Đô thị hóa và yêu cầu quản lý rác thải đô thị

Một phần của tài liệu Sự tham gia của người dân trong hoạt động quản lý rác thải đảm bảo phát triển bền vững đô thị nghiên cứu trường hợp quận hoàn kiếm và huyện ứng hòa hà nội (Trang 46 - 49)

CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VỀ ĐỀ TÀI

2.3. Đô thị hóa và yêu cầu quản lý rác thải đô thị

Quá trình đô thị hóa ở Việt Nam có những thay đổi đáng kể từ giai đoạn đầu của những năm 1990, khi đó có sự dịch chuyển và ban hành các chính sách thừa nhận vai trò quan trọng của phát triển đô thị trong sự phát triển chung của quốc gia [Labbe, 2011]. Bắt đầu từ thời kỳ Đổi Mới, Việt Nam đã bước vào con đường tự do hóa kinh tế, đồng thời Chính phủ cũng ban hành nhiều chính sách hỗ trợ nhằm tăng trưởng kinh tế và phát triển đô thị đồng đều hơn. Trong chiến lược Phát triển Kinh tế - Xã hội giai đoạn 2011-2020, các phân tích đã chỉ ra rằng Việt Nam có cơ hội để thực hiện thành công quá trình đô thị hóa. Nếu như đô thị hóa thất bại thì quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa cũng thất bại theo. Không thể phủ nhận quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ, số lượng đô thị ngày một tăng cao, từ 649

43

đô thị (năm 2000) đến 755 đô thị (năm 2011) [Tổng cục Môi trường, 2011]. Đô thị phát triển kéo theo số lượng dân số thành thị cũng tăng lên do lượng người di dân từ nông thôn ra thành thị kiếm việc làm. Số dân đô thị đang tăng nhanh với tốc độ tăng trưởng là 3,4%/năm. Theo các số liệu và tính toán của Tổng cục thống kê, Dân số đô thị đã tăng từ 25,58 triệu người, chiếm 29,74% tổng dân số cả nước ( năm 2009), đến 28,36 triệu người, chiếm 34% tổng dân số cả nước (năm 2012). Dự báo, năm 2015, dân số đô thị cả nước khoảng 35 triệu người, chiếm 38% dân số cả nước; năm 2020, dân số đô thị khoảng 44 triệu người, chiếm 45% dân số cả nước;

năm 2025, dân số đô thị khoảng 52 triệu người, chiếm 50% dân số cả nước [Tổng cục thống kê, 2012] .

Như vậy, tốc độ đô thị hóa đang ngày một tăng nhanh ở Việt Nam. Đô thị hóa một mặt đem lại những thay đổi tích cực cho quá trình phát triển kinh tế, giảm tỷ trọng các ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ, từ đó tăng tổng thu nhập quốc dân cao hơn. Tuy vậy, đô thị hóa cũng tạo ra nhiều sức ép đối với sự phát triển bền vững của đô thị nói riêng và cả nước nói chung. Trung bình người dân đô thị tiêu dùng năng lượng, đồ tiêu dùng, sản phẩm cao gấp 2 – 3 lần người dân nông thôn, đồng nghĩa với nó là lượng rác thải của người dân đô thị cũng gấp 2 – 3 lần người dân nông thôn [Tổng cục Môi trường, 2011]. Khả năng chịu đựng của môi trường tự nhiên có giới hạn, trong khi dân số đô thị tăng nhanh và không có biện pháp xử lý rác thải hiệu quả, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng môi trường, dẫn đến ô nhiễm và suy thoái môi trường đô thị.

Theo Báo cáo của Tổng cục môi trường [2011], tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt ở các đô thị phát sinh trên toàn quốc tăng trung bình 10 – 16% mỗi năm.

Khối lượng chất thải rắn sinh hoạt chiếm khoảng 60 – 70% tổng lượng chất thải rắn đô thị. Các số liệu đã chỉ ra rằng hai đô thị đặc biệt là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh chiếm tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt khá cao so với các đô thị còn lại trong cả nước. Báo cáo “Quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại Hà Nội – Hiện trạng và giải pháp” của URENCO Hà Nội năm 2011 đã chỉ ra khối lượng chất thải rắn ở Hà Nội trung bình tăng 15%/ năm. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt ở các quận nội thành đạt khoảng 95%, các huyện ngoại thành chỉ đạt 60%. Việc xử lý, tiêu hủy, tái chế chất thải rắn hiện chủ yếu dựa vào chôn lấp tại các bãi rác Nam Sơn (Sóc Sơn), Xuân Sơn (Sơn Tây), Kiêu Kỵ (Gia Lâm), Núi Thoong (Chương Mỹ) và nhà máy

44

xử lý rác ở Cầu Diễn, nhà máy đốt rác ở Sơn Tây. Mặc dù số lượng rác thải và thành phần rác thải đô thị ngày một tăng cao và đa dạng hơn, nhưng công tác quản lý rác thải đô thị còn gặp nhiều khó khăn và chưa đạt hiệu quả cao do các yếu tố thể chế/chính sách, nguồn tài chính hạn hẹp, trang thiết bị hạn chế và nhận thức của cộng đồng còn chưa cao.

Tóm lại, quá trình đô thị hóa đã có những ảnh hưởng nhất định đến môi trường đô thị nói chung và công tác quản lý rác thải đô thị nói riêng. Tốc độ tăng nhanh của đô thị hóa đang đặt ra một yêu cầu cấp thiết cho công tác quản lý đô thị nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững cho các đô thị hiện nay.

Tiểu kết chương 2

Chương 2 đã trình bày những khái niệm và lý thuyết được tác giả vận dụng để giải thích và chứng minh các luận điểm nghiên cứu. Chương này khẳng định “sự tham gia” được xem xét như một hành động xã hội. Lý thuyết hành động xã hội hỗ trợ tìm hiểu và phân tích tính duy lý của hành động tham gia của người dân trong hoạt động quản lý rác thải đô thị. Bên cạnh đó, “sự tham gia” còn đươc phân tích như một quá trình trao quyền cho người dân. Vận dụng lý thuyết về sự tham gia, luận án đã xác định cấp độ tham gia của người dân trên thang bậc đo lường sự tham gia của Arnstein (1969) và Choguill (1996). Ngoài ra, lý thuyết cạnh tranh các chức năng của môi trường và lý thuyết phát triển bền vững được sử dụng để làm rõ hơn các phân tích về tính bền vững của đô thị từ vấn đề tham gia của người dân trong một hoạt động môi trường cụ thể, đó là hoạt động quản lý rác thải. Các lý thuyết về sự tham gia và lý thuyết phát triển bền vững sẽ là lý thuyết chính được sử dụng trong luận án này. Bên cạnh đó, quản lý rác thải còn được nhìn từ góc độ của lý thuyết đô thị hóa, trong đó, quản lý rác thải chính là một trong những hệ quả của quá trình đô thị hóa. Hà Nội không phải trường hợp ngoại lệ. Tóm lại, những cơ sở về mặt lý luận đối với vấn đề tham gia của người dân trong hoạt động quản lý rác thải cùng với các bằng chứng thực tiễn sẽ chứng minh và làm rõ mức độ tham gia của người dân trong hoạt động quản lý rác thải, từ đó nâng cao sự tham gia của người dân nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đô thị.

45

Một phần của tài liệu Sự tham gia của người dân trong hoạt động quản lý rác thải đảm bảo phát triển bền vững đô thị nghiên cứu trường hợp quận hoàn kiếm và huyện ứng hòa hà nội (Trang 46 - 49)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(190 trang)