CHƯƠNG 3: THỰC TRẠNG THAM GIA CỦA NGƯỜI DÂN TRONG HOẠT ĐỘNG QUẢN LÝ RÁC THẢI ĐÔ THỊ
3.2 Hình thức và mức độ tham gia của người dân trong quá trình quản lý rác thải đô thị 54
3.2.2. Sự tham gia gián tiếp của người dân vào quá trình quản lý rác thải đô thị
3.2.2.3. Kiểm tra, giám sát hoạt động quản lý rác thải tại khu dân cư
“Dân kiểm tra” là một trong những nội dung của quy chế dân chủ ở cơ sở của nhà nước ta. Nội dung này được thể hiện thông qua việc người dân được kiểm tra các vấn đề, công việc của đất nước, từ chủ trương, đường lối, kế hoạch, dự án.
Người dân có quyền kiểm tra việc thực hiện và hiệu quả thực hiện các chính sách, nghị quyết và cách thức giải quyết các vấn đề của đất nước. Nội dung của Quy chế dân chủ ở cơ sở cũng đã chỉ rõ khái niệm “dân” được hiểu là các tầng lớp nhân dân, những người đại diện cho nhân dân – đại biểu Hội đồng nhân dân và cấp cao nhất là Quốc hội [Đào Ngọc Đệ, 2011]. Kiểm tra, giám sát là mức độ tham gia cao nhất trong thang bậc đánh giá sự tham gia của người dân trong các chương trình và dự án phát triển. Người dân, đặc biệt là những người thuộc nhóm yếu thế trong xã hội, không có quyền lực và tài sản sẽ được trao quyền kiểm soát. Mặc dù điều này không có nghĩa là toàn bộ quyền lực thuộc về tay người dân nhưng nó cũng biểu hiện mức độ tham gia cao nhất của người dân, ở đó người dân được quản lý chương trình, có trách nhiệm với việc hoạch định và thi hành chính sách [Arnstein, 1969].
Trong vấn đề quản lý rác thải, việc kiểm tra giám sát chủ yếu được thực hiện thông qua hệ thống các tổ chức và đoàn thể xã hội. Những người đại diện cho các tầng lớp nhân dân tham gia công tác giám sát việc thực hiện phân loại, thu gom và xử lý rác thải. Công tác này được thực hiện theo các cách khác nhau ở mỗi địa phương, tùy thuộc vào điều kiện và khả năng của mỗi khu dân cư.
Công tác kiểm tra, giám sát biểu hiện ở hai chiều cạnh. Thứ nhất, các tổ chức và đoàn thể xã hội, các tổ tự quản tại khu dân cư có trách nhiệm nhắc nhở, đôn đốc người dân thực hiện đúng cách thức phân loại và thu gom rác thải đảm bảo vệ sinh môi trường. Tại phường Phan Chu Trinh, công tác kiểm tra đánh giá chéo về hoạt động giữ gìn vệ sinh môi trường khu dân cư nói chung và ý thức người dân được thực hiện hàng tuần. Kết quả của kiểm tra chéo được tính vào điểm thi đua giữa các khu dân cư và có tổng kết khen thưởng theo quý. Trong khi đó, tại các huyện ngoại thành Hà Nội, công tác kiểm tra giám sát dưới sự chỉ đạo của các cấp chính quyền và tổ tự quản cấp thôn xóm cũng được triển khai thực hiện. Việc giám sát phải thực hiện thường xuyên đảm bảo cho người dân tuân thủ đầy đủ các quy
84
định về thu gom rác thải. Giám sát phải đi kèm với vận động, tuyên truyền để người dân hiểu và tự ý thức được hành động của mình.
“Cán bộ chúng tôi thấy đi đường mà thấy các cháu vứt giấy kẹo ăn xong ra đường thì cũng bảo các cháu quay lại vứt vào đúng nơi quy định, ví dụ đi trên đường mà có bao tải của các gia đình hay bồn chứa thì các cháu bỏ vào đấy. Mình cũng nhắc nhở, vận động toàn dân nữa, cũng phải có cái nhắc nhở” [PVS số 13, nam, 42 tuổi, cán bộ thôn].
“Cán bộ cơ sở vất vả lắm. Tối đến trực ở chỗ thùng rác để nắm bắt gia đình nào thực hiện tốt, gia đình nào thực hiện không tốt. Nhiều người cử osin đi nhưng vẫn không hướng dẫn cho osin phân loại thì mình phải trực tiếp đứng đấy tuyên truyền cho người thực hiện không đúng để họ thực hiện cho đúng” [PVS số 5, nữ, 68 tuổi, nghỉ hưu].
Nếu như ở khía cạnh thứ nhất, kiểm tra giám sát còn mang nhiều tính áp đặt theo chỉ đạo từ trên xuống dưới, hoặc sự chỉ đạo của chính quyền xã/phường thì chiều cạnh thứ hai chính là biểu hiện cao nhất cho sự tham gia của người dân. Theo đó, người dân có quyền giám sát các hoạt động quản lý rác thải và trách nhiệm của các bên liên quan đến hoạt động này, bao gồm: công ty vệ sinh môi trường, công nhân vệ sinh môi trường và các cấp chính quyền cũng như tổ chức, đoàn thể xã hội.
Trong quá trình trực tiếp phân loại, thu gom và xử lý rác thải tại khu dân cư, người dân có thể phát hiện những vấn đề này sinh và những cá nhân thực hiện chưa nghiêm túc các quy định về quản lý rác thải đô thị. Quá trình tự kiểm tra, đánh giá của người dân phường Phan Chu Trinh đã phát hiện một số lần công nhân vệ sinh môi trường không thu gom rác được phân loại đúng cách mà đổ chung lẫn lộn các thùng xanh và thùng vàng, từ đó người dân không thực hiện phân loại rác theo Dự án 3R, góp phần tạo ra sự không bền vững của dự án sau khi kết thúc.
“Có một số chi hội vẫn cho người kiểm tra, nhưng duy trì không được như trước, vì bây giờ, công ty môi trường hầu như quên hết 3R hết rồi. Có khi người ta đổ vào thùng rồi nhưng đến khi ra kia lại đổ chung các loại rác, mất hết nhiệt tình của bà con từ ban đầu” [Thảo luận nhóm phường PCT]
Hỏi: Bác ơi, sao bác biết xe chở rác đổ hai thùng lẫn lộn ạ?
Đáp: Cái này thì người dân ở đây nhìn thấy chứ. Rồi thỉnh thoảng có hôm tôi đi
85
dạy về cũng nhìn thấy xe rác của công ty vệ sinh môi trường đổ các thùng vào chung một xe luôn. Bảo như thế thì chúng tôi phân loại rác quá vô ích rồi”
[PVS số 10, nữ, 66 tuổi, Giảng viên]
Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện việc kiểm tra, giám sát, người dân đã phát hiện các vấn đề nảy sinh trong hoạt động quản lý rác thải tại cộng đồng. Trước các vấn đề phát sinh, cách thức giải quyết của người dân không giống nhau. Hai cách thức được người dân lựa chọn nhiều nhất là “tự giải quyết vấn đề” (190 người, chiếm 46,3%) và “đề xuất nêu ý kiến trong cuộc họp dân” (170 người, chiếm 41,5%). Phần lớn những vấn đề mà người dân gặp phải liên quan đến các vấn đề về thu gom rác thải hay một số vấn đề vệ sinh môi trường khác như vứt rác không đúng nơi quy định ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường và ô nhiễm không khí cho những người dân sống xung quanh đó. Xuất phát điểm của các vấn đề này chỉ ở phạm vi biểu hiện mối quan hệ giữa các cá nhân; vì thế, người dân có thể tự giải quyết bằng cách hợp tác với chủ thể gây ra vấn đề, hoặc tự họ giải quyết vấn đề.
Theo nếp sống và thói quen vốn đã tồn tại trong nhiều thế kỷ nay, người nông dân vẫn muốn giải quyết tốt đẹp các mâu thuẫn và vấn đề trong nội bộ cộng đồng thôn xóm. Họ thường giải quyết vấn đề dựa trên khuôn khổ quen thuộc của “tình làng nghĩa xóm”, nơi mà người ta có thể “chín bỏ làm mười” hơn là việc đưa nhau ra chính quyền, một không gian xã hội mà người dân thường e ngại vì sợ mất thể diện [Bùi Quang Dũng, 2005, tr.144-145].
“Nhà tôi có vấn đề gì thì chúng tôi tự giải quyết... Ví dụ như nhà tôi ở đây mà trước cửa nhà tôi có nhà chăn nuôi, để mùi phân bốc lên hôi thối thì tôi nói luôn là nếu không làm thì để tôi làm, tôi tự đi mua, nối dài ra. Đây cả cháu nhà tôi nữa, cũng đi mua cùng luôn để tự giải quyết vấn đề cho nhà mình thôi” [PVS số 15, nữ, 59 tuổi, nội trợ].
Tuy nhiên, nếu những vấn đề này không được giải quyết và thỏa thuận giữa các cá nhân/hộ gia đình thì người dân sẽ đưa vấn đề ra các cuộc họp dân. Đây là một trong những hình thức thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, là môi trường tạo điều kiện cho người dân thực hiện quyền và trách nhiệm của mình. Họp dân được xem là một trong những hoạt động thu hút được nhiều người dân tham gia nhất; tuy vậy không phải 100% hộ dân đều đến các cuộc họp này. Thông qua các thông tin
86
thu được từ điều tra định tính, đánh giá của người dân và cán bộ quản lý cấp cơ sở chỉ ra trong mỗi cuộc họp dân, chỉ khoảng 60-70% người dân đến họp. Người dân đi họp cũng không nhiều và không hưởng ứng tích cực.
“Bọn trẻ chúng nó cũng có chịu đi họp đâu... Ở đây người ta cũng lười đi họp lắm. Có hôm đi họp cũng chưa được một nửa” [PVS số 10, nữ, 66 tuổi, Giảng viên].
“Tránh họp, dân cũng không muốn họp, mỗi lần họp cũng phải chuẩn bị các nội dung rất kỹ để họp ít thôi. Rồi dân cũng phải đưa ra vấn đề gì chứ họp nhiều là họ khó chịu, họ cũng chả đi họp đâu” [PVS số 8, nam, 69 tuổi, cán bộ cơ sở].
“Dân ở đây triệu tập họp thôn cũng khó khăn lắm. Buổi tối cũng khó. Kể cả thứ bảy, chủ nhật cũng khó. Đi họp họ còn chả đi thì nói gì đến chuyện thu phí vệ sinh với giữ gìn vệ sinh môi trường” [PVS số 14, nam, 63 tuổi, cán bộ cơ sở’].
Do tỷ lệ số hộ dân tham gia họp tổ dân phố/thôn xóm không đầy đủ nên việc đưa ra vấn đề liên quan đến rác thải và môi trường nói chung, trong nhiều trường hợp không được tất cả hộ dân biết và chủ động tham gia giải quyết. Tuy nhiên, cách thức giải quyết này vẫn được nhiều người dân lựa chọn vì đây là nơi người dân có thể bộc lộ quan điểm và ý kiến công khai trước nhiều người dân khác cùng sinh sống trong khu phố/thôn xóm; thay vì chia sẻ với một vài người hàng xóm hoặc với tổ trưởng tổ dân phố/ trưởng thôn. Ngoài ra, “thông báo cho tổ trưởng/trưởng thôn” (37 người, chiếm 9%) là một lựa chọn giải quyết vấn đề của người dân. Tổ trưởng tổ dân phố/trưởng thôn là những người chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc quản lý khu dân phố/thôn xóm. Trưởng thôn được bầu bởi hội nghị toàn thể nhân dân trong thôn. Trưởng thôn là người đại diện cho chính quyền ở thôn, chịu trách nhiệm về các công việc của một nhân vật quản lý hành chính, xã hội và kinh tế [Bùi Quang Dũng, 2005, tr.143]. Vì thế, trưởng thôn/tổ trưởng tổ dân phố đóng vai trò nhất định và ảnh hưởng phần nào đến hành vi của người dân trong cộng đồng.
Tóm lại, các phát hiện trong quá trình thu thập thông tin đã cho thấy có dấu hiệu của việc người dân tham gia giám sát việc thực hiện phân loại và thu gom rác tại khu dân cư họ sinh sống. Tuy nhiên, cách thức kiểm tra, đánh giá của người dân còn chưa được thực hiện chính thức và công khai, mà phần nhiều mang tính tự phát. Bên cạnh đó, người dân cũng chưa được hỗ trợ từ phía chính quyền và các
87
ban ngành đoàn thể để thực hiện quyền kiểm tra, giám sát của mình. Vì thế, để quá trình kiểm tra giám sát đạt hiệu quả thì các nội dung còn lại của quy chế dân chủ ở cơ sở cần được thực hiện rất nghiêm túc. Bởi lẽ, nếu người dân không được cung cấp thông tin đầy đủ về các chính sách và quy định từ các cấp độ quản lý từ trung ương tới địa phương, không được bàn bạc và tham gia ra quyết định cũng như thực hiện các chính sách và quy định này thì người dân sẽ không nắm rõ các yêu cầu của việc kiểm tra, giám sát. Kiểm tra cái gì, kiểm tra ai và kiểm tra như thế nào là những nội dung cần được phổ biến và hướng dẫn tới người dân.
Từ lý thuyết hành động xã hội, có thể nhận thấy hành động của các thành viên quản lý trong đoàn thể xã hội và cán bộ quản lý cấp cơ sở được thực hiện dựa trên các vai trò và chức năng của họ trong hệ thống xã hội. Thuyết hành động đã chỉ ra các nhóm yếu tố quy định hành động của cá nhân, trong đó có sự phân chia và chuyên môn hóa dựa trên vị trí và vai trò của cá nhân trong cơ cấu xã hội.
Trường hợp hành động nhắc nhở, giám sát và đứng trực tại điểm thu gom rác của các cá nhân tham gia quản lý chính quyền cấp cơ sở hay các đoàn thể xã hội, tổ tự quản khu dân cư chính là minh chứng cho luận điểm này của lý thuyết hành động xã hội. Dựa trên vị trí và vai trò của mình, các cá nhân thực hiện theo sự mong đợi của xã hội, theo các quyền và nghĩa vụ của mình đối với cộng đồng. Đồng thời, điều này cũng lý giải vì sao những người làm công tác quản lý cấp cơ sở hay các đoàn thể xã hội có mức độ tham gia tuyên truyền,vận động người dân cao hơn so với các cá nhân khác trong cộng đồng. Tuy vậy, việc một số người dân nói xấu công khai công việc của họ khiến họ không muốn tham gia tổ tự quản và duy trì các hoạt động này nữa. Từ góc độ của lý thuyết hành động thì đây chính là những thừa nhận tiêu cực của người khác chi phối hành vi cá nhân, dẫn đến sự thay đổi của hành vi.
Các kết quả trong nghiên cứu này cũng phản ánh một khía cạnh khác, bên cạnh mối quan hệ con người và tự nhiên, đó là mối quan hệ giữa con người và con người trước các vấn đề môi trường. Mối quan hệ giữa con người và con người được biểu hiện thông qua (i) cách con người giải quyết khi có vấn đề rác thải nảy sinh trong khu dân cư (thường là tự giải quyết với nhau), (ii) cách con người tuyên truyền, vận động qua kênh tương tác cá nhân – cá nhân (giao tiếp, nói chuyện với hàng xóm) và tương tác cá nhân – nhóm (phổ biến trong các cuộc họp dân) để
88
truyền đạt thông tin và hướng dẫn những thành viên khác của cộng đồng thực hiện đúng quy định phân loại và thu gom rác; (iii) cách con người thực hiện kiểm tra, giám sát họat động thu gom rác để phản ánh lại với nhóm quản lý cấp cơ sở. Không thể phủ nhận đặc điểm của cộng đồng cũng chi phối hành vi cá nhân, trong đó có các đặc tính về thói quen, tập tục và các mối quan hệ trong cộng đồng. Mối quan hệ giữa các cá nhân trong cộng đồng và sự tương tác giữa các cá nhân này phản ánh vốn xã hội mà mỗi cá nhân có được. Vốn xã hội là độ mạnh của các quan hệ liên cá nhân, là trách nhiệm, nghĩa vụ, sự có đi có lại, là các niềm tin, các giá trị và chuẩn mực chung. Nhiều nghiên cứu cho rằng có sự khác biệt về vốn xã hội giữa các khu vực nông thôn và thành thị, trong đó khu vực nông thôn chủ yếu là quan hệ họ hàng, thân thiết; còn quan hệ ở thành thị là quan hệ không phải họ hàng [Hofferth
&Iceland, 1998], [Mahon cùng cộng sự, 2012]. Điều này phù hợp với kết quả thu được từ các phỏng vấn người dân tại huyện Ứng Hòa và quận Hoàn Kiếm. Chẳng hạn, trong quá trình thực hiện các chức năng và vai trò của mình, trưởng thôn Cao Lãm và thôn Lưu Khê (huyện Ứng Hòa) gặp không ít khó khăn khi trực tiếp nhắc nhở, kiểm tra, giám sát cách người dân đổ rác, đóng phí vệ sinh và quét dọn vệ sinh hàng tuần vì phần lớn các hộ gia đình trong làng đều là quan hệ họ hàng, thân tộc của gia đình ông trưởng thôn. Trong khi đó, ở khu vực nội thành, các quan hệ xã hội trong cộng đồng không phải quan hệ họ hàng thân tộc. Lúc này, tương tác giữa các cá nhân đều dựa trên việc thống nhất các biểu tượng, giá trị, chuẩn mực chung.
Tuy nhiên, trường hợp không có sự thống nhất thì tương tác khó thực hiện. Bên cạnh đó, khi vốn xã hội của cá nhân trong cộng đồng không đủ mạnh để huy động và khuyến khích các thành viên khác trong cộng đồng thì cá nhân sẽ gặp trở ngại trong quá trình thực hiện hành động. Điều này lý giải vì sao một số người dân phường Phan Chu Trinh phản ứng tiêu cực khi thấy thành viên tổ tự quản đứng trực ở thùng rác để nhắc nhở và giám sát người dân thực hiện.
Dưới góc độ của phát triển bền vững, vấn đề tham gia gián tiếp của người dân trong hoạt động quản lý rác thải đô thị, cụ thể là hoạt động đóng phí vệ sinh được nhìn nhận như là một yếu tố đảm bảo nguyên tắc của phát triển bền vững.
Trong phần cơ sở lý luận của luận án, tác giả đã chỉ ra những nguyên tắc của sự bền vững, trong đó nguyên tắc người sử dụng phải trả tiền là một trong những nguyên tắc được đưa ra trong Hội nghị Rio 21. Vận dụng vào trường hợp này, rõ ràng khi người dân thải rác, hay sử dụng các chức năng của môi trường và dịch vụ bảo vệ môi trường thì phải có trách nhiệm chi trả các dịch vụ và phí bảo trì cho quá