B. Các giải pháp góp phần đẩy nhanh CNH- HĐH ở Việt Nam
3. Các phương tiện để khuyến khích đầu tư nước ngoài và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ
Trong gần 4 thập kỷ kể từ khi thực hiện công cuộc đổi mới, Việt Nam được xem là hình mẫu thành công trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhờ môi trường đầu tư hấp dẫn, nền tảng chính trị ổn định và tiềm năng tăng trưởng kinh tế khá cao.
Ngay cả trong bối cảnh đại dịch Covid-19, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn giữ nguồn vốn đầu tư tại Việt Nam, vẫn xem Việt Nam là điểm đến hấp dẫn với những lợi thế về địa lý, thể chế và môi trường đầu tư ngày càng được hoàn thiện.
Thời gian qua, hoạt động góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài nói chung đã giúp thúc đẩy quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp trong nước, tạo điều kiện thu hút đầu tư, góp phần chuyển dịch dòng đầu tư đến cơ hội tốt hơn. Thực tế cho thấy, việc nhà đầu tư nước ngoài tham gia góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp tại doanh nghiệp Việt Nam có vai trò quan trọng trong việc đa dạng hóa các kênh thu hút vốn đầu tư, góp phần không nhỏ vào việc tái cấu trúc, nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trên thị trường.
Nhận thức tầm quan trọng của vấn đề này, Chính phủ đã có nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cũng như có các chính sách tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích nhiều nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư, góp vốn vào nhiều doanh nghiệp Việt Nam hơn, tạo thêm nhiều động lực phát triển nội lực doanh nghiệp và phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, theo nhận định của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong thời gian tới, đã đến lúc Việt Nam nhìn nhận lại chiến lược thu hút vốn đầu tư nước ngoài nói chung, cũng như nguồn vốn FDI và vốn gián tiếp để thích nghi hơn với bối cảnh mới, khi chính sách ưu đãi lớn cho nhà đầu tư như thuế sắp không còn tác dụng và cạnh tranh thu hút đầu tư giữa các nước ngày càng gay gắt hơn. Bên cạnh đó, thời gian gần đây, việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh có phần chậm lại. Vì vậy, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh khuyến nghị, trong thời gian tới, cần xem xét thêm một số giải pháp sau để tăng cường thuận lợi hơn nữa các hoạt động thu hút và khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam nói chung, cũng như góp vốn mua cổ phần trong doanh nghiệp nội.
Trước hết tiếp tục hoàn thiện về thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, xóa bỏ hoàn toàn chi phí không chính thức; thống nhất các quy định trước khi ban hành để tránh gây ra các quy định chồng chéo, dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình tuân thủ để tạo thuận lợi hơn nữa cho các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm góp vốn, mua cổ phần tại các doanh nghiệp Việt Nam, phục vụ mục tiêu kinh doanh, tìm kiếm lợi nhuận tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, cần có những chính sách ưu tiên những ngành, nghề, lĩnh vực có khả năng tạo ra các “ngoại ứng tích cực cho nền kinh tế”; tập trung vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên như: công nghệ cao, tiên tiến, công nghệ thân thiện với môi trường, năng lượng
sạch, năng lượng tái tạo; đầu tư cho con người (y tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục - đào tạo); logistic; sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh; phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đặc biệt là các ngành nghề mới trên nền tảng công nghiệp 4.0… để thu hút rộng rãi nhà đầu tư nước ngoài trong việc tham gia đầu tư, góp vốn tại các doanh nghiệp Việt Nam./.
Để thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển, trong thời gian tới, cần tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp này ở một số mặt sau:
Về xuất khẩu: Hình thành các quỹ hỗ trợ xuất khẩu cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các quỹ này có thể cung cấp các hoạt động xúc tiến xuất khẩu của doanh nghiệp nhỏ và vừa, như hỗ trợ tổ chức hoặc tham gia các hội chợ quốc tế; hỗ trợ cho các loại chứng nhận quốc tế liên quan đến chất lượng hàng xuất khẩu, các quy định liên quan đến hàng rào phi thuế quan như về môi trường; phát triển thị trường xuất khẩu mới; kết nối với các doanh nghiệp đối tác chiến lược quốc tế.
Về công nghệ: Cần có hình thức hỗ trợ đổi mới công nghệ tại doanh nghiệp nhỏ và vừa, như hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ cao; tạo thuận lợi cho thương mại hóa công nghệ được phát triển; phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa thâm dụng công nghệ tiên tiến với các đặc thù của Việt Nam; thúc đẩy hợp tác và phổ biến công nghệ thông qua biện pháp hợp tác công nghệ giữa các học viện, viện nghiên cứu, ngành công nghiệp và Chính phủ. Cần có cơ chế hỗ trợ tra cứu thông tin khoa học và công nghệ, sở hữu trí tuệ để các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tiếp cận một cách có hiệu quả hơn nguồn thông tin sáng chế phục vụ nhu cầu sản xuất và đổi mới công nghệ.
Về tiếp cận tài chính, tín dụng: Cần tập trung tháo gỡ những khó khăn trong tiếp cận tài chính, tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ngân hàng Nhà nước bên cạnh việc điều hành lãi suất theo hướng duy trì lãi suất thấp, ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn, cần chỉ đạo các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại chủ động tiếp cận doanh nghiệp nhỏ và vừa để tư vấn cho vay các dự án kinh doanh có hiệu quả, mở rộng các loại hình cho vay dựa trên tín chấp và phương án kinh doanh. Khuyến khích các ngân hàng thương mại áp dụng hình thức đánh giá tín nhiệm doanh nghiệp để mở rộng cho vay tín chấp đối với các doanh nghiệp có dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi, cơ cấu lại các khoản vay vốn lãi suất cao trước đây. Nhà nước cần có chính sách khuyến khích ngân hàng thương mại có tỷ lệ dư nợ tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở mức cao.
Về thông tin: Hiện, doanh nghiệp nhỏ và vừa rất khó khăn trong tiếp cận thông tin về các chính sách, pháp luật, vì vậy, cần có chính sách tăng cường năng lực tiếp cận thông
tin chính sách pháp luật cho khối doanh nghiệp này, như xây dựng trang thông tin điện tử về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, trong đó cập nhật đầy đủ các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được ban hành từ cấp Chính phủ đến các bộ, ngành, địa phương, về các lĩnh vực như trợ giúp về thuế, hỗ trợ công nghiệp phụ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, chính sách khoa học công nghệ đối với doanh nghiệp,... Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia. Tăng cường triển khai áp dụng đấu thầu qua mạng để khuyến khích và tạo điều kiện tiếp cận thông tin cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Về phát triển nguồn nhân lực: Triển khai có hiệu quả hoạt động trợ giúp đào tạo nguồn nhân lực hằng năm cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; định kỳ tổ chức điều tra, khảo sát để nắm bắt được nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực của doanh nghiệp nhỏ và vừa, qua đó có cơ sở đổi mới nội dung, phương thức phù hợp yêu cầu nguồn nhân lực; rà soát và lồng ghép các giải pháp tăng cường đầu tư phát triển dạy nghề nâng cao chất lượng nguồn lao động, đặc biệt là lao động kỹ thuật; hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động; phát triển các hình thức thông tin thị trường lao động, nhất là hình thức giao dịch về việc làm chính thức trên thị trường lao động nhằm kết nối cung - cầu lao động; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình tuyển dụng lao động phù hợp với yêu cầu sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, tăng cường công tác đào tạo nâng cao năng lực quản trị cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; bồi dưỡng kiến thức pháp luật, tổ chức các hoạt động dưới nhiều hình thức nhằm tuyên truyền, khuyến cáo doanh nghiệp thực thi pháp luật.
Phát triển các vườn ươm: Kinh nghiệm nhiều nước cho thấy, để khuyến khích đổi mới và phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp, rất cần tạo các trung tâm vườn ươm. Theo ưu tiên của Chính phủ, trước mắt, thí điểm xây dựng vườn ươm doanh nghiệp trong một số lĩnh vực ưu tiên, tập trung vào đổi mới sáng tạo, phát triển sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng cao, có tính cạnh tranh cao và thân thiện với môi trường. Vì vậy, cần có hệ thống chính sách thúc đẩy thành lập doanh nghiệp mới và khả năng làm chủ doanh nghiệp trong các lĩnh vực này bao gồm tài trợ, nhân sự, thông tin và các dịch vụ hỗ trợ để thành lập doanh nghiệp.
Về nâng cao năng lực hội nhập: Việc Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), cũng như hàng loạt các hiệp định thương mại tự do đã tạo thêm những cơ hội mới giúp các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng. Bên cạnh sự đa dạng hóa nguồn cung, kinh nghiệm cho thấy việc tổ chức sản xuất theo cụm, ở đó các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong một chuỗi ngành hàng liên kết với nhau ở hầu hết các công đoạn có thể đưa ra một sản phẩm mới nhanh nhất và giá cả có năng lực cạnh tranh cao nhất. Sự hỗ trợ của Nhà nước đối với đổi mới công nghệ tại các cụm, vườn ươm này là vô cùng quan trọng. Cùng với đó, các hiệp hội ngành hàng nên tổ chức cho các doanh nghiệp Việt Nam khảo sát thị trường nước ngoài, giúp các doanh nghiệp xây dựng và quảng bá
thương hiệu. Các doanh nghiệp có tài sản sở hữu trí tuệ thì cần khẩn trương đăng ký để được bảo hộ như nhãn hiệu hàng hóa, tên doanh nghiệp, kiểu dáng công nghiệp hoặc chỉ dẫn địa lý./.