gia của các hộ gia đình được biểu hiện rõ ràng nhất ở các quá trình phân loại rác, thu gom rác và xử lý rác thải (sự tham gia của người dân trong hoạt động xử lý rác thải được biểu hiện ở khu vực nông thôn rõ ràng hơn so với khu vực đô thị); vì thế, luận án sẽ tập trung phân tích hoạt động quản lý rác thải ở ba chiều cạnh và quy trình phân loại rác tại nguồn, thu gom và xử lý rác thải.

2.1.2. Khái niệm “sự tham gia của người dân”

Harding cùng cộng sự [2009] đã phân tích khái niệm “sự tham gia của cộng đồng” theo hai thuật ngữ thành phần “sự tham gia” và “cộng đồng”. “Sự tham gia”

đặc biệt trong lĩnh vực môi trường, được hiểu là quá trình đối thoại giữa cộng đồng và người ra quyết định, giữa một bên là các cá nhân, nhóm tổ chức và một bên là

“nhóm chính quyền” trong việc thảo luận và ra các quyết định môi trường. Thuật ngữ “cộng đồng” bao gồm tất cả các chủ thể đóng góp hay bị ảnh hưởng bởi các quyết định môi trường, bao gồm những người hoạch định chính sách, chuyên gia, doanh nhân, các cá nhân thụ hưởng, tổ chức dân sự và nhóm người dân. Như vậy, cộng đồng được hiểu là một khái niệm có nội hàm khá rộng, bao gồm tất cả các thành viên cùng sinh sống trong một khu vực địa lý, có những đặc điểm chung về lối sống và các điều kiện kinh tế - xã hội và văn hóa, chính trị.

Tiếp cận khái niệm này ở một chiều cạnh khác, Marzuki [2009] cho rằng

“sự tham gia của cộng đồng” là khái niệm thể hiện các phương diện sau: (i) sự tham gia là quá trình trao quyền cho mỗi cá nhân trong cộng đồng được tham gia vào việc xây dựng và ra các quyết định, chính sách của chính phủ; (ii) sự tham gia là quá trình chia sẻ một hành động chung giữa chính phủ và công dân trong việc tạo dựng chính sách; và (iii) sự tham gia là nền tảng của quyền con người, đặc biệt đối với những nhóm yếu thế trong xã hội; từ đó tác giả kết luận “dân chủ”, “quyền công dân” và “trao quyền” là những nội dung trọng tâm của khái niệm sự tham gia

32

và sự tham gia của cộng đồng là một quá trình quan trọng trong hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch và hướng tới phát triển bền vững.

Người dân là một thành tố của cộng đồng, bên cạnh đó còn có các nhóm đoàn thể xã hội, các tổ chức dân sự, tổ chức phi chính phủ.Trong hoạt động quản lý rác thải, người dân là một trong hai nhóm ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả quản lý rác thải (cùng với nhóm công ty vệ sinh môi trường và công nhân vệ sinh môi trường). Bởi vậy, nội dung chính của luận án là tìm hiểu sự tham gia của người dân với tư cách là các chủ thể thải rác. Đồng thời, phân tích mối quan hệ của nhóm người dân và những nhóm khác của cộng đồng trong bức tranh quản lý rác thải đô thị; từ đó làm sáng tỏ thêm sự tham gia của cộng đồng trong hoạt động quản lý rác thải hiện nay.

Như vậy, phân tích sự tham gia của người dân trong hoạt động quản lý rác thải, sẽ tiến hành trên hai bình diện sau:

Thứ nhất, nhìn nhận “sự tham gia” như một hành động xã hội, tìm hiểu xem hành động phân loại, thu gom và xử lý rác của người dân có tính duy lý hay không?

Ngoài ra, hành động tham gia gián tiếp xử lý rác thải tại khu dân cư được biểu hiện như thế nào? Các nhóm xã hội khác nhau về địa vị, vai trò và chức năng trong cơ cấu xã hội sẽ có sự khác biệt ra sao trong những hành động tham gia của mình?

Thứ hai, phân tích “sự tham gia” như một quá trình trao quyền cho người dân trong quá trình thảo luận ra các quyết định về quản lý rác thải. Trên phương diện này, luận án sẽ tìm hiểu các thang bậc của sự tham gia và xác định mức độ tham gia của người dân hiện nay ở thang bậc nào, có những đặc điểm nào giống và khác với thang bậc mà Arnstein (1969) và Choguill (1996) đã đưa ra.

2.1.3. Khái niệm “phát triển bền vững đô thị”

Khái niệm “đô thị”

Nguyễn Thế Bá [2011, tr.5] đã chỉ ra các yếu tố cơ bản của đô thị bao gồm:

 Là trung tâm tổng hợp hay trung tâm chuyên ngành, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của một vùng lãnh thổ nhất định;

 Quy mô dân số nhỏ nhất là 4000 người (vùng núi có thể thấp hơn);

 Tỷ lệ lao đông phi nông nghiệp >=60% trong tổng số lao động, là nơi có sản xuất dịch vụ thương mại hàng hóa phát triển;

33

 Có cơ sở hạ tầng kỹ thuật và các công trình công cộng phục vụ dân cư đô thị;

 Mật độ dân cư được xác định tùy theo từng loại đô thị phù hợp với đặc điểm từng vùng.

Có những chia sẻ tương đồng trong cách nhìn về đô thị, Trịnh Duy Luân [2005, tr.25-26] cho rằng đô thị là hình thức tổ chức xã hội có xuất xứ địa lý và mang những đặc trưng nhất định, gồm: (i) số dân đông, mật độ dân số cao, không thuần nhất; (ii) ít nhất có một bộ phận dân cư làm các công việc phi nông nghiệp và một số chuyên gia; (iii) đảm nhận những chức năng thị trường và ít nhất phải có một phần quyền lực quản lý điều hành; (iv) thể hiện những hình thức tương tác trong đó hình ảnh cá nhân gắn liền với các vai trò; (v) đòi hỏi một gắn kết xã hội dựa trên cái gì rộng hơn là gia đình trực hệ hay bộ lạc .

Khái niệm “phát triển bền vững”

Những quan điểm về phát triển bền vững được khởi đầu từ Hội nghị Liên hiệp quốc (LHQ) về Môi trường con người được tổ chức ở Stockholm năm 1972 là một khởi đầu tốt cho quá trình thảo luận sự phát triển của thuật ngữ ‘sự bền vững’

[Harding cùng cộng sự, 2010, tr.24]. Tuy nhiên, định nghĩa phát triển bền vững trong báo cáo Brundtland [1987] được các nhà nghiên cứu sử dụng và trích dẫn nhiều hơn cả. Định nghĩa này đã chỉ ra rằng “phát triển bền vững là sự phát triển đáp ứng nhu cầu của thế hệ hiện tại nhưng không làm tổn hại đến khả năng thỏa mãn nhu cầu của thế hệ tương lai” [World Commission on Environment and Development, 1987, tr.43]. Báo cáo này khẳng định những nhu cầu của con người là cơ bản và cần thiết, tăng trưởng kinh tế và đảm bảo sự công bằng chia sẻ nguồn lực cho người nghèo sẽ được khuyến khích bởi sự tham gia của người dân một cách hiệu quả. Khái niệm phát triển bền vững cũng đề cập tới các giới hạn. Giới hạn này nói tới khả năng của hệ sinh thái và nguồn lực môi trường có thể chịu đựng các tác động của quá trình phát triển kinh tế - xã hội, biểu hiện qua hoạt động của con người hay không [Kates cùng cộng sự, 2005]. Tuy vậy, cũng cần nói thêm rằng việc xác định được chính xác các nhu cầu của thế hệ tương lai khi chúng ta đang tồn tại trong thế giới hiện tại không phải là điều dễ dàng, và nhiều khi còn mơ hồ.

Vì thế, khái niệm “phát triển bền vững” được sử dụng trong luận án này nhấn mạnh đến ba trụ cột chính của sự bền vững, gồm phát triển kinh tế, phát triển xã hội và

34

bảo vệ môi trường. Trong đó, đảm bảo sự công bằng, bình đẳng cho các nhóm xã hội khác nhau khi tham gia bảo vệ môi trường và xây dựng các chính sách môi trường sẽ được đề cập đến sâu hơn trong chương 3 và chương 4 của luận án.

Về khái niệm “phát triển bền vững đô thị”, tác giả Đoàn Minh Huấn và Vũ Văn Hậu [2012] đã tổng hợp nhiều cách định nghĩa khác nhau, như:

Quan điểm của trung tâm về định cư con người của Liên hợp quốc cho rằng một thành phố bền vững khi có những thành tựu phát triển tự nhiên, kinh tế và xã hội. Sự phát triển này phải phù hợp với nguồn tài nguyên thiên nhiên, tránh những rủi ro từ môi trường có thể đe dọa đến những mục đích phát triển.

Quan điểm của Hội nghị đô thị 21: đô thị bền vững là đảm bảo nâng cao chất lượng cuộc sống ở thành phố, gồm các điều kiện về sinh thái, văn hóa, chính trị, tổn giáo, kinh tế và xã hội nhưng không làm ảnh hưởng đến cuộc sống của thế hệ tương lai

Ở Việt Nam, Hội thảo phát triển đô thị bền vững đã tổng kết quan điểm đô thị bền vững phải đảm bảo có 3 yếu tố bền vững kinh tế, xã hội và môi trường, dựa trên 4 tiêu chí là cạnh tranh tốt, cuộc sống tốt, tài chính lành mạnh và quản lý tốt.

Tổ chức UN Habitat (2004) đã định nghĩa đô thị bền vững là quá trình vận động đảm bảo mối quan hệ hài hòa trong sự bền vững của các yếu tố môi trường, xã hội, kinh tế và các thể chế/chính trị.

Tóm lại, khái niệm phát triển bền vững đô thị được hiểu là mối quan hệ bền vững của ba yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường trong một khung thể chế phù hợp, đảm bảo chất lượng cuộc sống cho thế hệ hiện tại và không làm suy giảm khả năng của hệ sinh thái nhằm đáp ứng nhu cầu của thế hệ tương lai.

Một phần của tài liệu Sự tham gia của người dân trong hoạt động quản lý rác thải đảm bảo phát triển bền vững đô thị nghiên cứu trường hợp quận hoàn kiếm và huyện ứng hòa hà nội (Trang 34 - 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(190 trang)