CHƯƠNG 2. CƠ SỞ LÍ LUẬN VỀ PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM CHO SINH VIÊN SƯ PHẠM
2.2. Hoạt động trải nghiệm ở trường phổ thông
2.2.4. Phương thức, phương tiện tổ chức hoạt động trải nghiệm
2.2.4.1. Phương thức tổ chức hoạt động trải nghiệm
Phương thức được hiểu là hệ thống cách thức tác động giữa nhà giáo dục và người được giáo dục nhằm đạt được mục tiêu hoạt động, nó bao gồm cả hình thức và phương pháp như cách dùng thuật ngữ của chương trình (Bộ Giáo dục & Đào tạo, 2018b). Để triển khai các nội dung của HĐTN, đáp ứng các yêu cầu cần đạt của chương trình HĐTN, có thể sử dụng nhiều phương thức khác nhau, trong đó tập trung vào 4 nhóm: khám phá, thể nghiệm-tương tác, cống hiến, nghiên cứu.
Sơ đồ 2.1. Phương thức tổ chức hoạt động trải nghiệm
a) Phương thức khám phá
* Tham quan
Tham quan là cách thức mà nhà giáo dục tổ chức cho học sinh tiếp xúc trực tiếp với một cơ sở, địa điểm bên ngoài nhà trường để quan sát, tìm hiểu, thu thập, đánh giá và rút ra những bài học từ thực tiễn (Nguyễn An, 1996; Nguyễn Đắc Thanh & cộng sự, 2019). Trong HĐTN, địa điểm tham quan khá đa dạng, đó có thể là một nhà máy, một ngôi trường, một khu bảo tồn, một nông trại hay một bảo tàng…tùy vào mục đích giáo dục của mỗi hoạt động. Phương thức tham quan có thế mạnh trong việc giúp học sinh khám phá những môi trường mới mẻ, khuyến khích tính độc lập, phát triển các cơ hội giao lưu và lĩnh hội nhiều bài học từ thực tiễn sinh động,…(Bernd Meier & Nguyễn Văn Cường, 2019; Nguyễn Thúy Hồng & cộng sự, 2018).
* Cắm trại
Cắm trại là cách thức mà nhà giáo dục tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động tập thể gắn liền với bối cảnh sinh hoạt tại các lều, trại ở bên ngoài lớp học nhằm phát triển các phẩm chất và năng lực cần thiết (Hornby & cộng sự, 2010; Nguyễn
SP. Học sinh có thể được rèn luyện các năng lực giao tiếp với bạn bè và người lớn, giảm căng thẳng trong cuộc sống và học tập, phục hồi những tổn thương tinh thần (Kim, Kim, Park & Seo, 2014), phát triển các năng lực đội nhóm, khám phá môi trường bên ngoài nhà trường (Farrell, Hall & White, 2001), gia tăng niềm yêu thích thiên nhiên, ý thức bảo vệ môi trường…
b) Phương thức thể nghiệm, tương tác
* Diễn đàn
Diễn đàn là cách thức mà nhà giáo dục tổ chức cho học sinh trực tiếp thể hiện ý kiến, quan điểm của mình về một số vấn đề mang tính thực tiễn với bạn bè, thầy cô, cha mẹ hoặc những đối tượng khác liên quan (chuyên gia, học sinh khóa trên, cựu học sinh,…) qua đó họ phát triển các phẩm chất và năng lực khác nhau (Nguyễn Dục Quang, 2013; Nguyễn Thúy Hồng & cộng sự, 2018). Các hoạt động trong diễn đàn thường đa dạng, phát huy tính tích cực và tư duy phản biện của học sinh như tranh biện, trao đổi, bình luận, giao lưu…(Nguyễn Thúy Hồng, Đinh Thị Kim Thoa & cộng
sự, 2018). Một số nghiên cứu trên thế giới còn cho thấy diễn đàn có thể giúp người học phát triển các kĩ năng giao tiếp (Middlewick, Kettle & Wilson, 2012), nhìn nhận các vấn đề một cách nghiêm túc, tìm kiếm giải pháp, phát triển thái độ tích cực và các hành vi đạo đức của một công dân tương lai (Thambu & Rahman, 2017).
* Đóng kịch
Đóng kịch hay sắm vai là cách thức mà nhà giáo dục tổ chức cho học sinh thể hiện các nhân vật khác nhau trong các mối quan hệ xã hội dựa vào một câu chuyện, một tình huống, một tiểu phẩm…qua đó, học sinh rút ra những bài học cần thiết (Nguyễn Thanh Bình, 2013). Phương pháp đóng kịch có nhiều thế mạnh trong việc giúp học sinh thâm nhập vào thế giới nội tâm của nhân vật, thể hiện hiểu biết, cách ứng xử của bản thân, từ đó phát triển năng lực thấu cảm, lòng khoan dung (Bernd Meier & Nguyễn Văn Cường, 2019), phát triển năng lực giao tiếp (Nguyễn Dục Quang, 2013), năng lực văn hóa (Shearer & Davidhizar, 2003) và một số kĩ năng sống khác (Nguyễn Thanh Bình, 2013).
* Hội thi
Hội thi là cách thức mà nhà giáo dục tổ chức cho học sinh thi đua với nhau, có thể là cá nhân hoặc nhóm về một chủ đề mang tính giáo dục nào đó. Phương thức này
có sức hấp dẫn, dễ lôi cuốn học sinh tham gia vào các hoạt động, đặc biệt đối với học sinh nhỏ tuổi (Dagiene & Stupurience, 2014). Mặc dù, hội thi có thể làm tăng những hành vi cạnh tranh quá mức, nhưng giá trị mà nó mang lại khá lớn, thông qua hoạt động thi đua mà học sinh tích cực tìm hiểu, rèn luyện theo các yêu cầu của hội thi, từ
đó có thể phát triển các phẩm chất và năng lực của bản thân, tiêu biểu như năng lực sáng tạo, hợp tác (Hong, Lin & Lin, 2007), chuyên môn (liên quan đến hội thi) và tinh thần trách nhiệm (Trần Thị Hương & cộng sự, 2017).
* Trò chơi
Trò chơi là cách thức mà nhà giáo dục sử dụng hoạt động vui chơi đã được xác định mục đích, yêu cầu hành động và có tính cạnh tranh, thách thức đối với người tham gia để đạt được các mục tiêu của HĐTN (Phan Trọng Ngọ, 2005; Nguyễn Thúy Hồng & cộng sự, 2018). Theo Đặng Thành Hưng (2002), dựa vào chức năng thì trò chơi giáo dục có thể chia thành 3 nhóm: trò chơi phát triển nhận thức, trò chơi phát triển giá trị, trò chơi phát triển vận động. Trong HĐTN, các trò chơi được sử dụng tập trung vào 2 nhóm trò chơi phát triển nhận thức và phát triển giá trị, có thể tổ chức trong giai đoạn khởi động hoặc khám phá.
c) Phương thức cống hiến
* Hoạt động tình nguyện
Hoạt động tình nguyện là cách thức mà nhà giáo dục tổ chức cho học sinh thực hiện những phần việc mang tính tự nguyện, tự giác và vô vị lợi để giúp đỡ người khác, từ đó góp phần hoàn thiện nhân cách cho học sinh (Nguyễn Thúy Hồng & cộng
sự, 2018; Nguyễn Đắc Thanh & cộng sự, 2020). Trong hoạt động tình nguyện, học sinh thường phải hi sinh thời gian, công sức, tiền bạc như chơi với trẻ, giúp đỡ người lớn tuổi, người khuyết tật, trợ lí cho người khác ở các cơ sở giáo dục, tôn giáo (Hodgkinson & Weitzman, 1990), tham gia bảo vệ môi trường và di sản, tuyên truyền phổ biến pháp luật,…Khi trải nghiệm với những hoạt động tình nguyện, học sinh xuất hiện những cảm xúc tích cực về cuộc sống, con người, phát triển lòng nhân ái, nhận thức vai trò, trách nhiệm của bản thân với cộng đồng… (Nguyễn Thúy Hồng & cộng
sự, 2018). Ngoài ra, các kĩ năng giao tiếp, tạo ảnh hưởng, xây dựng mối quan hệ, lãnh
* Lao động công ích
Lao động công ích là cách thức mà nhà giáo dục tổ chức cho học sinh tham gia đóng góp sức lao động của mình vào các hoạt động bảo vệ, phát triển nhà trường và xã hội (Nguyễn Đắc Thanh & cộng sự, 2020). Các hoạt động lao động công ích có thể sử dụng
để triển khai chương trình HĐTN khá đa dạng, từ vệ sinh, trồng và chăm sóc cây xanh cho trường lớp, xóm làng đến chăm sóc, bảo vệ các công trình công cộng, di tích lịch sử…(Nguyễn Thúy Hồng & cộng sự, 2018). Đây là phương thức thể hiện nguyên tắc giáo dục gắn với cuộc sống và lao động, phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh, hình thành những phẩm chất công dân, người lao động tương lai (Trần Thị Hương & cộng sự, 2017) như chăm chỉ, trách nhiệm, trân trọng các giá trị lao động.
d) Phương thức nghiên cứu
* Dự án nghiên cứu
Dự án nghiên cứu là cách thức mà nhà giáo dục tổ chức cho học sinh tự lực giải quyết những nhiệm vụ có tính chất tìm tòi, nghiên cứu, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, giữa các kinh nghiệm cá nhân với các phương pháp khoa học, có tính định hướng sản phẩm và thường học sinh làm việc theo nhóm (Trần Thị Hương & cộng
sự, 2017; Huỳnh Văn Sơn & cộng sự, 2017). Phương thức này mang lại nhiều ý nghĩa giáo dục cho học sinh, ngoài lĩnh hội sâu sắc các kiến thức (đối tượng mà họ tìm hiểu) thì các năng lực nghiên cứu và cảm xúc xã hội như làm việc nhóm, quản lí thời gian, chia sẻ cũng được nhiều cơ hội phát triển (Almulla, 2020).
* Hội thảo/seminar
Hội thảo/seminar là một phương pháp thường được sử dụng trong dạy học, đặc biệt ở bậc đại học, tuy nhiên, trong chương trình 2018 nó cũng được nhấn mạnh ở HĐTN. Đây là cách thức mà nhà giáo dục tổ chức cho học sinh nghiên cứu các vấn
đề nào đó, từ đó báo cáo, thảo luận và rút ra các bài học (Phan Trọng Ngọ, 2005; Phan Thị Hồng Vinh, 2007). Nhờ quá trình chuẩn bị và thực hiện hội thảo mà học sinh có thể hiểu sâu sắc các vấn đề (HĐTN), phát triển sự hợp tác, tạo bầu không khí học tập sôi nổi (Zeng, Chen, Li & Wang, 2020), học được cách tranh luận, bảo vệ quan điểm trên cơ sở khoa học, phát triển các kĩ năng giao tiếp xã hội, nâng cao tinh thần say mê nghiên cứu…(Phan Thị Hồng Vinh, 2007).
Nhìn chung, phương thức tổ chức HĐTN ở trường phổ thông rất phong phú, đa dạng, từ khám phá, thể nghiệm – tương tác đến cống hiến, nghiên cứu. Không gian
sử dụng các phương thức này, không chỉ giới hạn trong phòng học mà còn hướng đến các di tích, danh lam, thắng cảnh, cơ sở sản xuất.
2.2.4.2. Phương tiện tổ chức hoạt động trải nghiệm
HĐTN là một lĩnh vực đa dạng về nội dung và phương thức tổ chức, do đó phương tiện được sử dụng để triển khai các hoạt động này cũng phong phú, tùy vào từng loại hoạt động mà có những phương tiện phù hợp. Các phương tiện thường được
sử dụng bao gồm: video clip, máy tính, máy chiếu, điện thoại thông minh, phần mềm, câu chuyện, phục trang nhân vật, nhật ký, dụng cụ lao động, bộ lều trại, tranh ảnh, trắc nghiệm…(Bộ Giáo dục & Đào tạo, 2018b).
Bảng 2.3. Phương tiện tổ chức hoạt động trải nghiệm
Phương thức tổ chức Phương tiện phi công nghệ Phương tiện công nghệ
Khám phá Nhật kí, phiếu quan sát, bộ lều
trại, trang phục dã ngoại,…
Điện thoại thông minh, máy chụp hình, loa – đài…
Thể nghiệm – tương tác Câu chuyện, trang phục nhân
vật, tranh ảnh, trắc nghiệm, giấy, bút, màu vẽ, nhật kí, thư mời…
Video clip, máy tính, máy chiếu, loa, điện thoại thông minh, phần mềm (power point, padlet, menti, kahoot…)… Cống hiến Dụng cụ lao động, bảo hộ lao
động, tranh ảnh tuyền thông,… Máy tính, Email,…
Nghiên cứu Giấy, bút, nhật kí, kệ trưng bày,
phòng hội thảo/seminar,… Máy tính, điện thoại thông
minh, máy chiếu, phần mềm (excel, power point)… Khi sử dụng các phương tiện tổ chức HĐTN, nhà giáo dục phải đảm bảo tính mục đích và an toàn cho học sinh. Ngoài ra, để khuyến khích lối sống bền vững và sự sáng tạo ở học sinh, nhà giáo dục cần chú ý sử dụng các vật dụng có thể tái chế, thân thiện với môi trường hay các phương tiện độc đáo, mới lạ.