Sự cần thiết khách quan phải điều chỉnh Khung tiêu chuẩn kỹ năng nghề nghiệp cho người làm kế toán quản trị

Một phần của tài liệu CÁC MÔ HÌNH LÝ THUYẾT VÀ XU HƯỚNG XỬ LÝ MỐI QUAN HỆ GIỮA CÁC QUY ĐỊNH VỀ KẾ TOÁN VÀ THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP (Trang 170 - 177)

Thứ nhất, xuất phát từ những thay đổi trong vai trò của người làm kế toán – tài chính trong doanh nghiệp.

Bộ phận kế toán – tài chính có vai trò truyền thống là lập báo cáo tài chính, quản trị giá trị và đảm bảo tính tuân thủ trong doanh nghiệp thông qua chức năng giám sát và kiểm tra, đánh giá. Quá trình giám sát (oversight) được thể hiện qua việc phân bổ các nguồn lực, đảm bảo tình hình tài chính lành mạnh phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư trong tương lai. Kiểm tra, đánh giá được ghi nhận là hoạt động “nhận thức muộn”

167

(hindsight), tức là căn cứ vào các dữ liệu quá khứ để phân tích, đánh giá, xem xét tác động của các sự kiện, giao dịch quá khứ tới kế hoạch tương lai của doanh nghiệp. Hai chức năng này vẫn luôn là nhân tố quan trọng đảm bảo vai trò của bộ phận kế toán – tài chính doanh nghiệp trong tương lai.

Tuy nhiên, giai đoạn hiện nay cho thấy đang có sự dịch chuyển không ngừng về chức năng của kế toán – tài chính, trong đó, bộ phận này ngày càng được định hướng tới tầm chiến lược, gắn với các hoạt động chiến lược và tạo ra giá trị gia tăng lớn trong doanh nghiệp hơn là với các hoạt động vận hành thường xuyên, diễn ra hàng ngày và đem lại giá trị gia tăng thấp. Có nghĩa là, chức năng của kế toán – tài chính sẽ bao gồm tạo dựng giá trị, phân tích sâu thông tin, dự báo tương lai. Đồng thời, bộ phận kế toán – tài chính sẽ vận hành với vai trò là đối tác kinh doanh định hướng chiến lược của chính doanh nghiệp.

Để gặt hái được thành công trong vai trò mới, người làm kế toán quản trị phải vận dụng sâu sắc hơn các kỹ năng về phân tích dữ liệu. Trước đây, kế toán quản trị chỉ cần đảm bảo cung cấp dữ liệu có tính chất mô tả (là dữ liệu quá khứ về các nghiệp vụ, kinh tế tài chính đã phát sinh, đồng thời, phân tích nguyên nhân phát sinh). Ngày nay, vai trò được đẩy cao hơn, thể hiện qua việc phân tích sâu dữ liệu quá khứ để tiến hành dự báo “điều gì có thể sẽ xảy ra”, tư vấn khả năng “doanh nghiệp sẽ nên làm gì”. Cùng với sự phát triển về năng lực ứng dụng công nghệ vào môi trường kinh doanh, nhiều doanh nghiệp đã biến chuyển bộ phận kế toán – tài chính thành đối tác hiệu quả và đi đầu trong thúc đẩy các hoạt động nâng cao giá trị gia tăng cho doanh nghiệp.

Thứ hai, xuất phát từ tác động của công nghệ và phân tích dữ liệu tới công việc của kế toán.

Kế toán – tài chính luôn giữ vai trò trung tâm trong công tác xử lý số liệu. Tuy nhiên, hiện nay, cuộc cách mạng dữ liệu đã tạo ra sự biến động lớn trong triển vọng nghề nghiệp về phân tích dữ liệu trong doanh nghiệp, từ đó, bản chất công việc của kế toán – tài chính cũng bị ảnh hưởng lớn. Đồng thời, thay đổi công nghệ tạo ra những thách thức và cả cơ hội cho người làm kế toán quản trị. Kế toán sẽ không còn tập trung nhiều thời gian và nguồn lực vào khâu thu nhận, tổ chức, hệ thống hóa thông tin và dữ liệu nữa, thay vào đó là thực hiện đánh giá, phân tích thông tin. Chính nhờ vào khả năng tiếp cận thông tin chất lượng hơn mà kế toán quản trị có cơ hội phát triển vai trò ra quyết định. Mặt khác, kế toán quản trị có thể phân bổ nhiều nguồn lực vào phân tích xu hướng, phân tích giá trị nguồn thông tin và kết nối sâu sắc hơn với nhà quản trị các cấp trong doanh nghiệp.

Thành tựu của khoa học công nghệ trong giai đoạn hiện nay cho phép các doanh nghiệp ứng dụng nhiều mô hình và kỹ thuật xử lý, phân tích dữ liệu, trong đó có sử dụng Dữ liệu lớn (Big Data). Doanh nghiệp tin rằng đẩy mạnh năng lực phân tích dữ liệu là nhân

168

tố quan trọng giúp họ tồn tại và thành công trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0. Do vậy, các mô hình xử lý và phân tích dữ liệu đã dần phổ biến trong các mảng trọng yếu như đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, xây dựng và triển khai chiến lược, phân tích khả năng sinh lời tối ưu. Các nghiên cứu cho thấy doanh nghiệp có thành tích vượt trội so với các đối thủ cạnh tranh trong xây dựng và triển khai chiến lược hiệu quả thường có xu hướng ra quyết định kịp thời trên cơ sở ứng dụng công nghệ vào mô hình xử lý và phân tích dữ liệu. Ngược lại, doanh nghiệp bị hạn chế về năng lực phân tích thông tin, nghĩa là tốn nhiều thời gian và nguồn lực vào khâu thu thập thông tin và xử lý thông tin phục vụ quá trình ra quyết định, thường thiếu nhạy bén trước những biến động của thị trường và môi trường kinh doanh.

Thứ ba, xuất phát từ tầm quan trọng của đạo đức nghề nghiệp trong kỷ nguyên công nghệ.

Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mới vào hoạt động sản xuất, kinh doanh đòi hỏi triển khai các quy tắc đạo đức nghề nghiệp mới phù hợp với thực trạng. Những vấn đề như bảo mật thông tin của nhân viên và khách hàng, mức độ nào công nghệ được sử dụng để thu thập và phân tích sâu dữ liệu, doanh nghiệp được quyền giám sát hoạt động công nghệ của nhân viên tới mức độ nào đang trở thành các chủ đề bàn luận toàn cầu. Trong thời đại giá trị doanh nghiệp có thể tăng lên nhanh chóng nhờ các yếu tố vô hình như thương hiệu hay hình ảnh của doanh nghiệp thì việc thất bại trong xây dựng và tuân thủ đạo đức nghề nghiệp có khả năng ảnh hưởng tiêu cực lớn tới chính giá trị của doanh nghiệp.

Một trong số những vai trò truyền thống của kế toán – tài chính là xây dựng chính sách và quy trình nhằm bảo toàn các nguồn lực và kiểm soát tính tuân thủ trong thực hiện.

Duy trì vai trò này nghiêm ngặt chính là biểu hiện của khía cạnh đạo đức nghề nghiệp. Việc tích hợp ứng dụng công nghệ vào các quy trình sẽ phát sinh các vấn đề gắn với đạo đức nghề nghiệp. Khi người làm kế toán quản trị không đơn thuần chỉ thu nhận và báo cáo thông tin mà tập trung vào vai trò chiến lược, họ sẽ đối mặt nhiều hơn với các tình huống phức tạp đòi hỏi sự hiểu biết trong cách thức ứng xử phù hợp với khía cạnh đạo đức nghề nghiệp. Như vậy, người làm kế toán quản trị phải lựa chọn cách ứng xử tuân thủ theo các giá trị và quy định về đạo đức nghề nghiệp nói chung và của doanh nghiệp nơi họ hành nghề nói riêng.

Thứ tư, xuất phát từ triển vọng nghề nghiệp kế toán quản trị trong tương lai.

Môi trường làm việc của kế toán quản trị đã, đang và sẽ tiếp tục trải qua những thay đổi vô cùng lớn tạo ra nhiều thách thức cũng như cơ hội đòi hỏi sự thích ứng chuyên nghiệp của người làm kế toán quản trị. Nghiên cứu của Forrester Research Inc. (tháng 4.2017) dự báo đến năm 2020 khoảng 72% công việc trong lĩnh vực quản trị, kinh doanh, và tài chính sẽ được thay thế bởi công nghệ. Đồng nghĩa với việc thành tựu của CMCN 4.0 sẽ thay thế

169

các công việc kế toán giản đơn. Do vậy, người làm kế toán quản trị cần thiết phải vươn tới chuỗi giá trị cao hơn thông qua cải thiện và trau dồi kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp mới bao gồm cả kiến thức công nghệ, xử lý tình huống, tư duy phản biện.

2, Nội dung Khung tiêu chuẩn kỹ năng nghề nghiệp cho người làm kế toán quản trị của IMA

Nhóm 1: Nhóm năng lực và kiến thức về chiến lược, hoạch định, đánh giá hiệu quả Nhóm một gồm các kỹ năng và kiến thức cần thiết sau: hoạch định chiến lược, phân tích quyết định, quản trị chi phí chiến lược, các quyết định đầu tư vốn, quản trị rủi ro doanh nghiệp, dự báo và lập dự toán, tài chính doanh nghiệp, quản trị hiệu quả hoạt động.

Vùng kiến thức về chiến lược, hoạch địch và đánh giá hiệu quả cung cấp cho kế toán quản trị những kỹ năng về dự báo tương lai, hoạch định chiến lược, kiểm soát rủi ro, phục vụ khâu ra quyết định của nhà quản trị và kiểm soát hiệu quả hoạt động trong doanh nghiệp. Dễ dàng nhận thấy, các kỹ năng trong nhóm “Lập kế hoạch, báo cáo và ra quyết định” thuộc Khung năng lực cũ được kết cấu lại vào nhóm mới này. Một sự thay đổi nữa là kỹ năng thuộc nhóm Kế toán chi phí và Quản trị chi phí được tách ra thành hai mảng là Quản trị chi phí chiến lược và Kế toán chi phí, trong đó Quản trị chi phí chiến lược theo Khung năng lực mới là kỹ năng thuộc nhóm “Chiến lược, hoạch định, đánh giá hiệu quả”;

còn Kế toán chi phí thuộc nhóm “Lập báo cáo và kiểm soát”. Điều này cho thấy IMA đã nhận thức được vai trò cốt lõi của kỹ năng quản trị chi phí trong khâu ra quyết định chiến lược, theo đó, nâng cao vai trò và vị thế của kế toán quản trị trong quy trình xây dựng và triển khai chiến lược doanh nghiệp.

Nhóm 2: Nhóm năng lực và kiến thức về lập báo cáo và kiểm soát

Nhóm hai gồm các kỹ năng và kiến thức cần thiết sau: kiểm soát nội bộ; thu nhận, ghi chép thông tin giao dịch kinh tế, tài chính của doanh nghiệp; kế toán chi phí; lập báo cáo tài chính; phân tích báo cáo tài chính; lập kế hoạch và báo cáo thuế; lập báo cáo tổng hợp.

Đáp ứng được kỹ năng thuộc nhóm này, kế toán quản trị phải có khả năng đánh giá, đo lường và lập báo cáo về tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tuân thủ theo các chuẩn mực và quy định hiện hành. Có nghĩa là, nhóm kỹ năng này có sự tương đồng đáng kể với vai trò truyền thống của kế toán là thu nhận thông tin và cung cấp thông tin qua hoạt động giám sát và đánh giá. Mặc dù kế toán quản trị có nhiều thay đổi dưới tác động của CMCN 4.0 nhưng những vai trò cơ bản vẫn đảm bảo được thực hiện và cải biến phù hợp. Việc bổ sung kỹ năng rà soát và lập báo cáo thuế và báo cáo tổng hợp phản ánh những thay đổi trong môi trường cung cấp thông tin cho các đối tượng bên ngoài và nhu cầu của các bên liên quan về nâng cao hiệu quả công bố thông tin đa chiều.

Nhóm 3: Nhóm năng lực và kiến thức về công nghệ và phân tích dữ liệu.

170

Nhóm ba gồm các kỹ năng và kiến thức cần thiết sau: tổ chức hệ thống thông tin, quản trị dữ liệu, phân tích dữ liệu, mô hình hóa dữ liệu.

Thay đổi lớn nhất của Khung năng lực mới là việc bổ sung nhóm năng lực và kiến thức về “Công nghệ và phân tích số liệu”. Mặc dù Khung năng lực cũ đã đề cập tới sự cần thiết phải tích lũy kỹ năng về công nghệ đối với kế toán quản trị, nhưng trước những biến động không ngừng của khoa học công nghệ và việc ứng dụng mô hình phân tích dữ liệu hiện đại vào công việc kế toán đã thúc đẩy IMA tích cực rà soát nhằm hoàn thiện nhóm năng lực này.

Đáp ứng được nhóm kỹ năng này giúp người làm kế toán quản trị làm chủ được công nghệ và kỹ thuật phân tích dữ liệu, qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Ngày nay, quy trình xử lý dữ liệu và thông tin đòi hỏi góc nhìn toàn diện cũng như năng lực liên quan tới từng khâu thu nhận, phân tích và báo cáo kết quả phân tích dữ liệu, đồng thời, phải luôn đảm bảo tính trung thực và bảo mật của dữ liệu.

Để gặt hái được thành công trong giai đoạn hiện nay, IMA cho rằng người làm kế toán quản trị nhất thiết phải củng cố, trau dồi kỹ năng thuộc nhóm lĩnh vực này, phải thường xuyên cập nhật những phương pháp hiện đại nhất về quản trị, truy xuất, phân tích và mô hình hóa dữ liệu. Đồng thời, phải có khả năng chọn lọc và phân tích thông tin thích hợp phục vụ các nhu cầu quản trị nhất định. Việc kết hợp kiến thức về công nghệ với các kỹ năng lãnh đạo chiến lược là cơ sở giúp kế toán quản trị “giải mã” “ngôn ngữ kinh doanh”

từ các nguồn dữ liệu vô tận.

Nhóm 4: Nhóm năng lực và kiến thức về nhạy bén trong kinh doanh và điều hành hoạt động doanh nghiệp.

Nhóm bốn gồm các kỹ năng và kiến thức cần thiết sau: kiến thức về lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp, kiến thức điều hành doanh nghiệp, quản trị chất lượng và cải tiến liên tục, quản lý dự án.

Trước đây, nhóm kỹ năng này chỉ tập trung vào kiến thức và năng lực về điều hành kinh doanh. Khung năng lực mới đã mở rộng thêm các kỹ năng nhằm củng cố vai trò của kế toán quản trị với tư cách là “đối tác” của chính doanh nghiệp, trực tiếp tham gia hỗ trợ vào mọi hoạt động và chức năng của doanh nghiệp. Mặc dù việc hiểu biết về điều hành doanh nghiệp luôn là một năng lực không thể thiếu nhưng phạm vi của kỹ năng này đã rộng hơn trước. Để đáp ứng được môi trường kinh doanh trong bối cảnh CMCN 4.0, người làm kế toán quản trị cần hiểu rõ tác động của công nghệ tới các mô hình, quy trình kinh doanh và rủi ro kinh doanh. Vấn đề này bao gồm những tác động hiện thời của công nghệ cũng như phỏng đoán về tác động có thể phát sinh trong tương lai vào cách thức vận hành và đánh giá hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Người làm kế toán quản trị phải có

171

đủ nhạy bén để đánh giá các kết quả trong bối cảnh cụ thể thông qua lựa chọn nguồn dữ liệu thích hợp, tiến hành phân tích nhằm hỗ trợ quy trình ra quyết định kinh doanh và kiểm soát mọi hoạt động của doanh nghiệp.

Nhóm 5: Nhóm năng lực và kiến thức về lãnh đạo

Nhóm này bao gồm các kỹ năng và kiến thức cần thiết sau: kỹ năng giao tiếp; kỹ năng thúc đẩy và tạo động lực cho nhân viên; phối hợp, làm việc nhóm và quản trị mối quan hệ; quản trị trong môi trường biến động; kỹ năng đàm phán; quản trị xung đột phát sinh trong môi trường kinh doanh; quản trị năng lực.

Kỹ năng lãnh đạo bao gồm năng lực hợp tác và khả năng truyền cảm hứng cho tập thể nhằm đạt được mục tiêu chung của doanh nghiệp. Đây là nhóm duy nhất không có sự khác biệt khi so sánh với Khung năng lực cũ của IMA. Điều này thể hiện tầm quan trọng có tính chất nền tảng của người làm kế toán quản trị khi triển khai công việc với tư cách là người điều phối không những trên phương diện tài chính mà còn trên mọi phương diện khác của một doanh nghiệp. Năng lực lãnh đạo sẽ càng được đề cao khi kế toán quản trị trở thành đối tác của doanh nghiệp trong mục tiêu đẩy mạnh hiệu quả hoạt động kinh doanh.

Nhóm 6: Nhóm năng lực và kiến thức về Đạo đức và các giá trị nghề nghiệp.

Nhóm sáu gồm các kỹ năng và kiến thức cần thiết sau: hành vi đạo đức nghề nghiệp;

nhận diện và xử lý hành vi/ứng xử vi phạm đạo đức nghề nghiệp; tiêu chuẩn khuôn mẫu và tiêu chuẩn luật định về đạo đức và giá trị nghề nghiệp.

Trước đây, đạo đức nghề nghiệp là một nội dung thuộc nhóm kỹ năng về ra quyết định. Việc bổ sung nhóm năng lực và kiến thức về đạo đức và các giá trị nghề nghiệp thành một nhóm năng lực riêng biệt là một sự thay đổi lớn của Khung năng lực mới. Điều này cho thấy IMA nói riêng và cộng đồng kế toán tài chính nói chung đã nhận thức được vai trò quan trọng của vấn đề đạo đức và các giá trị nghề nghiệp trong quá trình thực hành kế toán quản trị trong xã hội. Mặt khác, nhóm năng lực này được cho là đóng vai trò nền tảng, không những có giá trị lâu dài mà còn chi phối tới mọi năng lực và các kỹ năng nghề nghiệp khác.

Người làm kế toán quản trị cần thể hiện được hành vi đạo đức nghề nghiệp của bản thân. Có nghĩa là họ phải tuân thủ các quy chế, quy định về hành vi ứng xử nơi làm việc.

Tuy nhiên, các giá trị và đạo đức nghề nghiệp cần được nhận thức rộng hơn, bao gồm cả năng lực hoài nghi nghề nghiệp, nhận diện các hành vi xung đột và sai lệch với quy định, từ đó lựa chọn cách thức hành xử phù hợp. Ngoài ra, nhóm năng lực này còn đòi hỏi khả năng triển khai chiến lược của tổ chức một cách trung thực, tuân thủ theo quy định của pháp luật, chuẩn mực và chế độ của từng quốc gia, địa phương hoặc lĩnh vực nơi tổ chức đang hoạt động.

Một phần của tài liệu CÁC MÔ HÌNH LÝ THUYẾT VÀ XU HƯỚNG XỬ LÝ MỐI QUAN HỆ GIỮA CÁC QUY ĐỊNH VỀ KẾ TOÁN VÀ THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP (Trang 170 - 177)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(281 trang)