Chương 1 CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ QUẢN LÝ VÙNG NGUYÊN LIỆU CHÈ
1.1. Cơ sở lý luận về quản lý vùng nguyên liệu chè
1.1.3. Vai trò của việc quản lý vùng nguyên liệu chè
Quản lý vùng chè nguyên liệu nhằm mục tiêu tạo ra được vùng nguyên liệu chè tập trung, có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao, đáp ứng các yêu cầu về phát triển bền vững như giữ gìn vệ sinh môi trường, thân thiện với con người, tốt cho sức khỏe của người tiêu dùng và các hiệu quả xã hội khác.
1.1.3.1 Về đáp ứng nhu cầu của thị trường
Người tiêu dùng và thị trường có đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng
hàng hóa, dịch vụ đặc biệt là đối với nông sản chất lượng cao trong giai đoạn hiện nay. Con người đang hướng tới văn minh tiêu dùng trong thực phẩm, xã hội ngày càng đòi hỏi thực phẩm phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, minh bạch về an toàn vệ sinh thực phẩm. Thị trường mà cuối cùng là người tiêu dùng là mục tiêu hướng tới của người sản xuất. Chỉ có đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng thì sản xuất hàng hóa mới tồn tại và phát triển được.
Theo khảo sát của Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam thực hiện, có đến hơn 40% người tiêu dùng sẵn sàng trả tiền thêm cho thực phẩm sạch. Riêng về chỉ tiêu chủ động tìm kiếm các sản phẩm có chứa các thành phần tốt cho sức khỏe thì đạt tới 79% (Hoàng Anh, 2018). Sự tăng trưởng kinh tế ổn định đã làm tăng mức thu nhập bình quân đầu người và tạo nền tảng cho sự phát triển mạnh mẽ của ngành thực phẩm. Cùng với đó, xu hướng tiêu dùng của người dân đang dịch chuyển từ ăn ngon mặc đẹp, sang tiêu dùng an toàn và mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng Việt Nam hiện nay là an toàn thực phẩm và bảo vệ sức khỏe. Các sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đặc biệt là những sản phẩm được gắn tem truy xuất nguồn gốc luôn có giá trị thị trường cao hơn và dễ dàng tiêu thụ hơn các sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Thực tế cho thấy, khi thu nhập tăng lên, người tiêu dùng sẵn sàng chi trả mức chi tiêu cao hơn cho các sản phẩm, đồng thời cũng quan tâm hơn đến giá trị mà sản phẩm tiêu dùng mang lại đặc biệt là các sản phẩm liên quan trực tiếp đến sức khỏe như thực phẩm, đồ uống....
Việt Nam là quốc gia đứng thứ năm thế giới về xuất khẩu chè, nhưng khoảng 90% sản lượng chè của nước ta xuất khẩu ở dạng thô, giá bán thấp và được tiêu thụ dưới thương hiệu của các nhà nhập khẩu (Hoàng Anh Thư, 2019) [43]. Năm 2018, sản lượng chè xuất khẩu của nước ta đạt 128.000 tấn, trị giá đạt 219 triệu USD, giảm 8,4% về lượng và giảm 3,4% về trị giá so cùng kỳ năm 2017. Mặc dù là một trong những nước xuất khẩu chè lớn nhất thế giới nhưng từ nhiều năm qua, giá xuất khẩu chè của nước ta chỉ bằng 60 -
70% so với các nước, do chất lượng sản phẩm chè chưa cao. Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện nay, nguyên liệu chè cung cấp cho các nhà máy chế biến chủ yếu từ các giống chè có chất lượng thấp. Có tới 70% số lượng giống chè của Việt Nam chỉ phù hợp cho chế biến chè đen, tỷ lệ giống cho chế biến chè xanh và các chè khác chỉ chiếm 30%.
Bảng 1.3: Xuất khẩu chè năm 2019
Thị trường
Tổng cộng Pakistan Đài Loan (TQ)
Trung Quốc đại lục Nga
Indonesia Mỹ
Saudi Arabia Iraq
Malaysia U.A.E Philippines Ukraine Ấn Độ Ba Lan Đức
Kuwait
Nguồn: Tổng cục hải quan công bố ngày 13/1/2020
Từ tỷ trọng xuất khẩu, có thể dễ dàng nhận thấy, sản phẩm chè của Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang các thị trường như Pakistan, Nga, Trung Quốc, số lượng chè xuất khẩu sang các nước phát triển, các thị trường có yêu cầu chất lượng cao như EU, Mỹ chiếm tỷ trọng rất nhỏ... Nguyên nhân là do sản phẩm chè của Việt Nam không đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của thị trường và người tiêu dùng các nước kể trên, trong đó chất lượng sản phẩm, các tiêu chuẩn về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm là một nguyên nhân trực tiếp nhất.
Từ thực tế khách quan kể trên, có thể khẳng định rằng, việc quản lý vùng nguyên nguyên liệu chè là một yêu cầu tất yếu trong sản xuất chè nguyên liệu nhằm đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường, của người tiêu dùng trong và ngoài nước trong giai đoạn hiện nay.
1.1.3.2. Nâng cao trình độ và ý thức của người sản xuất
Sản xuất nói chung ở Việt Nam hiện nay đối với sản xuất nông nghiệp còn mang tính manh mún, nhỏ lẻ, chưa hình thành vùng sản xuất theo quy mô lớn. Một phần nguyên nhân là do lịch sử để lại, Việt Nam với xuất phát điểm là nước nông nghiệp nghèo nàn, lạc hậu, sản xuất nông nghiệp theo tập quán canh tác truyền thống hộ gia đình, việc sản xuất nhỏ lẻ, tự phát và thường không tuân theo các quy trình sản xuất, kỹ thuật sản xuất mà theo kinh nghiệm truyền thống dẫn đến năng suất, chất lượng nông sản không cao. Sản xuất theo quy mô kinh tế hộ nhỏ lẻ, sản xuất manh mún nên số hộ sử dụng thuốc BVTV nhiều, số lượng khác nhau, trình độ hiểu biết của nông dân còn hạn chế, ý thức, trách nhiệm của người sử dụng thuốc đối với bản thân và cộng đồng còn kém, sử dụng thuốc BVTV không bảo đảm thời gian cách ly, sử dụng thuốc BVTV chưa được đăng ký sử dụng trên rau, quả, sử dụng thuốc BVTV không đúng quy trình kỹ thuật, nồng độ liều lượng (Chiến Hữu – Anh Tiến, 2017) [12]…
Quản lý vùng nguyên liệu giúp cho việc nâng cao trình độ, ý thức của người sản xuất thông qua việc áp dụng, tuân thủ các quy trình, quy định về sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ....Quản lý vùng nguyên liệu đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, các ngành, sự liên kết 4 nhà trong sản xuất nông nghiệp (nhà nước, nhà khoa học, nhà nông, doanh nghiệp). Sự liên kết này sẽ dẫn đến những tác dụng tích cực như người sản xuất và người kinh doanh hiểu được ý nghĩa của việc sản xuất, chế biến chè đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ tăng cường công tác quản lý chất lượng vệ sinh ATTP, quản lý nhà nước về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất chè nguyên liệu.
1.1.3.3. Nâng cao giá trị và chất lượng chè
Quản lý tốt vùng nguyên liệu chè sẽ hình thành được các vùng sản xuất tập trung, người dân sẽ tham gia vào chuỗi sản xuất trong mối liên kết có tổ chức như hợp tác xã, tổ hợp tác. Sự liên kết giữa 4 nhà (nhà nước, nhà khoa học, nhà nông, doanh nghiệp) sẽ giúp cho doanh nghiệp có vùng nguyên liệu ổn định đồng thời người dân yên tâm về đầu ra và được hỗ trợ về nguồn vốn, khoa học kỹ thuật để sản xuất ra chè đạt chất lượng cao hơn…
Ngoài ra, để nâng cao giá trị chè phải nâng cao chất lượng chè. Đây là mối liên hệ qua lại mà chỉ được giải quyết tốt khi quản lý tốt vùng nguyên liệu. Khi quản lý tốt vùng nguyên liệu sẽ kiểm soát được chất lượng vật tư đầu vào như giống, phân bón và nhất là thuốc bảo vệ thực vật. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi cơ cấu các giống chè trung du sang trồng giống chè mới như Phúc Vân Tiên, Bát Tiên, chè lai LDT1 cho năng suất cao hơn và giá thành cao hơn với giống chè cũ. Ngoài ra, khi áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào sản xuất chế biến chè an toàn, bước đầu các hộ dân có những thay đổi về phương thức sản xuất như thu hái chè búp tươi bằng hình thức hái tay để nâng cao chất lượng nguyên liệu (Thu Thủy, 2018) [42]. Việc thu hái đúng kỹ thuật để chừa
phần lá nhiều, các búp chưa đến tuổi hái không bị tận thu nên thời gian các lứa hái được rút ngắn, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
1.1.3.4. Hiệu quả về mặt kinh tế
Quản lý tốt vùng nguyên liệu sẽ mang lại lợi ích tổng hòa từ nhiều yếu tố như quy hoạch, kế hoạch, các chế độ, chính sách hỗ trợ của nhà nước, địa phương, doanh nghiệp... Những yếu tố này tác động đến người trồng chè ở nhiều phương diện khác nhau, đem lại những hiệu quả khác nhau. Tuy nhiên, có thể khẳng định đều đem đến hiệu quả về mặt kinh tế cao hơn cho hộ trồng, thâm canh chè.
Về tổ chức quy hoạch, khi quy hoạch vùng nguyên liệu chè tốt sẽ tạo ra vùng nguyên liệu chè có quy mô lớn, đồng thời, việc xây dựng các hệ thống giao thông, thủy lợi, tưới tiêu đều thuận lợi, tiết kiệm chi phí sản xuất, việc áp dụng các quy trình kỹ thuật, công nghệ chăm sóc thuận tiện góp phần nâng cao giá trị và chất lượng chè. Tăng cường ứng dụng các kỹ thuật canh tác mới vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị sản phẩm thu hoạch/1 ha đất trồng trọt. Từ đó giá thành chè nguyên liệu sẽ cao hơn, hiệu quả thiết thực, trực tiếp về mặt lợi ích cho người dân trồng chè, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
1.1.3.5. Hiệu quả về mặt xã hội và môi trường
Phát triển vùng nguyên liệu theo hướng bền vững đảm bảo phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, bố trí nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách khoa học, hợp lý đặc biệt là tài nguyên đất đai, khai thác phát huy hiệu quả sử dụng đất, tránh gây lãng phí tài nguyên đất đai.
Đồng thời, gắn việc sản xuất với công nghiệp bảo quản và chế biến, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, đáp ứng nhu cầu và nguyên liệu chế biến của các nhà máy, cơ sở chế biến. Ngoài ra, cần hướng dẫn, thông tin thị trường nhanh chóng, kịp thời, tránh việc mất cân bằng cung cầu, hạn chế việc tranh giành nguyên liệu, tranh giành thị trường đầu ra cho sản phẩm. Huy
động được nhiều nguồn lực để phát triển vùng nguyên liệu sắn gắn với công nghiệp chế biến một cách bền vững.
Bên cạnh đó, phát triển và quản lý tốt vùng nguyên liệu sẽ tạo công ăn việc làm ổn định cho lực lượng lao động ở khu vực nông thôn, tạo điều kiện cho lao động làm việc trực tiếp tại địa phương, không phải đi làm ăn xa với thu nhập ổn định, giải quyết việc làm tại chỗ.
Sản xuất chè an toàn không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, mà còn góp phần bảo vệ môi trường, đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất và tiêu dùng.