Giao thông trên địa bàn huyện Đạ Huoai là giao thông đường bộ. Toàn huyện có 300,26 km đường giao thông (Quốc lộ 20 có 28,59 km, chiếm 9,5%; Tỉnh lộ 721 có 22,7 km, chiếm 7,6%; Đường liên xã có 55,59 km, chiếm 18,5%; đường đô thị 58 km, chiếm 19,3% và đường thôn, liên thôn, nội đồng 135,34 km, chiếm 45,1%) trong đó: mặt đường bê tông nhựa, láng nhựa, bê tông xi măng có 218,2 km, chiếm gần 73%; Mật độ đường giao thông là 0,61 km/km2 và trên 8,34 km/1.000 dân. Tổng diện tích sử dụng đất giao thông toàn huyện 315,66 ha.
Biểu 4: Tổng hợp hiện trạng đường bộ huyện Đạ Huoai
Loại đường Chiều dài (km)
Nhựa Đất
Chiều dài (km)
Tỷ lệ (%)
Chiều dài
(km) Tỷ lệ (%)
Toàn huyện 300,26 218,2 72,67 82,06 27,3
1. Quốc Lộ 20 28,59 28,59 100
2. Đường tỉnh 721 22,7 22,7 100
3. Đường liên xã 55,59 44,19 79,49 11,4 20,5
4. Đường đô thị 58,0 38,5 66,28 19,6 33,7
5. Đường thôn, liên thôn, nội đồng 135,34 84,25 62,25 51,09 37,8
* Nguồn: Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Đạ Huoai.
- Quốc lộ: Trên địa bàn có tuyến quốc lộ 20 là tuyến đường trục chính quan trong, nối huyện Đạ Huoai với các trung tâm huyện lỵ, thị trấn khác trong và ngoài tỉnh. Chiều dài đoạn chạy qua địa phận huyện 28,59 km, chạy xuyên suốt qua huyện theo hướng Đông Bắc - Tây Nam, qua thị trấn Mađaguôi, xã Hà Lâm, thị trấn ĐạM’ri, toàn tuyến rải nhựa đạt tiêu chuẩn cấp III miền núi, quy mô đường rộng 12 m với 2 làn cơ giới và 2 làn hỗn hợp; một số đoạn qua khu dân cư tập trung được gia cố thêm phần lề mặt đường đạt hơn 14 m; cầu cống đạt tải trọng H30-XB80, tuyến đường này hiện nay đã hoàn thành việc nâng cấp, đưa vào sử dụng.
- Tỉnh lộ: Trên địa bàn huyện có đường tỉnh 721 chạy qua với tổng chiều dài toàn tuyến là 22,7 km, gồm có 2 đoạn:
+ Đoạn 1 bắt đầu từ thị trấn Mađaguôi, chạy qua xã Mađaguôi, xã Đạ Oai vào huyện Đạ Tẻh, Cát Tiên. Đoạn chạy qua huyện 12,2 km, hiện trạng đường trải nhựa, đạt tiêu chuẩn đường cấp IV miền núi, đoạn qua trung tâm thị trấn Mađaguôi được phân thành 2 làn có giải phân cách cứng là bồn hoa.
+ Đoạn 2 (là tuyến đường B’sa - Đoàn Kết (ĐH 1 cũ): dài 10,5 km, từ Km94+800 của quốc lộ 20 đến giáp ranh tỉnh Bình Thuận (nối với đường tỉnh ĐT.713 tỉnh Bình Thuận), hiện trạng toàn tuyến là đường nhựa đạt tiêu chuẩn cấp IV miền núi, nền rộng 7,5 m mặt đường rộng 5,5 m, chất lượng đường tốt, cầu cống đạt tải trọng H30-XB80.
- Đường đô thị: Hệ thống đường đô thị gồm các tuyến đường thuộc 2 thị trấn Mađaguôi và ĐạM’ri, trong đó thị trấn Mađaguôi có 51 tuyến, cụm tuyến (kể cả đường hẻm) với tổng chiều dài là 37,1 km, trong đó có trên 64% là đường nhựa, bê tông hóa còn lại là đường đất, hiện tại các tuyến đường trong nội thị thị trấn Mađaguôi đã được đặt tên. Đối với thị trấn ĐạM’ri, hiện có 25 tuyến, cụm tuyến (kể cả đường hẻm) với tổng chiều dài 20,9 km, trong đó có 71% là đường nhựa, bê tông xi măng, còn lại là đường đất. Nhìn chung hệ thống đường nội thị cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất, tuy nhiên trong giai đoạn quy hoạch để đảm bảo cảnh quan đô thị, cũng như tạo quỹ đất cho phát triển cần thiết phải quy hoạch điều chỉnh lại một số tuyến theo quy hoạch xây dựng thị trấn Mađaguôi và thị trấn ĐạM’ri đã được UBND tỉnh phê duyệt.
- Hệ thống đường huyện, liên xã: Gồm 06 tuyến với tổng chiều dài 55,59 km, hiện trạng như sau:
+ Đường Hà Lâm - ĐạM’ri (ĐH2): có chiều dài 6,63 Km, điểm đầu tuyến tại Km 91+100 Quốc lộ 20, điểm cuối quốc lộ 20 tại Km 94+500, đi từ xã Hà Lâm qua xã ĐạM’ri và đến Thị trấn ĐạM’ri và có đoạn nối với đường Hà Lâm – Phước Lộc.
Hiện trạng toàn tuyến là đường nhựa đạt tiêu chuẩn cấp IV miền núi.
+ Đường Hà Lâm - Phước Lộc (ĐH3): có chiều dài 13,69 Km điểm đầu tại Km89+500 đi từ xã Hà Lâm đến nhà máy thủy điện ĐạM’ri, hiện trạng có 10,69 km là đường nhựa đạt tiêu chuẩn cấp IV miền núi, đoạn từ thôn Phước Bình – đi nhà máy thủy điện dài khoảng 3 km là đường cấp phối sỏi sông.
+ Đường Mađaguôi - Đạ Tồn - Đa Oai (ĐH4): có chiều dài 10,83 Km đi từ xã Mađaguôi qua xã Đạ Tồn đến xã Đạ Oai. Đoạn từ Mađaguôi đến xã Đạ Tồn đã xây dựng đường nhựa với chiều dài 6,44 Km đạt tiêu chuẩn đường cấp IV miền núi, đoạn còn lại từ Đạ Tồn đến Đạ Oai dài 4,4 Km là đường đất.
+ Đường Mađaguôi - Phú An (ĐH5): Tuyến đường này theo quy hoạch có tổng chiều dài là 4,55 km, hiện trạng đường nhựa đạt tiêu chuẩn đường cấp IV miền núi.
+ Đường Đạ Oai - Đạ Tồn (ĐH6): Hiện trạng có chiều dai 5,38 km qua địa bàn xã Đạ Oai - xã Đạ Tồn, trong đó có 1,2 km đường nhựa, đạt tiêu chuẩn cấp IV miền núi, đoạn còn lại là đường đất.
+ Đường Hà Lâm - Đoàn Kết - Đạ P’loa (ĐH7): có chiều dài 14,51 km đi từ quốc lộ 20 (xã Hà Lâm) qua xã Đoàn Kết đến xã Đạ P’loa, tuyến đường này hiện đang được đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp IV miền núi.
- Đường nông thôn: Tổng số có 115 tuyến với tổng chiều dài 135,34 km, trong đó có 84,25 km đường được cứng hóa bằng nhựa hoặc bê tông xi măng đạt chuẩn giao thông nông thôn mới, chiếm 62,3%.
- Bến xe: Trước đây huyện Đạ Huoai có 01 bến xe trung tâm huyện gần chợ Thị trấn Mađaguôi, sau khi xây dựng chợ mới không bố trí bến xe ở khu vực này, hiện tại huyện đang quy hoạch bến xe gần khu vưc điểm dừng chân của công ty Thành Bưới (tổ dân phố 10). Ngoài ra trên địa bàn có 01 bến xe, điểm dừng chân của công ty vận tải Phương Trang tại khu vực Suối Tiên – Thị trấn Mađaguôi và các điểm dừng chân kết hợp với phát triển du lịch trên tuyến quốc lộ 20 tại Thị trấn Mađaguôi và Thị trấn ĐạM’ri.
5.5.2. Thuỷ lợi, cấp nước
Tổng diện tích đất thủy lợi trên địa bàn có 90,53 ha.
Các công trình thuỷ lợi trên huyện Đạ Huoai gồm có 05 hồ chứa là hồ Đạ Li Ông, hồ khu phố 4 - Thị trấn Mađaguôi, hồ Đạ Nar - xã Đạ Oai; hồ Đạ Đăk - xã Phước Lộc và hồ Đạ Kon Boss - xã Đạ P’loa; 02 đập dâng là đập dâng Mađaguôi - xã Mađaguôi và đập dâng Pu đa ga - xã Đoàn Kết và 01 trạm bơm là trạm bơm Đạ Gùi - xã Đạ Oai, tổng diện tích thiết kế tưới cho khoảng 1.196 ha và cấp nước cho 200 hộ dân trên địa bàn. Ngoài hệ thống thuỷ lợi nêu trên, trên địa bàn còn có một số công trình nhỏ (đập dâng, giếng đào, giếng khoan) do nhân dân tự xây dựng tưới cho khoảng 1.600 ha cây trồng các loại. So với số công trình thủy lợi theo quy hoạch tổng thể được phê duyệt (QĐ 621/QĐ-UBND ngày 18/3/2010), đến nay đã thực hiện được 4 công trình/15 công trình.
Hệ thống kênh mương có tổng chiều dài khoảng trên 30 km, tỷ lệ kênh được bê tông hóa đạt 70%; đến nay có 5/8 xã đạt tiêu chí nông thôn mới về thủy lợi.
- Cấp nước: Nước sinh hoạt trên địa bàn được cấp từ các nguồn là nước sông, suối, nước giếng (khoan, đào), nước mưa (lu, bể chứa), nước máy (cấp nước tập trung). Thực trạng cấp nước trên địa bàn như sau:
- Đối với thị trấn Mađaguôi: Được cấp nước từ nhà máy nước Đạ Huoai có công suất 1.500 m3/ngày đêm cấp nước cung cấp nước sinh hoạt cho trên 1.150 hộ.
- Đối với thị trấn ĐạM’ri: Được cấp nước từ nhà máy nước ĐạM’ri xây dựng năm 2011 với tổng vốn đầu tư trên 14,3 tỷ đồng, công suất 1.000 m3/ngày đêm cấp phục vụ hơn 700 hộ.
- Đối với khu vực nông thôn: Hiện tại trên địa bàn có 13 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn phục vụ cho hàng ngàn hộ dân; trong đó, có 6 công trình nước tự chảy và 7 công trình giếng khoan, giếng khơi. Riêng tại 3 xã Đạ P’Loa, Đoàn Kết và Phước Lộc được đầu tư xây dựng 4 công trình nước tự chảy cấp nước cho khoảng trên 2.000 hộ vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc tại chỗ. Ngoài ra các hộ dân còn khai thác nước giếng để sinh hoạt và tưới cây. Đến nay tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh ở khu vực nông thôn đạt 98,5%.
5.5.3. Công trình năng lượng
Tổng diện tích sử dụng đất năng lượng là 160,84 ha gồm đất hành lang an toàn lưới điện và công trình thủy điện Đạ M’ri.
a) Hệ thống lưới điện
Đạ Huoai được cấp điện từ hệ thống mạng lưới điện của công trình thuỷ điện Đa Nhim, Hàm Thuận - Đa Mi, Đạm B’ri (hòa lưới điện quốc gia năm 2014) thông qua trạm 220 kV Bảo Lộc công suất (125 + 63) MVA theo tuyến 471 trạm 110/220 kV Bảo Lộc, phân phối phụ tải cho khu vực thị xã Bảo Lộc, các huyện Di Linh, Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên. Hiện tại trên địa bàn được cấp điện từ 2 trạm là trạm trung thế 35/220kV đặt tại thị trấn Mađaguôi và trạm 110/220 kV Đạ Tẻh cung cấp điện cho toàn huyện, bao gồm các tuyến như sau:
- Tuyến 472: Cấp điện cho thị trấn Mađaguôi, xã Mađaguôi, xã Đạ Tồn và xã Đạ Oai. Đoạn đầu dùng dây 3xAC70 + AC50 dài 13,3 km; đoạn còn lại dùng dây 3xAC120 + AC70 dài 0,73km.
- Tuyến 476: Cấp điện cho thị trấn Mađaguôi, xã Hà Lâm, Phước Lộc, thị trấn Đạ MRi, xã Đạ Mri, Đạ P’loa, Đoàn Kết và liên kết với lưới điện Bình Thuận. Đoàn đầu dùng dây 3xAC70 + AC50 dài 8,9 km; đoạn còn lại dùng dây 3xAC95 + AC50 dài 9,34km.
- Tuyến 474: Cấp điện cho huyện Tân Phú tỉnh Đồng Nai.
Tính đến năm 2019, toàn huyện có 99,8% số hộ sử dụng điện lưới quốc gia, việc phủ lưới điện trên khắp địa bàn huyện đã tạo điều kiện nâng cao đời sống của người dân địa phương, nhiều hộ đã sử dụng điện để phục vụ sản xuất như bơm tưới vườn, chế biến nông lâm sản,...
b) Công trình thủy điện: Trên địa bàn huyện có công trình thủy điện Đạ M’ri tại xã Phước Lộc (nằm trên địa bàn 3 huyện) công suất 75 MW, xây dựng hoàn thành và phát điện năm 2014, hiện nay tuyến đường dây của công trình thủy điện này đang tiến hành công tác thỏa thuận chuyển mục đích sử dụng đất.
2.5.4. Cơ sở giáo dục và đào tạo
Toàn huyện có 32 trường học các cấp; trong đó mầm non có 12 trường (công lập 10 trường, tư thục 2 trường); tiểu học có 10 trường; 01 trường tiểu học - THCS cơ sở; 07 trường THCS; 02 trường THPT, ngoài ra còn có 01 Trung tâm dạy nghề.
Tổng diện tích sử dụng đất giáo dục là 28,36 ha.
Cơ sở vật sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật trường học được tăng cường đầu tư đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học với 327 phòng học các cấp điều được xây dựng từ bán kiên cố trở lên (có 76,15% phòng học kiên cố); các công trình phục vụ quản lý và học tập như nhà hiệu bộ, nhà đa năng, phòng học bộ môn không ngừng được đầu tư đảm bảo theo hường đạt chuẩn, tính đến năm 2019 toàn huyện có 23/32 trường đạt chuẩn quốc gia.
2.5.5. Cơ sở y tế
Trên địa bàn huyện có 01 bệnh viện tuyến huyện và 01 phòng khám đa khoa khu vực, 10/10 xã, thị trấn có trạm y tế tuyến xã. Tổng số có 116 giường bệnh (chưa tính các trạm y tế xã, thị trấn 40 giường) tăng 46 giường so với năm 2010, hiện có 90% xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế. Tổng diện tích sử dụng đất 3,33 ha, bình quân 0,89 m2/người, vượt quy đinh tại Thông tư 01/2018/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường (từ 0,79 m2/người - 0,84 m2/người).
2.5.6. Cơ sở văn hóa, sinh hoạt cộng đồng
Cơ sở thiết chế văn hoá trên địa bàn không ngừng được đầu tư xây dựng, đến nay trên địa bàn huyện có 01 Trung tâm Văn hoá, Thông tin và thể thao cấp huyện;
01 tượng đài anh hùng liệt sĩ, 01 sân vận động huyện, 01 thư viện huyện có trên 13.000 đầu sách, 100% số xã, thị trấn có phòng đọc và tủ sách pháp luât; có 10/10 xã, thị trấn có Trung tâm Văn hóa – Thể thao xã, thị trấn đạt chuẩn về quy mô xây dựng theo đúng quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; 47/61(đạt 77%) thôn, tổ dân phố có Nhà văn hóa – Khu thể thao thôn, tổ dân phố đạt chuẩn về quy mô xây dựng theo đúng quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Tổng diện tích đất do ngành văn hóa quản lý năm 2019 toàn huyện có 15,01 ha, trong đó: đất cơ sở văn hóa (Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện, tượng đài tưởng niệm...) có 8,94 ha, đất sinh hoạt cộng đồng (nhà văn hóa xã, trụ sở thôn, Nhà văn hóa - Khu thể thao thôn, tổ dân phố...) có 5,03 ha, khu vui chơi giải trí 1,04 ha. Bình quân đạt 4,03 m2/người, vượt quy đinh tại Thông tư 01/2018/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường (từ 0,12 m2/người - 0,21 m2/người).
2.5.7. Cơ sở thể dục - thể thao
Cở sở thiết chế thể dục thể thao không ngừng được quan tâm đầu tư xây dựng, đến nay trên địa bàn huyện có 01 sân vận động huyện, 100% số xã thị trấn có sân thể thao trong đó có 8/10 xã, thị trấn có có sân thể thao đạt chuẩn. Tuy nhiên hiện nay do đặc điểm điều kiện đất đai nên việc xây dựng sân thể thao tại các thôn là rất khó khăn. Vì vậy, huyện đã kết hợp việc sử dụng chung quỹ đất sinh hoạt cộng đồng thôn với hoạt động thể thao; tổng diện tích đất cơ sở thể dục thể thao năm 2019 có 17,04 ha, bình quân đạt 4,03 m2/người, vượt yêu cầu so với định mức quy định tại Thông tư 01/2018/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường (từ 1,28 m2/người - 1,55 m2/người).
2.5.8. Bưu chính - viễn thông, thông tin
Mạng lưới bưu chính viễn thông phát triển mạnh, đáp ứng nhu cầu công tác quản lý và nhu cầu thông tin của nhân dân. Toàn huyện hiện có 1 bưu điện huyện và 1 bưu cục tại Thị trấn ĐạM’ri; 7/8 xã có bưu điện văn hóa. 100% xã thị trấn đã hòa mạng điện thoại di động. Thông qua hệ thống điện thoại hữu tuyến mạng lưới internets cũng được cung cấp đến tận xã. Hệ thống truyền hình đã được phủ sóng trên toàn địa bàn, đồng một số khu vực đã có truyền hình số mặt đất và truyền hình cáp. Hệ thống truyền thanh không dây đã được lắp đặt 100% số xã, thị trấn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận thông tin phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội. Tổng diện tích đất bưu chính viễn thông 3,16 ha.
2.5.9. Chợ, hạ tầng thương mại
Hạ tầng thương mại trên địa bàn bước đầu đã được quan tâm đầu tư, tuy nhiên còn thiếu và chưa thực sự đáp ứng đầy đủ nhu cầu của địa phương. Theo kết quả điều tra cho thấy, đến cuối năm 2019 toàn huyện có 03 chợ các loại trong đó có 02 chợ hoạt động (chợ Đạ P’loa không hoạt động) gồm: có 01 chợ hạng II là chợ thị trấn Ma đa guôi (đưa vào sử dụng năm 2011), 01 chợ hạng 3 là chợ thị trấn Đạ M’ri, bình quân 0,3 chợ/xã, thị trấn thấp hơn mức bình quân của tỉnh (0,45 chợ/xã, phường, thị trấn) và thấp hơn bình quân cả nước (0,84 chợ/xã, phường, thị trấn).
Tổng diện tích sử dụng đất chợ 1,17 ha, bình quân đạt 0,31 m2/người, thấp hơn rất nhiều so với định mức quy định tại Văn bản số 5763/BTNMT của Bộ Tài nguyên môi trường (từ 1,05 m2/người - 1,75 m2/người).
Hiện nay, trên địa bàn chưa có các trung tâm thương mại, siêu thị, mà chỉ có các cửa hàng thương mại của doanh nghiệp, hộ kinh doanh được hình thành, phát triển và chủ yếu tập trung ở dọc các tuyến đường chính (quốc lộ 20 và tỉnh lộ 721), trung tâm huyện. Nhìn chung, mạng lưới bán lẻ trên địa bàn vẫn phổ biến là loại hình bán lẻ truyền thống; Các loại hình bán lẻ hiện đại chưa xuất hiện hoặc có thì quy mô nhỏ và trình độ kinh doanh còn thấp. Hệ thống các cửa hàng xăng dầu gồm có 11 cửa hàng, được phân bố ở các tuyến đường trục chính, cơ bản đáp ứng nhu cầu của nhân dân.
III/ ĐÁNH GIÁ CHUNG VỀ ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, KINH TẾ, XÃ HỘI VÀ MÔI TRƯỜNG