Lý thuyết về sự tham gia của cộng đồng

Một phần của tài liệu Sự tham gia của người dân trong hoạt động quản lý rác thải đảm bảo phát triển bền vững đô thị nghiên cứu trường hợp quận hoàn kiếm và huyện ứng hòa hà nội (Trang 40 - 43)

CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VỀ ĐỀ TÀI

2.2 Các lý thuyết sử dụng

2.2.2. Lý thuyết về sự tham gia của cộng đồng

Từ khái niệm nền tảng “sự tham gia của cộng đồng”, nhiều tác giả đã xây dựng thang đo về sự tham gia của cộng đồng, trong đó đảm bảo mục tiêu thực hiện dân chủ, trao quyền và quyền con người. Trong số đó phải kể đến các công trình nghiên cứu của Sherry R. Arnstein [1969], Wilcox (1995), và Choguill (1996).

Arnstein là người đầu tiên đưa ra các thang bậc đo lường mức độ tham gia của cộng đồng trong các chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Lúc đó, tại nước Mỹ,

37

những quan điểm trái chiều của người dân Mỹ, đặc biệt khi người Mỹ da màu cần có quyền lực ngang bằng với người da trắng trong quá trình ra các quyết định của thành phố, trực tiếp ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Arnstein tìm hiểu mức độ tham gia của cộng đồng với mục tiêu cao nhất là trao quyền cho người dân, biểu hiện mạnh mẽ của xã hội dân chủ. Bà nhấn mạnh, nếu như sự tham gia mà không có yếu tố quyền lực ở trong đó thì sự tham gia đó trở nên vô nghĩa, mang tính hình thức [Arnstein, 1969, tr. 216].

8 Quyền kiểm soát

Mức độ trao quyền cho công dân

7 Ủy quyền

6 Cộng tác

5 Xoa dịu

Mức độ có dấu hiệu của sự tham gia

4 Tham vấn

3 Cung cấp thông tin 2 Trị liệu/tâm lý

Mức độ không tham gia

1 Vận động

Hình 2 1: Các bậc thang đo lường mức độ tham gia của cộng đồng (Arnstein 1969)

Hai bậc thang đầu tiên là sự “vận động lôi kéo” và “trị liệu tâm lý”, biểu hiện cho mức độ “không tham gia”. Mục tiêu chính của hai mức thang này không phải là hỗ trợ người dân tham gia vào việc lập kế hoạch hay triển khai chương trình, mà hỗ trợ những người nắm giữ quyền lực có thể thực hiện giáo dục hoặc tập huấn cho những người không có quyền lực. Mức độ 3&4 biểu hiện cho sự tham gia một cách miễn cưỡng, cho phép người tham gia được đưa ra ý kiến và được lắng nghe. Tuy nhiên, bản chất của hai cấp độ này là thông tin được truyền đi một chiều, từ người nắm giữ quyền lực và chuyên gia đến người dân mà không có đường truyền ngược lại, đặc biệt khi thông tin được đưa ra ở những giai đoạn cuối của dự án thì người dân sẽ không có cơ hội tham gia và góp ý kiến cho việc lập kế hoạch và triển khai. Bậc (5) biểu hiện mức độ tham gia mà tại đó người dân được đưa ra lời khuyên và ý kiến nhưng quyền quyết định vẫn thuộc về chính quyền. Hai mức thang tiếp theo biểu hiện sự tăng lên của quyền lực của người dân trong việc ra quyết định. Theo đó, người dân có thể đi đến giai đoạn hợp tác, đàm phán, tranh

38

luận và gắn kết vào các thỏa thuận với những người nắm giữ quyền lực. Arnstein cũng cho rằng trên thực tế không có một cá nhân hay tổ chức nào có quyền lực kiểm soát một cách tuyệt đối nhưng trong bối cảnh tham gia của người dân thì người dân có quyền yêu cầu và đòi hỏi về mức độ quyền lực kiểm soát, và nói chung người dân có quyền quản lý chương trình, có trách nhiệm với việc hoạch định và thi hành chính sách, và có thể tiến hành những đàm phán cần thiết.

Dựa trên 8 thang bậc về sự tham gia của Arnstein [1969], Wilcox [1995] đã rút gọn các thang bậc này, và đưa ra 5 bậc thang của sự tham gia, bao gồm: (1) Thông tin (Information), (2) Tham vấn (consultation), (3) Cùng nhau quyết định (deciding together), (4) Cùng nhau hành động (acting together), (5) Ủng hộ những hoạt động địa phương (Supporting local initiatives).

Khác với quan điểm của Arnstein [1969] và Wilcox [1995], Choguill [1996]

cho rằng mục tiêu của sự tham gia của cộng đồng không chỉ là việc trao quyền, hay người dân có quyền lực mà bên cạnh đó, sự tham gia còn hướng đến mục tiêu tự quản lý, giúp đỡ lẫn nhau của chính cộng đồng, với sự hỗ trợ của các nhóm bên ngoài cộng đồng (như các tổ chức phi chính phủ), bất chấp sự thờ ơ và không ủng hộ của chính phủ. Tác giả cũng cho rằng 8 thang bậc của Arnstein đưa ra chỉ phù hợp trong bối cảnh của các nước phát triển, vì thế đặt trong hoàn cảnh của các nước kém phát triển, cần một thang đo về sự tham gia phù hợp hơn.

Về cơ bản, những thang bậc cao nhất trong 8 nấc thang mà Choguill [1996]

đưa ra có phần trùng khớp với thang bậc của Arnstein [1969]. Theo đó, ở những bậc thang cao nhất của thang đo, người dân được trao quyền, có số ghế nhiều hơn trong hội đồng ra quyết định. Các bậc thang tiếp theo thể hiện sự giảm dần về quyền lực của người dân, đồng nghĩa với nó là quyền lực của chính quyền, bộ phận hoạch định chính sách và ra quyết định sẽ lớn hơn. Trong đó, càng ở cấp độ thấp thì sự tham gia chỉ mang tính hình thức, đôi khi là sự truyền thông tin một chiều.

Mức độ quyền lực của người dân giảm xuống, đặc biệt khi chính quyền không quan tâm đến nhóm người nghèo, đẩy nhóm này ra ngoài các chiến lược phát triển của đô thị, vì thế Choguill đã bổ sung thêm bậc thang cuối cùng là “tự quản lý”. Tại đây, cộng đồng có thể tự vận động sự hỗ trợ từ các tổ chức phi chính phủ hay những nhóm ủng hộ họ để thực hiện các dự án phát triển, đáp ứng những nhu cầu cơ bản phục vụ cuộc sống cộng đồng. Theo tác giả, mức độ này được thực hiện sẽ

39

đảm bảo mục tiêu giúp đỡ lẫn nhau của các thành viên trong cộng đồng; tuy nhiên mục tiêu về quyền lực hay thay đổi vị thế trong hệ thống chính trị là khó thực hiện.

Như vậy, có thể thấy điểm chung của các quan điểm lý thuyết khi bàn đến sự tham gia của cộng đồng là đều chỉ rõ cấp độ cao nhất của sự tham gia là trao quyền; với những biểu hiện cao nhất về quyền lực và quyền tự do của con người, đặc biệt đối với nhóm người yếu thế trong xã hội; mức độ trao quyền và quyền kiểm soát của người dân giảm xuống qua các mức độ thể hiện sự bị động, chấp hành, lắng nghe những người có quyền lực cung cấp và truyền bá thông tin một chiều từ trên xuống dưới. Trong nhiều trường hợp, khi chính quyền thờ ơ và bỏ qua những yêu cầu của nhóm yếu thế trong cộng đồng thì cộng đồng đó có thể tự lực thực hiện các hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu cơ bản của mình với sự giúp đỡ của nhóm đồng minh bên ngoài cộng đồng. Bên cạnh đó, các lý thuyết cũng nhấn mạnh đến việc đánh giá mức độ tham gia của cộng đồng hay huy động sự tham gia của cộng đồng cần căn cứ vào bối cảnh chính trị cũng như bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội cùng với các điều kiện văn hóa, phong tục tập quán của từng quốc gia.

Vận dụng lý thuyết về sự tham gia trong luận án này, tác giả muốn tìm hiểu mức độ tham gia của người dân trong quá trình quản lý rác thải, cả ở chiều cạnh trực tiếp và gián tiếp. Bên cạnh đó, các thang bậc về sự tham gia sẽ là cơ sở để tác giả đo lường mức độ tham gia của người dân vào quá trình xây dựng và thực hiện cơ chế quản lý rác thải tại địa phương, từ đó, xác định chân thực nhất cấp độ và bản chất của sự tham gia của người dân trong các hoạt động quản lý rác thải tại một nước đang phát triển như Việt Nam.

Một phần của tài liệu Sự tham gia của người dân trong hoạt động quản lý rác thải đảm bảo phát triển bền vững đô thị nghiên cứu trường hợp quận hoàn kiếm và huyện ứng hòa hà nội (Trang 40 - 43)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(190 trang)