CHƯƠNG 3: THỰC TRẠNG THAM GIA CỦA NGƯỜI DÂN TRONG HOẠT ĐỘNG QUẢN LÝ RÁC THẢI ĐÔ THỊ
3.1 Hoạt động quản lý rác thải tại quận Hoàn Kiếm và huyện Ứng Hòa
3.1.2. Thực trạng phân loại, thu gom và xử lý rác tại quận Hoàn Kiếm và huyện Ứng Hòa
Hoạt động phân loại rác thải
Phân loại rác thải chưa được triển khai rộng rãi và phổ biến ở cả khu vực nội thành và ngoại thành Hà Nội. Nhìn chung, hoạt động phân loại rác thải vẫn được tiến hành tự phát từ phía các hộ gia đình và chủ yếu phân loại theo thói quen là lọc ra các sản phẩm gồm chai lọ nhựa hay giấy báo, bìa, v.v để bán cho người thu mua phế liệu. Số rác còn lại đều đem ra điểm thu gom rác của khu dân cư. Riêng đối với các quận nội thành Hà Nội, phân loại rác thải đã được làm thí điểm tại một số phường, trong đó có phường Phan Chu Trinh (quận Hoàn Kiếm). Dưới đây, tác giả sẽ mô tả hoạt động của Dự án 3R tại Hà Nội và phân tích những thành tựu, hạn chế và chỉ ra những nguyên nhân vì sao Dự án 3R đã không thực sự hiệu quả sau khi kết thúc tại địa bàn phường Phan Chu Trinh.
Chương trình 3R tại Hà Nội
3R là tên viết tắt tiếng Anh của bộ ba giảm thiểu (reduce) – tái chế (recycle) – tái sử dụng (reuse). Trong bối cảnh người dân Việt Nam chưa biết phân loại rác thải đúng quy cách và lượng rác thải tại các vùng đô thị ngày một tăng cao (2.200 tấn thải/ngày – năm 2007), tổ chức JICA (Nhật Bản) đã phối kết hợp cùng công ty vệ sinh môi trường
49
đô thị Hà Nội thành lập dự án phân loại rác thải tại nhà từ ngày 11/3/2007. Theo đó, các hộ gia đình thuộc 4 phường Phan Chu Trinh (quận Hoàn Kiếm), Nguyễn Du (quận Hai Bà Trưng), Thành Công (quận Bà Đình) và Láng Hạ (quận Đống Đa) sẽ được khuyến khích, tuyên truyền nâng cao kiến thức phân loại rác ngay tại nhà: rác hữu cơ (rau, củ, hoa, quả, thức ăn thừa, v.v) khác với rác vô cơ (chai, lọ, gạch vỡ, kim loại, v.v) trước khi đưa ra xe thu gom của các nhân viên môi trường đô thị. Sau đó, thay vì chôn lấp hoặc đốt, rác sẽ được tận dụng trong một số hoạt động có lợi ích kinh tế lớn như chăn nuôi lợn, sản xuất phân [Nguyễn Tràng An, 2007]. Các hộ gia đình được hướng dẫn phân loại rác thành 2 loại ngay tại nhà. Thay vì chờ đợi công nhân VSMT tới để thu gom rác, các hộ gia đình sẽ đổ rác tại các thùng rác thu gom tập kết, theo sự hướng dẫn của những người công nhân thu gom. Trong khoảng thời gian triển khai dự án (2007-2009), các bên liên quan tham gia vào dự án thực hiện rất đúng quy cách và dự án, đạt được một số thành tựu nhất định trong việc nâng cao nhận thức của người dân về “giảm thiểu – tái chế - tái sử dụng” rác, đồng thời cũng thay đổi hành vi của người dân trong việc phân rác thành rác hữu cơ – rác vô cơ, hạn chế sử dụng túi nilon và giảm thiểu lượng rác thải ra hàng ngày. Tuy nhiên, khi dự án hết thời hạn, hành vi phân loại rác cũng như ý thức của người dân trong việc phân loại rác cũng giảm xuống, làm cho số lượng các hộ gia đình thuộc phường Phan Chu Trinh phân loại rác theo quy định giảm đi so với trước. Thực tế này được phản ánh thông qua ý kiến của một số người dân ở phường Phan Chu Trinh
“Hồi đó chúng tôi cũng góp ý đưa vào trường học, đưa thêm kiến thức cho các cháu, kiến thức tốt nhưng thời gian trở lại đây thì về số 0 rồi. Chúng tôi rất tiếc, JICA đầu tư rất nhiều và tốn kém. Tiếc là hiện nay tinh thần 3R đã giảm đi nhiều. Hầu như các cháu ở trường lãng quên hết rồi.” [TLN phường PCT]
Như vậy, sau khoảng thời gian dự án triển khai thì hiện nay số lượng người dân phường Phan Chu Trinh duy trì thực hiện phân loại rác theo rác hữu cơ và rác vô cơ không còn đầy đủ như thời kỳ dự án đang hoạt động. Câu hỏi đặt ra là tại sao hoạt động phân loại rác thải lại không được duy trì hiệu quả tại phường Phan Chu Trinh sau khi Dự án 3R kết thúc. Qua quá trình tổng hợp tài liệu và tiến hành thu thập thông tin định tính dưới địa bàn phường Phan Chu Trinh, tác giả nhận thấy một số yếu tố ảnh hưởng tới hiệu quả và tính bền vững của Dự án 3R, bao gồm:
50
(i) Nhận thức và ý thức của người dân chưa cao. Những thông tin thu được từ các phương pháp định tính đã cho thấy một bộ phận dân cư có ý thức chưa cao trong việc tiếp tục thực hiện phân loại rác. Nhóm dân cư này không chỉ tập hợp người dân nội thành mà còn phải kể đến một nhóm người giúp việc được các hộ gia đình thuê. Đây chủ yếu là những người ở các tỉnh khác đến và không được tập huấn hướng dẫn về phân loại rác.
“Vì sao mà tình hình hiện nay bê bối, không phải nhân dân không làm, họ vẫn làm nhưng ý thức chưa được giác ngộ lắm. Phải làm cho người ta hiểu...cho họ thấy việc này là xấu, như nhiều việc xấu khác của xã hội như ăn cắp” [TLN phường PCT]
“Khi chúng tôi phải đứng trực cạnh thùng rác để kiểm tra người dân đổ có đúng không thì người ta làm chúng tôi nhiều khi rất tự ái, khi bảo là “các bà rỗi hơi à?” [TLN phường PCT]
“Ý thức của người dân cũng bị mài mòn đi. Người ta cũng bảo là làm gì có thực hiện nữa, đề tài hết rồi, dự án xong rồi thì làm làm gì nữa” [TLN phường PCT]
“Người giúp việc từ tỉnh khác đến làm lại không được chủ nhà chỉ bảo hướng dẫn nên họ vứt lung tung. Bà con trong khu dân cư có ý thức, rác cho vào thùng nhưng osin mới đến có thùng rác để đấy nhưng vẫn vứt túi ra ngoài” [TLN phường PCT]
(ii) Khó khăn về phương tiện và trang thiết bị. Việc liên tục phải có hai thùng rác màu xanh và màu vàng cho người dân đổ rác trong thời gian quy định và bố trí xe vận chuyển rác đến bãi tập kết xử lý rác cũng là những khó khăn trong việc duy trì phân loại rác thải khi dự án kết thúc. Tại các hộ gia đình, khi dự án được triển khai, người dân được trang bị đầy đủ hai thùng rác màu vàng và màu xanh. Qua thời gian, các thùng rác này cũng bị hỏng nhưng các hộ gia đình có thể tự trang bị các thùng rác mới. Tuy nhiên, ở các khu vực công cộng, không phải lúc nào cũng có hai thùng rác màu xanh và màu vàng tại các điểm thu gom và tập kết.
Trong một số trường hợp, việc thiếu thùng rác màu xanh hoặc màu vàng đều ảnh hưởng đến quá trình phân loại rác của người dân.
51
“Anh em đi ô tô chở rác bị ngãng ra. Cứ đủ chuyến là người ta đi. Không có kế hoạch cụ thể, tính toán xe chở rác phù hợp cho xe chở với việc thực hiện của nhân dân, dẫn đến tình trạng lẫn lộn và lãng phí” [TLN phường PCT]
“Số lượng thùng cũng không đủ, chỉ có 2 - 3 cái , có lúc thiếu thì chỉ có 1 thùng. Thùng không có đủ nên dân người ta sẽ đổ tràn ra ngoài. Thùng không đủ thì nhân dân cũng khó phân loại hay thu gom sạch sẽ” [PVS số 8, nam, 69 tuổi, tổ trưởng tổ dân phố]
(iii) Sự phối kết hợp của các ban ngành đoàn thể và các bên liên quan trong hoạt động của dự án phân loại rác thải. Đó là việc thực hiện thu gom của công ty vệ sinh môi trường, là sự chỉ đạo sát sao của các cấp chính quyền, và việc triển khai đồng bộ ở các khu dân cư, phường và quận huyện khác trong thành phố Hà Nội. Có những ý kiến cho rằng, việc chỉ tiến hành phân loại ở phường Phan Chu Trinh thì cũng mang tính thí điểm, chỉ ở một phường, trong khi đến các phường khác không có chương trình này, thì người dân phường Phan Chu Trinh cũng không thể tiến hành phân loại rác tại nơi khác, mà chỉ thực hiện được ở khu mình sinh sống.
Ngoài ra, sự lơ là trong giám sát của nhóm công nhân vệ sinh môi trường cũng là yếu tố cản trở cho sự bền vững của Dự án 3R sau khi dự án này kết thúc.
“Ngay trong các quận như quận Hoàn Kiếm được chỉ đạo thì tốt nhưng một số phường khác không được chỉ đạo thì lại làm không tốt. Ở các phường khác thì người ta chả có hướng dẫn gì” [TLN phường PCT]
“Sau khi dự án kết thúc thì lại để thời gian quá dài không sát sao, đôn đốc, không có chỉ đạo từ cấp trên nên ý thức kể cả của dân và xí nghiệp môi trường cũng suy giảm nhiều lắm” [TLN phường PCT]
“Tôi thấy sự kiên trì của công ty vẫn còn kém, quá trình phân loại rác thì vẫn chưa triệt để, gia đình tôi vẫn phân loại tốt còn có nhiều hộ gia đình khác thì không thể phân loại rác được, người dân có phân loại nhưng khi mang ra đến chỗ để đổ vào thùng thì các công nhân vệ sinh môi trường lại đổ chung vào một thùng”
[PVS số 5, nữ, 68 tuổi, nghỉ hưu]
Như vậy, để có thể tiếp tục thực hiện dự án 3R tại phường Phan Chu Trinh nói riêng và các khu vực quận phường hay triển khai lan rộng xuống các vùng ngoại thành Hà Nội thì cần cân nhắc các yếu tố được tác giả trình bày ở trên nhằm
52
duy trì tính bền vững của dự án. Từ đó, thay đổi bền vững nhận thức và hành vi của người dân đối với môi trường và bảo vệ môi trường.
Hoạt động thu gom rác thải
Hoạt động thu gom đã được triển khai khá hiệu quả tại địa bàn quận Hoàn Kiếm và huyện Ứng Hòa. Tuy nhiên, có sự khác biệt giữa các địa phương trong cách thức thu gom rác thải sinh hoạt của người dân. Đối với huyện Ứng Hòa, hình thức thu gom rác chủ yếu là đội thu gom rác của thôn đi đến từng hộ gia đình để thu gom rác. Hiện nay, huyện thực hiện thu gom rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn 29 xã, thị trấn. Thực hiện thu gom rác thải các tuyến đường chính, các tuyến đường trọng điểm đảm bảo chất lượng vệ sinh môi trường hàng ngày, không còn rác thải tồn đọng. Sau khi hoàn tất công tác thu gom, toàn bộ khối lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn huyện được đưa về bãi rác thải hợp vệ sinh tại Thị trấn Vân Đình để xử lý và chôn lấp.
Trong khi đó, ở quận Hoàn Kiếm, thùng rác công cộng xuất hiện nhiều và phổ biến hơn so với các huyện ngoại thành. Người dân sinh sống gần vị trí có thùng rác công cộng có thể chủ động đem rác ra đổ. Phường Hàng Mã thuộc quận Hoàn Kiếm là một minh chứng cụ thể. Trong khi đó, tại phường Phan Chu Trinh, thùng rác công cộng lại không được đặt liên tục trong ngày trên các tuyến phố, đặc biệt là trên tuyến phố Lê Thánh Tông. Công nhân vệ sinh môi trường chỉ để thùng rác trên một số điểm của tuyến phố vào khung giờ quy định từ 18-20 giờ hàng ngày. Trong khoảng thời gian đó, người dân đem rác ra thùng rác công cộng, đến 20 giờ, thùng rác sẽ được đưa đi.
Sự khác biệt giữa Ứng Hòa và Hoàn Kiếm trong công tác thu gom rác thải còn được thể hiện ở đặc điểm xã hội của thành viên đội thu gom. Ở các xã của huyện Ứng Hòa, thành viên của đội thu gom chính là người dân sống trong thôn/ xóm. Khi chính quyền cấp xã, quản lý thôn xóm và các ban ngành đoàn thể có ý kiến về vấn đề thu gom rác thải thông qua các buổi họp dân chính, kết hợp với ý kiến của nhân dân mong muốn hình thành đội thu gom rác thải riêng của từng thôn, thôn sẽ thông báo công khai trong toàn thể nhân dân; sau đó người dân có thể tự ứng cử hoặc được đề cử tham gia trong đội thu gom rác thải của thôn. Trong khi đó, ở quận Hoàn Kiếm, đội thu gom chính là công nhân của xí nghiệp môi trường đô thị số 2, trực thuộc công ty URENCO – công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên môi trường đô thị. Đặc điểm khác biệt giữa người làm công tác thu gom rác ở huyện Ứng Hòa và quận Hoàn Kiếm được thể hiện trong bảng sau:
53
Bảng 3 1: So sánh sự khác nhau giữa nhóm làm công tác thu gom của quận Hoàn Kiếm và huyện Ứng Hòa
Huyện Ứng Hòa Quận Hoàn Kiếm
Thành phần Là một thành viên của cộng đồng, sinh sống trong thôn/xóm
Là công nhân thuộc công ty môi trường đô thị Hà Nội, Tính chất Là thành viên thuộc cộng đồng nên
mang tính tự nguyện, tự quản
Là thành viên của tổ chức, nên phải tuân theo các quy định của tổ chức
Thời gian làm việc dựa trên sự tự nguyện của người dân và điều kiện của địa phương
Hợp đồng lao động có thời hạn
Không được đóng bảo hiểm y tế Được quyền đóng bảo hiểm y tế
Thời gian làm việc 2-3 lần/tuần Hàng ngày
Như vậy, sự khác biệt giữa quận Hoàn Kiếm và huyện Ứng Hòa trong công tác thu gom rác thải được biểu hiện ở hai đặc điểm: hình thức thu gom rác và thành viên đội thu gom rác.
Hoạt động xử lý rác thải
Trách nhiệm trong công tác xử lý rác thải phần lớn thuộc về các cấp chính quyền, công ty vệ sinh môi trường và nhóm tổ trưởng tổ dân phố/trưởng thôn. Hiện nay, công tác xử lý rác trên hai địa bàn nghiên cứu chủ yếu vẫn là chôn lấp rác, bên cạnh một khối lượng rác nhỏ được đem đến các nhà máy sản xuất phân.
Đối với huyện Ứng Hòa, mặc dù được Sở Tài Nguyên – Môi trường chọn làm địa phương thí điểm cho công tác nâng cấp bãi chôn lấp rác thải (cùng với các huyện Thường Tín, Mỹ Đức và Thanh Oai) nhưng phần lớn quy mô của các bãi chôn lấp còn rất nhỏ không đủ khả năng thực hiện hoạt động chôn lấp toàn bộ lượng rác thải của huyện. Vì vậy, một phần rác thải của những huyện này được chuyển về bãi rác Xuân Sơn để xử lý. Bãi chôn lấp rác của huyện Ứng Hòa (cách trung tâm thị trấn Vân Đình 3 km) có 5 lỗ chôn lấp thì hiện nay đã đầy 4 lỗ và đang đào lỗ thứ 5 để phục vụ công tác chôn lấp rác của các xã trên địa bàn huyện. Hiện nay, huyện đã triển khai xây dựng một khu xử lý rác có quy mô lớn gấp hai lần khu xử
54
lý thị trấn Vân Đình, đó là khu xử lý rác Đông Lỗ, thuộc địa bàn xã Đông Lỗ. Cả hai khu xử lý rác này đều đang thực hiện đào ô chôn lấp thứ 5. Trên toàn địa bàn huyện, có 34 điểm tập kết rác thải tại các xã, trong đó, 23 điểm đã hoàn thiện và đưa vào vận hành và 11 điểm đã quy hoạch và đang xây dựng. Qua khảo sát thực tế, chúng tôi nhận thấy một lượng rác thải mặc dù đã được vận chuyển về khu xử lý chôn lấp nhưng do chưa đào được lỗ thứ 5 nên rác vẫn chất thành đống, chưa được xử lý chôn lấp. Bên cạnh đó, một số thành viên trong đội thu gom rác của các thôn đã thực hiện đốt rác.
Sau khi đi thu gom rác thải từng nhà, đội thu gom sẽ đem một số loại rác ra ngoài cánh đồng để đốt như lá cây, các loại giấy bìa. Đốt rác là một trong những cách thức xử lý rác thải hiện nay, tuy nhiên nếu đốt rác không đúng quy cách và đảm bảo vệ sinh thì sẽ tác động trực tiếp đến môi trường, thải ra lượng khí CO2, gây ảnh hưởng đến chất lượng không khí, nguy hiểm cho sức khỏe của người dân.
Nhìn chung, các hoạt động phân loại, thu gom và xử lý rác đang được thực hiện khá đồng đều tại cả hai địa bàn nghiên cứu. Tuy nhiên, cách thức tiến hành thu gom và xử lý rác thải có sự khác biệt giữa hai khu vực này. Những đánh giá ban đầu cho thấy, các hoạt động này còn tồn tại những hạn chế và có nhiều khó khăn trong công tác quản lý đảm bảo hiệu quả cao và có tính bền vững.